MICHAEL J. GELB
Trích: Khám Phá Thiên Tài Trong Bạn - Phương Pháp Tư Duy Theo Cách Của Mười Thiên Tài Sáng Tạo Nhất Trong Lịch Sử; Dịch Giả: Nguyễn Duy Dực – Đỗ Kiện Ảnh; NXB: Lao Động, Năm 2012
TÂM HỒN VĨ ĐẠI
Nhà thơ từng đạt giải Nobel, Rabindranath Tagore (1861-1941) gọi ông là “Mahatma” với nghĩa là “Tâm hồn vĩ đại”. Cái tên phản ánh tâm hồn cao đẹp và khả năng kết hợp chân lý của mọi tôn giáo trên thế giới. Đến lúc già, người ta còn gọi ông là “Bapu” hay “Quốc phụ”.
? SỰ GIÚP ĐỠ, LÒNG VỊ THA, CẦU NGUYỆN
Sự tận tâm giúp đỡ, lòng vị tha và cầu nguyện của Gandhi được rèn luyện trong môi trường gia đình. Ấn Độ giáo coi việc giúp đỡ người khác là niềm hạnh phúc và được khai sáng. Như nhà thơ, nhà hiền triết vĩ đại Rabindranath Tagore từng nói: “Tôi tỉnh dậy và nhận ra sống là để giúp đỡ người khác. Tôi đã hành động và coi việc đó là niềm hạnh phúc”.
Đối với Gandhi, sự giúp đỡ bắt đầu từ trong gia đình. Như việc ông chăm sóc người cha bị thương được miêu tả trong cuốn tự truyện, ông bày tỏ: “Tôi thích được giúp đỡ người khác. Tôi chưa từng từ chối giúp đỡ ai bao giờ.” Trong triết lý của Gandhi, sự giúp đỡ xuất phát từ đáy lòng và niềm sung sướng tột đỉnh và là bí mật của sự phát triển năng khiếu bản thân. Ông lập luận rằng sự giúp đỡ đó nằm ngoài tội lỗi, được thừa nhận bên ngoài hoặc chính là hệ quả của áp lực từ sự xấu hổ của tâm hồn. Sự tận tụy cho nguyên tắc đạo đức giúp ông mở rộng phạm vi ra cộng đồng nơi ông sinh sống, đất nước Ấn Độ và toàn nhân loại. Ông viết: “Nếu tôi bị cuốn hút vào việc giúp đỡ cộng đồng thì lý do ẩn sau chính là sự khát khao được tự thấu hiểu. Tôi tự tạo ra tôn giáo của sự giúp đỡ vì tôi cảm thấy người ta chỉ nhận thấy Thượng Đế thông qua sự giúp đỡ. Và đối với tôi đó là giúp đỡ của Ấn Độ.”
Ông cũng học được tính vị tha từ thời niên thiếu trong tổ ấm của mình. Như được miêu tả trong cuốn tự truyện, khi ông lấy trộm một thứ đồ của cha và phải chịu hình phạt là nỗi ân hận đau đớn: “Tôi quyết định viết lời thú tội và nộp cho cha để xin ông tha thứ. Tôi viết lên giấy và tự tay đưa cho cha. Trong đó, tôi không chỉ thú nhận tội lỗi của mình mà còn xin chịu một hình phạt đích đáng và xin ông đừng tự trừng phạt mình vì tội lỗi của tôi. Tôi tự hứa với mình là sẽ không bao giờ ăn trộm nữa.” Phản ứng của người cha đã tạo một bước ngoặt bên trong con người Gandhi. Không những không nổi giận, cha của Gandhi đã cao thượng tha thứ cho ông. Gandhi viết: “Ông đọc qua, những giọt nước mắt lăn trên má, rơi xuống làm ướt tờ giấy. Ông nhắm mắt lại trong giây lát và suy nghĩ. Ông ngồi xuống và đọc. Sau đó, ông lại đặt tờ giấy xuống. Tôi cũng khóc. Tôi có thể thấy sự đau đớn tột cùng của cha. Nếu tôi là họa sĩ, tôi có thể vẽ lại toàn cảnh ngày hôm đó. Nó vẫn hiện rõ mồn một trong tâm trí tôi. Những giọt nước mắt của tình yêu đã thanh lọc trái tim tôi và xua tan bóng mây tội lỗi. Chỉ có ông, người có tình yêu ấy, mới biết đó là cái gì.”
Những kẻ yếu đuối không biết tha thứ.
Tha thứ là đức tính của người mạnh mẽ.
_GANDHI
Cùng với việc đánh giá cao sự giúp đỡ và lòng vị tha, ông tôn thờ sức mạnh của cầu nguyện. Năm 1931, trong chuyến đi thuyền từ Ấn Độ sang London để đòi quyền độc lập cho Ấn Độ, Gandhi tham dự một buổi cầu nguyện và nói rằng việc cầu nguyện đã “cứu vớt cuộc sống của tôi… Tôi đã chia sẻ trải nghiệm cay đắng nhất của bản thân và của cộng đồng. Họ ném tôi vào tận cùng tuyệt vọng. Tôi thoát ra được nỗi tuyệt vọng đó là nhờ cầu nguyện. Khi tôi đau khổ, chỉ có cầu nguyện mang lại niềm vui cho tôi”. Đối với Gandhi, cầu nguyện là chất xúc tác của “quyền lực tâm linh” và là công cụ quan trọng nhất của hành động. Ông viết: “Sự thỉnh cầu, sùng bái và cầu nguyện không phải là mê tín dị đoan. Đó là những hành động thực tế hơn cả hành động ăn, uống, ngồi hoặc đi.” Ông nói thêm: “Cầu nguyện thành tâm có thể gặt hái được những thứ mà không điều gì khác trên thế giới này có thể làm được.”
Ảnh: Mahātmā Gāndhī (1869 – 1948), Nguồn Internet