THIỀN ĐỊNH VỀ CÁI THẤY

KHENPO KONCHOG GYALTSEN

Trích “Vòng Hoa Thực Hành Đại Ấn
Dịch giả: Thanh Liên
NXB: Phương Đông

Đối với sự thực hành Mahamudra (Đại Ấn), cốt tủy của ý nghĩa, Đức Jigten Sumgon nói:

Trong bầu trời bao la của tâm căn bản,
Nếu những đám mây của sự khái niệm hóa không bị quét sạch,
Thì những hành tinh và tinh tú của hai trí tuệ sẽ không chiếu sáng
Vì thế, hãy chăm sóc tâm thoát khỏi sự nhị nguyên này.

Bầu trời tượng trưng cho tâm căn bản; các hành tinh (mặt trời và mặt trăng) và các tinh tú tượng trưng hai trí tuệ cũng như kết quả – những phẩm tính về sự viễn ly và chín muồi của Đức Phật. Mây và sương mù tượng trưng cho các phiền não và ý niệm. Giống như những đám mây và sương mù ngăn che sự chiếu sáng của mặt trời, mặt trăng, và các tinh tú, cũng thế, ba che chướng ngăn che trí tuệ cao quý không hiển lộ được.

Để tẩy sạch ba che chướng, ta phải hoàn toàn tịnh hóa cái thấy (kiến), sự thiền định, và các hoạt động của mình. Có hai loại tiếp cận có thể có: trước tiên đạt được cái thấy và sau đó thực hành thiền định; hoặc thiền định trước và sau đó đạt được cái thấy. Theo Đức Jigten Sumgon, trước tiên hành giả kiến lập nền móng – là cái thấy. Ngài Naropa nói:

“Nếu sự hiểu biết của bạn không hòa hợp một cách chính xác với cái thấy đúng đắn như nó đã được Đạo sư chỉ rõ thì cái thấy và các hành động của bạn sẽ bị lầm lạc. Bạn sẽ như thể mù lòa và không có người dẫn dắt; vì thế bạn sẽ không đạt được kết quả”.

Cần phải an lập cái thấy, phải mô tả cái thấy một cách thận trọng.

AN LẬP CÁI THẤY

Có nhiều cách để xác quyết cái thấy; mọi người nắm giữ các giáo lý xác quyết cái thấy theo cách thế riêng của họ. Tuy nhiên, một số người có cái thấy nhưng không có sự chứng ngộ. Họ đang nương dựa vào năng lực của riêng họ, và sẽ gặp khó khăn khi tiến xa hơn trong sự hiểu biết. Đức Jigten Sumgon nói:

“Quả thực những người đó có nhiều phương cách để xác quyết cái thấy, nhưng họ không có sự chứng ngộ phát sinh từ thiền định. Vì thế, cái thấy của họ là một cái thấy thiếu sự chứng ngộ”.

Cái thấy phải có sự chứng ngộ đi kèm theo. Phải có sự chứng ngộ về ý nghĩa (Mahamudra); đó là, phải có kinh nghiệm trực tiếp – siêu vượt tư tưởng – về ý nghĩa.

Nhờ cái thấy, ý nghĩa được kiến lập; nhờ sự thiền định, ý nghĩa được kinh nghiệm; nhờ các hoạt động, kinh nghiệm về ý nghĩa được nâng cao. Trái quả đã có ở đó; sự đạt tới của nó phải hoàn toàn là một sự khám phá. Ngài Naropa nói: “Hãy rút ra và vạch ra ý nghĩa”.

AN LẬP CHÂN TÁNH CỦA TÂM

Để thấu suốt cách thức an trú của tâm, ta phải phân tách cả cách thức an trú (tồn tại) của các sắc tướng (mọi đối tượng) lẫn cách thức an trú của tâm (mọi chủ thể).

1. Cách thức an trú của các sắc tướng.

Trước tiên, đã được minh chứng rằng các sắc tướng quy ước chính là tâm. Ngài Naropa nói:

“Sự kiện những hiện tượng thấy được này xuất hiện và được soi sáng có ý nghĩa là chúng không hiện hữu ở ngoài tâm tự tỉnh giác. Giống như sự tỉnh giác là một kinh nghiệm của tâm tự biết chính mình, vì thế, bất kì cái gì xuất hiện là một kinh nghiệm của sự tự tỉnh giác (hay ý thức) nhận thức ra nó. Nếu tâm và các hiện tượng này không đồng nhất, các hiện tượng phải hoàn toàn khác biệt với tâm và không thể có mối tương quan với tâm. Không có một mối tương quan giữa chúng, các hiện tượng sẽ không xuất hiện đối với tâm. Đây là cách thức chúng ta mô tả sự hiện hữu quy ước của các hiện tượng”.

Vì vậy, mọi hiện tượng được hiểu là bổn tâm của ta.

2. Cách thức an trú của tâm.

Tâm phải được hiểu là không có căn bản, không có nền tảng. Ngài Naropa nói:

“Đức Phật nói: ‘mọi hiện tượng ở trong tâm’. Cơ sở thực sự của các hiện tượng chính là tâm. Nếu ta phân tích bản tánh của tâm – bằng bốn lý lẽ, và v.v… ta sẽ nhận ra rằng có hai ô nhiễm của sự khái niệm hóa. Giáo pháp của lý lẽ về một và nhiều có một ý nghĩa rất sâu xa và vì thế được trí giả phân tích”.

BỐN LÝ LUẬN

Để xác định rằng tâm tự tỉnh giác không có hiện hữu thực sự, chúng ta sử dụng bốn lý cứ lớn – bốn lý lẽ. Ở đây cách thức để nhận biết bốn lý luận hơi khác biệt với cách chúng được nhận biết trong giáo lý Trung Quán. Đây là bốn lý luận: sự phân tích nguyên nhân, lý luận về những mảnh kim cương; sự phân tích thực thể, lý luận một và nhiều; sự phân tích hậu quả, lý luận bác bẻ bốn khả tính của sự tạo tác; và sự phân tích mọi hiện tượng, lý duyên – sinh.

1. Lý luận các mảnh Kim cương.

Cách thức trong đó các kết quả phát sinh từ những hành động (những nguyên nhân) thì tương tự với cách thức những mầm chồi nảy sinh từ những hạt giống. Ngài Naropa nói trong tác phẩm Luận Thuyết Về Trung Đạo của ngài:

“Chẳng bao giờ có sự tạo tác
Bất kỳ nơi đâu, của bất kỳ vật gì
Từ sự tự sanh (tự mình sanh ra), tha sanh (sanh ra từ những vật thể khác)
Từ cả hai (cộng sanh) hay không có nguyên nhân”.

Trong cùng cách thức đó, các sắc tướng và tâm được chỉ rõ là không có căn bản, không có nền tảng. Như vậy ta thấu hiểu bản tánh tối hậu của tâm.

2. Lý luận Một và Nhiều.

Nếu trong tự tâm, ta phân chia một vật thành những phần nhỏ bé thì điều ấy có thể cho thấy các phần không hiện hữu một cách độc lập. Điều này được xác định nhờ sự thấu suốt. Khi ta thấu suốt rằng mọi sự xuất hiện (sắc tướng) là tâm, ta từ bỏ ý niệm về các sự vật. Khi ta thấu suốt rằng tâm là sự tự tỉnh giác, ta từ bỏ ý niệm về các phân biệt trắng, đỏ và v.v… Khi sự tự tỉnh giác của riêng ta ló rạng như sự hỷ lạc, ta từ bỏ khái niệm về đau khổ và thanh thản. Khi ta nhận thức rằng hỷ lạc không có những tạo tác, ta từ bỏ sự bám chấp vào hỷ lạc đó. Như thế ta thấu suốt bản tánh tối hậu của tâm.

3. Lý luận bác bẻ bốn khả tính của sự tạo tác.

Trong thiền định, ta phải tránh: Bốn sai lầm có thể có về tánh Không và Ba loại sai lầm khác có thể có.

a. Bốn cách nhận thức sai lầm Tánh Không.

Hiểu sai bản tánh của tánh Không (đối tượng được nhận biết), áp dụng sai, con đường sai lầm, và cách đối trị sai lầm. Các thiền định xảy ra các sai lầm này là do những người không chứng ngộ Tánh Không thực hành.

Hiểu sai bản tánh của tánh Không. Ví dụ như trong lúc thiền định về ý nghĩa của thần chú ‘Svabhava shuddha’, sau khi hình thành một quan niệm na ná về Tánh Không như một sự phủ nhận hoàn toàn, khi ấy người ta có thể thiền định về mọi hiện thể như không hiện hữu. Người đó bị sai lầm do hiểu sai bản tánh của đối tượng được nhận biết – là Tánh Không.

Áp dụng sai. Một vài người có thể áp dụng thuật ngữ ‘không’ cho mọi sự, và nghĩ rằng: ‘Đây là không; kia cũng là không’. Theo cách đó, người này đang kiến lập – như đối tượng của tư tưởng anh ta – một khái niệm về Tánh Không tổng quát. Do đó, anh ta không thực sự thấu hiểu ý nghĩa đích thực của Tánh Không; như thế, Tánh Không bị hiểu lầm bởi áp dụng sai.

Con đường sai lầm. Nếu một người không hiểu rõ rằng họ đạt được kết quả nhờ chứng ngộ rằng quả và nền tảng (cách thức hiện hữu căn bản – Tánh Không) thì bất khả phân, thì người ấy không thể hy vọng đạt được một kết quả tốt đẹp nhờ đi theo con đường. Người như thế đã sai lầm về con đường.

Cách đối trị sai lầm. Người ta có thể không thấu hiểu rằng không có khác biệt giữa đối tượng bị từ bỏ và cách đối trị của nó, và vì thế có thể xem bằng hữu và kẻ thù là khác nhau. Một cái nhìn như thế phát sinh lòng tham muốn và sự thù ghét cũng như các khái niệm chủ thể và đối tượng; và những điều này chính là những thứ phải từ bỏ.

b. Ba loại sai lầm có thể có.

Có nhiều người nói rằng một sự thiền định trong đó ta kinh nghiệm bất kỳ điều nào trong ba điều sau – hỷ lạc, trong sáng, và vô niệm – là một thiền định siêu việt. Tuy thế, những điều này có thể là những nguồn gốc của sai lầm trong thiền định, bởi: do bám luyến vào hỷ lạc, ta bị tái sanh trong dục giới; do bám luyến vào sự trong sáng, ta bị tái sanh trong sắc giới; và bởi bám luyến vào sự vô niệm, ta bị tái sanh trong vô sắc giới.

Cho dù bạn thiền định mà không bám luyến và hỷ lạc, trong sáng, vô niệm, nếu bạn không chứng ngộ Tánh Không, kết quả cao nhất bạn có thể đạt được là điều kiện để được tái sinh trong các cõi giới cao của các vị trời và loài người. Đức Jigten Sumgon “Các trạng thái quân bình thiền định không lỗi lầm là những nguyên nhân của sự tái sinh trong ba cõi”. Tuy nhiên, nếu bạn thiền định mà không rơi vào ba sai lầm này, bạn sẽ thấu suốt nền tảng đích thực của tâm.

4. Lý duyên sinh.

Đây là lý lẽ phân tích mọi hiện tượng, cách thứ tư trong bốn cách thấu hiểu tâm tự tỉnh giác không có hiện hữu thực sự. Theo cách nhìn này, ta được biết là các đối trị với vô minh là mười hai nhánh của sự duyên – sinh (thập nhị nhân duyên). Ngài Naropa nói:

Là Giác Tánh,
Tâm tự tỉnh giác
Có bản tánh chói ngời.
Là sự vô niệm
Nó không nhận thức chính mình.

Bản tánh đích thực của một tâm thức như thể là vô niệm. Hãy dùng một thí dụ, một người có một tâm tự tỉnh giác, tâm này là trí tuệ cao quý. Khi người ấy thấu hiểu rằng tâm là trí tuệ cao quý, ta được biết rằng người ấy chấm dứt tìm Phật ở nơi nào khác. Tuy nhiên, tâm tự tỉnh giác có thể bị che chướng bởi các nhiễm ô nhất thời. Tâm bị sự khái niệm hóa quấy thì giống như nước, vàng, và không gian, theo cách này: trong các trạng thái tương đối của chúng, tất cả những thứ này (nước, vàng, và không gian) bị lệ thuộc vào các phân biệt về sự thanh tịnh và bất tịnh, nhưng chân tánh của chúng thì chói ngời. Trong chân tánh của chúng, ngay cả sự ô nhiễm vi tế nhất cũng hoàn toàn không hiện hữu.

Giống như các hiện tượng bên ngoài không hiện hữu, các hiện tượng bên trong cũng không hiện hữu; giống như các hiện tượng bên trong không hiện hữu, các hiện tượng bên ngoài cũng không hiện hữu. Có nói rằng chúng sinh không phải là chúng sinh; tuy nhiên, không phải như thế mà họ không hiện hữu. Ta phải đi đến sự chứng ngộ rằng bản tánh tối hậu thì thoát khỏi bản tánh quy ước.

Hơn nữa, mọi hiện tượng, từ các sắc tướng tới những tâm thức toàn trí, là những sự duyên – sinh; những duyên – sinh là các hiện tượng nhất thời; các hiện tượng nhất thời được sinh ra từ các điều kiện (duyên); mà những gì đạt được sinh ra từ các điều kiện thì không tự sinh.

Như Đức Phật nói:

“Cái được tạo nên từ các điều kiện thì không được sinh,
Bởi nó không có sự sinh bẩm sinh.
Cái tùy thuộc vào những điều kiện là Tánh Không.
Người thấu suốt Tánh Không thì thức tỉnh”.

Đây là cách làm thế nào ta thấu suốt nền tảng chân thật của tâm. Người có sự thấu suốt như thế được nói là có sự chứng ngộ không bị ảnh hưởng bởi ba quan điểm vĩ đại. Không có sự khẳng định. Như Đức Jigten Sumgon nói:

“Cuối cùng, hãy trực tiếp chứng ngộ Pháp Thân: sự chứng ngộ như thế siêu vượt ba quan điểm vĩ đại; nó hoàn toàn thoát khỏi cái thấy, đối tượng của cái thấy, và tác nhân của cái thấy. Đây là một điểm đặc trưng của hệ thống chúng ta, mà bất kỳ hệ thống nào khác không có được”.

Dĩ nhiên, ba quan điểm vĩ đại đó là cần thiết. Nhưng nếu bạn không thoát khỏi sự vướng mắc vào địa vị cao thì bạn sẽ không chứng ngộ cái thấy; bạn sẽ không thấu suốt cái thấy chân thực.

Cái thấy chân thực thì thoát khỏi sự khẳng định.

Như Đức Jigten Sumgon nói:

“Bởi tôi không có khẳng định,
Tôi không mắc những lỗi lầm đó.
Đấng Chiến Thắng không nói điều gì cho các đệ tử;
Như thế Ngài đã thuyết giảng rộng rãi
Điều chưa từng nói”.

Như vậy, cái thấy phải có sự chứng ngộ đi kèm theo. Khi đã chứng ngộ cái thấy, hãy thiền định về nó.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. THIỀN ĐỊNH VỀ CHÂN TÁNH CỦA TÂM

Bài viết mới

  1. HÒA HỢP TỪ NHỮNG ĐỐI KHÁNG
  2. LỢI ÍCH CỦA TINH THẦN TU TẬP
  3. BẠN