LẮNG NGHE YÊU THƯƠNG

SƯU TẦM

Trích "Lắng nghe yêu thương"; Tác giả: Susanna Tamaro; NXB Trẻ

MỖI KHI NHỚ VỀ NGÔI NHÀ CỦA CHÚNG TA, cháu lại thấy nó lơ lửng trong ánh bình minh. Trời vẫn đang thu, vì mặt đất bắt đầu bốc hơi sương mờ ảo dưới hơi ấm của những tia nắng đầu tiên. Giống như một con chim đang bay lượn, cháu luôn nhìn xuống ngôi nhà từ trên cao và rất xa; rồi từ từ tiến lại gần, quan sát cửa sổ – bao nhiêu cửa đang mở, bao nhiêu cửa đang đóng – và tới thám thính khu vườn, giàn dây phơi, những gỉ sắt trên cánh cửa. Cháu không xuống vội – cứ như cháu muốn chắc chắn rằng đó thực sự là nhà của mình, là câu chuyện của mình.

Dường như lũ chim di trú cũng giống như thế; chúng phải bay qua hàng ngàn cây số, không màng tới ngoại cảnh, và rồi, khi tới nơi chúng được sinh ra từ năm trước, chúng bắt đầu tìm hiểu. Cái cây dẻ ngựa nở hoa trắng có còn đó không? Và cả chiếc xe hơi màu xanh? Cả người phụ nữ tốt bụng luôn bước ra, giũ những mẩu bánh mì còn vương trên khăn trải bàn nữa? Chúng quan sát mọi thứ thật tỉ mỉ, vì suốt bao tháng ròng, ở những sa mạc châu Phi, những hình ảnh về người phụ nữ và chiếc xe đó đã ăn sâu trong tâm trí chúng. Nhưng có nhiều những phụ nữ tốt bụng và những chiếc xe màu xanh trên thế giới, vậy làm sao để xác định được cho đúng?

Không phải là bằng quan sát, mà bằng mùi hương, sự kết hợp giữa các mùi hương vương vất trong không gian quanh tổ của chúng; nếu có mùi hương của cây tử đinh hương và cây đoan trộn lẫn vào nhau, thì đúng là nó, chính là ngôi nhà đó, và ta đã tìm về đúng chỗ.

 

* * *

Còn mùi hương ùa tới khi cháu từ Mỹ trở về là mùi khét lẹt của lá cây ẩm ướt không cháy nổi; lúc đó là tầm nửa buổi sáng, nhà hàng xóm vừa mới chất một đống lá và đang hoài công châm lửa đốt, khiến không khí xung quanh đặc sánh khói trắng mù mịt. Và rồi bà bước ra từ trong làn khói, có lẽ gầy hơn so với kí ức của cháu. Cứ ngỡ rằng cháu có thể tự giải thoát khỏi bà nếu có cả một đại dương ngăn cách, cháu đã đi nhiều tháng, chứng kiến nhiều điều, và gặp gỡ nhiều người, nhưng tất cả những khoảng cách đó chỉ mang đến một kết quả hoàn toàn ngược lại.

Cháu vẫn ghét bà nhiều như xưa. Cháu thấy mình như một con cáo đuôi dài bự xự vô tình xùa đuôi vào đám lửa, và lửa cứ lẵng nhẵng bám theo cháu khắp nơi; dù tới đâu, lòng cháu vẫn tràn đầy tức tối, đau đớn, và khao khát dập tắt ngọn lửa đang bùng cháy phía sau, ngày một dữ dội và hủy hoại mạnh hơn.

Khi cháu tra chìa khóa vào cổng, cái đuôi lại phừng lên, kêu tanh tách và tóe lửa như một bó cỏ khô, đám cháy xém lẹm càng tăng cường bởi những ngọn lửa hung hãn.

Bà đang ở ngõ vào nhà, tay cầm chổi. Bà reo lên “Cháu đây rồi!” và ném chổi xuống đất. Cán chổi gỗ đập vào nền đá lát phát tiếng kêu khô khốc, sắc lẹm.

“Hẳn rồi,” cháu đáp lại, và không nói thêm một lời nào nữa, cháu đi về phòng mình, con Buck lẽo đẽo theo sau, kêu ăng ẳng hân hoan.

Những tuần sau đó, sự giằng co khó chịu vốn dĩ giữa bà cháu ta lại tái diễn – cháu ghét bà, còn bà cố để cháu không ghét. Vào những ngày bà khỏe mạnh, bà thường cố xoa dịu nó, nhưng những việc bà làm thật yếu ớt, như một võ sĩ hết thời, và chúng chỉ càng làm cháu thêm bực bội. “Bà muốn gì?” cháu hét lên.

“Bà đi đi!” Cháu gọi bà là “Bà lão”; cháu đá cửa, mồm lẩm bẩm như tụng kinh, “Đừng quấy rầy cháu nữa, đừng quấy rầy cháu nữa, đừng quấy rầy cháu nữa…”

 

* * *

Thật khó mà hiểu được sự căm hờn đó đã chất chứa trong lòng cháu ra sao. Nó là kết quả của một chuỗi sự kiện, không may lại kết hợp với bản tính bẩm sinh.

Khi những giây phút đầu tiên của tuổi trưởng thành đến, cái dòng chảy bình yên trong tuổi thơ của cháu bắt đầu biến thành một dòng sông vần vũ; làn nước không còn xanh nữa mà biến thành vàng úa, và gầm rú khi dội qua mỗi vật cản. Mọi loại rác thải bị cuốn đi trong con lạch đó – những chiếc hộp nhựa, túi bóng, những quả banh da bị thủng, những thân hình búp bê trơ trụi, những cành cây gãy nát, những xác mèo bụng trương phềnh – và mọi thứ trôi bồng bềnh, thứ này mắc nhẹ vào thứ kia, bất lực, uất ức, không thể tự giải thoát. Từ thuở nhỏ, đã có quá nhiều điều tích tụ dưới lớp vỏ mà cả cháu và bà đều không thể nhìn ra: nhiều năm trôi qua, dù nói ra hay chôn giấu, một cái nhìn trừng trợn, một cái ôm âu yếm bị chối từ – những hiểu lầm vốn là tất yếu trong bất kì mối quan hệ song phương nào – đã biến thành hai kho thuốc nổ, nằm trong mỗi chúng ta.

Hai từ “chúng ta” đó, nhưng thực tình chỉ nên nói là “cháu” thôi vì bà vẫn luôn nỗ lực hết sức mình để tránh mọi cuộc bùng nổ.

Bà luôn im lặng nếu bà cho cách đó là tốt, bà cố nói thật nhiều nếu bà nghĩ lời nói sẽ hiệu quả hơn, nhưng dù là lặng thinh hay bày tỏ bằng lời thì cũng đều vô ích. “Sao bà không nói gì cả?” cháu sẽ hét lên, giận dữ nếu thấy bà tỏ ra bàng quan.

“Sao bà không im đi?” cháu sẽ gầm gừ, khăng khăng những gì bà nói chỉ làm cháu thêm ức chế.

 

* * *

Cháu thường xuyên rơi vào trạng thái khủng hoảng. Điện ngập trong não cháu; những con mối hung hãn chạy loạn xạ trong sọ cháu. Chúng làm tắt ngóm mọi ánh đèn, những bộ hàm nhỏ xíu nhai nát dây điện, và mọi thứ chìm vào màn đêm.

Trong bóng tối đó, cuối cùng cháu cũng bình tâm trở lại. Bỗng chốc dòng sông trong cháu biến mất, chỉ còn lại hồ nước, một hồ nước nhỏ trên núi. Một con cá hồi béo mầm lượn lờ dưới lòng hồ sâu, và ánh bình minh nhuốm hồng đỉnh núi.

Vâng, mọi thứ thực sự đều có thể bắt đầu lại, giống như đêm tàn trời lại sáng. Cánh cửa sổ mở ra, không khí trong lành ùa vào ngôi nhà; ánh sáng hòa với dòng khí mát rượi, và dường như không còn góc tối nào ngự trị.

Chúng ta cùng nhau nướng bánh, cùng nhau đi mua sắm, hoặc cùng tới thư viện để chọn vài đầu sách mới.

“Cháu cố uống thuốc nhé?” bà nói, và trong vòng hai, ba tuần, cháu đã vâng lời bà. Những tuần bình yên.

Thật đẹp làm sao, trong những tuần đó, vì được hít thở, tản bộ, nhìn ngắm xung quanh mà bên tai cháu không còn văng vẳng những tiếng ì xèo; thật thoải mái làm sao khi được ngủ và thức dậy mà không canh cánh mối lo sợ òa vỡ.

Nhưng cũng như mọi điều tốt đẹp trên đời, nó chẳng bao giờ tồn tại mãi.

Một buổi sáng, cháu mở mắt, và bỗng thấy cái bình yên tẻ nhạt đó sao nặng trĩu.

Cháu cần nỗi đau để thấy mình đang sống. Cháu biết nó là hứ a-xít, thuốc độc… bằng trực giác, cháu hiểu nó sẽ hủy hoại uột gan cháu và bất kỳ thứ gì chạm vào cháu; nhưng cháu không thể từ bỏ nó. Lòng tốt và lẽ phải không có nhiều năng ượng bằng. Chúng chỉ là những cảm xúc yếu ớt, nhạt nhòa vô định.

Từ bình minh tới hoàng hôn, cháu đi lại bồn chồn chẳng khác nào cái lõi núi lửa chuyển dịch. Tâm cháu lúc này giống như lòng núi lửa tan chảy nóng bỏng, không lối thoát khí qua những kẽ ngóc ngách, lỗ thông hơi hay rãnh thoát vô hình; thứ đá mác-ma đỏ rực sôi sục vần vũ, dồi lên, rụt xuống nhịp nhàng đều đặn và thi thoảng lại ồ ạt tràn ra.

Hồi mười một, mười hai tuổi gì đó, cháu vẫn còn ngồi trong lòng bà trên ghế sô-pha đọc sách, nhưng chớm sang tuổi mười ba, cháu bắt đầu mất kiên nhẫn, rồi mười bốn tuổi, câu chuyện duy nhất cháu thực sự hào hứng là tìm hiểu về chính mình.

Vào một trong những buổi chiều như thế, khi chúng ta đang cùng đọc sách – một trong những cuốn Nghìn lẻ một đêm mà bà yêu thích – tháng Tư, cơn mưa lạnh giá xối xuống vườn và một con người khác bỗng trỗi dậy trong cháu. Thình lình, cháu bật dậy và chê bai, “Cháu hết chịu nổi quyển sách tẻ nhạt này rồi!”

Ngỡ ngàng, bà đặt cuốn sách xuống và nói, “Cháu ăn nói thế?”

“Cháu nói thế nào mặc cháu.” Cháu phản ứng rồi quay đi và bước một mạch ra khỏi phòng, đóng sầm cánh cửa phía sau lưng.

 

* * *

Trong suốt tuổi thơ của cháu, khi bạn bè đồng trang lứa chúi đầu vào các chương trình truyền hình, thì bà phủ lên cuộc đời cháu những câu chuyện kể, những bài thơ, truyện thần thoại.

Bà yêu thích sách, và muốn truyền niềm đam mê đó sang cháu – hoặc có lẽ vì bà nghĩ nếu được nuôi dưỡng trong những điều lung linh đẹp đẽ người ta sẽ không còn phải sống trong sợ hãi đề phòng.

Trong kí ức đầu tiên của cháu về cuộc sống của chúng ta, sách luôn hiện hữu. Đó là cách bà xây dựng những mối quan hệ; đó là thế giới của bà, thế giới mà bà trưởng thành. Những cuốn sách giúp chúng ta hiểu hơn về cuộc sống, như bà thường nói; nhờ văn học, chúng ta có thể hiểu sâu sắc về cảm xúc của con người.

Nhưng dù có vô vàn các nhân vật bất tử vây quanh, mỗi ngày, cháu lại trăn trở nhiều hơn, chứ không trở nên hiểu biết hơn. Tất cả bọn họ cứ ở giữa bà và cháu, một số thì ngồi, số khác lại đứng; những khuôn mặt của họ lố nhố giữa chúng ta, và cơ thể họ phủ bóng mờ ảo lên câu chuyện của chúng ta, trong khi cháu muốn thấy ánh sáng, một thứ ánh sáng chân thật và minh bạch.

Cháu chỉ thấy những khuôn mặt mà cháu thực sự muốn thấy: khuôn mặt của cha mẹ mình.

 

* * *

Vâng, cái khoảnh khắc bối rối vô cùng đó ngẫu nhiên trùng khít với sự tái hiện của mẹ. Trước đó, mẹ chỉ kín đáo xuất hiện ở sân chơi. Chỉ có hai chúng ta, bà và cháu – hoặc cháu tưởng là chúng ta – tự hài lòng trong mối quan hệ đó: không bất đồng, không câu hỏi vô tư, và ngày tháng cứ trôi qua như chuyến tàu mò mẫm trong sương mù dày đặc. Mọi thứ mù mờ, bao bọc và không nơi bấu víu; chỉ có đường ray thô cứng đảm bảo cho sự bình an của chúng ta.

Thế rồi, một buổi sáng tháng Năm, cháu tỉnh giấc và lần đầu tiên nhận ra rằng trong cả ngôi nhà này không hề có một bức ảnh nào của mẹ: phòng khách không, nhà bếp không, phòng bà cũng không một dấu tích nào của mẹ, và bà cũng không biết là cần phải treo ảnh mẹ trong phòng cháu. Dù cố hình dung ra hình bóng mẹ thì trong cháu chỉ là những kí ức xa vời, mà ngày đó cháu còn quá nhỏ, và đã nhiều năm trôi qua, những đặc điểm của mẹ bắt đầu nhạt nhòa giống như nét vẽ phai dần dưới ánh nắng. Chúng nhòe lẫn với khuôn mặt của người khác, những mẩu chuyện khác.

Mẹ của cháu là ai?

Cháu chỉ biết hai điều về mẹ: mẹ mất sau một tai nạn xe hơi, và mẹ học đại học ở Padua nhưng chưa kịp tốt nghiệp.

Buổi sáng đó, cháu lao vào bếp. Bà đã hâm nóng sữa, và đang tắt lò.

“Chúng ta không có bức ảnh nào của bà ấy!” Cháu gào lên.

“Ảnh ai cơ?”

Trong tim cháu có âm thanh như tiếng băng nứt vỡ dưới chân. Cổ họng cháu run lên trước khi khó nhọc thốt thành lời,

“Ảnh mẹ.”

Hai ngày sau, một khung ảnh nhỏ xuất hiện trên bàn ngủ của cháu, với tấm hình đen trắng chụp một bé gái mặc bộ váy nhỏ tự may xinh xắn đang ngồi trên chiếc bập bênh, vẫn là chiếc bập bênh tay vịn màu đỏ ngoài sân kia. Cháu cầm tấm ảnh lên và đi ra vườn tìm bà.

“Cháu không muốn ảnh con gái bà,” cháu nói. “Cháu muốn ảnh mẹ cháu.”

Trước khi xé tan tấm ảnh, cháu đã kịp đọc dòng chữ phía sau: Ilaria, 11 tuổi.

Thế rồi, một tấm ảnh in liền với màu sắc lòe nhòe xuất hiện trong phòng cháu, chụp một phụ nữ trẻ tay chống cằm, dáng vẻ đang lắng nghe ai đó trong một hộp đêm mù mịt khói thuốc.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. LẮNG NGHE TIẾNG NÓI NỘI TÂM
  2. TÌNH YÊU CHỮA LÀNH NỖI ĐAU
  3. TRƯỞNG DƯỠNG TÌNH YÊU THƯƠNG VÀ LÒNG BI MẪN

Bài viết khác của tác giả

  1. SỨC MẠNH CỦA NHÂN LÀNH – SỨC MẠNH CỦA THIỆN PHÁP – SỨC MẠNH CỦA BỐ THÍ
  2. CON CHỒN CỦA HÒA THƯỢNG HƯ VÂN
  3. 5 CÁCH NUÔI DƯỠNG TÌNH YÊU THIÊN NHIÊN Ở CON TRẺ

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH