TÍCH TRUYỆN CON GÁI MA VƯƠNG

HT. PHÁP MINH

Trích: Chú giải Kinh Pháp Cú; Dịch giả: Trưởng lão Thiền Sư Pháp Minh; NXB. Tổng hợp Tp.HCM

KINH PHÁP CÚ – PHẨM PHẬT ĐÀ

 

179. “Yassa jitaṃ nāvajīyati,

Jitaṃ yassa, no yāti koci loke.

Taṃ buddhamanantagocaraṃ,

Apadaṃ kena padena nessatha”.

“Vị chiến thắng không bại,

Vị bước đi trên đời,

Không dấu tích chiến thắng,

Phật giới rộng mênh mông,

Ai dùng chân theo dõi

Bậc không để dấu tích?”.

180. “Yassa jālinī visattikā,

Taṇhā natthi kuhiñci netave;

Taṃ buddhamanantagocaraṃ,

Apadaṃ kena padena nessatha”.

“Ai giải tỏa lưới tham,

Ái phược hết dắt dẫn,

Phật giới rộng mênh mông,

Ai dùng chân theo dõi

Bậc không để dấu tích?”.

Kệ Pháp Cú nầy Đức Thế Tôn thuyết lên khi Ngài vừa chứng ngộ Đạo Quả, Ngài ngồi dưới cội Bồ Đề, đề cập đến ba nàng Ma nữ là con gái của Ma Vương.

Được biết rằng: Trong kinh thành xứ Kuru, có Bà la môn tên là Māgandiyā. Ông có được một nàng con gái xinh đẹp, tên là Māgandiyā, với sắc đẹp kiêu sa lộng lẫy của nàng, rất nhiều Vương Tôn Công Tử, đã cho người đến cầu hôn nàng, nhưng Bà la môn Māgandiyā khước từ tất cả, với lời nói rằng:

– Các vị không xứng đáng với nhan sắc xinh đẹp của con gái tôi.

Một hôm, theo phong tục của Bà la môn, Māgandiyā đi đến đền thờ đền của mình. Bây giờ, theo thông lệ của chư Phật, vào khi trời hửng sáng, Đức Thế Tôn dùng Phật Tuệ quán sát thế gian, nhìn thấy hình ảnh Bà la môn Māgandiyā trong Phật trí. Ngài quán xét: “Đây là do nhân nào?”. Ngài thấy được duyên lành quả vị A Na Hàm của hai vợ chồng Māgandiyā.

Khi trời sáng, Đức Thế Tôn vận mặc y phục, tay cầm y bát ngự đến đền thờ Thần Lửa để tế độ vợ chồng Bà la môn Māgandiyā.

Bấy giờ, khi Bà la môn Māgandiyā vừa đến đền thờ Thần Lửa, ông nhìn thấy Phật tướng trang nghiêm, vô cùng đẹp với 32 Đại Nhân tướng hiển lộ, ông khởi lên sự suy nghĩ rằng:

– Trong thế gian, ta chưa từng thấy được ai có sắc diện thanh tú đẹp đẽ như vị Sa môn nầy. Vị nầy quả thật xứng đáng với sắc đẹp diễm kiều của con gái ta. Vậy ta hãy gả con gái của ta cho vị ấy vậy.

Thế rồi, ông Māgandiyā đi đến gần Đức Thế Tôn, nói rằng:

– Thưa ông Sa môn anh tuấn, tôi có được đứa con gái, tên là Māgandiyā, nó rất tuyệt mỹ, rất xứng đáng làm vợ Ngài. Tôi sẽ gả nó cho Ngài để nó được phụng sự Ngài. Ngài hãy đợi tôi nơi này, tôi sẽ dẫn nó đến đây.

Nghe y nói như thế, Bậc Đạo Sư không tán thán cũng không ngăn cản. Bà la môn Māgandiyā trở về nhà nói với vợ rằng:

– Nầy Bà ơi! Nay tôi trông thấy một người rất xứng đáng với con gái của mình. Chúng ta sẽ gả Māgandiyā cho người ấy.

Vợ chồng Bà la môn Māgandiyā bảo Māgandiyā trang điểm cực kì diễm lệ, rồi cùng nhau đi đến nơi ngự của Đức Bổn Sư, đại chúng hiếu kì cũng rủ nhau đến xem người mà Māgandiyā vừa tán tụng.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn không đứng tại nơi ấy, Ngài để lại dấu chân để tế độ hai ông Bà la môn, rồi đi đến một nơi gần đó không xa mấy. Tương truyền rằng: Dấu chân chư Phật chỉ xuất hiện nơi mà Ngài chú nguyện rằng: “Người nầy hãy nhìn thấy dấu chân Như Lai tại nơi nầy”. Rồi Ngài đạp xuống để lưu lại dấu chân, ngoài ra thì không hề lưu lại dấu chân Phật.

Khi hai vợ chồng Māgandiyā đi đến, không thấy Bậc Đạo Sư, người vợ hỏi chồng rằng:

– Nầy ông, người ấy đâu rồi?

– Tôi có dặn rằng: Ông hãy đứng chờ đợi nơi đây mà.

Bà la môn Māgandiyā nhìn quanh quất, chợt ông nhìn thấy dấu chân được lưu lại của Đức Thế Tôn, nên reo lên rằng:

– Đây rồi, dấu chân nầy của người ấy, người ấy đã để dấu lại cho chúng ta đây.

Vợ Māgandiyā là người tinh tường về khoa chiêm tướng, quan sát dấu chân Phật rồi, bà nói với chồng rằng:

– Ông ơi! Việc mà ông định gả Māgandiyā cho người nầy, không có được đâu, vì đây là dấu chân của người không còn thọ hưởng dục.

– Nầy bà, sự hiểu biết về khoa chiêm tướng của bà, ví như cá lội trong lu nước mà thôi. Chính tôi đã nói với vị Sa môn ấy rằng: Tôi sẽ đem con gái mình gả cho Ngài. Vị ấy đã im lặng nhận lời rồi kia mà.

– Thưa ông! Tuy ông đã nói như thế, nhưng đây chính là dấu chân của Bậc đã đoạn lìa phiền não rồi.

Bà ngâm tiếp kệ ngôn rằng:

“Người ái dục với nhiều phiền não thì dấu chân lõm vào giữa. Người nhiều sân hận thì dấu chân nặng về gót. Người tham ái thì dấu chân thiên nặng về đầu ngón chân. Người có bàn chân bằng phẳng như thế nầy, là người đã chấm dứt phiền não rồi”.

Thôi đi bà, bà chớ có ồn ào như thế. Chúng ta sẽ tìm thấy vị Sa môn anh tuấn kia thôi.

Hai vợ chồng Bà la môn Māgandiyā đi tìm, thấy được Bậc Đạo Sư ông liền chỉ cho vợ thấy rằng:

– Nầy bà, đây chính là vị Sa môn mà tôi đã nói đấy.

Ông đi đến đảnh lễ Đức Thế Tôn xong rồi, thưa rằng:

– Thưa vị Sa môn! Tôi sẽ gả con gái chúng tôi cho Ngài. Đây là con gái tôi, có tên là Māgandiyā.

Khi ấy, Đấng Như Lai không nói rằng: “Như Lai đâu có cần đến con gái ngươi”.

Ngài lại phán dạy Bà la môn ấy thế nầy:

– Nầy ông Bà la môn! Như Lai sẽ nói với ông điều như vầy, ông có chịu nghe chăng?

– Vâng, thưa ông Đại Sa môn.

Đức Thế Tôn liền thuật lại câu chuyện từ khi Ngài rời Hoàng Cung Kapilavatthu ra đi tìm đạo giải thoát, cho đến khi Ngài thắng phục được Ma nữ, tóm tắt câu chuyện như sau:

Đức Đại Bồ Tát từ bỏ Vương vị, lên ngựa Kanthaka có chàng hầu cận trung tín là Channa làm bạn đồng hành, Ngài ra đi xuất gia tìm đạo giải thoát khổ. Bấy giờ, Ma Vương đứng tại cổng Hoàng Thành khuyến dụ Đấng Đại Hùng rằng:

– Nầy Siddhattha! Ngươi hãy quay trở lại đi, kể từ hôm nay trở đi, sau 7 ngày nữa ngươi sẽ là vị Vua Chuyển Luân Vương, những Bảo vật của Đức Vua Chuyển Luân như Thiên báu luân, Tượng báu, Mã báu, Ngọc báu, Nữ báu, Cư sĩ báu và Tướng quân báu sẽ xuất hiện cho ngươi đây.

– Nầy Ma Vương! Ta cũng vẫn rõ biết sẽ có những báu vật ấy, nhưng ta có cần chi những báu vật ấy. Ta cần đạo giải thoát mà thôi.

– Nếu vậy, ngươi ra đi xuất gia như thế, có ích lợi gì cho ngươi?

– Ta xuất gia để trở thành bậc Toàn Giác Vô Thượng, nhằm cứu vớt chúng sanh khỏi khổ.

– Nếu vậy, từ hôm nay trở đi, ta sẽ theo dõi ngươi. Nếu ngươi khởi lên tầm cầu một trong ba loại tầm cầu như dục tầm… ta sẽ có cách đối phó với ngươi vậy.

Kể từ hôm ấy, Ma vương luôn theo dõi tâm Bồ Tát để tìm sơ hở của Ngài, hòng bắt lỗi Đấng Đại Hùng. Trọn cả 6 năm dài như thế, y không thể tìm được lỗi lầm dù chỉ là chút ít của Ngài. Sau 6 năm tinh cần khổ hạnh, Ngài đã ép xác quá mức trong khổ hạnh, nhưng không thể chứng đạt Đạo Quả Giải Thoát. Thế rồi, nhân nghe được tiếng thiên cầm ba dây: Căng quá dây đàn sẽ đứt, chùn quá thì âm thanh không thể du dương đúng điệu hòa âm thù diệu hòa hợp với nhau. Ngài từ bỏ hai cực đoan là khổ hạnh và lợi dưỡng, thực hành theo Trung đạo.

Dưới cội Bồ Đề, sau khi chiến thắng Ma Vương cùng binh tướng, trong đêm rằm tháng Vesak, Ngài chứng đạt Vô Thượng Chánh Đẳng Giác quả vị. Ngồi dưới cội Bồ Đề an hưởng hạnh phúc giải thoát. Vào tuần lễ thứ năm, Ngài ngự đến cội cây Ajapālanigrodha, khi ấy Ma Vương đang sầu khổ ngồi ven đường, vạch lên 16 vạch so sánh sự thua kém của mình với Đức Đại Giác. Ma Vương suy nghĩ:

– Bấy lâu nay, ta hằng theo dõi Siddhattha để tìm lỗi y, nhưng không tìm được lỗi lầm nào cả. Nay y đã thoát ra khỏi quyền lực của ta rồi.

Bấy giờ, ba nàng Thiên Nữ là con gái của Ma Vương, thấy vắng cha, các cô tìm gặp Ma Vương, suy nghĩ rằng:

– Vương Phụ của Ta đang trú nơi nào nhỉ?

Ba Thiên Nữ thấy cha mình đang ngồi bên vệ đường, đi đến bạch hỏi rằng:

“Thưa cha! Vì sao cha lại sầu não như thế?”.

Ma Vương tường thuật lại câu chuyện cho ba nàng Thiên Nữ ấy nghe. Các nàng nói với Ma Vương rằng:

– Thưa cha! Cha chớ nên sầu não nữa, chúng con sẽ làm cho Siddhattha ở trong quyền lực của chúng con, rồi sẽ dẫn về cho cha.

– Nầy các con! Không một ai trong thế gian nầy còn có thể làm cho vị ấy rơi vào quyền lực được nữa đâu.

– Thưa cha! Chúng con là nữ nhân, chúng con sẽ quyến rũ y vào cạm bẫy ái dục, luyến ái… Rồi chúng con sẽ dẫn y về cho cha. Xin cha đừng bận lòng, khi cha có được các người con đầy quyền lực như chúng con.

Ba nàng Thiên Nữ ấy có tên là Tanha, Aratī và Hāgā. Sau khi từ giã Ma Vương, ba nàng đi đến cội cây Ajapālanigrodha, đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi thưa rằng:

– Kính bạch Bậc Đại Sĩ! Chúng em sẽ phục vụ Ngài.

Đức Thế Tôn lặng yên, nhắm mắt, Ngài chẳng đoái hoài gì đến các Thiên Ma Nữ ấy. Các Ma nữ suy nghĩ: “Nam nhân thường có sự yêu thích sai biệt, một số ái luyến những nữ nhân mới lớn, một số thì thương yêu những góa phụ một con, trung niên, còn số khác thì ưa chuộng những sương phụ lớn tuổi. Thế thì, chúng ta sẽ quyến rũ y bằng nhiều hình tướng nữ nhân, bằng nhiều cách khêu gợi dục cảm nơi y”.

Ba nàng Thiên Ma Nữ ấy hóa thân thành hàng ngàn cách, từ những thiếu nữ còn xuân, sương phụ một con, hai con, cho đến hạng tuổi trung niên… đi đến yết kiến Đức Thế Tôn, thưa rằng:

– Kính thưa bậc Đại Sĩ! Chúng tôi đến phục vụ Ngài đây.

Cả sáu lần như thế, nhưng Đức Thế Tôn chẳng màng đến lời của ba Thiên Nữ, tâm Ngài đang hướng đến pháp tận diệt mọi phiền não ái vi tế tiềm hiện. Rồi Ngài phán với các Ma Nữ rằng:

– Các ngươi hãy đi đi, các ngươi tìm được lợi ích gì mà cố gắng làm như thế chứ. Việc làm của các ngươi chỉ có thể quyến rũ được người còn ái dục thôi. Như Lai đã tận diệt mọi tham ái phiền não rồi. Các ngươi mong Như Lai rơi vào quyền lực của các ngươi do nhân nào được chứ.

Rồi Ngài thuyết lên kệ ngôn rằng:

179. Người mà cuộc chinh phục (dục vọng) không thể thất bại trên thế gian nầy, không (dục vọng nào) đã bị khắc phục còn theo người ấy. Oai lực của vị Phật không dấu vết ấy thật vô cùng tận. Ngươi sẽ dẫn dắt Ngài bằng đường lối nào?

180. Người không còn bị ái dục, hỗn tạp và rối ren dẫn dắt đến kiếp sống nào. Oai lực của vị Phật không dấu vết ấy thực vô cùng tận. Ngươi sẽ dẫn dắt Ngài bằng đường lối nào?

CHÚ GIẢI:

Yassa jitaṃ nāvajīyati: Nghĩa là bản chất phiền não dư ái… mà Đức Chánh Đẳng Giác đã chinh phục bằng Đạo Tuệ rồi, Ngài không còn trở lui lại, tức là đã chinh phục rồi thì không còn điều ác nào khởi lên được do nương vào phóng dật.

No yāti (tách thành: No+uyyāti) là không theo đuổi.

Giải rằng: Các phiền não như ái… dù là chút ít trong đời, cũng không hề có được ở phía sau, tức là phiền não mà bậc Chánh Đẳng Giác đã diệt trừ rồi, sẽ không còn được bậc ấy theo đuổi nữa.

Anantagocaraṃ: Nghĩa là bậc có cảnh giới vô tận bằng khả năng của bậc Toàn Giác, có cảnh giới vô tận.

Hai câu: Kena padena… nghĩa là: Các dấu vết như ái… dù chỉ là chút ít cũng không hề có đối với vị Chánh Đẳng Giác. Các ngươi sẽ dùng dấu vết gì để quyến rũ vị ấy được?

Phân tích kệ ngôn thứ hai: Gọi là ái, tức là jālinī (lưới dệt) vì nhận thấy rằng: Ái được so sánh như tấm lưới, bởi ý nghĩa bao trùm, cột, trói chặt. Gọi là Visattikā vì có đặc tánh là thường dẫn đi trong các cảnh như sắc, thinh, vị, hương… được so sánh như vật thực độc, như hoa độc, như trái cây độc, như vật dụng tẩm chất độc.

Giải rằng: Ái như thế không thể có đối với vị Phật, để có thể đưa Ngài đi vào ảnh giới nào khác được cả. Các ngươi sẽ dùng dấu vết, vết tích nào đối với vị Phật ấy được?

Dứt kệ ngôn, nhiều vị Chư Thiên giác ngộ Pháp nhãn. Ba nàng Thiên Ma Nữ biến mất tại chỗ.

Sau khi thuyết lên Pháp thoại nầy xong, Bậc Đạo Sư phán dạy Bà la môn Māgandiyā rằng:

– Nầy Māgandiyā! Thời trước Như Lai đã trông thấy thân của Ba Ma Nữ như vàng ròng tinh anh sáng ngời, không có sự uế nhiễm như mật, đàm, mủ… dù là như thế, trong thời ấy Như Lai cũng không hề có sự thỏa thích trong dâm pháp, huống hồ chỉ thân xác của con người đầy rẫy 32 thể trược, như túi da chứa đựng những trược chất phân, nước tiểu… được trang điểm xinh đẹp bên ngoài. Con người dù có nằm trước ngưỡng cửa, chân Ta dù có bẩn chăng nữa, Ta cũng không hề có ý muốn dẫm chân lên, đụng vào người của nàng ấy.

Nói rồi, Ngài thuyết lên kệ ngôn:

“Sự thỏa thích trong dâm pháp không hề có, cho dù đó là nàng Tanhā, nàng Aratī, nàng Rāgā. Còn xác thân con người chứa đựng đầy phân và nước tiểu. Làm thế nào ta có sự thỏa thích trong dâm pháp được. Thậm chí chân của ta còn chẳng hề muốn đụng vào thân nàng ta nữa là”.

Dứt lời, hai ông bà Māgandiyā đắc quả A Na Hàm.

Dịch Giả Cẩn Đề

Vào thất thứ năm, Đức Phật đà,

Đang ngồi tịnh tọa gốc cây đa,

Bỗng nhiên ma nữ, ba nàng đến,

Quyết bắt Ngài về nạp mạng cha.

Không ngờ ái dục Phật trừ rồi,

Nữ sắc đâu còn sức cuốn lôi,

Ma quái chỉ toàn là ảo ảnh,

Đàn bà cũng xác chứa tanh hôi!

Nghe pháp, vợ chồng đắc Bất lai,

Nhưng cô gái đẹp bị chê bai,

Tức mình, từ đó sanh thù hận

Sau gặp dịp thuê kẻ mắng Ngài.

DỨT TÍCH CON GÁI MA VƯƠNG

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. ĐỨC PHẬT NHIÊN ĐĂNG THỌ KÝ CHO TIỀN THÂN ĐỨC THÍCH CA
  2. SAU KHI THÀNH ĐẠO

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ