JAN CHOZEN BAYS
Trích: Chẳng Cần Ngồi Yên Vẫn Có Thể Thiền; Việt dịch: Sen Xanh; NXB. Lao động; Công ty CP Sách Thái Hà, 2019
CSAV – Trong những năm gần đây, việc thực hành chánh niệm và thiền định đã dần trở nên phổ biến hơn với số đông. Tuy nhiên, không ít người vẫn nghĩ rằng việc thực hành này đòi hỏi một không gian và thời gian tách rời khỏi mọi hoạt động hàng ngày, và rằng mình có rất ít thời gian rảnh rỗi để có thể thực hiện được. Điều này có thật như thế không? Trong quyển sách “Chẳng cần ngồi yên vẫn có thể thiền“, tác giả Jan Chozen Bays đã đề cập đến khái niệm cùng những lợi ích mà việc thực hành chánh niệm mang lại. Đồng thời, thông qua những bài tập hết sức thiết thực và đơn giản được trình bày trong sách, tác giả đã chỉ cho chúng ta cách thức để có thể vận dụng được chánh niệm trong mọi hoạt động hàng ngày của mình thông qua bất cứ sự xúc chạm nào của các giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý).
Bài viết dưới đây là một trong những bài thực hành như thế mà Ban biên tập trang Cùng Sống An Vui xin được chia sẻ với mong muốn mang lại thật nhiều lợi ích cho quý đọc giả.
???
BÀI THỰC HÀNH: Hãy dùng đôi bàn tay yêu thương của bạn và những xúc chạm yêu thương, ngay với cả những đồ vật vô tri vô giác
Tự nhắc
Hãy đặt một vật bất thường lên một ngón tay trong bàn tay thuận của bạn. Có thể là một cái nhẫn, một miếng gạc sơ cứu, một giọt sơn móng tay, hoặc một vệt đánh dấu nhỏ bằng bút màu. Mỗi lần bạn nhìn thấy dấu vết đó hãy nhớ mình phải dùng đôi bàn tay với xúc chạm yêu thương.
Khám phá
Khi thực hành bài tập này, chúng ta nhanh chóng nhận ra khi nào chúng ta hay những người khác không sử dụng bàn tay yêu thương. Chúng ta nhận thấy mình đã ném rau củ vào giỏ siêu thị như thế nào, hành lý bị đẩy vào những băng chuyền tại sân bay và dụng cụ ăn (dao, thìa, nĩa, đĩa) bị ném vào chậu ra sao. Chúng ta nghe thấy những cái bát bằng kim loại phát ra tiếng khi được sắp xếp một cách cẩu thả và tiếng cửa đóng sầm lại khi chúng ta vội vã.
Một tình huống khó xử đặc biệt đã xảy ra với những người đang làm cỏ vườn tại tu viện của chúng tôi. Làm thế nào chúng tôi có thể thực hành bài “xúc chạm yêu thương” khi chúng tôi nhổ bật rễ những cây cỏ đang xanh tươi lên khỏi mặt đất? Liệu chúng tôi có thể mở trái tim mình ra với cỏ không, đặt chúng vào chỗ phân bón với lời cầu nguyện rằng đời sống của chúng (và của cả chúng tôi nữa) sẽ làm lợi lạc những chúng sinh khác?
Là một sinh viên y khoa, tôi đã làm việc với một số bác sĩ phẫu thuật, những người nổi tiếng với “khí chất phẫu thuật”. Nếu có bất cứ khó khăn gì nảy sinh trong ca mổ, họ sẽ hành xử như một đứa trẻ lên hai tuổi, ném những dụng cụ đắt tiền và nguyền rủa y tá. Tôi chú ý thấy rằng có một bác sĩ phẫu thuật thật khác biệt. Ông luôn bình tĩnh trong giây phút căng thẳng, nhưng quan trọng hơn cả, ông xử lý mô của bệnh nhân cứ như thể nó vô cùng quý giá. Tôi quyết định rằng nếu tôi cần phải có một ca phẫu thuật, tôi sẽ nài nỉ ông làm cho tôi.
Khi chúng ta thực hành bài tập này, sự chánh niệm của xúc chạm yêu thương mở rộng ra để chúng ta nhận thức không chỉ về cách xúc chạm vào mọi vật, mà còn cảm nhận khi ta được xúc chạm. Điều này không chỉ giới hạn ở cách chúng ta được xúc chạm bởi bàn tay con người mà còn bởi trang phục của chúng ta, bởi gió, đồ ăn, thức uống trong miệng, sàn nhà dưới chân và rất nhiều thứ khác nữa.
Chúng ta biết cách sử dụng đôi bàn tay yêu thương và xúc chạm. Chúng ta chạm vào những em bé, những chú chó trung thành, những em nhỏ đang khóc, cùng những người yêu thương với sự dịu dàng và chăm sóc. Tại sao chúng ta không thể luôn sử dụng những xúc chạm yêu thương? Đây chính là câu hỏi cốt yếu của thực hành chánh niệm. Tại sao ta không thể luôn sống như thế này? Khi ta đã phát hiện ra được cuộc sống của ta sẽ giàu có hơn biết bao nhiêu nếu chúng ta hiện hữu nhiều hơn, tại sao chúng ta vẫn cứ rơi vào những thói quen cũ và lảng ra?
Những bài học sâu sắc hơn
Chúng ta luôn luôn được xúc chạm, nhưng hầu như không nhận biết được điều đó. Sự xúc chạm đi vào nhận thức của chúng ta thường là một sự không thoải mái (một viên đá trong đôi giày của tôi chẳng hạn) hoặc gắn với những ham muốn mãnh liệt (có thể là khi anh/cô ấy hôn tôi lần đầu tiên). Khi chúng ta bắt đầu mở nhận thức đến tất cả những cảm nhận về xúc chạm, cả bên trong và bên ngoài cơ thể, chúng ta có thể cảm thấy hơi sợ hãi. Cảm giác có thể hơi bị ngợp.
Thông thường, chúng ta quen nhận thức về việc sử dụng xúc chạm yêu thương với con người nhiều hơn với đồ vật. Tuy nhiên, khi ta đang vội vã hoặc buồn bực với ai đó, ta biến họ thành một đồ vật. Ta vội phóng ra khỏi nhà mà không kịp chào tạm biệt người ta yêu thương, ta lờ đi lời chào của đồng nghiệp vì một mối bất đồng xảy ra từ hôm trước. Đây là cách những người khác bị vật hóa, trở thành một sự khó chịu, một vật cản, và cuối cùng là thành kẻ thù của ta.
Ở Nhật Bản, đồ đạc thường được nhân cách hóa. Rất nhiều đồ đạc được coi trọng và được đối xử bằng sự chăm sóc đầy yêu thương, những đồ vật mà ta coi là vô tri và do vậy không xứng đáng có được sự tôn trọng, chứ chưa nói đến tình yêu thương. Tiền được trao cho thủ quỹ bằng hai tay, đồ pha trà được đặt tên riêng, những chiếc kim khâu được tổ chức tang lễ và được đặt an nghỉ trong những khối đậu phụ mềm mại, kính ngữ “o” được gắn với rất nhiều thứ đồ vật thông thường như tiền bạc (o-kane), nước (o-mizu), trà (o-cha) và thậm chí đôi đũa (o-hashi). Điều này có thể bắt nguồn từ truyền thống Shinto trong việc tôn vinh kami hay tinh thần ngự ở những thác nước, cây cao lớn, và núi non. Nếu nước, gỗ và đá được xem như những vật thiêng liêng, thì tất cả mọi thứ bắt nguồn từ chúng cũng thiêng liêng.
Những thiền sư của tôi đã dạy tôi, thông qua các ví dụ, cách cầm nắm mọi đồ vật như thể chúng có sự sống. Thiền sư Maezumi Roshi đã mở các bì thư, thậm chí cả thư rác, bằng một dụng cụ mở thư để đường cắt được gọn gàng và gỡ bỏ những đường riềm với sự chú tâm cẩn thận. Ông lấy làm phiền lòng khi mọi người dùng chân để kéo chiếc thảm ngồi thiền quanh nền nhà hoặc nện chiếc đĩa xuống bàn ăn. Có lần ông nói: “Tôi có thể cảm nhận được nó trong cơ thể mình”. Trong khi hầu hết các vị tăng/tu sĩ hiện đại đều sử dụng móc treo quần áo, thiền sư Harada Roshi đã gấp bộ áo tu của mình vào mỗi đêm và “ép” chúng xuống dưới đệm hoặc vali. Bộ quần áo tu mặc hàng ngày của ông luôn phẳng lỳ. Có những chiếc áo tu có tuổi hàng trăm năm được ông chăm sóc. Ông đối xử với những tấm áo y như đó chính là áo của Đức Phật.
Chúng ta có thể tưởng tượng ra ý thức xúc chạm của những bậc giác ngộ không? Mức độ nhạy cảm và phạm vi nhận thức của họ lớn như thế nào? Chúa Giê-su đã ngay lập tức cảm nhận được khi một người phụ nữ ốm yếu chạm vào đường viền áo của Ngài và người đó đã được chữa lành.
LỜI CUỐI: “Khi bạn mang cơm, nước, hay bất cứ thứ gì khác, hãy mang theo sự quan tâm, yêu thương và trìu mến của một bậc cha mẹ đang nuôi dưỡng con mình.” _Thiền sư Dogen