XEM XÉT TÂM TRÍ
Trích: Một cuộc sống trí huệ; Thiện Quang dịch; NXB. Hồng Đức, 2017.
Chúng ta sẽ nhìn thấy được rất nhiều điều một khi mở mắt. Ví dụ như, khi đứng trước gương, ta sẽ nhìn thấy được khuôn mặt mình phản chiếu trong đó. Và rồi ta nghĩ, “Đây chính là hình ảnh khuôn mặt mình, một hình ảnh phản chiếu khuôn mặt chính mình trong gương”. Tuy nhiên, đây là một sự hiểu lầm, vì khuôn mặt mà ta nhìn thấy chỉ là một cái bóng trong tâm trí. Chiếc gương, cũng như khuôn mặt xuất hiện trong gương, chẳng có gì khác hơn là những hình ảnh mà tâm trí ta đã vẽ ra trên tấm bảng trắng được gọi là “tâm trí mình”. Khuôn mặt trong gương chỉ là một ví dụ. Tất cả mọi điều mà ta nhận biết đều là một hình ảnh được tạo ra bởi tâm trí, một hình ảnh được vẽ ra trong tâm trí.
Việc vẽ trên tấm bảng trắng tâm trí đã diễn ra như thế nào? Khi ta đứng trước gương, khuôn mặt của ta sẽ phản chiếu trong đó. Hình ảnh khuôn mặt ta sẽ xuất hiện, không có sự phụ thuộc vào ý chí của chính chúng ta. Nó sẽ được phản chiếu ở đó, ngay cả khi ta không muốn. Ý chí của ta không có can hệ gì. Nhưng có một sức mạnh lớn lao khác đang tác động, một sức mạnh vượt hơn cả ý chí con người. Sức mạnh lớn lao này là lực duyên khởi (pratitya-samutpdda). Tôi sẽ giải thích điều này chi tiết hơn theo triết học Phật giáo được gọi là duy thức (vijilaptimatra), hay duy tâm (cittamatra); việc đứng trước gương sẽ hoạt hoá sức mạnh duyên khởi, và từ những hạt giống hiện hữu sâu thẳm trong tạng thức (a lại da thức – alaya- vijilana) một cảm giác được gọi là thị kiến đâm chồi. Đó chính là cách hình ảnh phản chiếu trong gương được vẽ trong tâm trí.
Điều cần thiết để vẽ nên hình ảnh “khuôn mặt phản chiếu của mình” trên tấm bảng trắng của tâm trí, là những tác động được tổng hợp từ ba nhân tố chính: cảm giác, cảm xúc và ngôn ngữ. Mặc dầu chúng ta có thể tán đồng các ý niệm như được mô tả ở trên về “một con người đơn độc, một thế giới đơn độc” nhưng con người không thể thoát khỏi trí tưởng tượng của chính mình. Mặt khác, chúng ta cũng biết rằng có đôi chút biến thiên cá nhân trong việc cảm nhận. Tất cả các hình dạng khác nhau của suy nghĩ được hiện ra dựa vào những gì ta gìn giữ trong các địa tầng sâu thẳm của tâm trí.
Vấn đề ở đây là, cảm xúc và suy nghĩ sẽ tạo ra màu sắc cho dữ liệu thô trong các giác quan. Điều này đặc biệt đúng đối với các cảm xúc giận dữ, ham muốn, và những cảm xúc đối kháng khác. Một cảm xúc căm ghét mà chúng ta cảm nhận được ngay khi gặp một người nào đó mình không thích, hay là nỗi khát khao cháy bỏng khi nhìn thấy một thứ mà mình yêu thích, đều được áp đặt lên dữ liệu thô của các giác quan.
Vào thời điểm tự nhủ “Đây là X”, chúng ta đã hoàn thành được hình ảnh trong tâm trí mình bằng cách gọi tên nó. Chúng ta hiểu rõ sự vật bằng cách nhận diện.
Các nhà duy thức cũng đã quan sát những kiểu hoạt động tinh thần phức tạp này, và đưa ra kết luận dựa trên quan sát rằng tâm thức là một tổng thể bao gồm tám loại:
- Năm loại ý thức giác quan (nghe, nhìn, ngửi, nếm, và chạm).
- Ý thức trí năng.
- Ý thức phiền não hay là ý thức bản ngã (sự gắn bó của tâm trí đang hoạt động tiềm tàng ở một lớp sâu hơn).
- Ý thức tàng trữ (a lại da thức; tâm thức “cơ bản” hay “nguồn gốc”).
Năm loại ý thức giác quan được kết hợp nhằm phác hoạ nhận thức về thế giới. Ý thức trí năng bổ sung vào chiều kích nhận thức, thêm những cái tên để điền vào hình ảnh, cho phép chúng ta nhận biết được các dữ liệu khác nhau. Ý thức phiền não nằm bên dưới ý thức trí năng và bổ sung thêm màu sắc cho trải nghiệm, bằng cách chia cắt người cảm nhận khỏi sự vật được cảm nhận và đặt các “sự vật” được cảm nhận khác nhau vào trong mối liên hệ với cái tôi. Bằng sự kích hoạt ý thức, nhiều “màu sắc” hơn sẽ được thêm vào bản minh hoạ trí năng về “sự vật”. Tất cả những lớp tâm thức này được nổi lên từ tạng thức, vốn là tâm thức cơ bản hay là tâm thức nguồn gốc.
Nếu như ổn định tâm trí và giới hạn sự chú ý của mình, giữ cho tâm trí được tập trung, chúng ta có thể lặng lẽ quan sát tiến trình mà các hoạt động của tâm trí sẽ vẽ ra, và tạo màu sắc cho những “sự vật” khác nhau trong nhận thức. Bằng cách xem xét các loại quan sát hướng nội, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn những nguyên lý Duy thức.
Trong suốt cuộc đời, chúng ta có hai kiểu thế giới trải nghiệm: trải nghiệm thế giới thức tỉnh và trải nghiệm thế giới của những giấc mơ. Giả sử bạn vừa thức tỉnh sau một giấc mơ và trở về thế giới thực tại”, một khi thức tỉnh từ giấc mơ và suy nghĩ về giấc mơ, chúng ta sẽ nói “Ồ, đó chỉ là một giấc mơ. Đó không phải là “thực tại”. Tuy nhiên, việc suy nghĩ như vậy có đúng không? Sự khác biệt giữa thế giới được trải nghiệm trong những giấc mơ, và thế giới được trải nghiệm trong cuộc sống thức tỉnh là gì? Phải chăng thế giới mà tôi đang nhìn thấy bằng đôi mắt, lắng nghe bằng đôi tai và suy tư bằng tâm trí, cũng là thế giới của những giấc mơ nếu xét theo cách thức tâm trí trải nghiệm?
Chúng ta đều đã nhận biết cả hai thế giới này trong trải nghiệm thức tỉnh và trải nghiệm giấc mơ, thường cho rằng chỉ có hai thế giới này và dường như không thể xác định được thế giới nào là thực hơn thế giới nào. Thế giới mà ta cho là thực tại chắc hẳn cũng có cùng một kiểu phẩm chất như giấc mơ vì nó cũng được tạo ra bởi tâm trí.
Tôi thường xem tâm trí mình như một tấm gương trong suốt, qua đó thế giới bên ngoài sẽ được phản chiếu đúng như nó hiện hữu. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn sai lầm. Mọi việc chúng ta trải nghiệm – cho dù là những hình dạng, màu sắc, hay ý niệm cũng chỉ là những cái bóng được đúc kết và kiến tạo bởi tâm trí. Thế giới tôi nhận biết chính là bức vẽ mà tôi thực hiện bằng những chất liệu sẵn có trong tâm trí. Thế giới không hiện hữu một cách chính xác như tôi nhận thức, mà thế giới chỉ hiện hữu với tôi, như là một ảo ảnh, một giấc mơ.
Samurai Oda Nobunaga đã hát “Khi nghĩ về mấy mươi năm được ban tặng để sống trên trái đất này, tôi nhận thấy tất cả như một giấc mơ đang dần trôi qua. Liệu có người nào đó, vào một ngày nào đó không giã biệt cõi đời?” Cũng như Toyotomi Hideyoshi đã viết trước lúc lâm chung:
Có phải thân tôi cũng như giọt sương mù đang tan biến?
Cũng như tất cả những sự việc khác, chỉ là một giấc mơ bởi những giấc mơ.
Chúng ta không nên chỉ suy nghĩ theo cách như vậy khi đối diện với cái chết cận kề, mà phải nhìn thấy được sự thật ấy ngay tại đây và ngay lúc này, giữa cuộc sống thường ngày của mình. Điều quan trọng chính là nhận thức rằng, mọi việc chúng ta trải nghiệm như là có thật trong thực tại chỉ là sự tưởng tượng – ở đây và ngay lúc này – ở giữa cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Một khi nhận thức được tất cả mọi việc đều chỉ là một giấc mơ, một ảo ảnh, không có bất cứ thực chất nào, không có bất kỳ sự vật bất biến và trường cửu nào, chúng ta sẽ có được khả năng chấm dứt sự gắn bó của mình với sự vật. Cũng có một số người, bất chấp việc nhận thức những gì họ bám víu chỉ như một giấc mơ, vẫn mong muốn được tỉnh dậy sau giấc mơ kỳ diệu.
Trong những lần thuyết giảng, khi tôi nói: “Tất cả mọi thứ chỉ như một giấc mơ”, chắc chắn sẽ có một vài sinh viên gặp tôi sau giờ học để than rằng, việc nghĩ cuộc sống này chỉ như một giấc mơ là điều thật lạ lùng. Để đáp lại, tôi hỏi họ “Một khi bạn xem xét và không nhớ được chúng ta đã đến đây như thế nào, cuộc sống này bắt đầu từ khi nào, phải chăng bạn không nhận biết được tất cả những điều ấy, cũng như các trải nghiệm trong giấc mơ?” Nếu như họ dừng lại và xem xét, sau cùng họ sẽ thừa nhận sự thật. Điều lớn lao của con người là chúng ta được thiên nhiên ban tặng khả năng nhận thức. Đó chính là khả năng bẩm sinh nhận biết chân lý trong thực tại.
Tất cả mọi việc chúng ta trải nghiệm chỉ là những khái niệm trong tâm trí – chẳng có gì khác. Để thật sự nhận thức mọi việc như giấc mơ, chúng ta cần phải trở thành một vị Phật. Trong tiếng Sanskrit, buddha (Phật) là dạng quá khứ phân từ của động từ budh, có nghĩa “thức tỉnh”. Điều này nhằm để chỉ một người thức tỉnh, như là một sinh linh giác ngộ. Sau cùng, nếu thức tỉnh từ một đêm dài lan man mơ mộng, ta sẽ nhận thức được đó chính là những giấc mơ, bằng cách thấu hiểu tính toàn vẹn của thế giới. Ý thức thức tỉnh của ta sẽ chiếm lấy toàn bộ thế giới giấc mơ. Thuật ngữ Phật giáo này kêu gọi chúng ta thức tỉnh ngay khi có thể, nhằm thoát khỏi những phiền muộn từ một giấc mơ trong đêm dài.
Trên thực tế, tâm trí chúng ta là một lãnh thổ rộng lớn, tuy nhiên chúng ta chỉ nhận thức được một phần nhỏ bé của nó, cũng như chúng ta chỉ nhìn thấy phần nổi của tảng băng chìm. Lưu lượng các trải nghiệm kể từ khi chúng ta chào đời cho đến giây phút này dường như vô tận và không thể nhớ hết được. Chúng ta đã lưu trữ mọi thông tin, một tổng thể lúc nào cũng được thổi phồng trong ký ức. Một khi thức dậy, thế giới cái tôi sẽ ngay lập tức tan vỡ vào trải nghiệm. Sức mạnh từ ảnh hưởng của nó sẽ tác động đến mọi trải nghiệm. Tâm trí chúng ta có được khả năng khám phá thế giới vô tận này như thế nào?
Nhân loại đã phát hiện ra vô số sự kiện mới mẻ và đã luôn thu thập được các kiến thức mới, phát triển những công nghệ mới. Chúng ta cũng đã giải mã được gene di truyền của chính mình. Chúng ta đã xây dựng được trạm không gian, và một ngày nào đó, con người sẽ có khả năng du hành qua không gian để sống trên mặt trăng hay là trên sao Hoả. Tiềm năng để hiện thực hoá vô số sự kiện mới mẻ ấy là gì?
Chúng ta vốn chỉ là những con người bình thường sống trong một thế giới ảo ảnh. Đức Phật cũng vậy, Ngài chỉ là một con người bình thường như chúng ta, tuy nhiên do tu tập, Ngài đã trở thành Phật, một sinh linh giác ngộ. Tuy nhiên, nói chính xác hơn, việc tu tập chỉ là một điều kiện (duyên – pratyaya) cho sự giác ngộ của Ngài. Nhân (hetu) để trở thành Phật vốn đã hiện hữu ở một trạng thái tiềm ẩn bên trong Ngài. Đây cũng là những gì đã hiện hữu trong tâm trí chúng ta. Vậy, tiềm năng nào để tạo nên hành động kỳ diệu này, để trở thành một sinh linh giác ngộ? Triết học Duy thức cho rằng, tất cả sức mạnh ấy vẫn ngủ yên, cũng như những hạt giống trong sâu thẳm tâm trí, được gọi là tạng thức. Sự hiện hữu của tạng thức không chỉ là một giả thuyết logic đơn thuần. Nó đã được phát hiện bởi những người luyện tập yoga, những người thông qua việc luyện tập yoga đã giữ cho tâm trí tĩnh lặng để đi sâu hơn. Chúng ta hãy tìm hiểu thêm đôi chút về tạng thức.
“Tất cả mọi sự vật” đều có các thuộc tính khác nhau. Ví dụ như, một quả táo có thuộc tính hình tròn và màu đỏ. Mặc dầu nhận biết được những thuộc tính này trong quả táo, tôi có thể nói rằng, tất cả những thuộc tính này đều đang hiện hữu ở thế giới bên ngoài hay không? Hay là các thuộc tính “hình dạng” và “màu sắc” chỉ hiện hữu bên trong tâm trí nhận thức của tôi? John Locke, một triết gia theo chủ nghĩa kinh nghiệm đã phân chia các phẩm chất thành chủ yếu và thứ yếu. Ông nhấn mạnh rằng, tất cả các phẩm chất chủ yếu đều nhất thiết hiện hữu trong các vật thể ở thế giới bên ngoài và nếu như không có những phẩm chất này, chúng ta sẽ không thể hình dung được chút nào về hiện hữu của các sự vật. Các phẩm chất chủ yếu được ông nêu ra là quảng tính (extension), tính không thể xuyên thấu, chuyển động và tĩnh tại, hình thể và số lượng. Các phẩm chất thứ yếu là những tính chất như màu sắc, âm thanh, mùi vị mà các giác quan của ta cảm nhận được.
Vào thế kỷ thứ ba, đã có một cuộc tranh luận giữa các học giả Phật giáo tại Ấn Độ, về việc các thuộc tính có phải là một phần của chính các sự vật hay chúng chỉ tồn tại bên trong tâm trí chúng ta.
Thuyết Duy thức ủng hộ quan điểm cho rằng, tất cả mọi thứ bao gồm các thuộc tính chỉ tồn tại trong tâm trí, và là sản phẩm của tạng thức.
Giả thuyết của George Berkeley, triết gia người Anh vào thế kỷ mười tám, dường như tương tự với thuyết Duy thức. Berkeley đã đề xuất thuyết duy tâm chủ quan, đối lập với Locke, cho rằng những điều như vậy không hiện hữu ở thế giới bên ngoài. Tất cả những gì hiện hữu, ông khẳng định, chính là “tinh thần” (hay là những đối tượng của ý thức) và “những ý tưởng” trong tâm trí. Điểm khác biệt của Berkeley với các triết gia Duy thức, là ông thừa nhận sự hiện hữu của Thượng đế. Một trong những vấn đề về chủ nghĩa duy tâm là, nếu như tất cả mọi thứ chỉ là những ý tưởng trong tâm trí thì khó có thể giải thích được sự hiện hữu một cách liên tục của các sự vật một khi chúng ta không cảm nhận được chúng một cách tích cực. Để đáp lại sự phản bác, Berkeley giả định rằng, ngay cả khi chúng ta không cảm nhận được thiên nhiên, ý tưởng về thiên nhiên vẫn hiện hữu bên trong tâm trí của Thượng đế.
Thuyết Duy thức, vốn không công nhận một Thượng đế siêu việt, tiếp cận vấn đề này như thế nào? Thuyết Duy thức nhấn mạnh rằng, tạng thức vừa tạo ra tự nhiên vừa nhận biết tự nhiên được tạo ra. Bên trong tư tưởng này có hai dạng tự nhiên: tự nhiên được nắm bắt bởi các giác quan thể chất, tự nhiên là đối tượng của tạng thức và được nhận thức bên trong tâm trí bởi tạng thức.
Hơn nữa, tạng thức không chỉ tạo ra và nhận thức tự nhiên, mà tạng thức chính là tâm thức nền tảng hay tâm thức nguyên thuỷ qua đó khởi nguồn mọi sự vật, từ cơ thể chúng ta tới, các sự vật trong cuộc sống hàng ngày xung quanh ta, và cả thế giới tinh thần của chúng ta nữa.
Vì tất cả hiện hữu được tạo ra từ tạng thức, cũng được biết đến như “tâm thức hàm chứa mọi chủng tử” (sarva-bijakarn-vijianarn). Để chia sẻ và giải thích một cách chi tiết hơn, tôi sẽ liệt kê tóm tắt ra đây công việc của “tâm thức hàm chứa mọi chủng tử”.
- Lưu giữ các kết quả nghiệp lực trong quá khứ.
- Ban tặng tất cả hiện hữu trong hiện tại và tương lai.
- Tạo sinh và duy trì thân xác.
- Liên tục tạo sinh và nhận thức thế giới tự nhiên.
- Trở thành chủ thể của luân hồi (samsara).
Trong các chương tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét một cách chi tiết hơn những điểm trên.