KỲ DUYÊN NƠI XỨ TUYẾT

ANAGARIKA GOVINDA

Trích: Đường Mây Qua Xứ Tuyết; Nguyên tác: The Way of the White Clouds; Chuyển ngữ: Nguyên Phong; NXB. Hồng Đức; Công ty VH-ST Trí Việt, First News, 2013

Vượt qua cao nguyên Aksai, chúng tôi đã đến trung tâm của rặng Tuyết Sơn. Từ đây đi về phía Nam, tôi có thể đến ngọn Kailas1 linh thiêng hoặc chọn rẽ theo hướng đông nam, tiếp tục theo rặng Tuyết Sơn để đến đỉnh Thangu thuộc tiểu quốc Sikkim2, nơi sư trưởng Gomchen Lachen ẩn tu.

Sau mấy tuần lễ trèo đèo lội suối, chúng tôi dừng chân trước ngọn núi cao ngất phủ đầy tuyết trắng: đỉnh Thangu. Từ chân núi chúng tôi men theo những con đường mòn nhỏ hẹp quanh co mới leo lên được đến đỉnh. Gió lạnh rít lên từng chập, tuyết phủ ngập lối đi, người ta không thể làm gì hơn là cắm cúi tiến bước. Một ý nghĩ, dù chỉ một ý nghĩ muốn nghỉ ngơi trong chốc lát cũng có thể khiến ta dừng chân và rồi chết cứng trong làn gió lạnh ghê hồn từ đỉnh Thangu phả xuống.

Thung lũng Thangu, bắc Sikkim, Ấn Độ

Gần nửa đêm chúng tôi đến một căn nhà nhỏ xây sát vào vách núi. Đây là căn nhà được xây cất để cho những đệ tử của Gomchen Lachen tạm trú mỗi khi đến thăm ngài. Từ đó người ta có thể nhìn thấy hang động của sư trưởng Lachen cách đó không xa, có điều khi đến nơi thì chúng tôi đã mệt nhoài. Tôi quyết định tạm nghỉ ở đây qua đêm trước khi diện kiến ngài.

Như thường lệ, trước khi ngủ tôi ngồi yên xếp bằng nhập định và trì tụng những bài chú. Bỗng nhiên có một sự kiện lạ lùng xảy ra, tôi có cảm tưởng như một sức mạnh vô hình ở đâu từ từ xâm chiếm lấy đầu óc và khiến tôi mất tự chủ, không thể tập trung tư tưởng được nữa. Tôi nhận ra ngay đó chính là sức mạnh tư tưởng của sư trưởng Lachen. Ngài đang chú ý đến tôi, nhưng luồng tư tưởng của ngài quá mãnh liệt nên nó đã xâm chiếm trọn vẹn đầu óc tôi khiến tôi trở nên tê liệt. Tôi có cảm giác mình như một hành tinh nhỏ đang bị thu hút vào quỹ đạo của một hành tinh khác lớn hơn. Đầu óc của tôi trở nên hoang mang vô định, tôi thấy mình đang từ từ tan biến vào một cõi không thể diễn tả được. Ngay lúc đó, tôi đã nghĩ nếu không tìm cách cưỡng lại, tâm trí tôi có thể biến mất vĩnh viễn. Vừa chớm lên ý niệm đó, tôi đâm ra hoảng hốt, và chỉ trong khoảnh khắc bản ngã trỗi dậy, tôi vùng vẫy nhảy khỏi giường, cố thoát khỏi luồng sức mạnh kia. Chưa bao giờ tôi thấy mình có thể tan biến vào trong cái gì uyên nguyên, rỗng lặng đến vậy. Tôi cuống quýt vớ lấy tấm gương vẫn dùng để soi mặt cạo râu ra và nhìn vào mình trong đó. Tôi có còn là tôi hay không? Để chứng minh mình vẫn còn là mình, tôi chụp lấy tập giấy ở đầu giường và vẽ ngay một bức tự họa.

Mặc dù nhiệt độ trong phòng lạnh như băng, mồ hôi tôi toát ra đầm đìa. Khi vẽ xong bức tự họa thì sức mạnh kia tự nhiên biến mất. Tôi ngồi yên một lúc như xuất thần rồi lẩm bẩm đọc những bài chú tịnh tâm cho đến sáng.

Sáng hôm sau mặc dù vẫn còn xúc động, tôi cũng thay y phục chỉnh tề để ra mắt sư trưởng Lachen. Đó là một ông lão đã già lắm nhưng khuôn mặt hồng hào quắc thước đang ngồi trên tấm thảm bện bằng rơm. Sư trưởng Lachen mời tôi dùng trà, thân mật hỏi tôi từ đâu đến và có mục đích gì. Khi biết tôi là đệ tử của hòa thượng Tomo thì ngài gật đầu:

– Thầy con là một bậc chân tu đạo hạnh, một bậc Đại Lạt Ma mà ta rất kính phục.

Tôi đưa cho ngài xem pho tượng nhỏ mà Hòa thượng Tomo đã trao cho tôi như một tín vật. Ngài thận trọng cầm nó đưa lên trán ba lần bằng một cử chỉ tôn kính. Tôi kể cho ngài nghe việc những cuốn sách của bà Alexandra David Neel đã trợ giúp rất nhiều người Âu chúng tôi trong việc tìm hiểu nền văn minh Tây Tạng. Khuôn mặt ngài trở nên rạng rỡ khi nghe nhắc đến bà David Neel. Ngài mở một chiếc hòm gỗ gần đó và lấy ra một tờ báo cũ nát có nói về cuộc du hành của người phụ nữ này. Chúng tôi tiếp tục đàm đạo một lúc rất lâu. Khi biết tôi xuất thân từ Sri Lanka, ngài bật cười chỉ vào mớ tóc dài bù xù trên đầu rồi khôi hài:

– Nếu các tu sĩ Nam Tông nhìn thấy tôi thì họ nghĩ sao?

Tôi cũng bật cười:

– Ngay như đức Phật cũng đâu có cạo hết tóc thì Ngài vẫn thành đạo kia mà.

– Con nói đúng đó, nhiều người chỉ biết kính trọng những hình thức bên ngoài chứ không hiểu được giá trị thực sự của người tu hành là chiến thắng chính mình và giữ sao cho thân, tâm được an tĩnh.

Chúng tôi tiếp tục nói về những phương pháp tu tập, quán tưởng, thiền định và đã có lúc tôi định hỏi ngài về câu chuyện xảy ra đêm qua nhưng rồi lại ngại ngùng. Cái cảm giác bị tan biến trong hư không làm tôi sợ hãi ít nhiều nên tôi không muốn nhắc đến nó nữa. Sau cùng tôi mở cuốn sách nhỏ vẫn mang theo bên người nhờ ngài viết cho ít lời chỉ dẫn để làm kỷ niệm.

Ngài mỉm cười chăm chú nhìn tôi và nói rằng ngài đã già yếu, tay chân run lẩy bẩy không thể viết được nữa nhưng rồi ngài vẫn cầm lấy bút và thảo ngay một bài trường thi bằng tiếng Tây Tạng.

– Đây là đề tài để con suy ngẫm mỗi khi thiền định. Đề tài này đề cập đến mười tám phương pháp quán tưởng về tánh Không.

Tôi bỗng giật mình. Thì ra ngài biết rõ chuyện xảy ra đêm hôm trước. Trong khoảnh khắc tôi hiểu ngay rằng ngài đã cố ý hướng dẫn cho tôi kinh nghiệm về tánh Không nhưng tôi chưa đủ trí tuệ để hòa nhập vào cái Không hải rỗng lặng uyên nguyên kia. Công phu thiền quán của tôi còn nhiều thiếu sót, bản ngã của tôi còn mạnh nên chưa chịu tiêu dung vào hư không để bước vào cảnh giới không vô biên xứ3.

Thấy tôi có vẻ ngượng ngùng, sư trưởng Lachen mỉm cười:

– Một công phu tu tập siêng năng chưa đủ mà còn phải chú trọng việc mở mang trí tuệ nữa. Con cần trì tụng chú Đại Bi và bộ Bát Nhã Ba La Mật để suy ngẫm về tánh Không cho thật thấu đáo thì mới mong có thể tiến bộ thêm được.

Tôi cúi đầu cảm ơn lời chỉ bảo của ngài, quả thật tôi rất chăm chỉ thực hành các nghi thức, nhưng chưa đạt được đến trạng thái ung dung tự tại của các bậc tu chứng đã thực sự kinh nghiệm được tánh Không. Cho đến nay, mỗi khi nhớ lại cái kinh nghiệm lạ lùng trên đỉnh Thangu, tôi không khỏi thầm biết ơn ngài đã chỉ điểm cho tôi thấy rằng cái bản ngã mà ta tưởng đã diệt được nó qua công phu tu hành, thực sự vẫn còn rất mạnh, và chỉ khi thực sự kinh nghiệm được tánh Không, kẻ tu hành mới có thể bước vào cái thế giới bao la rộng rãi của những cảnh giới bất khả tư nghị – phải giác ngộ rồi mới hiểu được chứ không thể dùng lý luận thông thường khi chưa nắm rõ để giải thích.

Sau dịp đó, tôi không bao giờ gặp lại sư trưởng Gompa nữa, vì chẳng bao lâu thì ngài cũng theo bước thầy Tomo của tôi. Nhưng cũng từ đó, tôi nghiệm rằng chỉ khi ý thức thực sự được tính chất vô ngã của mình thì người tu mới có thể tiến bộ trên con đường tu đạo. Các phương pháp thiền định tuy cũng cao siêu, cũng giúp các hành giả lên được cảnh trời, nhưng vì cái “ngã” còn đó nên dù là tiểu ngã hay đại ngã thì vẫn cứ còn những chướng ngại ràng buộc, khiến người tu không sao vượt lên cao hơn nữa. Tuy trụ ở các cảnh trời hưởng phước một thời gian, khi các phước báu này tiêu tan thì họ lại sa đọa trở lại vào vòng luân hồi sinh tử. Một người tu khi đã đến sát bờ phải biết dùng trí tuệ để vượt lên, vượt qua, chiến thắng mọi chướng ngại cuối cùng để qua đến “bờ bên kia”, vì nếu không thì họ vẫn chỉ chơi vơi giữa dòng, lúc chìm đắm khi nổi trôi không sao đạt được đến thực tại cuối cùng.

Chú thích

1. Đây là một ngọn núi thuộc rặng Transhimalaya – dài 1.600km và chạy song song theo suốt chiều dài rặng Himalaya chính. Nó ở gần nơi bắt đầu của nhiều con sông lớn ở châu Á.

2. Ngày nay là vùng Sikkim của Ấn Độ, nằm ở mặt nam của Tây Tạng. Hành trình của tác giả cho đến lúc này đúng là dọc theo hệ thống rặng Tuyết Sơn.

3.Tức hư không không có biên giới, là một cấp độ trong khái niệm định của tu hành bậc cao, lấy yếu tố không trong sáu đại định là địa, thủy, hỏa, phong, không và thức làm đối tượng nghiên cứu và tu tập.

Bình luận


Bài viết mới

  1. NGUỒN GỐC CỦA MA TRẬN THẦN THÁNH
  2. TRUNG ĐẠO
  3. SỬ DỤNG HIỆU QUẢ SIÊU NĂNG LỰC QUYỀN LỰC & TÁC ĐỘNG