CẢM ƠN – TRÍCH: CÁCH SỐNG – INAMORI KAZUO

INAMORI KAZUO

Trích: Cách Sống; Tác giả: INAMORI KAZUO; Người dịch: Phạm Hữu Lợi; NXB Lao Động 2017

“Nam mô, nam mô, xin cảm ơn!” là câu nói thể hiện lòng biết ơn rất dễ nhớ ngay cả với một đứa trẻ. Đó là câu nói thể hiện sự kính tín và còn là câu nói nuôi dưỡng lòng biết ơn trong tôi.

Lúc nào tôi cũng lẩm bẩm câu này. Lòng biết ơn thấm vào tôi một cách tự nhiên, đối với bất cứ điều gì, khi vui cũng như khi buồn. Tôi cố gắng sống đúng đắn với nỗ lực cao nhất.

Có câu ngạn ngữ: “Họa phúc giống như bện sợi dây thừng”. Cuộc đời là sự đan xen giữa việc tốt và việc xấu. Vì vậy tôi luôn mang tâm niệm cảm tạ để sống, bất kể ngày nắng ráo hay ngày u ám, việc tốt hay việc xấu. Tôi không chỉ cảm tạ khi có được niềm hạnh phúc mà ngay cả khi gặp hoạn nạn, tôi cũng vẫn cảm tạ. Bản thân tôi vốn dĩ đang sống và được sống nên tôi mang lòng biết ơn đối với điều đó. Thực hiện việc cảm tạ là bước đầu tiên để nâng cao tâm hồn, để mở ra tương lai tươi sáng cho chúng ta. Con tim mách bảo tôi như vậy.
Nhưng nói thì dễ mà làm thì khó. Ngày nắng cũng như ngày mưa không được quên tâm niệm cảm tạ là một việc khó đối với mọi người. chẳng hạn khi gặp hoạn nạn, nếu nghĩ rằng hoạn nạn là thử thách, chúng ta hãy cám ơn hoạn nạn. Cho dù nghĩ như vậy nhưng thường thì chúng ta chẳng có tâm trí nào làm như vậy. Bản tính của con người là hay than thân trách phận, vì sao mình lại nên nông nỗi này và luôn mang ý nghĩa hận đời trong lòng.

Trường hợp mọi việc đều trôi chảy, vận may mỉm cười với ta thì sao? Tâm niệm cảm tạ lúc đó có tự nhiên sinh ra không? Không hẳn là như vậy. Chúng ta cho rằng công việc trôi chảy là do chúng ta cố gắng và chẳng cần phải cảm tạ ai cả. Chẳng những không cảm tạ mà lòng tham trong con người lại trỗi dậy mạnh hơn, đã được lại muốn được nhiều hơn nữa, đã may mắn lại muốn nhiều may mắn hơn nữa. Kết cục là chúng ta quên đi lòng biết ơn và tự mình làm mình rời xa nguồn phúc lạc. Vì lẽ đó, điều cần thiết là chúng ta phải luôn mang trong lòng tâm niệm cảm tạ trước bất kỳ hoàn cảnh nào. Tấm lòng biết ơn có thể không dâng trào nhưng ít nhất chúng ta cũng phải luôn mang theo ý nghĩ biết ơn. Nói cách khác, lúc nào cũng phải sẵn sàng để nói lời cảm ơn. Khó khăn, cực nhọc mang lại cơ hội rèn giũa cho ta trưởng thành. Ta hãy cảm ơn và mong muốn san sẻ. Chúng ta phải luôn chuẩn bị sẵn sàng một cách có ý thức tấm lòng biết ơn như vậy.

Không những thế, chúng ta còn phải nghĩ đến những điều tiếp theo. Phải chăng lòng biết ơn chỉ được sinh ra từ sự đầy đủ và thỏa mãn mà không thể sinh ra từ thiếu thốn, bất mãn. Thế nhưng, thế nào là đầy đủ? Thế nào là thiếu thốn? Thế nào là thỏa mãn? Thế nào là bất mãn? Có lẽ nào cứ nhận được nhiều thì được coi là thỏa mãn và đầy đủ, còn nhận được ít thì được coi là thiếu thốn và bất mãn. Về mặt vật chất có thể đúng như vậy. Tuy nhiên, cùng nhận được như nhau, có người cảm thấy chưa đủ thì cũng có người lại thấy là quá nhiều. Có người dù nhận được ít vẫn thấy đủ thì cũng có người được bao nhiêu vẫn thấy thiếu. Có người không ngớt bất mãn kêu ca thì cũng có người luôn cảm thấy thanh thản trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Vì thế, vấn đề chính là ở tâm mình. Dù điều kiện vật chất như thế nào nhưng nếu có tấm lòng biết ơn cuộc đời thì vẫn có thể luôn cảm nhận được sự mãn nguyện.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. BIẾT ƠN
  2. BIẾT ƠN NHỮNG VẬT THUỘC SỞ HỮU CỦA MÌNH
  3. BIẾT ƠN NGƯỜI ĐÃ ƯU TIÊN CHO HOÀN CẢNH CỦA MÌNH

Bài viết khác của tác giả

  1. MƯỜI HAI QUAN NIỆM KINH DOANH TUỔI 20 NÊN BIẾT
  2. CHÍNH VÌ SỐNG MỘT CÁCH ĐÚNG ĐẮN, CON NGƯỜI MỚI GẶP PHẢI GIAN NAN
  3. GẶP GỠ “NGƯỜI THẦY CỦA VẬN MỆNH”

Bài viết mới

  1. SỰ KHIÊM TỐN THUYẾT PHỤC
  2. TU TẬP THIỀN BẰNG CÁCH QUÁN TÂM TRONG TĨNH LẶNG
  3. TRAO MỘT LỜI KHEN