CHIẾN THẮNG, BẮT ĐẦU NGAY TỪ VẠCH XUẤT PHÁT

ANTHONY ROBBINS

Phần đầu của sách đã chia sẻ cùng bạn đọc những công cụ hữu hiệu giúp có được nguồn năng lực tối thượng. Bây giờ, bạn đã có những kỹ năng và sự sáng suốt giúp khám phá cách người khác có được thành quả và cách bắt chước hành động của họ, để bạn cũng có thành quả tương tự. Bạn đã học cách định hướng cho trí tuệ và hỗ trợ cho cơ thể. Bây giờ bạn sẽ học cách đạt được bất cứ điều gì bạn muốn và cách giúp đỡ người khác có được những gì họ cần.

Muốn như vậy phải trả lời được câu hỏi lớn. Bạn cần gì? Những người bạn yêu mến quan tâm đến điều gì? Phần hai của cuốn sách này đặt ra những câu hỏi ấy, tạo ra những điểm độc đáo và tìm ra những con đường để bạn có thể sử dụng khả năng theo cách trực tiếp hiệu quả và khéo léo nhất. Bạn cũng biết cách trở thành nhà thiện xạ. Bây giờ, chỉ cần tìm mục tiêu nữa là xong.

Trước đây bạn đã biết chất lượng cuộc sống chính là chất lượng giao tiếp. Chương này sẽ bàn cách trau dồi kỹ năng giao tiếp cho phép bạn sử dụng khả năng của mình theo cách hữu hiệu nhất trong những tình huống sắp tới. Điều quan trọng là phải biết phác thảo kế hoạch để biết chính xác mình muốn đi đâu. Biết những điều gì giúp đỡ bạn đến được đích.

Trước khi tiếp tục, hãy ôn lại những gì ta đã biết cho đến nay. Điều chính yếu bạn biết bây giờ là không hề có hạn chế cho việc bạn làm. Chìa khóa của bạn là khả năng học hỏi nhờ bắt chước. Tinh hoa có thể sao chép. Chỉ cần bắt chước chính xác, bạn cũng có được thứ giống y như họ. Dù nó là bước trên than hồng, kiếm hàng triệu đô la hoặc phát triển một mối quan hệ đều được tạo bởi một loạt những hành động cụ thể. Có nhân phải có quả. Nếu bạn tái hiện chính xác những hành động của người khác (cả trong tâm tưởng lẫn bên ngoài) khi đó bạn sẽ có được thành quả cuối cùng giống họ. Bạn bắt đầu bằng việc bắt chước hành động trong tâm tưởng của một người, bắt đầu từ hệ thống niềm tin của người ấy. Sau đó, tiếp tục với sự sắp xếp suy tưởng. Và cuối cùng là bắt chước cơ chế sinh lý học của người mẫu. Hãy làm ba tiến trình đó hiệu quả và khéo léo, cuối cùng bạn có thể làm bất cứ điều gì.

Thành công hay thất bại đều bắt đầu với niềm tin. Khi tin có thể hoặc không thể làm điều gì, bạn đều đúng cả. Thậm chí, nếu có kỹ năng và nguồn lực để làm một việc, nhưng lại tự nhủ mình không thể làm, bạn đã đóng cánh cửa dẫn tới những con đường trong tâm trí để biến việc đó thành có thể. Nếu bạn tự nhủ mình có khả năng, bạn đang mở ra con đường đến với nguồn lực để đạt tới thành tựu.

Bạn đã biết công thức thành công tối thượng: biết được kết quả, phát triển sự sắc bén của hệ thống cảm nhận để biết bạn sắp đạt tới điều gì, phát triển khả năng linh hoạt để thay đổi hành vi cho tới khi tìm được điều gì là hữu hiệu, bạn sẽ có được kết quả như mong muốn. Nhưng nếu chưa đạt kết quả như mong muốn, phải chăng bạn thất bại? Tất nhiên là không! Cũng như người lái tàu thủy hướng con tàu lướt trên sóng cả, bạn cần thiết phải thay đổi hành vi cho tới khi có được thứ bạn muốn.

Bạn đã biết được năng lực của việc có được trạng thái tràn đầy sức sống. Bạn đã biết cách làm thế nào điều chỉnh cơ chế sinh lý học và những hình ảnh trong tâm tưởng để chúng phục vụ cho bạn, mang lại khả năng cho bạn, giúp bạn đạt được thứ bạn muốn. Bạn biết nếu tận tâm, bạn sẽ thành công.

? “Con người không lười biếng.
Đơn giản chỉ bởi họ có những mục tiêu không hiệu quả,
có nghĩa những mục tiêu không mang lại nguồn cảm hứng cho họ”.
_ Anthony Robbins

Một quan điểm quan trọng cần phải thêm vào những kiến thức trên là: có một cơ chế tuyệt vời ẩn trong tiến trình này. Càng phát triển các nguồn lực của mình bao nhiêu, bạn càng có nhiều năng lực bấy nhiêu. Càng cảm giác mạnh mẽ bao nhiêu, bạn càng khơi nguồn những nguồn lực thậm chí còn lớn hơn nữa, có được những trạng thái khỏe khoắn hơn nữa.

Có một nghiên cứu đáng chú ý có tên gọi “Triệu chứng của con khỉ thứ 100”. Trong cuốn Thủy triều của cuộc sống được phát hành 1979, nhà nghiên cứu sinh vật học Lyall Watson kể chuyện xảy ra trong một đàn khỉ trên một hòn đảo gần Nhật Bản. Một loại thức ăn mới, một loại khoai lang mới đào phủ đầy cát, được đưa vào giữa đàn khỉ. Bởi vì những món đồ ăn khác của chúng không đòi hỏi phải sơ chế nên lũ khỉ ngần ngừ không muốn ăn những củ khoai bám đầy đất. Sau đó, một con khỉ giải quyết vấn đề bằng cách rửa khoai ở nước suối và dạy mẹ nó cùng với những con khỉ bạn nó làm tương tự. Một chuyện đáng chú ý xảy ra. Một khi một số lượng nhất định các con khỉ (khoảng 100 con) biết được kiến thức này, các con khỉ khác cũng bắt đầu làm tương tự. Không hề có sự tiếp xúc về thể chất nào với những con khỉ lúc đầu. Nhưng không hiểu sao hành vi ấy vẫn được truyền đạt rộng rãi.

Chuyện này không có gì là dị thường cả. Rất nhiều trường hợp cho thấy nhiều người không có cách gì liên hệ được với nhau lại hành động với một sự nhất trí đáng kể. Một nhà vật lý học có một ý tưởng và hình như đồng thời ba nhà khoa học khác ở những nơi khác cũng đưa ra ý tưởng tương tự. Tại sao việc này có thể xảy ra? Không ai biết chính xác. Nhưng rất nhiều khoa học gia nổi tiếng và rất nhiều nhà nghiên cứu về não bộ như nhà vật lý học David Bohm và nhà nghiên cứu sinh vật học Rupert Sheldrake tin rằng: có một ý thức tập thể thu hút người, và rằng khi chúng ta tạo thiên hướng cho mình bằng niềm tin, sự tập trung và cơ chế sinh lý học tối ưu, ta sẽ tìm được cách có được ý thức tập thể đó.

Cơ thể não bộ và tâm trạng như một âm thoa hoạt động hòa hợp. Thế nên, càng hòa hợp bản thân, ta càng có thiên hướng mạnh mẽ, càng khơi nguồn tri thức dồi dào và cảm xúc phong phú. Như thông tin hoàn toàn thuộc về bên ngoài nếu ta ở trong trạng thái đủ khỏe khoắn để nhận thông tin ấy.

Một phần quan trọng của tiến trình này là biết bạn muốn gì. Tiềm thức liên tục xử lý thông tin theo cách có thể đưa ta đến những hướng đặc biệt. Thậm chí, ngay cả trong tiềm thức, trí tuệ vẫn bóp méo, xóa bỏ và tổng hợp thông tin. Thế nên, trước khi trí óc có thể làm việc hiệu quả, ta nhất định phát triển nhận thức về kết quả ta mong đợi đạt tới. Maxwell gọi tiến trình này là điều khiển học thông qua tâm lý trong một cuốn sách nổi tiếng của ông có chung tựa đề. Khi trí tuệ có được mục tiêu rõ ràng, nó có thể tập trung, định hướng, tái tập trung và tái định hướng cho đến khi đạt được mục tiêu đã định. Nếu trí tuệ không có được mục tiêu rõ ràng, nguồn năng lực của nó sẽ bị lãng phí. Cũng giống một người với chiếc cưa sắc tuyệt vời nhất trên đời nhưng lại không biết tại sao mình đứng giữa rừng.

Sự khác biệt trong khả năng của con người trong việc khơi nguồn năng lực của cá nhân sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi mục tiêu của họ. Một nghiên cứu vào năm 1953 khảo sát các sinh viên đã ra trường của đại học Yale đã chứng minh quan điểm này. Những sinh viên ra trường này được phỏng vấn và được hỏi liệu họ có được những mục tiêu cụ thể rõ ràng hay không. Hãy viết một kế hoạch để đạt được những mục tiêu ấy. Chỉ có 3% có mục tiêu. Hai mươi năm sau, năm 1973, các nhà nghiên cứu quay trở lại và phỏng vấn những thành viên có thể nói là thành đạt trong lớp học đã tốt nghiệp năm 1953. Họ phát hiện ra rằng 3% sinh viên có mục tiêu cụ thể nắm giữ một lượng tài chính bằng 97% những người còn lại cộng lại. Đúng là nghiên cứu này chỉ đánh giá sự phát triển tài chính mà thôi. Tuy nhiên, những nhà phỏng vấn cũng biết thêm rằng: trong những đánh giá chủ quan hơn như mức độ hạnh phúc và niềm vui, 3% số sinh viên ấy cũng nổi trội vì mục tiêu rõ ràng. Đó chính là năng lực của việc đặt ra mục tiêu.

Chương này sẽ trình bày cách hiểu rõ mục tiêu, mơ ước, khát vọng của mình, cách cương quyết tập trung trí tuệ, nguồn lực và cách đạt được mục tiêu. Có bao giờ bạn cố hoàn tất một trò chơi xếp hình mà không nhìn thấy bức hình bạn phải xếp thành không? Đó chính là điều xảy ra khi ta cố chắp vá cuộc đời mình mà không biết được kết quả sẽ đi đến đâu. Khi biết kết quả cuối cùng, bạn sẽ cho não bộ một bức tranh rõ ràng về loại thông tin nào cần phải thu nhận thông qua hệ thống thần kinh. Đâu là thông tin cần ưu tiên nhất. Bạn sẽ cho nó những thông điệp rõ ràng nó cần để hoạt động hiệu quả.

? “Chiến thắng bắt đầu ngay từ vạch xuất phát”.
_ Khuyết Danh

???????

Trích ĐÁNH THỨC NGUỒN NĂNG LỰC VÔ HẠN
Tác giả: Anthony Robbins
Người dịch: Tuyết Minh (N. Kiến Văn)
Nhà xuất bản: Tự Điển Bách Khoa

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. PHÉP HUYỀN DIỆU CỦA SỰ HÒA HỢP
  2. TẦM ẢNH HƯỞNG CỦA TÂM TRẠNG
  3. LÀM THẾ NÀO TẠO ĐƯỢC NHỮNG THAY ĐỔI LÂU BỀN

Bài viết mới

  1. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ
  2. AI CŨNG CÓ THỂ HẠNH PHÚC NGAY TỪ GIÂY PHÚT NÀY
  3. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ