NĂNG LỰC ĐỊNH TÂM [ĐỊNH LỰC]

ĐẠI SƯ AJAHN CHAH

Trích: Sự Bình An Không Gì Lay Chuyển; Việt dịch: Sư Tâm Pháp

Một bài pháp thiền sư Ajahn Chah thuyết cho một vị sư chuyên nghiên cứu pháp học và nhóm Phật tử tại chùa Wat Pah Pong trong những năm 1960.

Mọi sự tôi đang nói với các thầy là liên quan đến cái tâm diễn ra theo đường lối tự nhiên. Đây không phải sự diễn tả cái tâm hay những trạng thái tâm lý của tâm (tâm sở) dựa theo lý thuyết. Không cần thiết phải làm điều đó. Khi có niềm tin và lòng tin, ta cứ bước vào và thiền tập thực sự. Không lòng vòng, không nửa vời nửa vợi, mà phải đặt hết cuộc sống vào việc thực hành. Và khi việc tu hành của các thầy đạt đến giai đoạn như tôi vừa mới tả, thì ngay sau đó cả thế giới sẽ hoàn toàn đảo ngược lại đối với các thầy. Lúc này, sự hiểu biết của các thầy về thực tại là hoàn toàn khác với trước đó. Cách nhìn của các thầy đã được chuyển hóa hoàn toàn. Nếu có ai nhìn thấy các thầy ngay lúc này, họ có thể nghĩ các thầy đang ngu ngơ hay điên khùng. Nếu sự trải nghiệm này xảy ra cho những ai không nắm vững thấu suốt về bản thân họ, thì họ có thể điên khùng thiệt, bởi vì sự trải nghiệm đó là cực kỳ lạ thường và kỳ lạ mà họ chưa từng thấy trước đó. Những người trên đời thường thể hiện rất khác, so với cách họ thể hiện trước đó về trước. Nhưng các thầy là người duy nhất nhìn thấy điều đó. Nhìn thấy sự thay đổi. Tuyệt đối mọi thứ đều thay đổi.

Mọi ý nghĩ đều chuyển hóa: giờ thì người khác nghĩ một cách, ta nghĩ theo cách khác. Họ nói về mọi thứ theo một cách, còn ta ta nói theo cách khác. Họ đang đi dần xuống lối mòn, còn ta ta đang leo dốc lên theo lối khác. Bây giờ, các thầy không còn giống hệt với mọi người, các thầy giờ khác biệt với họ. Cách trải nghiệm mọi thứ như vậy sẽ không bị phai nhạt hay yếu dần đi. Nó luôn luôn duy trì và kéo dài. Khi đã tu được đến cách trải nghiệm đó thì cách trải nghiệm đó sẽ còn mãi. Hãy cố tu tập thử, cố tu tập như vậy. Nếu đúng như những gì tôi đã miêu tả nảy giờ, thì các thầy không còn cần phải đi tìm ở đâu xa xôi nữa. Chỉ cần nhìn ngay vào trong trái tim này. Tâm lúc này rất dũng mãnh, bản lĩnh và không thể lay chuyển được. Đó là năng lực của tâm, đó là nguồn sức mạnh và năng lượng. Tâm có sức mạnh tiềm tàng của nó. Đó chính là năng lực và nguồn lực của định (samādhi). Cho đến lúc này, đó cũng chỉ mới là năng lực và sự tinh lọc của cái tâm có được nhờ trạng thái định sâu (samādhi). Mức độ định tâm này là mức định thâm sâu tột cùng nhất.

Tâm đã đạt đến đỉnh cao của sự định (samādhi); đó không phải chỉ là loại định nhất thời. Cho đến lúc này, nếu người tu bật chuyển qua thiền quán minh sát (vipassanā), thì sự quán sát sẽ không bị gián đoạn, đứt quãng, và đầy trí tuệ minh sát. Hoặc người tu có thể tập trung hết năng lượng và dùng nó theo những cách khác nhau; (tùy theo mục đích tu tập của người tu). Ví dụ, sau khi đạt định thâm sâu như vậy, người tu có thể phát triển những năng lực thần thông, biểu diễn những màn kỳ diệu, hoặc có thể dùng những năng lực siêu thường đó làm những việc mình muốn. Những thầy tu và ẩn sĩ thời xưa đã dùng năng lực định để làm nước thần, làm những vòng bùa chú hộ mệnh, làm mê hoặc người khác. Khi đạt đến giai đoạn định sâu này thì có thể làm được những thứ đó, và có thể mang lại một số ích lợi cho người làm; Nhưng, đó chỉ giống như lợi ích của cồn rượu mà thôi. Uống nó chưa biết có giải sầu được chút nào hay không, nhưng uống vô ta sẽ say xỉn và khổ đau thôi. Mức độ định ngay chỗ này là điểm nên dừng. Phật đã đạt đến mức định này và Phật đã dừng lại ở đây. Dừng lại ở mức độ định sâu (samādhi) này và dùng nó làm nền tảng để thiền quán và minh sát (vipassanā).

Tuy nhiên, không nhất thiết phải đạt được mức độ định thâm sâu như vậy thì ta mới có khả năng quán sát những thực trạng xung quanh ta; do vậy ta cứ đều đặn quán sát cái tiến trình nhân quả (không cần chờ cho đến khi đạt định rất thâm sâu tuyệt đỉnh). Để làm được điều này, chúng ta tập trung vào sự bình an và sự sáng rõ của cái tâm để phân tích những hình sắc, âm thanh, mùi hương, mùi vị, những cảm nhận của thân, những ý nghĩ, và những trạng thái tâm mà chúng ta trải nghiệm. Hãy xem xét những trạng thái và những cảm xúc dù nó tích cực hay tiêu cực, dù nó là tốt hay xấu. Xem xét quán xét tất cả mọi thứ. Cũng giống như có người leo lên cây xoài và rung cây cho trái rụng; ta chỉ việc đứng dưới xem xét từng trái xoài: trái nào hư rục thì ta bỏ, trái nào ngon lành thì ta lấy gom lại. Việc đó không khó khăn mệt sức, bởi ta chỉ đứng dưới nhìn và gom chứ đâu có leo trèo trên đó mà mệt nhọc. Ta chỉ đơn giản đứng dưới, xem xét từng trái xoài và thu gom mang về. Các thầy có hiểu ý nghĩa ví dụ này không? Mọi thứ trải nghiệm bằng một cái tâm bình an sẽ mang lại sự hiểu biết lớn lao hơn. Chúng ta không còn phóng tâm, tạo tác, diễn dịch này nọ xung quanh điều gì được trải nghiệm. Sự giàu nghèo, vinh nhục, khen chê, sướng khổ cứ xảy ra theo lý của chúng. Và chúng ta cứ bình an. Chúng ta khôn ngoan. Điều đó thực sự đáng vui. Thực là đáng vui khi ta biết sàng lọc và xử lý mọi sự. Những gì thiên hạ gọi là tốt, xấu, thiện, ác, sướng, khổ, này, nọ, hay bất cứ là gì – tất cả đều được ghi nhận cho lợi lạc của chúng ta. (Miễn sao chúng ta đừng dính chấp theo thứ gì).

Giống như có người trèo lên cây xoài đạp rung để làm xoài rụng xuống cho chúng ta nhặt lấy vậy. Chúng ta cứ ghi nhận và nhặt lấy những trái xoài ngon mà không sợ hãi gì cả. Có gì ở đó mà ta phải sợ? Giàu nghèo, vinh nhục, khen chê, sướng khổ, và tất cả những thứ khác trên đời cũng đâu hơn gì những trái xoài đang rụng xuống, và chúng ta cứ nhìn những thói tính thế gian đó cũng như ta đứng nhìn những trái xoài đang rớt xuống với một cái tâm tĩnh lặng. Và chúng ta biết những trái nào là tốt, những trái nào là xấu.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TRÍ TUỆ PHÁT SANH
  2. HÃY XẢ BỎ TẤT CẢ
  3. DÒNG NƯỚC TĨNH ĐANG CHẢY, DÒNG NƯỚC CHẢY ĐANG TĨNH

Bài viết mới

  1. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ
  2. AI CŨNG CÓ THỂ HẠNH PHÚC NGAY TỪ GIÂY PHÚT NÀY
  3. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ