SEAN COVEY
Trích: “7 Thói Quen Của Bạn Trẻ Thành Đạt” - The 7 Habits Of Highly Effective Teens
Tác giả: Sean Covey
Biên dịch: Vũ Thị Thu Nhi – Nguyễn Thành Nhân
Nhà Xuất Bản Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, 2018
Gieo suy nghĩ, gặt hành động
Gieo hành động, gặt thói quen
Gieo thói quen, gặt tính cách
Gieo tính cách, gặt số phận
—???—
“Những giá trị và nguyên tắc sống mà Sean đưa ra trong cuốn sách này rất cần thiết cho sự trưởng thành và trải nghiệm của giới trẻ ngày nay. Bạn càng sớm xây dựng những thói quen tốt thì bạn càng sớm thành đạt. Chính những ý tưởng trong cuốn sách này sẽ giúp bạn làm điều đó.”
__ Mick Shannon, Giám đốc điều hành Children’s Miracle Network.
“Cách tốt nhất để biến ước mơ thành hiện thực là có được những thói quen đúng đắn ngay từ thời niên thiếu. “7 thói quen của bạn trẻ thành đạt” giúp mọi người hiểu được rằng chính những thói quen, suy nghĩ và tầm nhìn là nền tảng chủ yếu tạo nên thành công cho dù quá khứ hay hiện tại của bạn có thế nào đi chăng nữa.”
__ Stedman Graham, Tác giả cuốn “You can make it Happen”
— ??? —
VƯỢT QUA ÁP LỰC
Một trong những khó khăn lớn nhất là phải đối diện với áp lực của bạn bè. Để nói “Không” khi tất cả bạn của mình nói “Có”, bạn sẽ phải rất can đảm lắm. Tuy nhiên, đứng vững trước áp lực này, bạn đã gởi một khoản lớn vào tài khoản cá nhân của bạn rồi đấy.
Đôi khi áp lực cũng có thể quá lớn nên chỉ có cách chống trả duy nhất là thoát khỏi môi trường đó. Như trong trường hợp bạn dính líu đến một băng đảng xã hội đen, một đám bạn nghiện ngập, … Để vượt qua được những áp lực này, điều bạn cần quan tâm nhiều là trong lòng bạn muốn gì, bạn tự nghĩ về mình như thế nào. Tại sao áp lực bạn bè lại nặng nề đến như vậy? Bởi vì bạn muốn phụ thuộc nó? Bạn muốn học đòi những phong cách quái đản của một băng nhóm? Muốn hút chích cho không “thua” bạn bè?
Không phải tất cả những áp lực của bạn bè là xấu cả, phần lớn áp lực bạn bè là điều tốt, nếu bạn có thể tìm ra một người bạn mà có ảnh hưởng tích cực đến bạn thì cứ tiếp tục chơi với người đó. Bạn có thể sẽ học được nhiều điều hay.
Nếu bạn thấy chính mình muốn độc lập, nhưng vẫn bị bạn bè lôi kéo thì bạn nên chú ý xây dựng lòng tự tin và lòng tự trọng trong tài khoản cá nhân của bạn. Nếu sự tự tin và lòng tự trọng của bạn thấp thì làm sao có thể chống cự lại sự lôi kéo? Do đó nên tạo một “tài khoản cá nhân” của riêng bạn, giữ lời hứa với bản thân, giúp đỡ người khác, phát huy năng khiếu bản thân, tự mài giũa bản thân. Tự nhiên bạn sẽ có được nội lực để tìm ra lối đi của riêng mình thay vì theo đuôi người khác. Hai là hãy viết ra những nhiệm vụ và mục tiêu của bạn, nếu bạn chưa tìm được chân giá trị của mình thì làm sao có thể phát huy nó được? Bạn sẽ dễ nói “Không” hơn nếu bạn biết rõ mình nói “Có” vì mục tiêu nào. Ví dụ như bạn sẽ dễ dàng nói “Không” khi ai đó rủ trốn học, vì bạn có mục đích lớn là học tiếp lên đại học.
CÔNG THỨC CHUNG CỦA THÀNH CÔNG
Biết ưu tiên việc gì trước làm trước sẽ tạo cho bạn tính kỷ luật. Kỷ luật để quản lý thời gian, kỷ luật để vượt qua nỗi sợ hãi, kỷ luật để trở nên mạnh mẽ trong những tình huống khó khăn và chống lại áp lực của cuộc sống. Albert E. Gray đã bỏ nhiều năm nghiên cứu trên những người thành đạt để tìm ra những nhân tố quyết định sự thành công của họ. Bạn nghĩ xem ông đã khám phá ra điều gì?
Hẳn nhiên không phải cứ ăn mặc đẹp thì thành công, hay ăn uống đầy đủ hoặc có một thái độ, tinh thần lạc quan thì thành công, thay vào đó, những điều ông đã tìm ra là:
“Tất cả những người thành công đều có thói quen làm những việc mà những người thất bại không thích làm. Đúng là họ không thích làm, mà cũng không ai bắt họ làm, nhưng ở đây, sự không thích làm chỉ là phụ so với sức mạnh của mục đích mà họ đặt ra.”
Vậy là sao? Nghĩa là những người thành công sẵn sàng rút kinh nghiệm và làm những điều mà họ không thích làm. Tại sao họ phải làm như vậy, bởi vì họ biết rõ những điều đó sẽ dẫn họ đến mục đích của họ.
Nói cách khác, đôi khi bạn phải sử dụng ý chí để làm một việc gì đó cho dù bạn có thích hay không. Bạn có nghĩ là một nghệ sĩ piano luôn thích luyện tập hàng giờ mỗi ngày? Một người vừa đi học, vừa đi làm có thích đi làm thêm không? Có một câu chuyện về một vận động viên, khi được hỏi: “Ngày đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của anh là gì?”, câu trả lời của anh là: “Một ngày mà không phải tập tành gì cả.”. Anh ấy ghét luyện tập, nhưng vẫn sẵn lòng chấp nhận nó vì một mục đích lớn hơn.