HAE MIN
Trích: Bước Chậm Lại Giữa Thế Gian Vội Vã; Việt dịch: Nguyễn Việt Tú Anh; NXB. Hội Nhà Văn; Công ty CP VH-TT Nhã Nam, 2018
Ngay lúc này đây, tại sao mình lại bận rộn thế?
Khi cảm thấy thế gian xung quanh mình
Đang xoay chuyển quá vội vàng
Hãy dừng lại một lần và tự hỏi.
“Là do tâm trí chính bạn bận rộn
Hay là do thế gian này quá vội vàng?”
Con người thường nghĩ rằng “tâm trí” và “thế gian” là hai định nghĩa tồn tại hoàn toàn riêng biệt, chúng ta luôn quan niệm, tâm trí là thứ ở trong ta, còn thế gian là thứ ở bên ngoài. Và chúng ta cho rằng tâm trí ta chịu sự chi phối của thế gian bên ngoài, có khi thế gian này làm ta vui, cũng có khi thế gian này khiến ta buồn.
Chính vì vậy mà chúng ta coi tâm trí mình chỉ là một thứ gì đó bé nhỏ và yếu đuối, chẳng đáng gì so với thế gian rộng lớn ngoài kia. Nhưng lời đức Phật dạy sẽ làm thay đổi hẳn suy nghĩ của chúng ta. Không phải thế gian này làm ta buồn hay khiến ta vui, mà là khi ta nhìn thấy tâm trí mình được phản chiếu lại trong cuộc sống, ta dựa vào đó rồi tự cho rằng thế gian rất thế này, và rất thế kia. điều này có nghĩa là gì? Nhìn thấy tâm trí mình được phản chiếu lại trong cuộc sống là sao? Tôi sẽ lấy một ví dụ đơn giản. Đây là câu chuyện do một sư thầy bề trên kể lại cho tôi, sau khi hoàn thành việc xây dựng một pháp đường cách đây không lâu.
“Những ai đã từng trực tiếp xây nhà chắc chắn sẽ hiểu cảm giác của tôi. Khi đang xây pháp đường, đến công đoạn lợp ngói cho mái nhà, hễ cứ đi đến đâu, bất kể là nhà ở bình thường hay chùa, đền là mái ngói ở đấy lại lọt vào mắt tôi trước tiên. Đến khi lót sàn cho phần hiên, thì đi đâu tôi cũng chỉ nhìn vào hiên nhà đấy. Tôi toàn để ý xem sàn hiên được lót bằng gỗ màu gì, vân như thế nào, có chắc chắn hay không. Khoảnh khắc giật mình nhận ra chuyện này, tôi đã giác ngộ được một điều nho nhỏ. Khi ta nhìn thế gian, dường như ta chỉ nhìn những thứ tâm ta muốn nhìn. Tôi ngộ ra một điều mới mẻ, rằng thế gian mà chúng ta nhìn thấy không phải toàn bộ vũ trụ rộng lớn, mà là thế gian bị giới hạn bởi tầm nhìn của đôi mắt trong tâm.”
Sau khi nghe vị sư ấy nói, tôi đã suy nghĩ rất nhiều, và quả đó là sự thật. Có bao giờ chúng ta để ý đến cả vũ trụ rộng lớn mà sống đâu. Và thật ra chúng ta cũng không cần phải biết tất cả những chuyện đang xảy ra trên vũ trụ này làm gì. Chúng ta sống và nhận thức thế gian chỉ qua ống kính tâm hồn của chính mình mà thôi. Khi ta nhìn thế gian với ống kính tâm hồn ở trạng thái “ta cần thứ này” thì ta sẽ chỉ nhìn thấy thứ ta đang tìm kiếm. Vì khi ấy tâm ta chỉ đang hướng về thứ nó cần mà thôi. Cũng giống như khi có một vị sư lớn tuổi đi ngang qua và buông một câu nói, người bình thường sẽ không thấy gì đặc biệt, nhưng những người tu hành đang khẩn thiết cầu sự giác ngộ sẽ nhận ra ngay một bài học lớn chứa trong câu nói ấy.
Nếu vậy, tâm trí ta đâu phải chỉ là một thứ gì đó nhỏ bé thụ động, chịu sự chi phối của thế gian rộng lớn. Chẳng phải chính chúng ta có thể tự quyết định ống kính tâm hồn mình sẽ hướng về mặt nào của thế gian đấy sao? Dù sao đi nữa, thế gian mà chúng ta nhìn thấy thông qua ống kính tâm hồn mình cũng bị giới hạn, khi ta tự chỉnh tâm điểm hướng về những gì mình muốn nhìn thấy, thì theo đó, thế gian cũng sẽ cho ta thấy những thứ mà ta muốn nhìn. Nhưng dĩ nhiên chuyện này không dễ dàng như lời nói. Để có thể thay đổi chiều hướng của ống kính theo ý chí, cần có sự nỗ lực cực kỳ to lớn.
Lý do chính là vì tâm trí chúng ta có lực quán tính rất mạnh, luôn cố làm theo những thói quen vốn có thường ngày. Hãy nghĩ đến chuyện gặp gỡ một người ta rất ghét. Chắc chắn chúng ta sẽ nghĩ đến những điều chúng ta ghét trước khi nghĩ đến những điều tốt chúng ta có thể đạt được khi gặp người này. Nhưng hãy thử thay đổi tâm điểm của ống kính, tập trung vào những điểm tốt của người đó xem nào. Ban đầu sẽ rất khó vì bạn sẽ muốn từ chối việc suy nghĩ đến điểm tốt của họ, cũng như cảm thấy bị gượng ép. Nhưng sau một khoảng thời gian, khi đã quen được với điều này, thì đến một khoảnh khắc nào đó bạn sẽ cảm thấy rằng thực sự xung quanh mình toàn là người tốt. Nghĩa là, mọi người xung quanh ta đều giống nhau, còn tùy vào cách nhìn của ta mà họ có thể trở thành người tốt hoặc người xấu.
Nhưng điều quan trọng hơn cả, không chỉ là điều chỉnh hướng của ống kính, mà chính là trạng thái của ống kính. Nghĩa là, tâm trí ta nhìn thế giới theo trạng thái nào, thì màu sắc của ống kính sẽ thay đổi theo vô vàn các trạng thái đó. Khi tâm ta vui vẻ thì ống kính sẽ có màu của sự vui vẻ. Và dĩ nhiên thế giới được nhìn thấy qua ống kính ấy cũng sẽ đầy ắp niềm vui. Ngược lại, khi lòng cảm thấy cô đơn thì ống kính cũng sẽ đổi màu, khiến cho thế gian xung quanh cũng cô quạnh vô chừng. Như vậy những chuyện xảy ra trên thế gian này vốn dĩ không có chuyện nào là vui, không có chuyện nào là bất hạnh, không có chuyện nào là đẹp đẽ, cũng chẳng có chuyện nào là đáng kinh tởm.
Thế gian không tự phân chia mọi chuyện ra như thế, mà chính ống kính tâm hồn của chúng ta làm việc này. Khi nhìn thấy lá vàng rơi vào mùa thu, sẽ có người nói “Ôi, sao mà cô đơn quá”, cũng sẽ có người nói “A, cảnh đẹp quá”. Thế gian đó vẫn chỉ là một, cùng là một cảnh lá rơi, nhưng tùy theo tâm mỗi người đang thanh tịnh hay cô đơn, thì thế gian mà người đó nhìn thấy cũng sẽ thay đổi theo.
Giờ tôi sẽ nói về câu chuyện của chính mình. Khi ở Mỹ, vừa phải thực hiện bổn phận của một nhà sư, vừa phải thực hiện bổn phận của một giáo sư, tôi không có phút rảnh rỗi nào. Cùng lúc sống cuộc sống của một học giả, một giáo viên, một nhà tôn giáo, một người tu hành, nhiều khi tôi cảm thấy mình cực kỳ bận rộn. Các ngày trong tuần tôi vừa dạy học cho sinh viên vừa làm nghiên cứu, cuối tuần thì lái xe suốt ba tiếng đồng hồ để đến ngôi chùa ở New York của ân sư từng dạy dỗ tôi, nhận nhiệm vụ và làm việc ở đó. Đến kỳ nghỉ thì lịch làm việc của tôi còn bận hơn nữa. Tôi phải đi thăm viếng và chào hỏi các sư thầy lớn tuổi, nếu có người nhờ tôi đi thông dịch thì tôi lại đi dịch, nếu có người nhờ tôi đi giảng pháp văn thì tôi lại đi giảng, ngoài ra tôi còn phải dành thời gian riêng để tự mình tu hành. Chưa kể còn phải viết luận văn và tiếp tục nghiên cứu.
Thật ra cũng có lúc tôi tự hỏi “Rốt cuộc là mình làm nghề gì vậy?” Cũng có lúc tôi nghĩ không hiểu mình có đúng là nhà sư hay không, nếu là nhà sư thì có được phép sống bận rộn tối mắt tối mũi như thế này không. Nhưng rồi tôi nhận ra ngay. Không phải là thế gian này bận rộn, mà chính tâm trí tôi bận rộn. Thế gian này chẳng bao giờ tự thở dài và than thở “Ha, mình thật là bận rộn” cả. Rốt cuộc, nếu tâm trí ta nghỉ ngơi thì thế gian này cũng sẽ nghỉ theo.
Rồi tôi quan sát bản thân đang sống cuộc sống bận rộn kỹ thêm một chút nữa, và tôi hiểu ra một điều. Lý do cuộc sống tôi bận rộn đến mức này, là vì chính tôi muốn mình bận rộn. Nếu thực sự muốn nghỉ ngơi thì tôi cứ nghỉ là được. Nếu có ai nhờ vả thì chỉ cần từ chối, nếu không thể nói lời từ chối thì chỉ cần tắt điện thoại đi là xong. Nhưng việc tôi không thể làm thế mà tiếp tục đẩy bản thân mình vào trong lịch làm việc bận rộn như vậy, chính là bởi ở một mức độ nào đó bản thân tôi cũng đang thích thú với sự bận rộn này.
Vì đối với tôi, việc gặp gỡ những người cần tôi và giúp đỡ họ, dù là những điều nhỏ bé nhất, cũng đã là niềm vui và niềm hạnh phúc lớn lao rồi.
Nếu bạn thực sự muốn nghỉ ngơi? Vậy thì ngay lúc này, hãy để tâm trí mình tập trung vào hiện tại. Tâm trí bạn luôn bận rộn nghĩ rằng mình phải làm thứ này, phải làm thứ kia chỉ đơn thuần là do bạn đang lo lắng quá mức về quá khứ và tương lai mà thôi. Khi tập trung vào hiện tại, thì sẽ không có quá khứ, cũng không có tương lai. Và như thế, cái hiện tại “ngay lúc này” không chút vướng bận tất nhiên cũng sẽ không còn bận rộn nữa. Chẳng phải thế sao?
Có câu nói “Mắt Phật chỉ nhìn thấy Phật, mắt lợn thì chỉ nhìn thấy lợn”. Con mắt tâm hồn của ta nhìn thế gian ở trạng thái như thế nào, thì thế gian mà ta nhìn thấy sẽ giống y như trạng thái ấy. Tóm lại, tất cả mọi chuyện không phải chỉ là lỗi của thế gian. Căn nguyên của những cảm xúc tốt, xấu, mệt mỏi, cô đơn,… của ta về thế gian này, có thể là do chính ta đã tự gieo trong tâm trí mình, dù là một cách có ý thức hay vô thức. Bạn hãy nhìn xem. Nếu tâm trí bạn nghỉ ngơi, thế gian cũng nghỉ ngơi theo bạn. Nếu tâm trí bạn hạnh phúc, thế gian cũng hạnh phúc theo bạn. Tâm trí con người và thế gian không phải là hai thứ tồn tại riêng lẻ. Trước khi oán trách thế gian, hãy cùng lau lại tấm kính của tâm hồn mình cho sạch đẹp.
Chúng ta chỉ có thể nhìn thế gian qua cánh cửa có tên gọi là tâm hồn.
Nếu tâm ta ồn ào, thì thế gian sẽ ồn ào
Nếu tâm ta yên bình, thì thế gian sẽ yên bình
Vì vậy có một điều quan trọng hơn cả việc thay đổi thế gian
Đó chính là hiểu rõ được chính tâm hồn mình.
— ?☘️? —
Vất vả chen chân lên chuyến tàu điện ngầm.
Phía trước, phía sau, bên cạnh toàn người là người.
Khi đó, có thể ta sẽ bực mình
Hoặc cũng có thể cảm thấy hay ho vì lúc này dù không có cả chỗ vịn tay ta vẫn đứng vững.
Cùng một sự việc, nhưng cách phản ứng của mỗi người sẽ khác nhau như thế đấy.
Nếu để ý ta sẽ nhận ra rằng không phải thế gian đang làm khổ ta
Là chính tâm trí ta đang tự làm khổ mình đấy thôi.
— ?☘️? —
Lý do sóng thần đáng sợ không phải do nước biển
Mà là do những thứ nước biển cuốn theo.
Chúng ta không chết vì những cơn gió lốc trong bão
Mà chết vì va phải những thứ cơn gió cuốn theo.
Thứ làm chúng ta khổ
Không phải những sự việc xảy ra với chúng ta
Mà là những suy nghĩ phức tạp của chúng ta về những sự việc ấy.
Có chuyện không vui xảy đến với bạn?
Nếu là chuyện không vui mà nếu cứ để yên sẽ tự nhiên biến mất
Thì bạn đừng để bận tâm mãi trong lòng,
Làm vậy càng khiến cơn sóng cảm xúc tiêu cực ấy mạnh mẽ hơn.
Chỉ mình bạn khổ sở mà thôi.
— ?☘️? —
Để rửa sạch được những vết thức ăn bám trên chảo
Chỉ cần ngâm nước và chờ là được.
Sau một khoảng thời gian, thức ăn sẽ tự trôi đi.
Đừng cố giãy giụa để cố gắng gỡ bỏ vết thương đang làm mình đau đớn.
Hãy cho tâm mình một chút thời gian, cũng như ngâm chảo trong nước,
Rồi chờ đợi một thời gian, vết thương sẽ tự biến mất mà thôi.
Nếu biết tự hài lòng
Thì những suy nghĩ trăn trở đang làm khổ bạn cũng có thể nghỉ ngơi.
Nếu biết tự hài lòng
Thì bạn sẽ có thể vui vẻ tận hưởng hiện tại với người đang ở cạnh bạn.
Nếu biết tự hài lòng
Thì sau khi sự việc qua đi sẽ không còn chút mảng bám nào vương lại trong lòng.
Phương thức học về cái tâm, để ngộ được bản tính con người
Không phải cứ mải miết học tập và trau dồi gì đó
Mà là “dừng lại và nghỉ ngơi”.
Khi bạn đã nghỉ ngơi hoàn toàn và dọn dẹp lòng mình
Tâm bạn sẽ thực sự quay về trạng thái căn bản đánh thức suy nghĩ.
Việc học về tâm hồn hoàn toàn khác với việc học hành bình thường.
Việc học hành bình thường là học những thứ ta chưa biết để lấp đầy tri thức,
Việc học về tâm hồn thì ngược lại, phải tạm ngưng suy nghĩ “mình biết” đi
Bạn sẽ nhận ra mình có rất nhiều thứ khi tâm hồn được thảnh thơi.
Nếu bạn cảm thấy rằng dù có cố gắng bao nhiêu đi chăng nữa cũng không thể nào thay đổi được tình huống mình đang gặp phải,
Thì hãy thay đổi cách nhìn của bạn về tình huống ấy.
Phải như vậy bạn mới có thể hạnh phúc.
Không có gì ngay từ đầu đã là điều tốt hay điều xấu cả.
Chỉ khi bạn mang suy nghĩ trong tâm mình ra nhìn thế gian,
Khi ấy mới xuất hiện điều tốt và điều xấu.
Khi tâm trí mình bận rộn, hãy nhận ra rằng mình đang bận rộn.
Khi cảm thấy bực mình, hãy nhận ra rằng mình đang bực mình.
Khi đang nổi giận hãy nhận ra rằng mình đang nổi giận.
Sự nhận thức không bị lẫn vào sự bận rộn, cơn bực mình hay nóng giận
Nên ta có thể thoát khỏi những trạng thái cảm xúc đó ngay khi ta nhận ra chúng.
Vì tính chất vốn có của sự nhận thức là thanh tịnh.
Hãy thử một lần để biết điều này có đúng hay không.
— ??? —
Cơ thể cũng vậy, tâm hồn cũng vậy
Nếu được dọn dẹp
Thì sẽ thoải mái và dễ chịu.
Ngược lại,
Nếu cứ khư khư giữ lấy thứ gì đó trong thời gian dài
Thì cả cơ thể lẫn tâm hồn
Đều sẽ sinh ra bệnh tật.
Hãy dọn dẹp tất cả mọi thứ nhé.
— ??? —
Cũng giống như độc tố tích tụ trong người,
Nếu trong lòng tích tụ quá nhiều nỗi đau, sự căm ghét, sự tuyệt vọng, nỗi buồn
Thì trong ta sẽ hình thành khối u những cảm xúc tiêu cực, khiến ta mắc tâm bệnh.
Chúng ta phải đẩy khối độc tố ấy ra
Bằng cách chơi thể thao, tâm sự, cầu nguyện, sám hối, bằng sự thiền định nhờ giác ngộ.
Bạn đau khổ vì những ký ức về quá khứ?
Nếu tâm trí đã hoàn toàn đến được với hiện tại
Thì sẽ không còn dấu vết của quá khứ trong lòng.
Hãy đưa tâm trí mình đến với hiện tại
Và hài lòng với sự tồn tại của mình, tĩnh trong yên lặng.
Thời gian rồi cũng sẽ biến mất mà thôi.
Khi thẫn thờ đưa bước trên con đường mưa vào một buổi tối tan làm muộn
Nếu bạn có suy nghĩ “Chắc mình sẽ phải sống như thế này cả đời”
Thì bạn hãy cố dậy sớm hơn thường lệ một chút vào ngày hôm sau
Và dành một chút thời gian thiền định cho chính bản thân mình.
Hãy suy nghĩ lại về mục tiêu của cuộc đời mình
Và hãy thử tìm ý nghĩa của cuộc sống mình đang có.
Nếu tìm được ý nghĩa ấy thì cho dù có mệt mỏi, bạn sẽ dần thấy ổn hơn.
Và như thế, sự trống trải trong cuộc sống sẽ không còn nữa.
Một trong những cái Khổ của người hiện đại.
Chúng ta cầm lấy điều khiển từ xa và chuyển kênh ti vi liên tục.
Có rất nhiều kênh,
Nhưng chẳng có chương trình nào khiến ta muốn dừng lại để xem cả.
A! Quá nhiều sự lựa chọn cũng làm cho con người ta không hạnh phúc,
Đó chính là điều mà tôi đã nhận ra.
Nếu lòng bạn còn bộn bề và nhiều mâu thuẫn?
Hãy ngủ một giấc thật sâu, đến khi tỉnh dậy bạn sẽ nhìn nhận vấn đề khác đi.
Tôi xin cam đoan đó là sự thật.
Để ngủ thật ngon,
Trước khi ngủ hãy nằm trong chăn và nhớ về những giây phút vui vẻ
Như khi có ai đó giúp đỡ bạn trong cuộc sống
Hay những khi bạn giúp đỡ người khác và cảm thấy tự hào.
Rồi bạn sẽ ngủ một giấc thật ngon lành.
Nếu trong lòng bạn có tình yêu
Bạn sẽ cảm thấy thế gian này thật tươi đẹp.
Nếu trong lòng bạn có tình yêu
Vô số những niềm vui nho nhỏ sẽ tuôn trào.
Không những thế, tình yêu
Còn có thể mở rộng tấm lòng và xóa nhòa những ranh giới.
Hãy biết yêu thương. Hãy yêu thương thế gian này.
Càng ít suy nghĩ,
Càng biết chia sẻ,
Càng biết để tâm trí mình ở thời điểm hiện tại,
Thì hạnh phúc
Sẽ càng đong đầy.
Hãy nhắm mắt lại, hít thở thật sâu và thầm cầu nguyện trong lòng
“Cầu cho tất cả mọi người xung quanh mình được bình an…”
Sự bình an của bạn rồi cũng sẽ đến cùng với lời cầu nguyên này.
Con đường tắt đến với hạnh phúc.
Thứ nhất, hãy dừng việc so sánh mình với người khác.
Thứ hai, đừng cố gắng tìm kiếm ở bên ngoài mà hãy tìm ngay trong chính lòng mình.
Thứ ba, hãy tìm nét đẹp của thế gian ngay khoảnh khắc này, và tận hưởng nó.
Khi bạn hoàn toàn đón nhận chính bản thân mình
Và khi bạn biết cách làm chính mình thoải mái,
Thì bạn sẽ có thể làm cho cả những người xung quanh vui vẻ và thoải mái.
Bạn, người đang có mặt tại đây vào chính giờ phút này
Là một người rất cao quý và hoàn hảo.
Việc bạn không nhận ra được sự cao quý và hoàn hảo ấy
Chính là do những định kiến, những nỗi ám ảnh
Của chính bạn về bản thân mình.
Hãy tự khám phá để thẩy được sự cao quý và hoàn hảo của chính mình.
Người tu hành không bao giờ tranh cãi với thế gian.
Người tu hành chỉ từ từ làm rõ sự thật rằng mình vốn là một với thế gian này.