PHƯƠNG PHÁP NÂNG CAO ĐÁNH GIÁ VỀ BẢN THÂN

TAKESHI FURUKAWA

Trích: Mình Là Cá, Việc Của Mình Là Bơi; Nguyên tác: Nine Ways to Stop Thinking Negatively; Việt dịch: Như Nữ; NXB. Thế Giới

“Cuộc đời con người không được quyết định bởi điều tốt hay điều xấu, mà được quyết định bởi suy nghĩ của người đó” – Shakespear

Cuộc sống con người không thể lúc nào cũng gặp những việc suôn sẻ. Chính thói quen suy nghĩ sẽ quyết định cách bạn phản ứng với những sự việc xảy đến, và cũng từ đó quyết định toàn bộ cuộc đời bạn. Trong quyển sách “Mình là cá, việc của mình là bơi“, tác giả Takeshi Furukawa, dựa trên quá trình quan sát và tìm hiểu nhiều năm của mình, đã đúc kết và đưa ra phương pháp của riêng mình về cách các cá nhân có thể tạo và giữ các thói quen mới.

Bài viết dưới đây là phần đầu tiên trong loạt bài trích về thói quen thứ nhất – Chấp nhận toàn bộ con người mình – được Ban biên tập trích và giới thiệu đến quý đọc giả.

——- ??? ——-

KHÔNG PHẢI LÀ “KHOẢNG CÁCH” MÀ LÀ SỰ “KHÁC BIỆT”

Nhóm nhạc SMAP của Nhật có một ca khúc nổi tiếng mang tên Bông hoa duy nhất trên thế giới này. 

“Và chúng ta đều là những bông hoa duy nhất trên thế giới này, mỗi người đều mang trong mình một hạt giống khác biệt. Bạn cần nỗ lực hết mình để bông hoa ấy hé nở.

Dù là bông hoa nhỏ hay bông hoa to, mỗi bông hoa đều là một bông hoa duy nhất và khác biệt. Bởi vậy, bạn không cần phải là No.1, bạn chỉ cần là chính con người khác biệt của bạn, Only one.”

Có lẽ bài hát này trở nên nổi tiếng bởi nó ra đời trong bối cảnh mọi người chỉ chăm chăm so sánh bản thân với người khác thay vì là chính mình.

Những người dễ thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực cũng chính là những người biết chấp nhận cuộc sống của bản thân. Mỗi người chúng ta đều có những điểm mạnh, điểm yếu riêng, bởi vậy khi so sánh bản thân với người khác, chúng ta không chỉ thấy “khoảng cách” giữa mọi người mà còn thấy được “sự khác biệt” trong mỗi người.

Tự bản thân mình nghĩ như thế nào về mình được gọi là “tự đánh giá bản thân”. Khi một người đánh giá thấp bản thân, anh ta sẽ tự giày vò bản thân bởi cảm giác tự ti, chán ghét chính mình và chỉ nhìn mọi chuyện theo hướng tiêu cực. Cũng có nhiều trường hợp so sánh điểm mạnh của người khác với điểm yếu của bản thân, sau đó tự giam mình trong cảm giác tự ti, mặc cảm.

Ngược lại, nếu một người biết đánh giá bản thân phù hợp, dù gặp thất bại thì người đó vẫn tiếp tục hy vọng vào lần sau, tiếp thu lần thất bại này và học hỏi kinh nghiệm trong đó.

Tôi có một người quen. Anh là một người rất giỏi, học ở đại học Tokyo. Thời đại học, anh đi làm người mẫu. Nhìn bề ngoài, anh hoàn hảo đến mức mọi người phải ghen tị, nhưng thực ra anh ấy lại tự đánh giá thấp bản thân. Ngay từ nhỏ, anh ấy thường bị bố mẹ so sánh với người khác: “Con vẫn đang thua bạn đấy, cố gắng lên”. Anh ấy luôn nghĩ dù ở đâu, lĩnh vực gì, bản thân cũng chỉ là kẻ nửa vời mà thôi: “Dù vào được đại học Tokyo thì vẫn có nhiều người giỏi hơn, trong giới người mẫu vẫn có rất nhiều người hơn mình”. Có thể các bạn không tin, nhưng đây thực sự là những gì mà anh ấy tự đánh giá về mình.

Trong khi đó, anh Hirotada Ototake, tác giả của cuốn sách Không ai hoàn hảo, dù sinh ra với cơ thể không lành lặn, khuyết thiếu cả hai chân, hai tay, nhưng anh vẫn hoạt động rất tích cực với vai trò nhà báo thể thao. Anh đã kết hôn và sống rất hạnh phúc. Đọc cuốn sách của anh, tôi hiểu rằng anh đã tự đánh giá cao bản thân.

Và tôi cũng cho rằng Hirotada như vậy là do ảnh hưởng rất lớn từ cách giáo dục, lối suy nghĩ của bố mẹ anh. Nghe nói, khi bố mẹ Hirotada sinh ra anh với cơ thể không lành lặn như vậy, họ đã nghĩ: “Con mình từ lúc sinh ra đã là một đứa bé khác biệt. Do đó, đương nhiên là lượng sữa, thời gian ngủ cũng khác so với những đứa trẻ khác. Chúng ta đừng so sánh con mình với con nhà người ta.”

Chính vì vậy, việc tự đánh giá bản thân ở mức thích hợp là điều rất quan trọng. Nó giúp ta hài lòng với cuộc sống của mình.

PHƯƠNG PHÁP NÂNG CAO ĐÁNH GIÁ VỀ BẢN THÂN

1. Hình thành thói quen nhìn nhận ưu điểm của bản thân

Những người tự đánh giá thấp bản thân thường có xu hướng phóng đại mặt kém và đánh giá quá thấp mặt tốt của bản thân. Bạn hãy nhớ lại những lời khen của mọi người dành cho mình từ trước tới nay.

2. Thử tìm sự “khác biệt” khi so sánh với người khác

Ví dụ, trong các bữa nhậu, có những người rất hoạt náo khiến bầu không khí sôi động. Khi bạn thấy mình không thể làm được như vậy, bạn sẽ cảm thấy có “khoảng cách” với người khác. Tuy nhiên, bạn không cần thiết phải làm cho tất cả mọi người thấy hứng khởi. Người sôi nổi hay người biết lặng lẽ quan tâm đều giỏi gọi đồ ăn ngon cho mọi người mà.

3. Coi thất bại là do hành động

Khi vấp phải một thất bại nào đó trong công việc, những người tự đánh giá thấp bản thân thường dằn vặt mình quá mức bằng các suy nghĩ tiêu cực như: Sao mình cứ là đứa hỏng việc thế này. Khi đó, bạn hãy thử nghĩ rằng chỉ có phương pháp hay hành động đã thất bại mà thôi.

Khi so sánh bản thân với người khác, hãy nghe bài hát “Bông hoa duy nhất trên thế giới này”!

Những lời khen bạn từng nhận được là gì?

Khi bạn so sánh bản thân với người khác và nghĩ về “điểm yếu” của mình, bạn có thể nhận ra điều “khác biệt” nào?

——- ??? ——-

Quý đọc giả có thể theo dõi các bài viết trong cùng chủ đề này theo các liên kết dưới đây:

Bình luận

[…] PHƯƠNG PHÁP NÂNG CAO ĐÁNH GIÁ VỀ BẢN THÂN […]

[…] PHƯƠNG PHÁP NÂNG CAO ĐÁNH GIÁ VỀ BẢN THÂN […]


Bài viết liên quan

  1. TIN VÀO NĂNG LỰC TIỀM ẨN TRONG BẠN
  2. NỞ HOA NƠI ĐƯỢC ĐẶT

Bài viết khác của tác giả

  1. TẬP TRUNG VÀO NHỮNG VIỆC CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC
  2. THAY ĐỔI CÁCH NHÌN CHỨ KHÔNG THAY ĐỔI NGƯỜI KHÁC
  3. TRẠNG THÁI DÒNG CHẢY – BẠN CÓ THỂ CHÌM ĐẮM VÀO VIỆC GÌ ĐẾN MỨC QUÊN CẢ THỜI GIAN ?

Bài viết mới

  1. LỜI RĂN DẠY CỦA KHỔNG TỬ
  2. “LÀM VIỆC” CŨNG LÀ “LÀM NGƯỜI”
  3. CÁCH GIỮ TẬP TRUNG KHI BẠN BẮT ĐẦU CHÁN MỤC TIÊU CỦA MÌNH