INAMORI KAZUO
Vượt lên chính mình, tiến về phía trước, cuộc đời chúng ta sẽ thay đổi
Vậy, với những người không làm sao yêu thích được công việc thì phải làm thế nào? Tôi cho rằng, trước tiên hãy cố gắng hết mình, tập trung cao độ để nhìn lại toàn bộ quá trình làm việc cũng như cách sống. Nhận thức đầy đủ về vai trò của lao động và của nỗ lực bản thân trong mọi hoạt động sống, niềm vui sẽ hiện dần ra trong tâm trí bạn.
Có thể nói, sự yêu thích và nỗ lực trong công việc giống như hai mặt của một đồng xu. Mối quan hệ nhân quả này là một vòng tuần hoàn. Vì yêu thích nên sẽ toàn tâm toàn ý. Và đã toàn tâm toàn ý thì sẽ cảm thấy yêu thích. Vì thế, lúc đầu dù có gặp ít nhiều khó khăn vấp váp bạn cũng chớ vội nản. Hãy luôn tự động viên: “Mình đang làm một công việc tuyệt vời”, “Mình may mắn được ban tặng khả năng làm việc để tự nuôi sống bản thân và mang lại niềm vui cho người khác”. Cứ thế, cách nhìn của bạn đối với công việc tự nhiên sẽ thay đổi.
Có thể nói, bất kỳ công việc gì, nếu ta toàn tâm toàn ý sẽ đạt được thành quả tốt đẹp. Từ thành quả đó dần dần sẽ sinh ra niềm vui và sự yêu thích. Và đã cảm thấy yêu thích thì lại càng ham muốn tạo ra thành quả mới. Từ vòng tuần hoàn thuận này, một lúc nào đó bạn chợt nhận ra rằng, mình đã yêu thích công việc tự bao giờ. Như trong phần trước tôi đã kể, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi vào làm việc ở một công ty nhỏ, kinh doanh èo uột đến mức có thể bị phá sản bất cứ lúc nào. Trong tình cảnh đó, các đồng nghiệp của tôi dần dần bỏ đi hết, chỉ còn trơ lại vài người. Do chẳng còn con đường nào khác, tôi đành nghĩ: “Thôi thì mình cứ cố làm tốt những công việc trước mắt”. Thế rồi, thật đáng ngạc nhiên, trong hoàn cảnh ấy tôi lần lượt đạt được những thành quả trong nghiên cứu.
Công việc càng trở nên thú vị và vòng tuần hoàn thuận được tạo ra từ lòng đam mê công việc. Nếu cảm thấy công việc vẫn nhàm chán thì bạn thử cố gắng một chút nữa xem sao. Hãy chấp nhận tình huống xấu nhất, đương đầu với nó. Điều này sẽ tạo tiền đề cho những thay đổi lớn trong tương lai. Có thể nói điều quan trọng nhất vào lúc đó là bạn
phải chiến thắng bản thân, có nghĩa là phải gạt bỏ những suy nghĩ thiển cận, những ham muốn ích kỷ và thói quen dễ dãi với chính mình. Vì nếu không làm chủ được bản thân, khắc phục nhược điểm, phát huy những năng lực vốn có thì chúng ta sẽ chẳng làm được bất cứ việc gì trên đời.
Ví dụ, một người học tập siêng năng đạt được 80 điểm. Ngược lại, một người thông minh, đầu óc nhanh nhạy nhưng không chịu khó cũng đạt được 60 điểm. Anh chàng thông minh nói về người học chăm chỉ như thế này: “Anh ta học như điên được điểm cao là đương nhiên. Còn tôi, chẳng qua chưa muốn học thôi, chứ đã học thì chắc
chắn điểm sẽ cao hơn anh ta”.
Loại người này khi ra làm việc ngoài xã hội thì cũng thường dè bỉu chê bai đồng nghiệp – là những người nhờ nỗ lực không ngừng mà đạt thành quả – rằng: “Anh ta thời sinh viên học hành có ra gì đâu” và hợm hĩnh về năng lực của mình: “Tôi trên anh ta cả mấy cái đầu”. Nếu chỉ xét về năng lực bẩm sinh ở mỗi người thì cũng có thể là như vậy, nhưng xét về phẩm chất thực tiễn trong công việc và nhất là xét theo “phương trình cuộc đời” thì người siêng năng chắc chắn sẽ vượt qua người tự cho mình là giỏi giang.
Người học tập siêng năng là người gạt bỏ mọi ham muốn tầm thường hay những thói quen vô bổ, chiến thắng sự lười biếng và là người sẵn sàng đương đầu với mọi nghịch cảnh. Tương tự như vậy, người thành công trong xã hội cũng khác người thất bại ở chỗ có thể vượt qua những cám dỗ, toàn tâm toàn ý vào công việc. Nhưng trong xã hội cũng có không ít ý kiến chê bai những người như vậy, nhưng đó thực ra chỉ là những kẻ che giấu sự lười biếng của bản thân và thể hiện cách nhìn phiến diện và đố kỵ trước thành công của người khác.
Phẩm chất thực sự của con người bao gồm cả khả năng hy sinh quên mình một cách sáng suốt trong công việc. Dù bạn có năng lực đến mấy nhưng nếu chỉ muốn an nhàn, không vượt qua được bản thân, ngần ngại trước khó khăn, không dám đương đầu với hoàn cảnh thì sẽ bị coi là yếu kém, thiếu năng lực. Năng lực để diễn vở kịch tuyệt vời trên sân khấu cuộc đời, để cuộc đời đạt được thành quả to lớn không đơn thuần chỉ là những nếp nhăn trên não mà là khả năng bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng bắt tay vào công việc một cách nghiêm túc, một cách nhiệt tình và dám đương đầu với mọi trở ngại. Có thể nói đó là kim chỉ nam cho thành công và là nguyên lý, nguyên tắc mà tôi tâm niệm hàng ngày.
Làm việc chăm chỉ, cần mẫn, nghiêm túc. Những từ này nghe có vẻ bình dị nhưng chính sự bình dị đó ẩn chứa chân lý cuộc sống.