ĐỂ DÀNH 2% ĐỂ CÓ THỂ THA THỨ

KAZUKO WATANABE

Trích: Đời Bạn, Bạn Không Sống, Ai Sống Hộ?; Dịch giả: Nguyễn Thu Trang; NXB: Hà Nội, Công ty sách Skybooks, 2017

Tôi hiện vẫn luôn dạy sinh viên những bài giảng mang tính “lý luận nhân cách”. Trong mỗi con người luôn có phần “người” – nhân tính, tiếng Anh gọi là “person”. Giá trị của phần “người” – “person” ấy là khi chúng ta tự minh phán đoán, từ phán đoán ấy mà lựa chọn, quyết định rồi tự chịu trách nhiệm cho mỗi quyết định của bản thân mình. Tôi muốn chia sẻ với các bạn một câu chuyện, khi đi trên đường, tuy chẳng có một ai qua đường cả, và bạn nhìn thấy người khác cũng lái xe vượt qua nên dù đèn đỏ bạn cũng vượt. Những kẻ như vậy, dù mang danh là con người, nhưng lại không hề có tính “người”.

Giới hạn của phần “người” giữa bạn và đối phương hoàn toàn khác nhau, và chính sự khác biệt đó là điều rất tuyệt vời. Có một điều đương nhiên là bạn và đối phương không hề có cùng suy nghĩ. Tôi nhớ đã đọc ở đâu đó câu nói của ngài Mushanokoji Saneatsu!, “Bạn là bạn, và tôi là tôi… thế nhưng chúng ta vẫn có thể trở nên thân thiết”. Hiểu được những cảm xúc ấy rất quan trọng. Khi đã tạo được một nhân cách cho bản thân, bạn sẽ có thể bắt đầu mối quan hệ tình cảm thật lòng với một người khác. Mọi người đều nghĩ tôi lo việc tôi, còn bạn lo việc bạn. Tôi kính trọng con người khác biệt của bạn và bạn cũng tôn trọng sự riêng biệt của tôi. Hơn nữa, trong khoảng thời gian đó, tình cảm yêu mến sẽ được nuôi dưỡng.

Đó là bản sắc của mỗi con người.

Ngay cả trong việc thất tình, nỗi buồn và sự đau lòng của bạn khi bị thất tình cũng khác với nỗi buồn và sự đau lòng của người bạn trong trường hợp tương tự. Nếu so sánh với những người chưa từng trải qua thất tình, ở một mức độ nào đó, họ có thể hiểu được sự việc, thế nhưng khi họ thẳng thừng “vì tôi cũng có kinh nghiệm rồi nên có thể hiểu được” thì đó chẳng phải là dấu hiệu của sự tự mãn hay sao.

Tôi nghe một sinh viên hỏi, “Liệu con có thể làm điều gì tốt đẹp hay bắt chuyện với bạn thân vừa mất người bố kính yêu của cô ấy? Nếu là sơ, hẳn người có thể cho con một lời giải đáp”. Câu trả lời của tôi là “Cô nghĩ chỉ cần con ở bên và nắm tay bạn thật chặt đã là một điều tuyệt vời cho bạn ấy rồi. Vì cảm xúc lo lắng và quan tâm của con dành cho bạn là thật lòng, con chỉ cần nắm tay và ở bên bạn là đủ rồi”. “Những câu sáo rỗng như “vì tôi cũng mất bố nên tôi rất hiểu tâm trạng của bạn” hoàn toàn không có chút giá trị an ủi nào nên con đừng dùng cách nói ấy”, tôi bảo cô bé.

“Nỗi đau mà con phải gánh chịu khi mất bố khác hoàn toàn với nỗi đau mà người bạn của con phải gánh chịu. Chúng ta đều là những cá thể con người khác biệt lẫn nhau nên có những điều thông thường có thể hiểu cho nhau, nhưng cũng có những việc hoàn toàn không thể đồng cảm được.”

Con người không thể chắc chắn có thể hiểu được toàn bộ ai đó. Chính vì thế, dù có tin tưởng người kia đến mức nào, cũng hãy luôn ghi nhớ rằng “Đừng bao giờ tin tưởng 100% mà hãy chỉ tin ở mức 98% mà thôi. 2% còn lại hãy dành làm chỗ trống, để khi người kia có sai sót, ta còn có thể tha thứ cho họ”.

Con người cũng là những sinh vật không hoàn hảo. Chính vì thế, nếu con tin tưởng 100%, trong con sẽ không còn chỗ trống để tha thứ nữa. Tôi luôn nghĩ rằng những mối quan hệ mà trong đó, sự tin tưởng lên tới 100% luôn rất dễ đổ vỡ. Thay vào đó, có nhiều cách diễn đạt như là “Tôi rất trân trọng vì bạn đã tin tưởng tôi, nhưng vì bản thân tôi cũng chẳng phải là thánh thần nên xin đừng quên rằng tôi cũng có rất nhiều sai sót”, hay là “Tôi từ trước tới nay luôn tin tưởng bạn hơn bất cứ ai, tuy nhiên tôi biết bạn chẳng phải người toàn năng nên dù có sai cũng chẳng sao cả”, 2% để phòng cho sự “thiếu hụt” đó.

“Thiếu hụt” là cách để tha thứ cho những lỗi lầm. Điều đó rất quan trọng, cả trên cương vị mối quan hệ giữa đồng nghiệp lẫn mối quan hệ bạn bè.

Khi nghe tôi nói xong, cô bé bắt đầu hiện ra vẻ mặt ngơ ngác và thốt lên “Vậy sao ạ?”, “Sơ cũng có những cảm xúc không tin tưởng người khác vậy sao?“, “Con vốn nghĩ nếu là sơ thì sẽ muốn có được 120% niềm tin của đối phương kìa“. Nhưng đó chính là lý do cần phải có “2% dự phòng“ kia. Kể cả tôi đi chăng nữa cũng phải nói rằng nếu như được tin tưởng 100% thì thực sự rất phiền phức. Tôi vẫn còn muốn dành chỗ trống để phạm sai lầm kia mà. Thành thực mà nói, nếu đã có dự định tiếp tục sống, chắc chắn sẽ có lúc tôi mắc sai lầm hoặc có khi quên đi lời hứa mình đã hứa. Và những lúc đó, bản thân tôi cũng muốn được tha thứ.

Chú thích

  1. Mushanokoji Saneatsu (1885-1976) là tác giả và nhà thơ. Ông cùng với Arishima Takeshi và Shiga Naoya đã phát hành cuốn tạp chí Cây phong trắng. Ông để lại rất nhiều tác phẩm ca ngợi sinh mệnh con người cũng như các cá nhân bằng bút pháp văn nói độc đáo. Ông có những tác phẩm lớn như Người đàn ông trưởng thành, Người hạnh phúc, Hữu tình, Người thầy chân lý.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. LẤY BÓNG LƯNG MẸ LÀM TẤM GƯƠNG
  2. GIÁ TRỊ QUAN CỦA CHA MẸ TẠO NÊN GIÁ TRỊ QUAN CỦA CON TRẺ
  3. TÌNH YÊU RẤT GẦN BÊN BẠN

Bài viết mới

  1. HÀO PHÓNG – VẼ LẠI NHỮNG LẰN RANH
  2. NHỮNG KẺ ĐỊCH THÂN CẬN
  3. KHẢ NĂNG TRUYỀN CẢM HỨNG