DŨNG KHÍ

HEA MIN

Trích: Yêu Những Điều Không Hoàn Hảo; Tác Giả: Hae Min; NXB Thế Giới

GỬI NHỮNG BẠN TRẺ TÔI YÊU MẾN

Gửi những bạn trẻ tôi yêu mến, mỗi khi nhìn bờ vai trĩu nặng, nghe giọng nói không chút sức lực của các bạn, lồng ngực tôi như thắt lại. Ngày hôm nay các bạn thế nào? Có mệt mỏi cả về thể xác lẫn tinh thần không? Từ khi còn bé chúng ta đã chẳng được dạy cách tận hưởng hiện tại, tận hưởng chính giây phút này. Mà không, có lẽ là chưa từng có ai cho phép chúng ta tận hưởng hiện tại cả. Giờ là lúc cần tập trung học hành, tạm thời hãy gác cuộc sống con thật sự muốn sống sang một bên, bỏ qua những ham muốn, cố đuổi theo tốc độ của thế gian… Dường như tất cả chúng ta đều chỉ được nghe những lời như thế. Dù có muốn hẹn hò, muốn học nhạc, học nhảy hay đi du lịch, chúng ta cũng luôn bị ngăn cản bởi câu “giờ là lúc tập trung học hành”. Người đời bảo chúng ta rằng đợi đến khi vào đại học rồi chơi cho thỏa thích. Ta bỏ cả thời niên thiếu để giam mình trong thư viện và các trung tâm học thêm những mong đỗ đại học. Đến khi đỗ được vào đại học rồi, bạn thấy sao? Giờ lại là lúc chuẩn bị tìm việc làm, học để thi công chức, học để lấy đủ các loại chứng chỉ, chẳng phải lại có thêm đủ các lý do khiến chúng ta tiếp tục tạm gác những điều mình muốn làm sang một bên đấy sao?

Chưa biết chừng chúng ta đã ngày càng quen với việc hy sinh hiện tại để lo cho tương lai, xem nó là câu trả lời duy nhất cho cuộc đời. Chưa biết chừng chúng ta đang tự nhủ rằng gắng gượng chịu đựng sống cuộc đời không phải của mình là chuyện đương nhiên, bởi bởi ý nghĩ chỉ cần kết quả như ý thì quá trình như thế nào cũng không quan trọng. Nhưng rồi sẽ có một ngày bạn không tránh khỏi nghi ngờ rằng, liệu những khổ sở mình đang phải chịu hiện tại có được bù đắp trong tương lai bằng một mơ ước mà chính bạn cũng chưa rõ có thể thành sự thật hay không. Và chưa biết chừng, sau khi đã thực hiện được “ước mơ”, bạn lại bắt đầu bất an và nhận ra đó không phải là ước mơ của mình mà là ước mơ của cha mẹ, hoặc chỉ là tiêu chuẩn thành công mà xã hội đặt ra gò ép bạn mà thôi.

Giả như bạn có may mắn được tuyển vào Công ty mình mong muốn đi chăng nữa, cũng sẽ có lúc bạn cảm thấy mình chỉ là “lính đánh thuê”, và cũng không dễ gì để bạn gặp được cấp trên hoặc đàn anh nào trong Công ty chịu lắng nghe hay xem trọng ý kiến, suy nghĩ của bạn. Khi mới vào công ty và bắt đầu học việc, việc bạn mắc lỗi là rất dễ hiểu. Khi mắc lỗi, nếu bạn được các tiền bối trong Công ty kiên nhẫn chỉ bảo từng chút một thì tốt quá rồi. Thế nhưng nếu các tiền bối lại tỏ vẻ phiền toái ra mặt, có thể bạn sẽ tự trách mình thiếu năng lực và cảm thấy khổ sở vì suy nghĩ đó. Rồi mỗi ngày đi làm bạn sẽ băn khoăn không biết có nên cống hiến cả cuộc đời mình cho nơi này, và liệu có phải mình đang làm việc ở đây chỉ để đáp lại kỳ vọng của ai đó, để trở thành một đứa con đáng tự hào của cha mẹ. Và rất có thể bạn sẽ rơi vào trạng thái suy sụp tinh thần.

Thực ra tôi cũng từng như thế. Tôi đã nghĩ rằng nếu đỗ vào một trường đại học tốt, tôi sẽ được gia đình, họ hàng, cả xã hội công nhận. Bản thân tôi cũng đã muốn được công nhận theo cách đó. Khi còn nhỏ nhà tôi rất nghèo, nên tôi đã coi việc đỗ vào một trường đại học danh giá để thoát nghèo. Tôi đã nỗ lực hơn những người khác, và còn học lên tận cao học dù biết bản thân mình cũng chẳng giỏi giang gì lắm trong khoản học hành. Dĩ nhiên bây giờ nhìn lại, khoảng thời gian đó không khiến tôi cảm thấy bất hạnh hay hối tiếc, nhưng khi tự hỏi mình đã đạt được gì sau khi hoàn thành cả khóa học tiến sĩ đằng đẵng, thành thật mà nói thứ tôi đạt được chỉ là “Hóa ra cuộc sống sự là vậy đấy” mà thôi. Thậm chí tôi còn cảm thấy những kiến thức hàn lâm cũng chẳng giải đáp được hết những câu hỏi về cội rễ con người. Và có lẽ điều lớn nhất tôi đạt được đó là, tôi đã bớt ám ảnh về chuyện học hành.

Nhiều người hỏi tôi rằng làm thế nào mà tôi lại có dũng khí để trở thành một nhà sư. Có thể đó là nhờ tôi đã chọn cách sống cuộc đời của riêng mình và thôi bận tâm đến cái nhìn của người khác. Tôi không muốn cả đời tự giam mình trong những tiêu chuẩn thành công người khác đặt ra, để rồi đến tận lúc chết vẫn phải lo lắng người khác nghĩ gì về mình. Tôi muốn tự mình, dần dần từng bước, ngộ ra lý do mình được sinh ra trên đời, sau khi chết mình sẽ trở thành thế nào và bản chất tâm trí mình là gì. Nhìn ở một khía cạnh nào đó, sự lựa chọn của tôi có hơi ích kỷ, nhưng nhìn ở một khía cạnh khác, đó lại là một sự lựa chọn dũng cảm. Nhưng dù thế nào, tôi vẫn muốn ít nhất một lần trong đời được sống và thực sự làm chủ cuộc đời mình. Chẳng phải trong trái tim mỗi chúng ta đều ấp ủ khao khát cháy bỏng về một cuộc sống như thế hay sao? Chẳng phải chúng ta ai cũng mơ ước được sống đúng với khát vọng của mình không chút hối hận đấy sao? Được sống cuộc sống mình muốn mặc người đời chê bai lựa chọn của mình là ngốc nghếch, đó mới chính là trải nghiệm quý báu đối với chúng ta. Phải như thế ta mới có thể đường hoàng tuyên bố với cả thế gian rằng ta đã yêu cuộc sống của mình đến nhường nào.

Hỡi những bạn trẻ mà tôi yêu mến. Các bạn hoàn toàn có thể sống cuộc sống các bạn mong muốn. Thay vì sống cuộc sống cha mẹ các bạn muốn, cuộc sống mà xã hội cho rằng có tương lai, các bạn hoàn toàn có thể sống cuộc sống mình thực sự muốn sống, cuộc sống mà các bạn cho rằng có ý nghĩa với bản thân mình. Những người xung quanh sẽ ngăn cản bạn, nhưng họ đâu thể sống thay cuộc sống của bạn? Khi bạn thấy mình yếu lòng và tự hỏi “Thực sự sống như thế cũng được chăng?” hãy mỉm cười và trả lời “Có chứ!”. Khi ta muốn đi con đường chưa ai đặt chân lên hoặc ít người biết đến, chuyện những người xung quanh ngăn cản ta là hết sức thường tình. Nhưng chỉ cần bạn quyết tâm tự mình cáng đáng mọi trách nhiệm đi kèm sự lựa chọn của mình thì bạn hoàn toàn có thể làm theo lời trái tim mách bảo và không cần phải quan tâm đến những gì người khác nói.

Tôi mong sao tất cả các bạn, dù chỉ là một phút thôi, cũng có đủ dũng khí để làm chủ, tự nắm lấy tay lái điều khiển cuộc sống của mình, không phải sống cuộc sống chỉ lo đáp lại kỳ vọng của những người xung quanh. Các bạn hãy cố lên!

 

Có những trường hợp ta đang đứng vững trên con đường mình chọn nhưng những người xung quanh lại khiến ta dao động.

Họ nói ta hãy nghĩ đến tuổi tác của mình, nói về chuyện kết hôn, tiền bạc, công việc và so sánh ta với người khác.

Những lúc như thế đừng nao núng, cũng đừng nhìn lại con đường mình đã đi mà hãy như một chú tê giác, hướng sừng tiến thẳng về phía trước.

Nếu bấy lâu nay bạn vẫn chờ một người nào đó xuất hiện và thay đổi cuộc sống của mình

Nhưng đến lúc này vẫn chưa có ai xuất hiện thì có thể đó là ý trời muốn bạn đừng chờ đợi nữa

Mà hãy tự trở thành người làm thay đổi cuộc sống của chính mình.

Khi bạn muốn dựa dẫm vào ai đó, hãy nhớ rằng

Bên trong bạn đang tồn tại một cá thể thông thái và mạnh mẽ hơn bạn nghĩ nhiều.

Hãy tự hỏi rằng

Giá trị nào dẫn lối cho cuộc đời bạn?

Điều bạn thực sự muốn đạt được trong cuộc sống là gì?

Nếu có câu trả lời rõ ràng, bạn hoàn toàn có thể sống cuộc đời của chính mình

Và không phải sống theo những gì người khác muốn.

 

Nếu bạn không nỗ lực tìm hiểu xem mình muốn gì

Thông qua những trải nghiệm đa dạng

Mà chỉ làm theo người khác

Bạn sẽ chọn những ngành nghề có tỷ lệ cạnh tranh cao.

Sau nhiều năm khổ nhọc chuẩn bị thi cử mà kết quả không được như ý

Bạn sẽ cảm thấy tuyệt vọng và mất phương hướng vì chưa từng nghĩ đến con đường nào khác trong nhiều năm.

Đừng quên trên đời này có hơn một vạn loại nghề nghiệp.

Mong bạn sẽ thoát khỏi cái khung mà cha mẹ, xã hội đã sắp đặt

Và tạo ra con đường của riêng mình. Đó chính là thành công

 

Khi bắt đầu học một thứ gì đó mới

Tất nhiên bạn sẽ gặp những tình huống đáng xấu hổ.

Bạn sẽ bị người ta coi thường rằng những thứ cơ bản nhất cũng không biết

Và sẽ có lúc cảm thấy ghét bản thân mình vì không làm tốt.

Nếu bạn không tự vượt qua quá trình ấy

Thì cả đời bạn sẽ không học được gì, từ ngoại ngữ, nhạc cụ, thể thao, lái xe cho đến cả công việc.

 

Cho dù bạn không thích học bài đi chăng nữa, hãy bắt từ môn mình thích nhất. Cho dù mâm cơm có tầm thường đi chăng nữa, hãy chọn ăn từ món bạn thấy ngon nhất. Bạn cũng có thể bắt đầu đọc một cuốn sách từ phần bạn muốn đọc nhất. Vạn sự khởi đầu nan, nhưng một khi đã quyết tâm và thực sự bắt đầu Bạn sẽ không thấy khó khăn nữa và mọi việc sẽ suôn sẻ ngay thôi.

Văn hóa phòng tự học của Hàn Quốc thực sự rất đặc biệt. Không phải thư viện, mà là phòng tự học. Đó là nơi tôi từng đến để học, rồi cùng bạn bè trò chuyện về tương lai đầy bất an đến tận 1 giờ sáng, cùng nhau ăn khuya với mì gói, cơm cuộn, bánh gạo cay… Không biết những người bạn từng học chung phòng tự học với tôi ngày ấy bây giờ đang làm gì.

Những ý tưởng sáng tạo thường dễ nảy sinh ở bên ngoài trào lưu của cuộc sống. Bởi những ý tưởng ấy luôn mang tính thử thách và nghi ngờ những tiêu chuẩn mà trào lưu đặt ra. Bởi vậy dẫu nằm ngoài trào lưu, bạn cũng hãy tích cực tận dụng vị trí của mình. Và không ngừng tìm tòi thử làm mọi thứ theo cách của riêng mình.

 

Những nhà tư tưởng phương Tây nổi tiếng thế kỷ 20 như Michel Foucault, Jacques Derrida, Edward Said đều xuất thân từ tầng lớp bị phân biệt đối xử.

Michel Foucault là người đồng tính, Jacques Derrida có gốc Algerie thời Pháp trị, Edward Said là tín đồ Thiên Chúa giáo Palestine có gốc Ả Rập.

Họ không xem xuất thân của mình là điểm yếu mà tiếp nhận sự thật ấy đầy tích cực và đã làm thay đổi nền triết học phương Tây bằng những quan điểm mà những người ở trào lưu chính không bao giờ thấy được.

Suy nghĩ nhiều không có nghĩa là vấn đề sẽ được giải quyết.

Đừng cố giải quyết vấn đề chỉ bằng suy nghĩ mà hãy dành thời gian cho tâm trí mình được nghỉ ngơi.

Chính khi bạn tạm ngừng những suy nghĩ phức tạp, cách giải quyết vấn đề sẽ xuất hiện.

Sự thông thái luôn bắt đầu từ sự tĩnh lặng.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. CON YÊU MẸ RẤT NHIỀU
  2. CUỘC SỐNG – ĐỪNG CHỌN CHO MÌNH CÁCH SỐNG QUÁ KHÓ KHĂN

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP