LAMA YESHE
Trích: Con Đường Kim Cang Thừa Về Sự Tịnh Hoá; Dịch Việt : Kiến Không, NXB Thiện Tri Thức 1999
Luật của nghiệp là “cùng nhân sẽ có cùng quả”. Khi chúng ta quy y, bổn phận của chúng ta là giữ cho các hành vi (nghiệp) được chính trực, tránh các hành vi bất thiện. Nhưng chúng ta không làm được như vậy cho dù ở mức độ tri thức chúng ta hiểu được rằng nếu chúng ta tiếp tục tái tạo các hành vi như thế chúng ta sẽ không ngừng trôi lăn trong vòng đau khổ và xung đột. Sở dĩ như vậy là vì chúng ta không có một sự hiểu biết nội tâm sâu sắc về bản chất của nghiệp. Người nào đã chắc chắn có được sự hiểu biết thấu đáo này sẽ không bao giờ tạo nên những hành vi tiêu cực với sự buông thả liều lĩnh như cách chúng ta làm. Bất cứ khi nào sự tham luyến hay sự ích kỷ xui khiến được chúng ta hành động thì dù cho chúng ta biết rất rõ rằng những việc đó là bất thiện nhưng chúng ta vẫn cứ tiến hành các hành vi đó.
Tôi biết rất rõ về người Tây phương. Họ thông minh nhưng tâm của họ không nhất quán. Một mặt họ ước muốn có được trí huệ toàn thiện và giữ hạnh nghiệp được chính trực. Nhưng mặt khác, họ bị các thói quen bất thiện kéo họ, khiến cho họ không giữ nghiệp được chính trực. Điều này làm họ đau khổ rất nhiều. Thậm chí khiến họ phải bật khóc. Họ là những con người rất nhạy cảm. Khi những tình huống khó khăn xuất hiện, năng lực bất thiện sẽ thắng lướt năng lực thiện bởi vì họ chưa hề thiết lập trong bản thân mình một sức mạnh của các thói quen thiện hạnh và cũng bởi vì họ thiếu một sự hiểu biết nội tại sâu sắc về bản chất của nghiệp hay luật nhân quả. Từ đó, vài người có thể nói “Chỉ người nào tin vào nghiệp mới phải kinh qua nghiệp. Ai không tin vào nghiệp sẽ không bị chi phối bởi nghiệp”. Người Tây phương đã nói với tôi lời phản biện này. Đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Nghiệp vẫn hiệu lực dù tin hay không. Nếu bạn hành động theo một cung cách nào đó, bạn sẽ chắc chắn kinh qua một hậu quả tương xứng y như khi bạn uống thuốc độc, bạn sẽ ngộ độc cho dù bạn vào lúc uống bạn tin rằng mình đang uống thuốc chữa bệnh. Một khi bạn tạo nghiệp thì bạn phải tới chỗ kinh qua một quả báo.
Bò, heo, bò cạp không hề biết cái gì là nghiệp, cái gì không phải nghiệp – cũng không có một chút lòng tin – nhưng chúng vẫn phải bị nghiệp chi phối. Mỗi hành động của chúng đều bị xúi đẩy bởi tham lam, vô minh, sân hận và chắc chắn từng mỗi hành động sẽ đưa tới hậu quả riêng. Cho nên, đừng nghĩ rằng các hành động nghiệp và các phản hồi của nó chỉ là việc riêng của Phật tử hay của vị Lama. Nghiệp là Luật có tính khoa học, thống trị mọi hiện tượng vật chất và phi vật chất trong vũ trụ. Việc hiểu biết về việc đó rất ư quan trọng.
Khi tôi giải thích về nghiệp, tôi thường không trích dẫn các kinh sách Tây Tạng để luận giải. Tôi chỉ khuyên người nghe hãy xem cái kiểu mà tâm khởi niệm trong từng sát na. Họ có thể dễ dàng thấy được tâm thăng trầm như thế nào nhất là đang khi thiền định. Một khi nhận thức được vấn đề này, họ dễ dàng hiểu được bằng cách nào mà nó đã khởi lên từ những kinh nghiệm trước, và đích thật đó là nghiệp. Họ sẽ thấy nó rất rõ và tôi không cần dùng bất kỳ một thuật ngữ chuyên môn hay mới lạ. Đơn giản là: thân, lời, ý mà không được kiểm soát đều là biểu hiện của nghiệp. Do vậy, tất cả chúng ta đều bị chi phối bởi Luật chân thật của nghiệp cho dù chúng ta tin vào nghiệp hay không. Đừng nghĩ rằng các tín đồ Cơ đốc hay Do Thái giáo, Hồi giáo không bị nghiệp chi phối và do đó không cần quan tâm đến nó. Điều này không đúng. Chẳng hạn, người Do Thái và Ả rập đã tạo nghiệp lẫn nhau và giờ đây có đủ thứ phức tạp xảy ra ở Trung đông. Các đồ tể đừng cho rằng việc sát hại súc vật không có quả phản hồi, và dù cho các đồ tể đó có tin vào nghiệp hay không thì những sự đau đớn, chết chóc mà họ tạo ra đối với chúng hữu tình chắc chắn xảy ra cho họ.
Chẳng hạn, khi bạn tới Thủ đô Kathmandu bạn tìm thấy thoải mái như đang ở nhà. Nhưng rồi khi bạn lên tu viện Kopan này bạn thấy khó chịu. Bạn nói tu viện quá dơ bẩn, không có phòng vệ sinh sạch. Cảm giác khó chịu bực bội của bạn là quả của thời gian lâu bạn bị gắn bó vào nhu cầu tiện nghi trước khi đến tu viện. Và đó cũng là nghiệp. Nếu bạn không có thời gian quen sống với những điều kiện sinh hoạt tiện nghi mà bạn đã kinh qua trước đây thì bạn sẽ không chú ý quá đáng với những gì chung quanh đây. Do đó, bằng cách phân tích những việc bạn trải qua mỗi ngày, bạn cũng có thể hiểu rõ ràng về hành động của nghiệp và phản ứng đáp trả.
Tôi cho rằng đây là cách thức mạnh mẽ và tốt đẹp để giúp bạn tăng cường sự tỉnh giác đến những hành động của mình, hơn là bạn trở nên bị ám ảnh băn khoăn, như nhiều người Tây phương bị ám ảnh với sự tu tập về tập trung nhất tâm (samadhi) và về thiền quán (vipassana). Nếu điều này xảy ra, bạn có nguy cơ nhận định rằng việc ngồi yên thiền định là hình thức tu tập Phật pháp duy nhất, và những hành động khác như là ăn uống, đàm luận ngủ nghỉ là hoàn toàn tiêu cực và thuộc về luân hồi sinh tử. Khi bạn tin rằng những điều này là tiêu cực thì nó trở nên tiêu cực.
Điều tôi đang nói là : có nhiều cách thiền định. Vipassana không phải là cách thiền định duy nhất. Thiền quán có thể đạt được bằng cách thiền định về bất kỳ hiện tượng nào trong vũ trụ. Và bạn không bắt buộc phải ngồi kiết già để thiền định ; việc canh giữ nghiệp hàng ngày cũng là một cách thiền định và có thể là một phương pháp mạnh mẽ để phát triển quán chiếu. Trong cách này, toàn bộ đời sống của bạn có thể được sử dụng để đưa bạn được gần hơn nữa đến Trí Huệ Vô Ngã.
Khi bạn hiểu thấu đáo bản chất của nghiệp, bạn sẽ không ngừng thấy biết được mọi việc mà bạn làm. Do vậy, bạn không rời bỏ được thiền định dù bạn đi bất cứ nơi nào. Bạn nên biết rằng nếu bạn không duy trì sự tỉnh giác về mọi hành vi của thân, khẩu, ý bạn sẽ liên tục tạo ra điều tiêu cực bất thiện và bạn sẽ phải kinh qua hậu quả khổ đau của sự mê lầm vô minh bất mãn. Điều ấy làm cho bạn tỉnh thức trong mọi lúc : khi bạn tiếp xúc với người khác, hay khi ngồi ăn trong tiệm ăn, khi mua sắm trong cửa hiệu hay khi đang làm việc trong cơ quan.
Tâm phân biệt của chúng ta thường xuyên coi các hành động thông thường của đời sống hàng ngày là thuộc về luân hồi sanh tử, bất mãn, khổ đau và không thể nào dùng nó làm đối tượng để thiền quán. Đây là một sự hiểu sai lệch tồi tệ. Phật giáo Đại thừa dạy rằng những cảm giác từ thân thể như xúc giác có thể được dùng để phát triển quán chiếu thì các dạng cảm giác khác như vị giác cũng được dùng như vậy.
Một số người nói rằng những quán tưởng không thể được dùng cho sự thiền quán bởi vì chúng chỉ là phóng tưởng của tâm, vì một hơi thở hay những cảm giác trong cơ thể thì thật hơn. Những cảm giác của cơ thể không thường hằng. Nó thay đổi từng phút giây vì tâm đối đãi tương đối này thay đổi không ngừng. Những cảm xúc của thân và tâm, nhất là những cảm xúc do tâm bất thiện gây ra, chính là phóng tưởng của vô minh. Tâm nhị nguyên của bạn tự động phóng chiếu ra một cái thấy nhị nguyên về bất cứ cái gì mà bạn kinh qua. Người thường khi khởi sự thực hành pháp mà họ cho là thiền định vipassana, họ tin rằng thế giới của những cảm giác thuộc thân thể là có thật. Nhưng dù họ dùng một đối tượng thiền định nội tâm hay ngoại cảnh, thì nó cũng chỉ có mặt trong sự tưởng tượng và trong cái thấy của tâm thức tương đối của họ. Về cơ bản, không có sự khác biệt giữa hiện tượng nội tâm và ngoại cảnh, hoặc cả hai đều là thật hoặc cả hai đều là ảo giác. Bất cứ cái gì bạn kinh qua – vật chất hay tinh thần – đều là một nhận định huyễn hoặc sai lệch cho đến khi nào bạn nhận biết được cái bất nhị, tánh Không (sunyata).
Trên thực tế, hương vị thức ăn trên lưỡi cũng là cảm giác của cơ thể. Nếu cho điều đó không đúng thì thật là một quan niệm sai lầm. Truyền thống Đại thừa đều có những cách thực hành thiền định cho mỗi một hành vi. Yoga Mật thừa dạy chúng ta rằng khi ăn, trước tiên chúng ta phải nên cúng dường và ban phước thực phẩm. Trong khi ăn chúng ta phải thư thả và nhận biết việc chúng ta đang làm, và không ngừng nhớ nghĩ đến bản chất phụ thuộc duyên sanh của tự tâm mình và thực phẩm, và không bám níu vào cảm giác sung sướng khoái khẩu như chúng ta thường có. Do vậy, bất kỳ trần cảnh nào cũng được dùng cho sự phát huy quán chiếu.
Trì tụng mật chú có thể cũng là một sự trợ lực lớn lao trong việc thực hành quán chiếu. Nó khiến cho tâm tập trung vào một điểm duy nhất, bằng cách đó, chống lại được sự phân tán và xao lãng. Tuy nhiên, việc tụng chú không phải là việc đọc ngoài miệng. Mật chú là âm thanh đã có sẵn trong hệ thần kinh của bạn kể từ trước khi bạn được sinh ra đời, và bạn sẽ nghe được mật chú nếu bạn lắng nghe một cách khôn ngoan, trí huệ. Mật chú không phải là cái mà bạn nhận được từ vị thầy một cách bất ngờ. Không sự rung động âm thanh tự nhiên ở trong hệ thần kinh của bạn thì bạn sẽ bị điếc – mỗi loại năng lượng có âm thanh tự nhiên riêng của nó. Điều này không phải là học thuyết tôn giáo, nhưng là điều bạn có thể khám phá theo khoa học. Bạn không thể vứt bỏ âm thanh tự nhiên của hệ thần kinh của bạn, nếu vậy chẳng khác gì bạn vứt bỏ cái đầu của bạn!
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm vô số của các vị lama thì trần cảnh bất định, tạm bợ của năm căn là thứ chướng ngại nhiều hơn là thứ trợ lực trong việc triển khai sự tập trung vào một điểm duy nhất. Bao lâu mà bạn vẫn tiếp tục nhận thức các sự việc với tâm đối đãi và vẫn mắc dính vào những trần cảnh của năm căn, thì bạn vẫn không thể có khả năng nhận biết được phép thiền chỉ (tập trung vào điểm duy nhất). Bạn sẽ không thể nào là thiền giả của pháp samadhi hay vipassana. Hãy kiểm tra xem điều này có đúng hay không.
Cho nên bạn có thể hiểu thật buồn cười khi cho rằng việc ngồi và cố đạt được định (samadhi : tam ma đề) là cách duy nhất để tu tập Pháp, và rằng bất cứ cái gì cần làm cho cuộc sống trong thế giới này đều toàn là tiêu cực. Bạn nên liên tục quan tâm đến mọi khía cạnh của cuộc sống – thức dậy, làm việc, ăn, ngủ – với trí huệ thấu biết. Hoặc lúc bạn gần kề với vị Thầy, cùng tăng chúng, hay với cha mẹ, hay khi hoàn toàn một mình, bạn đều phải quan tâm cẩn trọng đến mức tối đa các hạnh nghiệp của bạn. Hoàn toàn sai lầm khi tin rằng bạn có thể tinh ranh hơn nghiệp bằng cách giam mình riêng biệt trong phòng, và nghĩ rằng khi bạn ở một mình bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn thích. Không có chỗ nào để tránh thoát được cho dù là bạn có ở cùng ai hay ngồi một mình thì những phản ứng đáp trả của nghiệp vẫn tự động đưa tới.
Nếu tôi phải dạy bạn – thực tế tôi không nói vậy – rằng cách duy nhất để thiền định là ngồi và không nghĩ gì cả, thì bạn cũng sẽ không tìm ra được thời giờ để tu tập. Nghiệp đảm bảo rằng đa số người Tây phương đều phải dành thì giờ cho công việc hoặc để làm điều gì khác cho xã hội. Bởi vì bạn không thể tìm được thời giờ để ngồi thiền, bạn sẽ nghĩ rằng việc tu tập Pháp của bạn là việc không bình thường. Nhưng thiền định không phải là nhìn chăm chú vào lổ rốn với tâm trống rỗng. Một khi bạn có được sự thấu biết những cơ bản của Pháp bạn sẽ thấy có rất nhiều điều cho bạn để hành động và bạn sẽ có thể tiến bộ lớn lao làm sao. Điều này sẽ cho bạn sự lý thú quan tâm không ngừng trong khi duy trì việc tu tập và cho dù bạn không thể tập trung tư tưởng được, bạn hãy biết rằng bạn vẫn đang tu tập Pháp. Bất cứ nơi nào bạn đang ở, với những người đang tu hành như bạn hay với những người thế tục, bạn sẽ học được cách kết hợp cuộc sống của bạn với Pháp lại với nhau thành một. Khả năng này đến từ trí huệ. Nếu không có trí huệ, làm sao bạn có thể làm cho những hợp đồng không thể tránh né được như ăn uống, ngủ, đi tiêu tiểu có thể hợp thành một với Pháp ? Khi bạn có trí huệ, bạn không cần phải lúc nào cũng quanh quẩn bên người thầy để nghe giáo huấn. Bạn có thể thấy những giáo huấn từ mọi điều chung quanh bạn. Bạn có thể học từ hình ảnh sao băng, từ thời tiết, cây trồng lúc nó lớn lên hay lúc nó lụi tàn, và tất cả các hiện tượng khác nữa. Đây chính là những gì hiện đang xảy ra khi bạn có trí huệ. Thật vậy, trí huệ của chính bạn thấu hiểu thực tại là vị thầy thực sự của bạn. Đây là điều mà Đạo Phật Tây Tạng dạy cho bạn.
Hãy hợp nhất toàn bộ cuộc sống với những kinh nghiệm về Pháp. Đó là điều có ảnh hưởng lớn lao nhất mà bạn có thể làm. Đó là cách để đạt tới giác ngộ trong đời này bởi vì bạn không hề lãng phí một giây trong đời bạn. Điều này hoàn toàn hợp lô-gích. Nếu bạn tin vào một quan niệm hoàn toàn sai lầm rằng chỉ thời gian một giờ ngồi thiền định là dịp, là lúc bạn tu tập Pháp và hai mươi ba giờ còn lại trong ngày hoàn toàn là ô nhiễm, là luân hồi sinh diệt, thì chắc chắn bạn sẽ cần ba a-tăng-kỳ kiếp để đạt tới giác ngộ. Bất cứ điều gì tâm bạn đã tin đều trở nên sự thật đối với bạn, cho dù điều đó là có thực hay không.