Ý NGHĨA CỦA MỘT NGÓN TAY

DAININ KATAGIRI

Trích: Trở Về Yên Lặng; Tác giả: Daini Katagiri; Dịch: Thái An; NXB Hồng Đức

Nếu muốn biết cuộc sống, phải đồng thời biết cái chết. Nếu cố gắng chỉ biết cuộc sống mà phớt lờ cái chết, cuộc sống sẽ trở nên rất khô khan. Bạn phải tìm hiểu cả cuộc sống và cái chết. Đây chính là Phật đạo.

Đức Phật trong tiếng Phạn được gọi là tathagata, “Như Lai”. Như Lai nghĩa là “như đi, như đến”. Trong Phật giáo, chúng ta nói “không đi, không đến”. Phật không phải một đấng thiêng liêng nào đó, một người kiểm soát cuộc đời bạn hoặc cho bạn quyền năng tâm linh. Phật là cứ đi, cứ đến.

“Như Lai” là một thuật ngữ tuyệt vời dùng để diễn đạt chân lý. Khi bạn muốn diễn đạt toàn bộ chức năng của một thứ, giả dụ một con cá khi nó bơi trong nước, chức năng của con cá hoàn toàn là một với chức năng của nước. Tuy nhiên, ý thức luôn thấy con cá tách rời khỏi nước. Vì lẽ đó, bạn không thấy được toàn bộ chức năng của thực thể “con cá trở thành một với nước”. Nhưng con cá thực sự là không-phân-biệt-với nước. Chúng là một, nhưng chúng không phải là một vì chúng là hai, nhưng chúng không phải là hai. Chúng thực sự đang hoạt động cùng nhau, nên chúng ta có thể nói “Như một con cá”. “Như một con cá” nghĩa là không hẳn là một con cá. Nếu vậy nó là nước sao? Không, nó không phải là nước, nó là một con cá, nhưng nó không phải là một con cá. Chỉ là cái một. Nó được gọi là “như đi, như đến”.

Cuộc sống và cái chết nghĩa là “như đi, như đến”. Khi sắp chết, bạn có nói được mình đang đi đâu không? Chúng ta không biết mình đang đi đâu. Nhưng chỉ vì bạn không biết mình đang đi đâu không có nghĩa là bạn không đi. Vậy hãy ở đây, lúc này. Đây là Như Lai, cứ đi, cứ đến.

Nếu bạn ở bên một người sắp chết, dù có thích hay không, hãy hiện hữu với người ấy. Đây thực sự là một lời dạy lớn vì hoàn toàn không có gì để nói, không có gì để buông bỏ, không có gì để nắm bắt. Mặt khác, nếu hoàn toàn không có gì để làm, bạn có thể không làm gì không? Không, bạn không thể. Ngay giữa con đường khi không có gì để làm, để nói, để nắm bắt, để buông bỏ, bạn phải làm một điều gì đó, liên tục. Khi bữa sáng đến, hãy ăn sáng. Khi muốn uống nước, hãy uống nước. Dù thức dậy buổi sáng hay chỉ nằm trên giường, bạn vẫn đang liên tục làm một điều gì đó. Đây là cứ đi, cứ đến.

Thiền sư Gutei luôn giơ một ngón tay khi trả lời mọi câu hỏi. Giơ một ngón tay tức là cảnh giới Phật. Trong cảnh giới Phật, có hai điều bạn phải học. Một là, hoàn toàn không có gì để nói. Nếu bạn nói “sống”, cuộc sống choán đầy cả thế gian. Nếu nói “chết”, cái chết choán đầy cả thế gian; bạn phải chết với cả thế gian. Không có gì để nói, nhưng bạn phải có mặt ở đó, bạn phải hành động ở đó. Mặt khác, bạn phải biết không đi, không đến. Đây thực sự là cái một, được gọi là “chết”, cũng được gọi là “sống”. Nếu hiểu cuộc sống này, cái chết này, bạn được gọi là Phật.

Hãy nhìn vào tình huống này từ góc độ cảm xúc của con người. Cuộc sống con người, vốn chứa đựng đau khổ, lại chẳng có gì để nói, chẳng có gì để nắm bắt, chẳng có gì để buông bỏ. Thật bối rối. Bạn không thể đứng dậy ở đó, nhưng bạn cũng không thể trốn tránh. Ở giữa đau khổ, bạn phải liên tục làm điều gì đó, ngày này qua ngày khác. Bạn phải thức dậy vào buổi sáng đến nơi làm việc, học hành, quan tâm đến cuộc sống của mình. Đây là toàn bộ bức tranh về cuộc sống con người, được gọi là “một ngón tay”.

Chúng ta cúng dường hoa đẹp cho Phật, nhưng hoa không phải lúc nào cũng lớn lên trong một khu vườn đẹp. Có thể chúng là hoa của cây cỏ bên vệ đường ở vùng nông thôn. Không ai chú ý tới chúng vì chúng được coi là xấu. Nhưng hãy nhìn vào một bông được coi là xấu ấy, bạn sẽ thấy nó thật là đẹp. Nếu chúng ta chăm sóc bông hoa này, đặt nó vào một chỗ nhất định, chúng ta có thể thấy nó thực sự đẹp. Vì vậy, từ nay khi bạn đi bộ trên đường, hãy chú ý như một vị Phật ngay cả tới những cây cỏ ven đường. Dù bạn không chú ý tới chúng khi chúng mọc bên lề đường, chúng thực sự đang giúp cuộc đời bạn theo nhiều cách.

Tại sao bông hoa này đẹp? Vì sớm hay muộn cũng tàn. Dù nó ở đâu, bên vệ đường hay đang giúp cho cuộc đời bạn ở đây, nó cũng đang tàn. Chúng ta không biết khi nào cuộc sống sẽ tan rã. Nên nhớ điều này. Khi nghĩ tới cuộc sống, chúng ta đồng thời nên biết rằng cuộc sống đang phai tàn. Lúc còn trẻ, bạn cảm thấy mình đẹp đẽ và căng tràn sức sống. Điều này đúng, nhưng bạn nên nhớ lại tuổi trẻ là gì, sắc đẹp là gì. Bạn không thể hiểu sắc đẹp chỉ đơn thuần dựa vào khái niệm đẹp và xấu. Bạn phải hiểu nó cả ở phương diện sinh và tử, vì sắc đẹp, giống như cuộc đời, cũng đang phai tàn.

Đây là một tình huống nguy hiểm. Nếu nhìn vào thế giới loài người, chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra. Bông hoa này bây giờ đẹp vì nó đang phai tàn. Nhưng chúng ta không biết khi nào nó sẽ đi mất. Cuộc sống lúc nào cũng đang diễn tiến trong một tình huống nguy hiểm. Tuy vậy, bông hoa vẫn phải tìm ra cuộc sống của riêng nó. Đây chính là vẻ đẹp.

Chúng ta không thể tuyệt vọng; chúng ta không thể lo âu; chúng ta không thể sợ hãi, nhưng phải sống ngay giữa những tình huống tuyệt vọng, và bằng nỗ lực tốt nhất của mình, phải để sức sống bừng nở. Lúc ấy, bông hoa trở nên đẹp. Vì thế một bông hoa thuộc loài nào đi nữa cũng đẹp. Từng khoảnh khắc, nó phai tàn. Điều này thật đau lòng với con người. Khó mà bình thản trong tình huống này. Nhưng dù không thể đứng dậy ở đó, chúng ta cũng không thể tuyệt vọng, bởi lẽ không có ngoại lệ. Hãy nhìn vào bản thân. Từng khoảnh khắc, bạn đang phai tàn, bạn đang tiến về phía nấm mồ. Có lẽ bạn không chấp nhận điều này, nhưng nó thật đúng, và đây là lý do cuộc sống đẹp đẽ. Chúng ta phải hiểu vẻ đẹp của cuộc sống bằng cách hiểu tình huống. Sẽ không thể hiểu cuộc sống của mình nếu không nghĩ tới sự phai tàn. Lúc ấy, chúng ta mới thực sự để bông hoa đời sống của mình bừng nở.

Chúng ta phải sống ngay giữa những tình huống nguy hiểm. Sống như vậy, cuộc sống trở nên rất đẹp Đó là cây cỏ tạo nên bông hoa. Chúng ta chấp nhận cây cỏ dựa vào cảm giác của mình, nhưng cây cỏ tự nó lúc nào cũng chấp nhận chân lý: cuộc sống là cuộc sống, một ngón tay, không có ngoại lệ. Dù bông hoa bừng nở ở đâu cũng không có gì để lo âu, không có gì để thất vọng. Cuộc sống là cuộc sống.

Cây cỏ không thể dừng sống cuộc sống của nó. Dù mọc ở đâu, nó cũng phải sống bằng nỗ lực tốt nhất. Lúc đó, nó nở hoa. Vậy nên khi chúng ta đặt bông hoa ấy ở một chỗ, nó đẹp; khi ở một chỗ khác, nó lại xấu. Khi chúng ta nhìn nó với những cảm giác xấu, nó trở nên xấu. Chúng ta không quan tâm đến sự hiện diện của cây cỏ. Nhưng dù điều gì xảy ra, cây cỏ cũng biểu thị trọn vẹn cuộc sống của nó. Cuộc sống ấy có hai điều không có gì để lo âu và thất vọng, nhưng ngay giữa chỗ không có gì để lo âu và thất vọng, nó phải chăm sóc tốt nhất cho cuộc đời nó. Đây là cứ đi, cứ đến, như đi, như đến, cũng là không đi, không đến.

Ở Nhật có tập quán làm những cái bát sơn mài và bát sứ. Nhưng gần đây, người ta làm nhiều bát nhựa. Bát nhựa trông giống như bát sơn mài làm bằng gỗ, nhưng khi rơi xuống đất nó không vỡ. Vì vậy bạn có thể sử dụng trong thời gian dài. Khi bạn đánh rơi một cái bát gỗ hoặc bát sứ, nó vỡ, vậy theo lẽ thường, bạn sẽ chọn cái nào? Bạn muốn một cái bát sứ, tốn nhiều tiền và dễ vỡ, hay một cái bát nhựa rẻ tiền và không bao giờ vỡ? Dù bát nhựa rẻ tiền và không vỡ, người ta vẫn muốn bát sứ dễ vỡ và đắt tiền. Bát sứ đẹp vì sớm hay muộn nó sẽ vỡ. Nếu bạn sơ sẩy, nếu không để ý kỹ đến cái bát sứ, nó có thể vỡ bất kỳ lúc nào; hoặc nó có thể tồn tại lâu nếu bạn chú ý kỹ và quan tâm đến nó. Cuộc sống của cái bát luôn tồn tại trong một tình huống nguy hiểm.

Điều tương tự cũng đúng với đời sống con người. Thông thường, khi cuộc sống bận rộn, bạn chỉ nghĩ tới cuộc sống. Không có đủ thời gian nghĩ tới cái chết, và bên cạnh đó, bạn không muốn nghĩ tới cái chết vì mình vẫn còn trẻ. Nhưng nếu đúng như vậy, cuộc sống của bạn trở nên rất tham lam, giống như một con ma đói. Nếu bạn trở nên tham lam, muốn có thật nhiều những thứ vật chất bởi lẽ bạn muốn hạnh phúc và khoẻ mạnh, điều đó không sao. Nhưng hạnh phúc đích thực là gì? Sức khoẻ đích thực là gì? Sống và loại trừ cái chết có phải là hạnh phúc đích thực không? Sớm hay muộn, ai cũng phải chết. Tất cả mọi người, không loại trừ ai, sẽ trở nên bất hạnh vì phải chết. Và khi chết, bạn không khoẻ mạnh. Khi chết, bạn hoàn toàn ở đáy của sự bất hạnh và ốm yếu. Cái chết là như vậy. Nếu bạn hy vọng tiếp tục sống và tiếp tục hạnh phúc bằng cách phớt lờ cái chết, cũng không sao, nhưng bạn sẽ không có khả năng duy trì như vậy lâu, vì từng khoảnh khắc, cuộc sống đang phai tàn, hạnh phúc đang phai tàn. Sớm hay muộn bạn sẽ phải chết. Tuy nhiên, ngay giữa tình huống này, chúng ta phải liên tục tươi mới lại. Đây là lời dạy của Thiền. Cuộc sống của bạn phải tươi mới lại dù bạn trẻ hay già. Việc bạn nói mình “trẻ” hay “già” chỉ là nhất thời. Chúng ta phải một lần nữa nhìn cuộc sống con người từ các chiều sâu, từ một góc độ khác. Bạn phải liên tục tươi mới lại ngay giữa bệnh tật, khổ nhọc hay tuyệt vọng, vì đây là cuộc sống.

Không có sự bào chữa trong cuộc sống hàng ngày. Hôm nay bạn thích cuộc sống của mình, sáng hôm sau bạn lại không thích. Nhưng bạn nói gì đi nữa cũng sai lạc. Cuối cùng, tất cả những gì bạn phải làm chỉ là sống. Điều này khó và chán ngắt, bởi lẽ ngày này qua ngày khác, bạn phải làm thứ gì đó trong tình huống mà bạn cảm thấy như mình chẳng thể nhúc nhích lấy một chút. Bạn phải thức dậy vào buổi sáng khi đến lúc thức dậy, phải rửa mặt khi đến lúc rửa mặt, phải ăn sáng dù không thích, phải đi làm và chăm sóc cuộc sống của mình. Đó là cuộc sống đang tươi mới của bạn. Đó là câu trả lời của thiền sư Gutei, luôn đưa ra một ngón tay mỗi khi có câu hỏi.

Khi Gutei đang tu tập trong lòng núi, một nữ tu Phật giáo đến căn lều của ông. Bà nói: “Hãy nói cho tôi một lời chân lý”. Nhưng ngài chẳng thể nói điều gì, nên bà rơi khỏi túp lều. Vì lúc đó đã tối, Gutei nói: “Muộn rồi, sao không ở lại đây đêm nay?” Bà liền đáp: “Hãy nói một câu, tôi có thể ở lại túp lều này”. Ông chẳng thể nói câu gì, nên bà rời đi. Gutei tuyệt vọng, thấy xấu hổ về bản thân. Ông quyết định rời khỏi túp lều để đến gặp thầy mình và tu tập chăm chỉ hơn. Nhưng trước ngày rời đi, ông có một giấc mơ, trong giấc mơ ấy có người nói với ông rằng một thiền sư vĩ đại sẽ ghé thăm ông, vì vậy ông nên đợi ở túp lều của mình. Vậy là sáng hôm sau ông không rời đi, và thiền sư vĩ đại Tenryu tới. Lời dạy của ngài luôn là giơ ra một ngón tay, và Gutei rất ấn tượng với điều này, nên ông trở thành đệ tử của Tenryu.

Gutei, giống như thầy mình, luôn giơ một ngón tay khi trả lời bất kỳ câu hỏi nào. Nhưng thầy ông biết rằng một ngón tay của Gutei chỉ là sự bắt chước. Giống như hoa nhựa, nó chỉ là một ngón tay nhựa. Nhưng Gutei rất kiêu hãnh khi ông giơ ra một ngón tay. Một hôm, có vị tăng hỏi ông Phật tính là gì, và như thường lệ, Gutei giơ một ngón tay. Thầy ông thấy được, lập tức cắt đứt ngón tay ấy. Gutei hét lên và bỏ chạy. Từ đằng sau, thấy ông gọi: “Gutei!” Gutei xoay người lại. Thiền sư Tenryu giơ ngón tay lên, và Gutei khai ngộ, vì một ngón tay ấy không phải là sự bắt chước. Ngay giữa đau đớn của Gutei, Tenryu giơ một ngón tay, ngón tay đích thực, và nó thật sự xuyên thấu trái tim Gutei. Từ sự chứng ngộ ấy, Gutei nói: “Ta có thể sử dụng một ngón tay này mãi mãi”. Đây là câu chuyện về Gutei.

Một ngón tay nghĩa là cuộc sống thật. Một ngón tay cuộc sống, một ngón tay cái chết, một ngón tay bệnh tật, một ngón tay tuyệt vọng, những thứ này không phải là bắt chước. Nó lúc nào cũng đang phai tàn. Nó luôn ở trong một tình huống nguy cấp. Không có lời bào chữa. Mặt khác, bạn không thể chỉ ở đó, bạn phải làm điều gì mỗi ngày. Điều ấy khó. Nếu đó là một thứ bạn muốn làm thì dễ, nhưng khi là một thứ bạn phải làm thì rất khó.

Khi bạn “cứ đi, cứ đến”, một ngón tay trở thành cuộc sống, một ngón tay trở nên tươi mới. Cuộc sống trở nên tươi mới. Trong bệnh tật, trong tuyệt vọng, trong công việc khó nhọc hay dễ dàng, trong bất kỳ điều gì, hạnh phúc hay bất hạnh, bạn phải liên tục tươi mới. Tươi mới tức là hấp thu trọn vẹn cuộc sống của mình. Đây là ý nghĩa của một ngón tay.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. SÁNG TỎ VÀ THUẦN KHIẾT
  2. TRANH BÁNH GẠO
  3. HOÀ BÌNH

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH