JIDDU KRISHNAMURTI
Trích: Người Nhập Cuộc; Mộc Nhiên biên soạn; NXB Thanh Niên.
Có điều gì không tạo ra do suy nghĩ? Nghĩa là có điều gì đó vượt ngoài thời gian không? Chúng ta đã quen thuộc với ý tưởng gia tăng thêm về mặt vật chất hữu hình. Người ta phải có thời gian để học, để hiểu, vì thế chúng ta rất quen thuộc với ý niệm thay đổi qua thời gian. Có thời gian vật lý, thời gian cần thiết về mặt vật lý để vượt qua khoảng cách từ chỗ này đến chỗ kia. Nhưng chúng ta đã lấy khái niệm đó, kết luận đó đưa vào lãnh vực tâm lý: “Tôi không hiểu mình, vậy tôi cần thời gian để hiểu mình.” Thời gian tâm lý bị gắn vào đó do suy nghĩ. Chúng ta có thực sự cần thời gian để thoát khỏi lòng tham? Tôi đang lấy chuyện đó làm ví dụ. Chúng ta có thực sự cần thời gian vài ngày để thoát khỏi lòng ghen tuông, lo âu, tham lam, ganh tị? Chúng ta quen nghĩ rằng mình cần. Khi tôi nói, “Tôi sẽ khắc phục nó”, cái “sẽ” đó là thời gian. Chính là thói quen của chúng ta, truyền thống của chúng ta, cách sống của chúng ta nói rằng, “Tôi sẽ khắc phục cơn giận của tôi, lòng ghen tuông của tôi, cảm thức bất toàn của tôi”. Vì thế tâm trí đã trở nên quen thuộc với ý niệm thời gian tâm lý – cần có ngày mai, hay nhiều cái ngày mai. Nào, chúng ta đang đặt câu hỏi về điều đó. Chúng ta đã nói rằng thời gian không cần thiết, như để thoát khỏi lòng tham thì thời gian không cần thiết. Tức là, nếu như chúng ta thoát khỏi thời gian thì sẽ không có ngày mai, và với hiện trạng chúng ta đang tham lam, chúng ta lao vào nó, chúng ta hành động, chúng ta làm gì đó ngay tức thời. Suy nghĩ đã sáng chế ra thời gian tâm lý làm phương tiện để lẩn tránh, làm phương tiện để trì hoãn, làm phương tiện để đắm chìm vào cái đã có sẵn. Suy nghĩ đã sáng chế ra thời gian tâm lý vì nó lười biếng.
Về mặt tâm lý, chúng ta có thể thoát khỏi ý niệm ngày mai? Xin hãy đi sâu vào điều này, xem xét nó. Hãy lấy ví dụ sự lo âu của chúng ta, sự buông thả trong tình dục, hay bất cứ gì. Khi nghĩ rằng qua hoạt động thuộc cảm giác chúng ta sẽ vươn đến chỗ chúng ta muốn đến, sự vươn đến này là thời gian. Các ngài có thể thấy được sự thực về điều này, và chính sự tri nhận này chấm dứt nó? Các ngài có làm vậy khi chúng ta đang nói chuyện không? Hay đó chỉ là một ý niệm đối với các ngài?
Khi tâm trí đã tìm hiểu sâu về thời gian và thấy rằng, về mặt tâm lý, khái niệm lấy ngày mai làm phương tiện đi đến cứu cánh chỉ là ảo tưởng, lúc đó chỉ còn sự tri nhận và hành động không thuộc thời gian. Chẳng hạn, khi người ta nhìn thấy sự nguy hiểm của chủ nghĩa ái quốc, chiến tranh các thứ, chính sự tri nhận đó đã là hành động chấm dứt cảm giác lệ thuộc vào bè phái. Các ngài có làm vậy không? Vào mỗi buổi tối, truyền hình ở Anh phát, “Hoan hô người Anh, hoan hô người Anh, hoan hô người Anh”, hay ở Pháp, “Hoan hô người Pháp, hoan hô người Pháp, hoan hô người Pháp”. Khi các ngài thấy sự chia phe này mang đến thảm họa, và khi các ngài thấy sự sai lầm trong việc đòi hỏi có thời gian để thoát khỏi sự khuôn định là người Anh mà các ngài có từ tấm bé, đó chính là hành động chấm dứt xung đột. Để thấy được điều này đòi hỏi một tâm trí nghiêm túc, một tâm trí nói rằng, “Tôi muốn khám phá.”
Thiền định là sự chấm dứt thời gian. Đó là điều chúng ta đang làm bây giờ. Chúng ta đã hành thiền để tìm thấy bản chất thời gian. Thời gian thực tế cần thiết để đi từ đây đến đó, nhưng thời gian tâm lý không tồn tại. Khám phá ra được điều đó là thấy được một sự thực lớn lao, một sự thể lớn lao, bởi Vì chúng ta đã bứt khỏi mọi truyền thống. Truyền thống bảo chúng ta rằng cần có thời gian, phải biết chờ đợi, và nếu chịu làm điều này điều kia sẽ vươn đến thượng đế. Điều này cũng có nghĩa là chấm dứt hy vọng. Hy vọng hàm ý tương lai. Hy vọng là thời gian. Nếu người nào đó chán chường, lo âu, với cảm thức tuyệt vọng về sự bất toàn, hắn sẽ hy vọng tiến bộ, học được cách thoát ra. Khi chúng ta thấy rằng về mặt tâm lý không hề có tương lai, lúc đó chúng ta sẽ giáp mặt với sự thể, không phải với hy vọng. Những gì chúng ta đã làm trong việc tìm hiểu sâu vào thời gian là bắt đầu thiền định. Nó là một phần của thiền định.
Để tìm xem có điều gì vượt qua thời gian hay không, chúng ta đừng tạo thêm bất kỳ vấn đề nào. Chúng ta bị oằn lưng bởi các vấn đề: Vấn đề cá nhân, vấn đề tập thể, vấn đề quốc tế. Tại sao chúng ta có vấn đề? Xin hãy tự hỏi tại sao ngài có vấn đề: Vấn đề tình dục, vấn đề hoang tưởng, vấn đề mất việc, vấn đề bất toàn, vấn đề thiên đường… Có thể nào sống một cuộc đời không hề có vấn đề nào? Điều này có nghĩa là khi có sự việc khởi lên, chúng ta giải quyết nó ngay tức thời, đừng mang theo bên mình. Mang nó theo là động thái của thời gian, sẽ tạo ra vấn đề. Vấn đề là gì? Vấn đề là điều chúng ta không hiểu, chưa giải quyết, chưa chấm dứt; chúng ta lo lắng về nó, chúng ta bận tâm đến nó, chúng ta không thể hiểu nó nổi và chúng ta đấu tranh với nó ngày này qua ngày kia, ngày kia qua ngày nọ. Tâm trí bị lụn bại bởi quá trình này. Nhưng nếu không có thời gian sẽ không có vấn đề. Chúng ta có thực sự thấy điều này trong tâm mình – không phải trong trí, nhưng trong tâm mình? Chúng ta có thấy rằng người có vấn đề bị kẹt trong thời gian, và rằng khi có sự việc khởi lên, nếu tâm trí thoát khỏi thời gian, nó sẽ giáp mặt với sự việc ngay tức thời? Lúc có ý niệm thời gian, chúng ta nói, “Mình cần thời gian để giải quyết, chúng ta đã lảng tránh sự thể; và đó là vấn đề. Nếu chúng ta muốn tìm hiểu điều này, hẳn không được có vấn đề nào cả, tâm trí phải tự do để xem xét.
Để tìm hiểu sự thể vượt thời gian, hẳn phải có một cảm thức toàn vẹn về tương giao, là điều chỉ xảy ra khi có tình yêu. Tình yêu không phải là lạc thú. Rõ ràng như vậy. Tình yêu không phải là khao khát. Tình yêu không phải là sự thỏa mãn những đòi hỏi xúc cảm. Không có những phẩm tính của tình yêu, dù có làm gì đi nữa, như tập thiền định kiểu trồng chuối ngược, mặc áo thụng, ngồi treo chân suốt cả đời, cũng chẳng đến đâu cả. Để tìm sự thể vượt thời gian, hẳn phải có tương giao đúng đắn và phẩm tính cao quí của tình cảm, tình yêu, là cái không sinh ra từ suy nghĩ. Phải như thế để không có vấn đề nào tồn tại.
Thiền định để mang lại một tâm trí tĩnh lặng và trong thiền định mọi nỗ lực đều vô ích. Phát sinh một nỗ lực để thiền định có nghĩa là có thời gian, nghĩa là có đấu tranh, nghĩa là có cố gắng để thành tựu một phóng ảnh của chúng ta. Vậy có thể nào có sự quan sát không nỗ lực, không ức chế? Tôi dùng từ ức chế với sự dè dặt, bởi vì chúng ta sống trong một xã hội buông thả – người ta thoải mái làm điều mình thích càng ngốc ngếch chừng nào càng có vẻ hay ho chừng nấy: ma túy, tình dục, ăn mặc dị hợm. Người nói dùng từ ức chế theo nghĩa khi có sự quan sát thuần túy thì không cần ức chế. Đừng tự dối gạt mình bằng cách nói, “Tôi quan sát thuần túy, do đó tôi không cần ức chế”, rồi sống buông thả. Làm vậy hết sức vớ vẩn. Khi một tâm trí bị “dưới quyền kiểm soát”, sự kiểm soát ấy sinh ra do suy nghĩ. Suy nghĩ có tính giới hạn, và từ sự giới hạn đó nó mong muốn điều nọ điều kia, vì thế nó nói, “Ta phải khống chế”. Một tâm trí như thế đã trở thành nô lệ cho một ý tưởng, một ý niệm, một kết luận, không phải vì sự thật, giống như một người có niềm tin rất mãnh liệt vào tôn giáo nào đó thì không thể tự do suy nghĩ được.
Một tâm trí nằm trong xung đột là tâm trí có vấn đề; một tâm trí không giải quyết ổn thỏa được mối tương giao, do đó không có tình yêu, thì không có khả năng vượt xa. Nó chỉ có thể đi đến điều mà nó nghĩ là nằm bên ngoài cái vòng luẩn quẩn của nó. Nó có thể tưởng tượng nó đã vượt qua, nhưng không phải vậy. Nếu chúng ta nghiêm túc và đã đến lúc phải dẹp qua một bên mọi thứ con người kẹt vào, lúc đó trong tâm trí, mọi giác quan, trí não, đều có một cảm thức tình yêu bao la cùng với sự thông minh của nó. Lúc đó chúng ta mới có thể khám phá tiếp.
Một tâm trí tĩnh lặng không chỉ tĩnh lặng qua thân thể. Tĩnh lặng không cần phải ngồi đúng tư thế nào đó. Chúng ta có thể nằm, hay thế nào cũng được, nhưng thân thể phải tuyệt đối lặng yên. Không được ức chế nó, bởi vì chúng ta áp đặt bất cứ thứ gì thì sẽ có xung đột. Tâm trí được tự do, và do đó tuyệt đối tĩnh lặng, có thể quan sát. Không phải theo kiểu, “Tôi đang quan sát”, chỉ có sự quan sát không kèm theo “tôi”. Nếu có cái “tôi” đang quan sát, sẽ có tình trạng lưỡng phân, có sự chia tách, “Tôi” là cái tôi, là bản ngã – và nó được hình thành bởi nhiều thứ, ký ức quá khứ, kinh nghiệm đã qua, vấn đề đã qua, vấn đề hiện tại, sự lo âu. Nếu chúng ta đã hiểu xa đến mức đó, cái tôi lúc này sẽ vắng bặt. Không phải “tôi” là người đang quan sát. Chỉ có sự quan sát.
Lúc đó chuyện gì xảy ra? Những gì chúng ta đang làm đây là thiền định chân thực: Tìm hiểu bản ngã, tự tri, nhận biết tất cả mọi vấn đề của nó, nhận biết tất cả mọi ước muốn, áp lực, xung đột, đau buồn. Sự nhận biết đó chỉ có thể hiện diện khi chúng ta quan sát các phản ứng của mình trong tương giao. Chúng ta không chỉ tự quan sát mình bằng cách ra ngồi thiền dưới gốc cây; có thể chúng ta cũng quan sát được đôi chút, nhưng chỉ trong tương giao các phản ứng của mình mới dấy khởi lên. Tâm trí lúc này sẽ ở trong trạng thái không có vấn đề, không nỗ lực, không ức chế, và cần nhất là không có ý chí, bởi vì ý chí là bản chất của lòng mong cầu. “Tôi sẽ”, “Tôi muốn”, “Tôi phải”, tất cả đều là mong ước đòi hỏi điều gì đó nằm trong thời gian. Để thu đạt điều gì đó tôi phải dùng ý chí để có nó. Vì thế tâm trí cần thoát khỏi mọi thứ đó.
Nếu chúng ta đã hiểu xa đến mức đó, lúc đó có điều gì? Con người đã tìm kiếm điều thiêng liêng, điều thánh thiện, điều bất tử, bất hoại, phi thời. Hắn nói, “Tôi đã hoàn toàn hiểu được cuộc đời mình, vậy bây giờ có điều gì? Còn có gì hơn bên ngoài điều đó?” Mọi tìm kiếm cũng phải chấm dứt, bởi vì nếu chúng ta tìm kiếm thượng đế, hay chân lý, hay bất cứ gì, nó có thể do lạc thú, nó có thể do thôi thúc dục tính trong chính mình, nó có thể do muốn sự chấm dứt một số vấn đề nào đó của chính mình. Tìm kiếm ngụ nghĩa khi tìm ra cái mình muốn tìm, mình sẽ nhận ra nó ngay, và nó phải thỏa mãn mình, không thì mình sẽ vất nó đi. Nó phải trả lời được tất cả vấn đề của mình, nhưng nó không thể, bởi vì vấn đề được tạo ra do chính mình. Vì thế khi người nào nói, “Tôi đang tìm kiếm”, người đó thực ra mất quân bình, bởi vì hắn ta đang đùa với chính mình. Cho nên khi mọi thứ này chấm dứt toàn triệt, tâm trí sẽ tuyệt đối tĩnh lặng trong sự quan sát thuần túy. Bất cứ gì không phải như thế thì chỉ là sự mô tả, chỉ là sự lựa lời để truyền đạt điều không thể truyền đạt.
Điều người ta có thể làm được cho nhau không phải là mô tả nó, nhưng tâm hồn gặp được nhau với cùng năng lực, cùng cường độ, cùng mức độ. Vậy tình yêu là gì? Đó là sự gặp gỡ nhau với cùng cường độ, cùng mức độ, cùng lúc. Không phải vậy sao? Đó là tình yêu. Tôi không nói đến tình yêu thể xác, tôi đang nói về thứ tình yêu không có mong ước, không có lạc thú. Gặp gỡ người khác với cùng cường độ, cùng ý nghĩa về thời gian, và với cùng đam mê – đó chính là tình yêu. Nếu có tình yêu đó, và có cả phẩm tính tĩnh lặng của tâm trí, sẽ có sự truyền đạt vô ngôn. Đó là sự truyền đạt thực sự cảm thông, hoàn toàn chia sẻ được điều không thể đưa vào ngôn từ. Ngay lúc chúng ta đưa sự thể đó vào ngôn từ thì nó sẽ biến mất, bởi vì ngôn từ không phải là chính sự thể. Vậy thì chúng ta đang ở đâu đây? Các ngài đang ở đâu xét từ những gì các ngài nghe được, những gì các ngài đã tự nhìn thấy? Có phải các ngài chỉ nắm được toàn là ngôn từ? Hay có một sự thay đổi cơ bản, sâu xa khiến các ngài giải thoát khỏi mọi vấn đề, giải thoát khỏi sợ hãi, và thưởng thức được mùi hương không bao giờ tàn phai là tình yêu? Và từ nơi đó thông minh và hành động sẽ đến.