YÊU THƯƠNG ĐƯỢC CẢ NGƯỜI MÀ BẢN THÂN KHÔNG THÍCH

GURU DEV SRI SRI RAVI SHANKAR

Trích: Ngợi Ca Tình Yêu Thương; Tác giả: Gurudev Sri Sri Ravi Shankar; Dịch: Thảo Trần; NXB Hà Nội & Thai Ha Books

Yêu thương một người mà bạn thích là chuyện bình thường.

Yêu thương một người bởi họ yêu thương bạn thì không có gì đáng nói.

Yêu thương một người mà bản thân không thích có nghĩa là bạn đã học được một bài học trong cuộc sống.

Yêu thương một người đã đổ lỗi cho mình một cách vô lý cho thấy rằng bạn đã học được nghệ thuật sống.

Trên máy bay từ Singapore tới Hawaii

Ngày 12/04/2001

Học tập là việc tất yếu. Bạn học khi làm những điều đúng đắn và cả những lúc làm những điều sai. Qua mỗi tình huống, từ mỗi con người, bạn học được về việc nên hoặc không nên làm gì. Dù có mắc lỗi hay thực hiện mọi việc đúng cách, bạn đều có thể học được. Học tập là điều không thể thiếu trong cuộc sống.

Chỉ khi ngủ bạn mới không học. Và nếu bạn ngủ trong cuộc sống thì sẽ không có nỗi đau, niềm vui hay học tập. Phần lớn con người ta đều chìm vào giấc ngủ sâu như vậy. Đó là lý do nhiều người thậm chí không thèm cố gắng để thoát khỏi nỗi đau.

Washington, D. C., Mỹ

Ngày 02/07/2002

Lỗi cứ xảy ra hoài. Thường thì bạn thấy khó chịu khi mắc lỗi và muốn sửa lỗi, nhưng liệu bạn có thể sửa được bao nhiêu lỗi. Bạn sửa lỗi của người khác vì hai lý do. Thứ nhất là khi lỗi của ai đó làm phiền bạn và thứ hai là vì chính lợi ích của người đó để họ có thể trưởng thành, không phải vì lỗi đó làm phiền bạn. Sửa lỗi vì lý đo đầu tiên – khi lỗi làm phiền bạn – sẽ không hiệu quả.

Để sửa lỗi, bạn cần cả quyền hạn và tình yêu thương. Quyền hạn và tình yêu thương dường như đối lập với nhau nhưng thực tế lại không phải vậy. Quyền hạn mà không có tình yêu thương thì cứng nhắc và không có kết quả. Tình yêu thương mà không có quyền hạn thì nông cạn. Bạn cần kết hợp cả hai một cách đúng đắn để có thể sửa được lỗi của người khác. Điều này có thể xảy ra nếu như bạn hoàn toàn không thiên vị và bình tĩnh.

Khi bạn cho phép lỗi xảy ra, bạn có thể vừa có quyền vừa dịu dàng. Đó là cách của Đấng tối cao – có sự cân bằng phù hợp của cả hai.

Thần Krishna và Chúa Jesus có cả hai. Những người đang yêu thường thể hiện quyền hạn đối với người mà họ yêu quý. Quyền hạn và tình yêu thương tồn tại trong tất cả các mối quan hệ.

Hồ Tahoe, California, Mỹ

Ngày 12/07/2001

Đừng nói với một người về lỗi lầm mà họ biết rằng bản thân đã phạm phải. Chỉ ra cho người khác biết là họ đã mắc lỗi thì có ích lợi gì chứ? Làm thế chỉ càng khiến người ta cảm thấy tội lỗi, đề phòng hay bực bội hơn, và điều này chỉ tạo thêm khoảng cách thôi. Và cũng đừng chỉ ra lỗi của ai đó khi anh ta nhận thức được mà lại không muốn cho bạn biết. Thường thì người ta biết lỗi của mình nhưng họ không muốn bạn vạch ra đâu.

Bạn chỉ nên chỉ ra sai lầm của một người nếu anh ta không nhận thức được và muốn biết về nó.

Hãy suy nghĩ về sự hữu ích của những lời nhận xét của bạn. Trước khi chỉ ra lỗi của ai đó, hãy xem xét liệu lời nhận xét của bạn có giúp cải thiện được tình huống, nuôi dưỡng tình yêu thương hay mang đến sự hòa hợp không. Một người bao dung sẽ không chỉ ra lỗi của người khác và làm họ cảm thấy tội lỗi. Thay vào đó, họ sửa lỗi của người khác với lòng từ bi và sự quan tâm, không phải bằng lời nói mà qua thái độ của mình.

Thành phố New York, bang New York, Mỹ

Ngày 29/08/2000

Thường thì khi thể hiện là mình đúng, tức là bạn đang thiếu nhạy cảm với cảm xúc của người khác. Khi ai đó bị tổn thương, tranh cãi với họ và thể hiện rằng mình đúng thì cũng không ích lợi gì. Chỉ đơn giản nói rằng “tôi xin lỗi”, bạn có thể vực họ dậy và xóa tan được những cay đắng trong họ. Trong nhiều tình huống, nói lời “tôi xin lỗi” tốt hơn nhiều so với việc chứng minh là bạn đúng, nó có thể giúp tránh gây ra sự khó chịu.

Xin lỗi – chỉ một từ gồm hai tiếng thôi, nhưng khi được nói ra một cách chân thành thì nó có thể xóa tan được sự giận dữ, tội lỗi, ghét bỏ và khoảng cách.

Có nhiều người cảm thấy tự cao khi được nghe “tôi xin lỗi” từ người khác – nó làm tăng cái tôi của họ lên. Nhưng khi bạn nói “tôi xin lỗi” với một người thông tuệ, nó đánh thức lòng từ bi trong họ đối với sự vô minh của bạn. Và khi bạn nói “tôi xin lỗi” với Thầy của bạn, thầy sẽ giận dữ và nói: “Về đi! Về đọc kinh Ashtavakra đi!”. Bởi sự xin lỗi của bạn cho thấy chính bản thân là tác nhân gây ra lỗi lầm – bạn cảm thấy rằng mình đã sai phạm.

Lỗi lầm là một phần của tâm trí vô thức. Một tâm trí vô thức không thể làm đúng trong khi một tâm trí có ý thức không thể làm sai. Tâm trí phạm lỗi và tâm trí nhận ra lỗi lầm – cái tâm trí nói rằng “tôi xin lỗi” – là hoàn toàn khác nhau, đúng không? Tâm trí biết nhận lỗi không thể là một tâm trí vô thức. Do đó, chân thành nói rằng “tôi xin lỗi” lại là một sai lầm lớn.

Bạn có hiểu không hay lại bối rối rồi? Nếu bạn chưa hiểu, đừng cảm thấy có lỗi hay … bạn có thể cảm thấy có lỗi!

Thật kỳ lạ – sự thật lại là điều nghịch lý như vậy!

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. GIÁ TRỊ CỦA PHỤNG SỰ Ở NƠI TỰ DO KHỎI MỌI HOÀN CẢNH
  2. THẢM HỌA THIÊN NHIÊN
  3. BỔN PHẬN

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP