NỞ HOA NƠI ĐƯỢC ĐẶT

KAZUKO WATANABE

Trích: Đời bạn, bạn không sống, ai sống hộ?; Nguyễn Thu Trang dịch Việt; NXB. Hà Nội; SkyBooks, 2017

Con người, dù trong hoàn cảnh nào cũng có thể tìm được hạnh phúc.

Nở hoa nơi được đặt - Đời bạn, bạn không sống, ai sống hộ?

Vào giữa những năm ba mươi tuổi, tôi tham gia Giáo hội Thiên Chúa giáo, sau đó đến Mỹ theo lệnh của Tu viện để tu dưỡng thêm. Sau khi hoàn thành việc rèn luyện, tôi lại một lần nữa nhận lệnh, lấy một học vị rồi quay trở lại Nhật Bản vào năm ba mươi lăm tuổi. Tiếp theo, tôi được phái đến trường nữ sinh Notre Dame Seishin ở Okayama. Những năm sau đó, Hiệu trưởng đời thứ hai của trường qua đời đột ngột, tôi được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng đời thứ ba. Năm đó tôi ba mươi sáu tuổi.

Đối với một kẻ lớn lên ở Tokyo như tôi, Okayama là một vùng đất hoàn toàn xa lạ. Hơn nữa, chức vị Hiệu trưởng đời thứ nhất và thứ hai của ngôi trường đại học này đều được đảm nhiệm bởi các vị mang quốc tịch Mỹ đã hơn bảy mươi tuổi đời. Không nói đến các sinh viên đã tốt nghiệp của trường, tôi rơi vào sự ngạc nhiên và bối rối tột cùng khi những người phụ trách đưa tôi lên giữ chức như một điều rất tự nhiên mặc dù tôi sống còn chưa được quá nửa số tuổi của họ.

Một vùng đất xa lạ, một trách nhiệm ngoài ý muốn, liên tiếp xảy ra những việc mà tôi chưa từng có kinh nghiệm đối phó, điều này khác một trời một vực so với những gì tôi từng mường tượng về cuộc sống tu sĩ. Không biết, trong khoảng thời gian đó, tự lúc nào tôi đã coi Tu viện như là “gia đình trên danh nghĩa” của mình. Việc “chào hỏi” đã trở nên khó khăn lắm rồi, chứ nói gì đến “thăm hỏi” và “thấu hiểu”.

Tôi mất lòng tin, và rồi một vị mục sư đã trao tôi một bài thơ tiếng Anh ngắn trong lúc tôi có suy nghĩ muốn rời khỏi tu viện. Dòng đầu của bài thơ ấy là những vần thơ “Hãy nở hoa nơi Tạo hóa đặt bạn”.

Khi tôi bị đặt vào vùng đất Okayama để sinh sống, bị đặt vào vị trí Hiệu trưởng đầy áp lực và sóng gió, khi tôi lao tâm khổ tứ vùng vẫy, liệu Tạo hóa có đang dõi theo tôi chăng?

Và tôi đã thay đổi. Đúng thế. Giữ lấy sự phẫn nộ và bất bình với nơi bị an bài ngoài ý muốn, tâm trạng vui sướng hay bất hạnh vì những tác động của kẻ khác. Nói cho cùng, những điều trên, đã biến tôi trở thành nô lệ cho môi trường xung quanh mình. Chính vì được sinh ra là con người nên dù có bị đặt vào hoàn cảnh nào ta cũng có thể làm chủ môi trường đó và nở hoa rực rỡ, tôi đã quyết tâm như vậy. Bởi lẽ, chỉ dựa vào cách đó mới có thể giúp tôi “thay đổi”.

Những dòng tiếp theo của bài thơ mà tôi được tặng đã viết như sau: “Nở hoa không có nghĩa là chỉ khi bạn đi vào bế tắc, đường cùng hay buộc phải từ bỏ thì mới nở được hoa. Việc Tạo hóa đã gieo trồng bạn ở nơi đây không phải là một sự nhầm lẫn, mà bởi bạn tự mình cố gắng nở nụ cười mỗi ngày để tiếp tục sống hạnh phúc, và khiến cho những người xung quanh mình trở nên hạnh phúc. Chính vì lẽ đó mà bạn nở hoa”.

Tôi quyết dứt khoát với “gia đình không hòa hợp” kia của mình. Tôi mở lời chào trước khi sinh viên chào tôi. Với nụ cười luôn hiện trên gương mặt, tôi trở thành người nói những lời tốt đẹp. Khi tôi làm vậy, điều kỳ lạ xảy ra. Cả giáo viên lẫn sinh viên, mọi người đều trở nên vui vẻ và dịu dàng đối với tôi.

Phương pháp sống “Nở hoa nơi Tạo hóa đặt bạn” không chỉ ảnh hưởng đến tôi mà còn lan truyền tới các học sinh và sinh viên đã tốt nghiệp.

Cho dù là trường Đại học nữ sinh Notre Dame Seishin đi nữa, ngoài những bạn tình nguyện vào trường thì cũng có những “kẻ nhập học theo kiểu miễn cưỡng”. Tôi thường nói với những bạn đó, “Cách sử dụng thời gian như các bạn hiện giờ chỉ là dùng sinh mệnh của mình sống qua ngày. Hãy nở hoa nơi các bạn được Tạo hóa an bài”. Những lời này có lẽ cũng xuất phát từ những kinh nghiệm mà bản thân tôi từng trải qua. Trái tim của những bạn sinh viên ấy dường như cũng bị những câu nói này lay động và chạm tới.

Dù là kết hôn, đi làm hay nuôi dưỡng một đứa trẻ, những suy nghĩ tiêu cực đỗ tội như “Tại sao những chuyện như vậy cứ xảy đến?” sẽ có lúc liên tục nảy ra trong đầu bạn. Ngay cả vào những lúc như vậy, trong tình trạng khó khăn tới vậy, tôi mong rằng các bạn có thể nỗ lực mà “nở hoa”.

Đương nhiên, dù ta cố gắng đến thế nào đi chăng nữa, cũng có những ngày chẳng thể khai hoa: là khi mưa tuôn gió lũ hay thời điểm nắng khô hạn liên tiếp. Vậy thì xin đừng gắng sức nở hoa. Thay vào đó, hãy đâm sâu những cái rễ của mình xuống dưới lòng đất và khiến chúng vươn tỏa hơn nữa. Làm vậy để bông hoa tiếp theo mà bạn nở rộ có thể trở nên rực rỡ và đơm bông lớn hơn trước nhiều lần.

Nhà thơ Cơ Đốc giáo Yagi Juukichi có một bài thơ:

Muốn thứ tha được như Trời đất

Con người hãy tránh xa thù hận, giữ lồng ngực ấm nóng

Nếu có ngày trở thành một bông hoa,

Tôi muốn được kính dâng cho Cuộc đời như thế này.

(“Thứ tha”, trích từ Buổi sáng yên tĩnh)

Nếu “nơi bạn được Tạo hóa đặt xuống” là một chốn khổ đau, phi lý, bất công, chắc hẳn bạn sẽ có những lúc cảm thấy căm hờn. Nhất là khi người bạn từng tin tưởng phản bội bạn.

Tùy vào mỗi người, cũng có lúc nơi bạn được đặt xuống là trên giường bệnh. Và cứ qua mỗi tuổi, bạn càng bị những người xung quanh cho là “đồ vô tích sự”. Rồi tới một lúc nào đó, có lẽ bản thân cũng sẽ bị dồn tới đường cùng chăng?

Vào những ngày đó, hãy tiếp tục đợi cho tới khi trái tim mình nở rộ.

Cất giữ thật nhiều trải nghiệm vào lòng mình, đó chính là nguyên liệu quý giá tạo nên bó hoa dâng cho Cuộc đời. Chính vì vậy, tôi mong bạn hãy nâng hai tay, trân trọng nhận từng chút, từng chút những gì Cuộc đời ban tặng với lòng biết ơn, rồi sau đó kết chúng lại thành một bó hoa chỉ bạn tạo nên được.

Dù có bị đặt vào trong hoàn cảnh nào cũng hãy tiếp tục nuôi dưỡng để tâm hồn khai hoa.

Tuy bạn không được chọn nơi mình sinh ra nhưng bạn có thể chọn lựa cách mình sẽ sống.

Hãy dùng tất cả sức lực để sống trong khoảng thời gian không thể thay thế – đó là “Hiện tại”.

——- ??? ——-

Về tác giả

Kazuko Watanabe, tác giả sách "Đời bạn, bạn không sống, ai sống hộ?"

Kazuko Watanabe (11/2/1927 – 10/12/2016)

  • Là một nữ tu, nhà giáo dục, nhà văn người Nhật
  • Hiệu trưởng trường Đại học Notre Dame Seishin, Okayama, từ năm 1963 đến năm 1990.
  • Năm 1990, bà được bổ nhiệm làm Chủ tịch danh dự của Đại  học Notre Dame Seishin và Giám đốc hành chính của trường cấp ba Notre Dame Seishin.
  • Từ năm 1992–1996, bà là Giám đốc hành chính của Liên đoàn trường Công giáo Nhật Bản.
  • Bà là tác giả, dich giả của nhiều đầu sách. Trong đó, có những cuốn  đã xuất bản tại Việt Nam: Mình là nắng, việc của mình là chói chang.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. ĐỂ DÀNH 2% ĐỂ CÓ THỂ THA THỨ
  2. TÌNH YÊU RẤT GẦN BÊN BẠN
  3. CẢM TẠ NHỮNG PHÚC LÀNH TRƯỚC GIỜ ĐÃ ĐẾN VỚI TÔI – ĐỜI BẠN KHÔNG SỐNG, AI SỐNG HỘ?

Bài viết mới

  1. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM
  2. LÒNG TỰ TRỌNG
  3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ