SYLVIA BOORSTEIN
Trích: Đơn Giản Hơn Ta Nghĩ; Nguyễn Duy Nhiên dịch; Phương Nam Book.
Nửa giờ sau khi cất cánh trên chuyến từ Chicago, viên phi công thông báo: “Không có gì đáng lo cả, thưa quý vị, nhưng chúng ta bị hư mất một hệ thống thủy lực của phi cơ, chúng ta sẽ quay trở lại Chicago để sửa, thay vì băng ngang qua rặng núi Rocky mà không có hệ thống ấy”. Trong khi viên phi công báo tin, chiếc phi cơ đánh một vòng tròn lớn quay trở lại. “Chừng ba mươi phút nữa chúng ta sẽ đáp xuống đất, xin quý vị hãy ngồi nghỉ cho thoải mái”.
“Thoải mái?!” Khi nghe lời thông báo ấy, tôi đang đọc quyển sách mới của Joseph Goldstein, bạn tôi, “Kinh nghiệm thiền quán”, viết về chánh niệm và thiền quán. Chánh niệm tức là ý thức được rõ ràng kinh nghiệm của mình trong giờ phút hiện tại, và tôi ý thức rõ ràng là mình đang lo sợ. Tôi lại cầm cuốn sách lên đọc, hy vọng rằng nó sẽ làm cho tôi quên đi một chút. “Khi có những cảm thọ khó khăn khởi lên”, Joseph viết, “đừng nên làm ngơ, hoặc đánh lãng sự chú ý của mình”. “Được rồi, Joseph”, tôi nói thầm và đóng sách lại.
Tôi nghĩ đến những gì mình nên làm. Tôi chợt ý thức là mình có thể chết, và tôi hoàn toàn không hề có một sự chọn lựa nào về việc ấy hết. Tôi quyết định là mình sẽ thực hành từ bi quán, đem tâm từ ban rãi đến những người thân thuộc trong gia đình, mà đây cũng là một sự thực tập hằng ngày của tôi. “Cầu xin cho Grace được an vui… Cầu xin cho Nathan được an vui… Cầu xin cho Erik được an vui… Cầu xin cho Leah… Cầu xin cho Collin…”. Tất cả là mười ba cái tên.
Làm xong xuôi, chiếc phi cơ của chúng tôi vẫn còn bay lướt nhẹ nhàng trong không trung. Thế là tôi lặp lại một lần nữa. Tôi cảm thấy mình trầm tĩnh hơn trước.
Chiếc phi cơ bắt đầu hạ thấp xuống, và mặc dù mọi việc có vẻ bình thường, chúng tôi được hướng dẫn cởi mắt kiếng và giày, và bỏ hết những đồ nhọn như là viết ra khỏi túi. Tôi bắt đầu nghĩ đến những người quen khác, nằm ngoài cái danh sách mười ba người thân trong gia đình tôi, tôi cũng muốn cầu xin cho họ được an lạc và hạnh phúc. Thế là tôi bắt đầu lập thêm một danh sách mới: “Cầu xin cho Miriam được an vui… Cầu xin cho Aaron… Eugenia… Henry…”. Đầu óc tôi đầy tên tuổi của những người mà tôi biết qua chuyện đời của họ, và tôi bắt đầu niệm mỗi lúc một nhanh hơn, muốn chắc rằng sẽ nhắc được hết tên của mọi người.
Bên ngoài cửa sổ, tôi có thể nhìn thấy mặt đất mỗi lúc đang một dâng lên gần hơn. Những cô tiếp viên hàng không hướng dẫn chúng tôi tư thế tự ôm choàng lấy mình, và chúng tôi ngả người tới phía trước, hai tay choàng ôm chặt hai đầu gối. Tôi tự nghĩ: “Trong vòng một phút nữa, tôi sẽ chết hoặc không chết. Tôi có nên lặp lại cái danh sách mười ba người thân thuộc của mình một lần nữa không? Tôi có bỏ sót một ai mà tôi thương mến không? Cầu xin cho tất cả mọi loài được an vui! Cầu xin cho tất cả mọi loài được hạnh phúc! Cầu xin cho tất cả mọi loài được an vui!”.
Chúng tôi chạm bánh xuống đất, hệ thống thắng vẫn hoạt động tốt đẹp, chiếc phi cơ từ từ dừng lại. Dọc theo phi đạo đậu một hàng dài những chiếc xe cấp cứu, đèn đỏ nhấp nhỏa sáng rực, và may mắn là chúng tôi không cần đến họ.
Tôi học được hai điều: Yêu thương tất cả mọi người dễ hơn là chỉ yêu thương một nhóm người đặc biệt nào đó. Nó không đòi hỏi ta phải nhớ ai có tên trong danh sách, ai không có tên, ai là thuộc bảng danh sách chánh và ai thuộc bảng phụ. Và ta cũng không cần phải lo sợ là mình sẽ bỏ sót một người nào.
Tôi cũng học được rằng, lòng thương yêu chân thật hướng về kẻ khác sẽ xóa bỏ hết những nỗi sợ hãi trong ta. Tôi đã không hề đánh lạc hướng sự chú ý của mình; tôi biết rất rõ ràng điều gì đang xảy ra, và tôi cũng biết là tôi có một phương thức hữu hiệu để đối phó với hoàn cảnh ấy.
Một thời gian sau kinh nghiệm đó, tôi nghĩ: “Tôi muốn dạy phương pháp này cho người khác để họ có thể sử dụng trong giờ phút trước khi lâm chung”.
Về sau này, tôi hiểu là: “Tôi muốn dạy phương pháp này để họ thực tập cho từng giây phút của cuộc sống”.
Tất cả những giờ phút của ta đều là những giây phút trước cái chết của mình, và sự cầu mong an vui là một phương pháp sống vô úy nhất. Đôi khi, tôi nghĩ chỉ có mỗi một việc đáng để nói mà thôi, đó là: “Tôi thương yêu bạn”.