SƯU TẦM
Ở Việt Nam, sự tích Táo Quân được truyền khẩu, rồi ghi chép, nội dung chính được tóm tắt như sau:
Trọng Cao có vợ là Thị Nhi ăn ở với nhau đã lâu mà không con, nên sinh ra buồn phiền, hay cãi cọ nhau. Một hôm, Trọng Cao giận quá, đánh vợ. Thị Nhi bỏ nhà ra đi sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang. Khi Trọng Cao hết giận vợ, nghĩ lại mình cũng có lỗi nên đi tìm vợ. Khi đi tìm vì tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin.
Khi Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi, thì hai bên nhận ra nhau. Thị Nhi rước Trọng Cao vào nhà, hai người kể chuyện và Thị Nhi tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng.
Phạm Lang trở về nhà, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao nơi đây thì khó giải thích, nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà liền ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên bị chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của mình nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo.
Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ.
Linh hồn của ba vị được đưa lên Thượng Đế. Thượng Đế thấy ba người đều có nghĩa, nên sắc phong cho làm Táo Quân, gọi chung là: Định Phúc Táo Quân, nhưng mỗi người giữ một việc:
- Phạm Lang làm Thổ Công, trông coi việc bếp. Danh hiệu: Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân
- Trọng Cao làm Thổ Địa, trông coi việc nhà cửa. Danh hiệu: Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần
- Thị Nhi làm Thổ Kỳ, trông coi việc chợ búa. Danh hiệu: Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chánh Thần.
Câu ca tưởng chừng đơn giản ấy bao hàm những ý nghĩa sâu xa trong cuộc sống. Nó nhấn mạnh rằng, trên thế gian, chỉ tồn tại mối quan hệ “một vợ, một chồng”.
Có thể nói, điều mà những tích truyện nhắc tới, đó không phải là cái lý mà chính là cái tình. Tình nghĩa phu thê, sống chết cùng nhau. Đã là phu thê “đầu ấp tay gối” thì muôn đời tình nghĩa sắt son.
Chẳng bởi vì như thế mà họ mới hóa thành những vị thần trông coi những phần quan trọng nhất trong gia đình hay sao?
Từ đó, vào dịp 23 tháng Chạp hằng năm, các Táo cưỡi cá chép lên Thiên Đình để bẩm báo với Ngọc Hoàng mọi việc tốt xấu trong năm của mọi người trong gia đình. Đến đêm Giao thừa các Táo mới trở lại trần gian, tiếp tục công việc trông coi bếp núc của mình.
Truyền thuyết “Sự tích Táo quân” có nhiều dị bản nhưng cốt truyện nhìn chung để ngợi ca tình yêu, tình cảm gia đình khăng khít. Có thể thấy trong các bản kể, dù các chi tiết có khác thì một hình ảnh vẫn không thay đổi đó là ngọn lửa. Từ xa xưa, con người đã biết dùng lửa xua đuổi thú dữ, nấu chín thức ăn, sưởi ấm, … Cho đến ngày nay, ngọn lửa vẫn giữ nguyên tác dụng của nó trong mỗi gia đình. Ông Công ông Táo là sự tượng trưng cho bếp lửa, là lời nhắc đến tình cảm ấm áp trong mỗi gia đình, là hình ảnh các thành viên quây quần bên nhau.
Từ câu chuyện về ông Công ông Táo ta có thể thấy được tình người, tình phu thê hết sức ý nghĩa. Đồng thời cũng thể cho thấy một nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt qua các thế hệ được kính cẩn giữ gìn cho đến hôm nay.
———
Dưới góc nhìn của Phật giáo, việc thờ ông Địa, thần Tài hay ông Công ông Táo là tập tục, tín ngưỡng dân gian. Từ xa xưa, người ta tin rằng, mỗi lĩnh vực của đời sống con người đều có một vị thần cai quản nên thờ phụng, cúng bái các vị thần ấy thì sẽ được phù hộ.
Người Phật tử sau khi quy y Tam bảo đều biết rõ “quy y Phật không quy y trời thần quỷ vật”. Tuy nhiên, tập tục thờ thần đã in sâu vào tâm thức, phổ biến trong dân gian Việt Nam nên một số Phật tử vẫn duy trì các hình thức thờ thần này.
Trong tinh thần phương tiện và bao dung của Phật giáo, những vị Phật tử nào chưa đủ Chánh kiến để phụng hành chỉ ba ngôi Tam bảo thì vẫn có thể duy trì tập tục thờ các vị thần này. Nhưng cần lưu ý rằng, đạo Phật không chủ trương thờ thần, mặt khác, những thành tựu trong đời sống đều do phước đức của tự thân đã gieo trồng trong quá khứ và hiện tại mà được, chứ không phải nhờ thần linh phù hộ.
Ngày 23 tháng Chạp hàng năm là ngày Táo Quân về trời báo cáo với Ngọc Hoàng thượng đế. Phương tiện để Táo Quân lên chầu trời chính là cá chép vàng. Sau khi mâm cỗ được bày biện đầy đủ, đến giờ hành lễ là lúc con cháu bắt đầu đọc bài văn cúng khấn ông Công, ông Táo để tỏ lòng thành kính. Dù thế, không phải ai cũng biết bài khấn nào là đúng, là chuẩn xác nhất.
—
Tổng hợp
Nguồn: phatgiao.org.vn