TRƯỚC VẤN ĐỀ KHỞI THỦY CỦA SỰ SỐNG, THÁI ĐỘ CỦA PHẬT GIÁO NHƯ THẾ NÀO?

NARADA MAHA THERA

Trích: Đức Phật Và Phật Pháp; Phạm Kim Khánh dịch; NXB Tôn Giáo.

 

Trước tiên ta phải nhận định rằng Đức Phật không có ý giải quyết tất cả những vấn đề luôn lý và triết học của nhân loại. Đức Phật không hề đề cập đến những vấn đề nào không hướng về sự cải thiện con người hay về sự giác ngộ. Đức Phật cũng không đòi hỏi ở tín đồ một đức tin mù quáng về nguyên nhân đầu tiên của đời sống, cũng như về các vấn đề khác.

Thuở nọ có một vị Tỳ khưu tên Malunkyaputta, cảm thấy lối tu giải thoát từng bậc của Đức Phật rất chậm chạp nên ân cần bạch với Đức Phật rằng Ngài chưa hề đề cập đến nguồn gốc của đời sống, và nếu Ngài không giải thích liền điểm ấy thì thầy sẽ từ bỏ đời tu sĩ để hoàn tục. Vị Tỳ khưu nói:

Bạch Đức Thế Tôn, những lý thuyết nầy chưa được Ngài giải thích rõ ràng minh bạch. Ngài đã gát vấn đề ấy qua một bên, không dạy đến rằng thế gian có vĩnh cửu không, thế gian có giới hạn hay vô cùng tận? Nếu Đức Thế Tôn giải thích rõ những điều ấy con sẽ tiếp tục đi theo Ngài để sống đời tu sĩ thanh cao. Nếu không, con sẽ giã từ Ngài.

Nếu Đức Thế Tôn biết chắc rằng thế gian là vĩnh cửu thì xin Ngài giải thích minh bạch cho con rằng thế gian là vĩnh cửu. Nếu Đức Thế Tôn biết chắc rằng thế gian không vĩnh cửu, xin Ngài giải thích rõ cho con rằng thế gian không vĩnh cửu. Chắc chắn trong trường hợp nầy, đối với người không hiểu biết và không giác ngộ thì điều đáng làm hơn hết là phải nói rằng: tôi không biết, tôi chưa giác ngộ”.

Đức Phật thản nhiên, chậm rãi hỏi vị Tỳ khưu lầm lạc kia có phải ông xuất gia đi tu với mục đích giải quyết  những vấn đề tương tợ như thế không?

– Bạch Đức Thế Tôn, không.

Đức Phật khuyên thầy Tỳ khưu không nên lãng phí thời gian và năng lực trong những việc chỉ làm chậm trễ tiến bộ tinh thần của mình.

Ngài dạy:

Nầy Malunkyaputta, kẻ nào nói rằng, ta quyết không xuất gia theo Đức Như Lai để sống đời đạo hạnh trước khi Ngài giải rõ cho ta điều ấy – kẻ ấy sẽ chết trước khi nghe Như Lai giải thích.

“Thí dụ có một người kia bị bắn sâu vào mình một mũi tên có tẩm thuốc độc. Bạn bè thân quyến chạy đi tìm lương y để cứu chữa.

“Trong lúc ấy bệnh nhân nói: tôi sẽ không cho ai rút mũi tên nầy ra, trước khi giải thích tận tường về nguồn gốc của mũi tên, người nào bắn tôi, bản chất của mũi tên là thế nào v.v…, người ấy sẽ chết trước không được nghe giải thích.

“Cũng cùng thế ấy, kẻ nào nói: – “Tôi sẽ không theo Đức Như Lai để sống đời tu sĩ trước khi Ngài giải rõ cho tôi thế gian có vĩnh cửu hay không, thế gian có giới hạn không, hay vô cùng tận…,” kẻ ấy sẽ chết trước khi được nghe Đức Thế Tôn giải thích.

“Nếu tin rằng thế gian nầy là trường tồn vĩnh cửu, chính sự tin tưởng ấy có phải là đời sống phạm hạnh của bậc tu sĩ không?

– Dạ, không.

– “Tuy nhiên, dầu tin rằng thế gian này là vĩnh cửu hay không, vẫn có sanh, có già, có chết. Chấm dứt sanh, lão, bệnh, tử, là điều mà Như Lai hằng giải,

“Nầy Malunkyaputta, Như Lai không hề nêu lên vấn đề thế gian có vĩnh cửu hay không, thế gian có giới hạn hay vô cùng tận. Tại sao?

“Bởi vì những điều ấy không ích lợi, không thể làm nền tảng cho đời sống phạm hạnh, không chấm dứt sân hận, phiền não, không dẫn đến sự dập tắt, trạng thái vắng lặng, trí tuệ giác ngộ hay là Niết Bàn. Vì vậy Như Lai không đề cập đến vấn đề ấy.”

Theo Phật Giáo, chúng ta được sinh ra từ cái bào thai hành động (Kammayoni). Chính hành động hay  Nghiệp của ta trong quá khứ là cái bào thai nuôi dưỡng và tạo điều kiện để tái sanh. Cha mẹ cấu hợp nền tảng vật chất. Như vậy, trước chúng sanh có chúng sanh. Trước một chúng sanh trong kiếp hiện tại phải có một chúng sanh trong kiếp quá khứ. Lúc thọ thai, chính nghiệp tạo điều kiện cho thức đầu tiên làm nguồn sống cho thai bào. Chính Nghiệp lực vô hình, phát sanh từ kiếp quá khứ, tạo những hiện tượng tâm linh và những hiện tượng sinh khí trong một hiện tượng vật lý sẵn có – tức tinh trùng và minh châu của cha mẹ – để gồm đủ ba yếu tố, tam nguyên, cấu thành con người.

Đề cập đến vấn đề thọ thai, Đức Phật dạy:

“Nơi nào có ba yếu tố ấy hợp lại là mầm sống khởi sanh. Nếu cha và mẹ gặp nhau mà không nằm trong chu kỳ thọ thai của mẹ và không có chủng tử (Gandhabba) thì không có mầm sống. Nếu cha mẹ gặp nhau trong thời kỳ thọ thai của mẹ mà không có sự phối hợp của chủng tử (Gandhabba) thì cũng không có mầm sống. Nếu cha mẹ gặp nhau nhằm thời kỳ thọ thai của mẹ và có một chủng tử thì có mầm sống, do sự phối hợp của ba yếu tố.”

Gandhabba ở đây không có nghĩa là “một vị trời mà người ta cho rằng có bổn phận chứng kiến việc thọ thai” hay một mụ bà, mà chỉ là một chủng tử, hay yếu tố nòng cốt trong bào thai. Danh từ Gandhabba chỉ dùng trong trường hợp đặc biệt này thôi. Ta không nên lầm lẫn với một linh hồn trường cửu.

Có sự tái sanh ở chỗ này tức nhiên phải có một chúng sanh chết ở một nơi khác. Nói một cách chính xác, cái sanh của một chúng sanh, tức sự cấu hợp của ngũ uẩn (Khandhanam paatubhavo), hay những hiện tượng tâm-vật-lý trong hiện tại, chuyển tiếp liền theo cái chết của một chúng sanh vừa qua đời, cũng giống như ta thường nói, khi mặt trời lặn ở một nơi tức là mặt trời mọc ở một nơi khác. Câu nói có vẻ bí hiểm ấy có thể rõ ràng và dễ hiểu hơn nếu ta hình dung đời sống như một lượn sóng, chớ không phải như một đường thẳng. Lượn sóng nổi lên, rồi hạ xuống để bắt đầu lượn sống mới. Tuy hai lượn sóng khác nhau nhưng không có một thời gian gián đoạn. Sanh và tử chỉ là hai giai đoạn trong một tiến trình. Sanh rồi tử, tử rồi sanh, sự luân lưu bất tận sanh-tử, tử-sanh của chuỗi dài những kiếp sống gọi là luân hồi (samsara), một cuộc đi bất định, mãi mãi và không mục đích.

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. SỰ KIỆN NHẬP THAI VÀ ĐẢN SANH CỦA ĐỨC PHẬT
  2. PHẬT GIÁO LÀ GÌ?

Bài viết khác của tác giả

  1. ĐỨC PHẬT LÀ AI ?
  2. NGHIỆP CHUYỂN LÊN VÀ NGHIỆP CHUYỂN XUỐNG
  3. TÌM CHÂN LÝ

Bài viết mới

  1. SỰ KHIÊM TỐN THUYẾT PHỤC
  2. TU TẬP THIỀN BẰNG CÁCH QUÁN TÂM TRONG TĨNH LẶNG
  3. TRAO MỘT LỜI KHEN