THIỀN SƯ BẠT ĐỘI
Trích: Thấy Thẳng Nhất Tâm; Ban dịch thuật Thiện Tri Thức;
NXB.
Một người hỏi Bạt Đội:
“Như ẩn dụ người giàu có trong Kinh Pháp Hoa, người thường tự mê lầm và tìm kiếm Phật và Pháp ngoài tâm họ. Trong thí dụ khác, đứa con của người giàu có trốn xa nhà, bỏ cha lại và cắt đứt mọi liên hệ với gia đình, cuối cùng đi ăn xin. Và nữa, trong phẩm Phổ Môn có nói: ‘Nếu ông nhiệt thành nghĩ đến Bồ tát Quán Âm, ông sẽ được giải thoát’. Và lại nữa: ‘Khi ông gặp mọi bất hạnh, nếu ông tham thiền về thần lực của Quán Âm thì thậm chí một hầm lửa sẽ chuyển hóa thành một cái ao.’ Nhưng nhà những người tin Quán Âm có đôi khi cháy, và những chàu thờ tượng Ngài cũng có khi cháy rụi. Cũng có những trường hợp tham thiền về Quán Âm mà người ấy lại gặp bất hạnh. Nhìn từ quan điểm này thì ngay cả lời Thế Tôn cũng có đôi khi không đúng sao?
“Trong nhiều Kinh có nói: ‘Người nào nhận lãnh, vâng theo, đọc, tụng và sao chép Kinh này sẽ đắc Phật quả.’ Và về chư Phật và chư Bồ tát: ‘Mỗi vị Phật và Bồ tát đều nói không có cái gì cao hơn sự tụng Kinh.’ Những người tin vào những Kinh này đều kiêu hãnh về điều này, nói rằng họ tin vào chân lý còn những niềm tin của người khác thì thấp. Khi thấy vậy, tôi tự hỏi có phải Phật đã sai lầm, rót sự kiêu mạn vào họ và gởi họ vào địa ngục hay lòng của những người ấy xấu. Đâu là giải thích đúng?”
Bạt Đội trả lời:
“Như Lai là người nói điều chân thật, nói điều nền tảng, nói điều tối hậu. Ngài không nói điều giả dối, cũng không nói điều xa lạ. Không có lỗi lầm nào trong một câu hay một dòng của bài thuyết pháp của Thế Tôn. Chỉ khi người thường nghe một bài thuyết pháp, vì vô minh của họ, có cả ngàn biến thái và mười ngàn sai khác. Đó giống như dụi mắt ông để làm cho một mặt trăng xuất hiện thành hai. Một khi ông thấy đã sáng tỏ bản tánh ông, mọi lời nói đều quy tụ về tự ngã như muôn ngàn sóng trở về đại dương. Có nói trong một Kinh (Pháp Hoa): ‘Trong trăm ngàn cõi Phật, trừ những thuyết pháp phương tiện quyền xảo, chỉ có Pháp Nhất Thừa không có hai, có ba.’ Nhất Thừa này là Nhất Tâm. Những người tìm kiếm Phật và Pháp ngoài tâm đều là những đứa con của người giàu có đã quên mất nhà của họ ở đâu. Khi ông ngộ Pháp độc nhất và kỳ diệu của chân tánh ông, đó như thể đứa con lưu lạc trở về đến nhà.”
“Tất cả các ông! Nếu các ông muốn trở về mái nhà của các ông, hãy chỉ đánh thức chân tánh của các ông. Bản tánh của tâm này là bản nguyên của chư Phật. Nó là tên của tất cả các Kinh. Đôi khi nó được ám chỉ là Pháp Độc Nhất và Kỳ Diệu, đôi khi là Viên Giác, đôi khi là Đà La Ni (Tổng Trì), đôi khi là Cõi Giới, đôi khi là Tịnh Độ, đôi khi là Pháp Giới của Hoa Nghiêm, đôi khi là Như Lai Tạng, đôi khi là Phật Hương Tích, đôi khi là A Di Đà, đôi khi là Dược Sư, Phổ Hiền, Văn Thù, Quán Âm, và Địa Tạng. Tất cả tên này đều chỉ Nhất Tâm. Dù có mười ngàn tên khác nhau, không làm gì có hai Pháp. Vì lý do này, có nói trong một Kinh (Viên Giác): ‘Những giáo lý trong các Kinh là những ngón tay chỉ mặt trăng. Khi ta tự mình thấy mặt trăng, thì biết cái ngón tay đâu phải là mặt trăng.’ Giác ngộ trong đó các ông thấy chân tâm mình và chứng ngộ chân tánh mình thì được truyền ngoài Kinh điển; nó không dựa trên tên và lời. Do đó có nói: ‘Khi ông thấy mặt trăng, ông biết không có mặt trăng để chỉ ra.’
“Nếu các ông không nhận thức rằng mọi thuyết pháp của chư Phật và chư Tổ là những lời chỉ thẳng tâm, các ông sẽ bám chấp vào tên và lời. Bấy giờ các ông coi thường người khác và khoe khoang tự phụ. Đó là khi uống thuốc trở thành thuốc độc, và các ông tạo nghiệp dẫn về địa ngục. Đó giống như mặt trăng chiếu soi trên ngàn nhà. Dù một người thuyết giảng nói mặt trăng này chỉ là một, sự hiểu lầm của người nghe khiến y cho rằng mặt trăng trên nhà của ai khác là cái giả. Bây giờ làm thế nào ở xứ nào trong mười phương mà có được một mặt trăng riêng lẻ? Người ta có thể nói, chẳng hạn, mười tỷ núi Tu Di có mười tỷ mặt trời, mặt trăng, tuy nhiên vốn không làm gì có hai. Pháp đức Phật thuyết cũng giống như vậy”