BAO DUNG VỚI BẢN THÂN

TAKESHI FURUKAWA

Trích: Mình Là Cá, Việc Của Mình Là Bơi; Nguyên tác: Nine Ways to Stop Thinking Negatively; Việt dịch: Như Nữ; NXB. Thế Giới

Konosuke Matsushita, nhà sáng lập công ty Matsushita Electric Industrial (nay là Panasonic), người được mệnh danh là ông tổ của ngành kinh doanh Nhật Bản, đã nói như sau: “Tôi cho rằng ta không thể chỉ vui với sở trường, buồn vì sở đoản của bản thân mà điều quan trọng là phải để tâm trạng thoải mái, cố gắng phát huy hết con người mình.”

Có thể nhìn nhận cả sở trường và sở đoản, không phủ nhận những khuyết điểm của bản thân, tìm cách phát huy hết phẩm chất con người mình là điều thật đáng quý.

Nhà tâm lý học Linville đã từng xây dựng một học thuyết gọi là “Lý thuyết về sự tự phức tạp”. Nói một cách đơn giản, lý thuyết này chỉ ra rằng những người bắt ép bản thân, cứng nhắc thường rất yếu đuối trước những thất bại, ngược lại những người có thể nhìn nhận bản thân trên nhiều phương diện lại rất mạnh mẽ trong những trường hợp tương tự.

Ví dụ những người luôn ép buộc bản thân một cách cứng nhắc như “mình là người mạnh mẽ nên không được khóc”, “mình không bao giờ được từ bỏ nỗ lực” … sẽ là những người luôn phủ định bản thân. Lý do chính là luôn có những lúc chúng ta muốn khóc, chúng ta muốn lười biếng.

Trong khi đó, có những người lại nhìn nhận bản thân trên nhiều khía cạnh như mình cũng có lúc lười biếng nhưng cũng có lúc rất chăm chỉ, mình là người hướng nội, nhưng cũng có khi rất hướng ngoại… Họ đã biết bao dung, tha thứ cho bản thân mình.

Việc bao dung cho những mặt khác nhau trong con người mình, việc chấp nhận toàn bộ con người mình đôi khi cũng gặp phải những ý kiến phản luận như sau:

  • Chính vì không hài lòng  với con người hiện tại của mình nên mới sinh ra động lực muốn thay đổi bản thân.
  • Coi những ưu điểm là đặc trưng cho con người mình liệu có khiến bản thân trở nên kiêu căng hay không?

Những ý kiến này đều sai lầm. Việc bao dung với những mặt khác nhau trong con người mình, chấp nhận toàn bộ con người mình không làm mất đi những động lực, khát khao hoàn thiện bản thân. Nếu bạn chấp nhận toàn bộ con người mình, đồng nghĩa với việc bạn sẽ không bỏ qua cả những khuyết điểm và cũng không tự đánh giá bản thân quá thấp. Những người tự mãn mới dễ cáu bẳn và hay chỉ trích đối phương khi bị chỉ ra khuyết điểm.

Nói tóm lại, khi bạn bắt đầu tiếp nhận toàn bộ con người mình chính là lúc bạn đang đứng trên vạch xuất phát cho những thay đổi để tốt hơn.

Ngoài ra, việc yêu tất cả các mặt của bản thân cũng là điều quan trọng, khiến cho cuộc sống phong phú hơn.

PHƯƠNG PHÁP BAO DUNG VỚI BẢN THÂN

1. Viết ra những mặt đa dạng của bản thân

Lúc như thế này, lúc như thế kia mới chính là con người. Bạn đừng coi đây là mâu thuẫn mà hãy cứ chấp nhận tất cả những phần đó.

Về cơ bản, tôi là người có tính hướng nội nhưng khi đào tạo huấn luyện… tôi lại chuyển sang chế độ hướng ngoại. Có lúc tôi cảm thấy rất cô đơn nhưng cũng có lúc thích ở một mình. Người ta nói tôi là người luôn bình tĩnh, nhưng thực ra tôi lại rất hay lo lắng. Đó chính là tôi.

2. Chấp nhận bản chất con người mình

Hãy tạm thời bỏ qua tiếng nói muốn thay đổi, muốn cải thiện trong đầu. Thay vào đó, bạn hãy chấp nhận suy nghĩ bao dung rằng “đó cũng là con người của mình mà”, bản thân mình được tạo nên từ nhiều yếu tố rất khác biệt và đa dạng.

Hãy chấp nhận rằng bản thân có nhiều đặc tính khác nhau!

Những điều bạn cho là mâu thuẫn trong con người bạn là gì?

Những điều bạn có thể chấp nhận ở bản thân là gì?

——- ??? ——-

Bài viết này nằm trong loạt bài viết chia sẻ về cách thức thay đổi từ thói quen suy nghĩ tiêu cực sang thói quen suy nghĩ tích cực, bắt đầu với thói quen đầu tiên là Chấp nhận toàn bộ con người mình, được tác giả Takeshi Furukawa đúc kết lại sau quá trình nghiên cứu và giảng dạy nhiều năm trong tác phẩm “Mình là cá, việc của mình là bơi“.

Quý đọc giả có thể theo dõi các bài viết trong cùng chủ đề này theo các liên kết dưới đây:

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. HẠNH PHÚC VỚI CHÍNH BẢN THÂN ĐANG TRƯỞNG THÀNH
  2. XÁC ĐỊNH RÕ PHƯƠNG HƯỚNG CỦA BẢN THÂN
  3. NHÌN LẠI QUY TẮC CỦA BẢN THÂN

Bài viết khác của tác giả

  1. TIN TƯỞNG RẰNG NHỮNG THỬ THÁCH ĐỀU CÓ THỂ VƯỢT QUA
  2. SUY NGHĨ TỪ LẬP TRƯỜNG CỦA NGƯỜI KHÁC
  3. ĐÁP ĐỀN TIẾP NỐI

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH