SƯU TẦM
Từ lâu tôn giáo và triết học đã thảo luận nhiều về sự tồn tại của linh hồn, và trường hợp bé gái tên Shanti Devi, sống ở New Delhi, Ấn Độ vào những năm 1930 là một ví dụ thuyết phục về sự luân hồi sau mỗi kiếp sống.
Chẳng bao lâu sau khi biết nói, Devi đã gây sững sờ với cha mẹ bằng những câu chuyện về cuộc sống kiếp trước của bé ở một thị trấn mà cả nhà đều chưa một ai từng đặt chân. Bất cứ sự việc gì trong cuộc sống hiện tại cũng khơi dậy những ký ức về “tiền kiếp” của Devi. Chẳng hạn như một bữa ăn khiến cô bé nhớ lại những món ăn từng thưởng thức ngày xưa, hoặc trong lúc mặc quần áo, bé lại kể cho mẹ nghe về những bộ quần áo mà em từng mặc.
Devi thậm chí còn nói với bố mẹ rằng tên trước đây của em là Lugdi, và Lugdi đã qua đời sau khi sinh hạ một cậu con trai vào tháng 10/1925. Em còn kể những chi tiết kỳ lạ về cơn đau đẻ cũng như những thủ tục phẫu thuật mà Lugdi phải trải qua.
Rõ ràng những sự thật như vậy không thể được gợi ra bởi ngay cả một đứa trẻ giàu trí tưởng tượng nhất.
Khi Devi tiết lộ tên của người chồng “kiếp trước”, gia đình cô bé đã thực sự sốc khi phát hiện ra rằng anh ta vẫn còn sống, và đang ở chính xác nơi Devi nói cô ấy đã từng sống. Một cuộc gặp lịch sử được sắp đặt giữa họ, và những gì xảy ra khiến các nhà khoa học thực sự bối rối.
Ký ức về tiền kiếp
Sinh ngày 11/12/1926, Shanti Devi là một em bé rất bình thường cho đến khoảng năm lên 4 tuổi, khi cô bé bắt đầu chia sẻ những câu chuyện kỳ lạ về “tiền kiếp” của mình ở thị trấn Mathura, cách nhà trên 100km.
Devi hồi tưởng lại tất cả các cửa hàng và đường phố ở Mathura, nơi bé và gia đình hiện tại chưa từng một lần đến. Em nói về người chồng cũ, một thương gia, nhưng đến năm 9 tuổi mới tiết lộ tên của anh ta kèm theo những đặc điểm như có một cái mụn thịt ở má trái và luôn đeo kính đọc sách.
Được nghe những ký ức lạ lùng của con gái, ban đầu cha mẹ của Devi cho rằng đó chỉ là trò tưởng tượng trẻ con. Nhưng khi Devi tiết lộ rằng tên của người chồng “kiếp trước” là Pandit Kedarnath Chaube, đôi khi được gọi là Kedar Nath, thì một người bạn của gia đình đã quyết định tìm hiểu xem những gì cô bé nói có đúng sự thật hay không.
Người bạn đã gửi thư cho một thương gia tên là Kedar Nath ở Mathura để hỏi về những ký ức của Devi. Và thật kinh ngạc, thương gia Nath viết thư hồi đáp, xác nhận tất cả các chi tiết mà Devi đã kể là đúng. Nath cũng đồng ý cùng một người họ hàng đến nhà Devi để xem xét tình hình.
Để thử thách Devi, một người họ hàng đã được Nath đưa đến gặp cô bé và giới thiệu đó là chồng cô. Devi bác bỏ ngay, nói rằng đây chỉ là người em họ của “chồng” cô. Thực sự bất ngờ, Nath và đứa con mà anh ta có với Lugdi, nay đã 10 tuổi, bước vào nhà. Khi nhìn thấy họ, Devi đã bật khóc.
Nath yêu cầu được nói chuyện riêng với Devi, sau đó anh tuyên bố mỗi câu trả lời của cô cho những câu hỏi “kiểm tra” của anh đều hoàn toàn chính xác.
“Anh ấy thấy câu trả lời chính xác và cảm động đến phát khóc! Cứ như thể người vợ đã chết của anh ta đang nói vậy”, một nhà điều tra viết trong báo cáo về vụ việc vào năm 1937.
Shanti đã ở vài ngày với Kedar Nath và cậu con trai trước khi hai người phải trở về Mathura. Đau buồn khi phải chia xa “chồng và con”, cô bé đã cầu xin cha mẹ cho về quê cũ. Devi cam kết có thể dẫn hai bố con đến thẳng ngôi nhà cũ của họ, thậm chí còn tiết lộ cô từng chôn một hộp đựng tiền trong nhà.
Cha mẹ của Devi chấp nhận, bởi khi câu chuyện đã thu hút sự chú ý của lãnh tụ Ấn Độ Mahatma Gandhi, họ hầu như không có lựa chọn khác. Vào tháng 11/1935, hàng chục nhà nghiên cứu và điều tra đã cùng Devi và cha mẹ cô bắt xe lửa đi ba tiếng đồng hồ đến Mathura.
Trở lại nhà cũ
Một trong những điều tra viên kể lại: “Khi ra khỏi nhà ga, cô gái được đưa lên ghế trước và xe của chúng tôi đi trước tất cả những người khác. Người lái xe được yêu cầu chỉ đi theo tuyến đường do cô gái chỉ”.
Devi đã dễ dàng đưa cả nhóm đến nơi mà cô khẳng định là nhà cũ của mình. Trên đường đi, cô bé cũng ghi nhận nhiều con phố trước đây chưa được lát đá và những tòa nhà không có ở đó trong kiếp trước. Người lái xe xác nhận những quan sát này là đúng.
Khi tới đúng ngôi nhà mà Kedar Nath và con trai sinh sống, một thành viên của ủy ban điều tra do nhà lãnh đạo Ghandi yêu cầu thành lập, đã hỏi về hộp tiền mà Devi đề cập. Cô bé lập tức chạy lên tầng, đi thẳng đến một góc của căn phòng và tuyên bố rằng chiếc hộp được giấu dưới tấm ván sàn. Kedar Nath mở sàn và tìm thấy một hộp bạc nhỏ, nhưng bên trong trống rỗng. Anh chồng sau đó thừa nhận đã lấy tiền ở hộp sau khi vợ qua đời.
Chuyến đi đoàn tụ của Devi tới Mathura còn tiếp tục ở nhà cha mẹ cũ của cô. “Cô bé không chỉ nhận ra nhà mà còn có thể xác định được cha mẹ cũ của mình giữa đám đông hơn 50 người”, một điều tra viên viết.
Trong báo cáo của mình, ủy ban điều tra tuyên bố “không có lời giải thích hợp lý” cho những gì họ đã chứng kiến.
Trải nghiệm cái chết
Dường như, Devi không chỉ nhớ lại cuộc sống của mình ở kiếp trước mà còn có lời giải thích cho đường đi vào thế giới bên kia. Vào năm 1936 và 1939, cô gái đã kể lại trải nghiệm về cái chết của mình cho những người hoài nghi cũng như các nhà thôi miên.
Devi nói rằng vào thời điểm chết, cô cảm thấy chóng mặt và bị bao trùm trong “bóng tối sâu thẳm” trước khi một tia sáng lóe lên để lộ ra bốn người nam mặc đồ lót màu vàng trước mặt. “Cả bốn người dường như đều ở tuổi thiếu niên và ngoại hình cũng như cách ăn mặc của họ rất tươi sáng”, Devi nói khi bị thôi miên. “Họ đặt tôi vào một chiếc cốc và mang tôi đi”.
Devi cho biết cô nhìn thấy thần Hindu Krishna cho từng người xem “hồ sơ” về những hành động tốt và xấu của họ khi còn sống và cho họ biết điều gì sẽ xảy ra với họ tiếp theo. Sau đó, Devi được đưa đến một cầu thang bằng vàng, từ đó cô có thể nhìn thấy một dòng sông “sạch và tinh khiết như sữa”. Cô nhìn thấy ở đó những linh hồn xuất hiện chập chờn như “ánh lửa trong những ngọn đèn”.
Nhiều năm sau, Shanti Devi xuất hiện trong một cuộc phỏng vấn báo chí vào năm 1958. Khi đó, Shanti Devi 32 tuổi và không bao giờ kết hôn. Cô sống một cuộc đời tâm linh, yên tĩnh ở Delhi.
Shanti Devi qua đời vào năm 1987 ở tuổi 61. Câu chuyện của cô được lưu giữ qua một cuốn sách của tác giả Thụy Điển Sture Lonnerstrand viết năm 1994, dịch sang tiếng Anh vào năm 1998.
Link gốc: https://baotintuc.vn/chuyen-la-the-gioi/cau-chuyen-ky-la-ve-co-be-an-do-nho-nhu-in-tien-kiep-20210527190243746.htm