THƯỜNG XUYÊN KIỂM TRA THÀNH QUẢ

JIM ROHN

Trích: Những Mảnh Ghép Cuộc Đời, Tác giả: Jim Rohn
Dịch giả:Quỳnh Ca, NXB Lao Động, Năm 2012.

Chúng ta không thể chờ đợi mười năm để xem liệu kế hoạch, triết lý sống, thái độ cá nhân hay các nỗ lực của mình có cần điều chỉnh ở khía cạnh nào không. Cái giá của sự bỏ bê và trì hoãn có thể là rất cao.

Cần phải thường xuyên đo lường sự tiến bộ. Việc đánh giá những chỉ số chính trong mọi khía cạnh của đời sống là một dấu hiệu cho thấy lối tư duy có trách nhiệm. Tần suất kiểm tra các thành quả đạt được phụ thuộc vào việc chúng ta mong muốn mình đi xa tới đâu. Đích đến càng xa, chúng ta càng phải thường xuyên thực hiện việc kiểm tra này. Nếu chúng ta chỉ dự định đi đến cuối phố thì việc đi chệch vài độ cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều lắm. Nhưng nếu chúng ta nhắm tới một vì sao xa xôi, thì việc tính toán sai lầm dù chỉ một độ cũng có thể khiến chúng ta đi xa mục tiêu đến hàng triệu dặm. Càng lâu phát hiện ra sai lầm nhỏ bé này trong tính toán, chúng ta càng phải bỏ nhiều công sức hơn để quay về đúng quỹ đạo. Và cái hệ quả lớn hơn nữa là thời gian có thể sẽ phá hủy khát vọng quay về lộ trình cũ của chúng ta. Có thể chúng ta sẽ phải chấp nhận cái sai lầm nhỏ bé ấy và từ bỏ những ước mơ mình đã ấp ủ.

NHỮNG GÌ CÓ THỂ XẢY RA ĐỀU CÓ THỂ XẢY ĐẾN VỚI TẤT CẢ MỌI NGƯỜI

Xét cho cùng, trong cả đời , tất cả chúng ta đều gặp phải những hoàn cảnh tương tự nhau. Điểm khác biệt nằm ở chỗ có người chọn cách lấy chúng làm cái cớ biện minh cho những hành động kém cỏi trong khi những người khác lấy chúng làm động lực phát triển và thúc đẩy họ vươn tới những tầm cao thành tựu mới.

Tất cả chúng ta đều có cả cơ hội đi kèm với nghịch cảnh. Tất cả chúng ta đều có lúc ốm đau và có lúc khỏe mạnh. Những cơn bão đời ập đến với cả người giàu và người nghèo.

Vậy đấy, bất luận điều gì xảy ra đều có thể xảy đến với tất cả chúng ta. Điểm khác biệt duy nhất nằm ở cách thức tiếp cận của mỗi người. Yếu tố quyết định chất lượng cuộc sống không phải là những gì xảy ra mà là cách phản ứng của chúng ta trước những gì xảy ra.

Khi mong muốn hoặc cần thành quả, chúng ta thường có xu hướng muốn thành quả đến ngay. Nhưng quy luật về gieo trồng và gặt hái cho chúng ta biết rằng nếu muốn gặt hái vào mùa thu, chúng ta phải gieo trồng vào mùa xuân. Chúng ta phải tận dụng mùa hè để giúp cây cối phát triển nhanh bằng cách canh chừng sự xâm nhập của các loài côn trùng và cỏ dại. Chúng ta phải tiếp tục các hoạt động của mình bất kể những nhu cầu hiện tại ra sao. Ngày hái quả chắc chắn sẽ đến, nhưng nó sẽ đến vào đúng vụ:

“Mọi thứ đều có thời điểm thích hợp và mỗi mục đích trong cuộc đời cũng vậy: một thời điểm để ra đời và một thời điểm để chết đi; một thời điểm để trồng trọt và một thời điểm để gặt hái;… Một thời điểm để khóc và một thời điểm để cười; một thời điểm để than vãn và một thời điểm để nhảy múa hát ca… Một thời điểm để yêu và một thời điểm để ghét; một thời điểm để chiến tranh và một thời điểm để hòa bình.”

Thành quả không đáp ứng nhu cầu. Thành quả đáp ứng nỗ lực, lao động, hành động. Nếu chúng ta đã hoàn thành phần việc của mình, thành quả chúng ta cần sẽ xuất hiện sau một thời gian hợp lý.

Trích: Những Mảnh Ghép Cuộc Đời
Tác giả: Jim Rohn
Dịch giả:Quỳnh Ca
NXB Lao Động, Năm 2012.
Ảnh: Jim Rohn – nguồn internet

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. ĐỂ TẠO RA MỘT CUỘC ĐỜI TUYỆT VỜI
  2. TRÍ TUỆ XÚC CẢM – NGUYÊN TẮC CHỈ ĐẠO BÊN TRONG
  3. NGHỆ THUẬT LẮNG NGHE

Bài viết khác của tác giả

  1. ĐƯỜNG ĐẾN SỰ THÔNG THÁI
  2. BA LĨNH VỰC CỦA SỰ PHÁT TRIỂN CÁ NHÂN
  3. THU HÚT THÀNH CÔNG, CHỨ KHÔNG THEO ĐUỔI THÀNH CÔNG

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH