Ý THỨC BẢO VỆ “MẸ TRÁI ĐẤT”

ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICO

Trích: Hãy Cùng Ước Mơ; Dịch: Ysof; NXB PhuongNamBooks - NXB Thế Giới

Năm ngoái, tôi triệu tập một Thượng Hội đồng Giám mục & Amazon.

Điều gì đã xảy ra giữa hai mốc thời gian này? Sau Aparecida, tôi bắt đầu thấy các mẫu tin thời sự, chẳng hạn, chính quyền của một hòn đảo nổi tiếng ở Nam Thái Bình Dương đã mua đất ở Samoa để chuyển dân cư đến đó, vì trong vòng 20 năm nữa hòn đảo này sẽ chìm trong biển nước. Một ngày khác, một nhà truyền giáo ở Thái Bình Dương kể cho tôi nghe khi ông đang đi thuyền và nhìn thấy cái cây nhô lên khỏi mặt nước. Ông hỏi: Cây đó trồng ở biển sao? Người lái thuyền nói với ông: Không, đó từng là một hòn đảo.

Và như vậy, qua nhiều cuộc gặp gỡ, đối thoại và các giai thoại như thế, đôi mắt tôi được mở ra. Nó như một sự thức tỉnh. Trong đêm bạn không thấy gì, nhưng bình minh sẽ dần ló dạng và bạn thấy được ban ngày. Đó chính là tiến trình của tôi: thanh thản và bình tĩnh, tôi dần nhận thức về tính nghiêm trọng của sự việc qua các thông tin, cho tới khi tôi bị nó thuyết phục. Các bài viết của Đức Thượng phụ Bartholomew về chủ đề này đặc biệt hữu ích. Điều này đáng được lưu tâm nên tôi đã bắt đầu nói chuyện với những người khác, và nó giúp ích biết bao. Khi chia sẻ mới bận tâm, ta bắt đầu nhìn thấy những chân trời và các giới hạn.

Đó là cách mà nhận thức về môi sinh được hình thành nơi tôi. Với tôi, điều này đến từ Thượng Đế, bởi đó là một loại kinh nghiệm thiêng liêng mà Thánh Inhaxiô đã mô tả giống như những giọt nước trên miếng bọt biển: nhẹ nhàng, tĩnh lặng, bền bỉ. Một cách chậm rãi, như bình minh, tầm nhìn môi sinh bắt đầu phát triển. Tôi bắt đầu thấy sự thống nhất hài hòa giữa con người với thiên nhiên, và cách số phận loài người không thể tách rời với ngôi nhà chung của nhân loại.

Đây là nhận thức, không phải hệ tư tưởng. Có những phong trào xanh biến trải nghiệm sinh thái thành hệ tư tưởng, nhưng nhận thức sinh thái chỉ là nhận thức, không phải hệ tư tưởng. Đó là ý thức về những gì đang bị đe dọa trong số phận của nhân loại.

Sau khi được bầu làm Giáo hoàng, tôi đã nhờ các chuyên gia về khoa học môi trường và khí hậu thu thập các dữ liệu tốt nhất hiện có về tình trạng của hành tinh này Sau đó, tôi đã nhờ một số nhà thần học suy nghĩ về dữ liệu đó, đối thoại với các chuyên gia trong lĩnh vực này từ khắp nơi trên thế giới. Các nhà thần học và khoa học đã thảo luận cùng nhau cho đến khi tìm ra giải pháp.

Trong lúc ấy, vào năm 2014, tôi đã đến Strasbourg, Pháp để phát biểu trước Hội đồng châu Âu. Tổng thống Francois Hollande đã cử Bộ trưởng Môi trường, lúc đó là Ségolène Royal, đón tiếp tôi. Trong khi trò chuyện tại sân bay, cô bày tỏ rằng có biết tôi đang chuẩn bị thông điệp về việc chăm sóc môi trường. Tôi đã chia sẻ, và cô ấy nói sẽ vui. lòng công bố nó trong cuộc họp của các nguyên thủ quốc gia diễn ra ở Paris vào tháng 12 năm 2015. Cô ấy mong muốn cuộc họp đó diễn ra tốt đẹp. Và nó đã diễn ra như ý nguyện, mặc dù sau đó một số người sợ hãi đã rút lại sự ủng hộ đối với kết quả cuộc họp. Điều quan trọng là Giáo hội phải làm cho tiếng nói của mình được lắng nghe trong tiến trình quan trọng và cần thiết này: Đức tin của ta đòi buộc điều đó.

Laudato Si không phải là thông điệp xanh. Đó là một thông điệp xã hội. Màu xanh lá cây và xã hội liên quan mật thiết với nhau. Số phận của tạo vật gắn liền với số phận của cả nhân loại. Trong buổi gặp gỡ ở Quảng trường Thánh Phêrô, tôi chào đón ba, bốn hàng người là các bệnh nhân. Riêng với trường hợp các bệnh nhi, tôi hỏi: “Đứa trẻ bị bệnh gì thế?”. Khoảng 40% câu trả lời đề cập đến “những căn bệnh bất thường” gây ra bởi sự bỏ bê môi trường: Việc sử dụng chất thải một cách vô trách nhiệm, việc lạm dụng các loại thuốc trừ sâu ngày càng nhiều. Tất cả những điều này, cùng với các vấn đề khác cuối cùng sẽ khiến con người nhiễm bệnh và ảnh hưởng đến tương lai của các thế hệ sau này. Thường thì các bác sĩ không biết cách điều trị những căn bệnh như thế. Họ có thể biết căn bệnh bất thường do xuất phát từ đầu, nhưng vì nó không ảnh hưởng đến nhiều người, nên việc nghiên cứu thuốc điều trị sẽ không đem lại lợi nhuận cho các phòng thí nghiệm.

Giờ đây, bạn không thể ăn táo mà không gọt vỏ vì nó có thể gây hại cho sức khỏe. Các bác sĩ khuyên các bà mẹ không nên cho con ăn thịt gà từ trại chăn nuôi nghiệp cho đến khi lũ trẻ được 4 tuổi, vì gà công nghiệp đã được vô béo bằng các loại hormon có thể khiến trẻ (phát triển) mất cân đối.

Do đó, đây không phải là phạm trù tư tưởng, mà là một thực tế đáng sợ. Nhân loại ngày càng mắc nhiều bệnh hơn, cả ngôi nhà chung của chúng ta, môi trường, và các tạo vật cũng thế.

Một năm trước, tôi đã gặp các ngư dân từ thị trấn San Benedetto del Tronto ở Ý, nói với tôi về hàng tấn nhựa mà họ đánh bắt được từ biển. Đó chỉ là một đội thuyền nhỏ, thủy thủ đoàn không quá sáu hay bảy người trên mỗi chiếc thuyền. Năm nay, họ đến gặp tôi một lần nữa và nói đoàn đã vận chuyển được 24 tấn rác, trong đó khoảng một nửa – tức 12 tấn, là nhựa. Họ đã coi việc không ném chúng xuống nước một lần nữa là một loại sứ mạng phải thi hành. Vì vậy, cùng với việc bắt cá, họ gom cả nhựa và phân loại chúng trên thuyền. Tất nhiên, việc này tiêu tốn tiền bạc.

Thông điệp Laudato Si liên hệ sự đồng thuận khoa học trong việc tàn phá môi trường với việc chúng ta tự lãng quên và từ chối chính mình là thụ tạo của Đấng Tạo Hóa, sống bên trong công trình sáng tạo của Ngài nhưng lại mâu thuẫn với nó. Đó là nỗi buồn của một nhân loại giàu biểu biết nhưng thiếu đi sự an toàn nội tâm, xác tín rằng chúng ta là những thụ tạo được Chúa yêu thương, một hiểu biết được diễn tả qua việc chúng ta vừa tôn kính Thượng Đế, vừa trân quý con người và vạn vật.

Để nói về công trình tạo dựng, bạn cần đến thơ ca và vẻ đẹp. Cùng với vẻ đẹp là sự hài hòa, điều ta bỏ lại khi thu hẹp sự tập trung vào một số lĩnh vực với cái giá phải trả là những thứ khác. Sự hiện hữu trở nên lệch lạc khi chúng ta tập trung vào công nghệ và các ý niệm trừu tượng mà đánh mất gốc rễ của mình trong thế giới tự nhiên. Khi bỏ mặc Mẹ Trái Đất, chúng ta không chỉ mất đi những điều cần thiết để tồn tại mà còn là sự khôn ngoan để sống cùng nhau.

Một nhân loại thiếu kiên nhẫn với những giới hạn mà thiên nhiên truyền dạy là một nhân loại thất bại trong việc làm chủ sức mạnh công nghệ. Nói cách khác, công nghệ không còn là công cụ mà đã trở thành chủ nhân của chúng ta. Nó đã thay đổi suy nghĩ của chúng ta. Bằng cách nào ư? Chúng ta dần không chịu giữ mình trong các giới hạn: Nếu nó có thể được thực hiện và mang lại lợi nhuận, chúng ta không thấy lý do gì để không làm. Chúng ta bắt đầu tin vào quyền lực, nhầm lẫn nó với sự tiến bộ, và cho rằng bất cứ thứ gì giúp thúc đẩy quyền kiểm sát của mình thì đều có lợi.

Tội lỗi của ta nằm ở chỗ không nhận ra các giá trị, trong việc muốn chiếm hữu và khai thác chứ không trân trọng các thứ ấy như một món quà. Tội lỗi luôn có chung gốc rễ là sở hữu, làm giàu trên người khác và trên chính các tạo vật. Tư duy tội lỗi này cũng xảy ra với những gì chúng ta vừa thảo luận liên quan đến việc lạm dụng. Tội lỗi nằm ở việc khai thác những gì không được khai thác, chiếm lấy của cải (quyền lực hoặc sự thỏa mãn) từ nơi không nên chiếm lấy. Tội lỗi là sự khước từ những giới hạn mà tình yêu đòi hỏi.

Đó là lý do tại sao tôi nói trong thông điệp Laudato Si về tư duy méo mó của thứ được gọi là “mô hình kỹ trị”. Đó là loại tư duy khinh thường các giới hạn bằng việc lấy các giá trị khác áp đặt lên. Một trường hợp tôi từng đề cập là việc cải tạo môi sinh vô cùng cần thiết để giải thoát nhân loại khỏi việc hủy hoại thiên nhiên lẫn chính mình. Tôi gọi đó là “hệ sinh thái toàn vẹn”, một môi sinh không chỉ quan tâm nhiều hơn đến thiên nhiên, mà còn quan tâm đến nhau như những đồng thụ tạo bởi Thượng Đế tình thương, và đó là tất cả những gì điều này muốn nói tới.

Nói cách khác, nếu bạn nghĩ rằng việc phá thai, an tử và án tử hình có thể chấp nhận được, thì bạn sẽ khó lòng quan tâm đến sự ô nhiễm của dòng sông và sự tàn phá rừng nhiệt đới. Và điều ngược lại cũng đúng. Vì vậy, ngay cả khi mọi người tranh luận gay gắt rằng những vấn đề này khác nhau về mặt đạo đức, như cách họ khăng khăng rằng việc phá thai là chính đáng chứ không phải là vấn đề sa mạc hóa, hoặc việc an tử là sai nhưng những con sông ô nhiễm là cái giá phải trả cho sự tiến bộ kinh tế, thì chúng ta sẽ vẫn loay hoay trong cùng một sự thiếu hội nhất, thứ khiến chúng ta mắc kẹt trong hoàn cảnh hiện tại.

Tôi nghĩ rằng Covid-19 đang làm cho điều này trở nên rõ ràng, cho những người có mắt nhìn thấy. Đây là thời điểm của sự hội nhất, để phơi bày tư tưởng đạo đức có chọn lọc, và để ôm trọn toàn bộ ý nghĩa của việc trở thành con cái Chúa. Đó là lý do tại sao tôi nghĩ rằng tương lai mà ta được kêu gọi dựng xây phải bắt đầu với một hệ sinh thái toàn vẹn, hệ sinh thái nghiêm túc nhìn nhận sự suy đổi văn hóa và đạo đức đi đôi với cuộc khủng hoảng môi sinh. Chủ nghĩa cá nhân do mô hình kỹ trị cũng có các hệ quả của chính nó.

Bình luận


Bài viết mới

  1. CHÂN LÝ CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC BẰNG LAO ĐỘNG QUÊN MÌNH
  2. CẢM GIÁC TỰ DO, ĐƯỢC GIẢI PHÓNG BẢN THÂN
  3. LÒNG TỪ ÁI