THIỀN ĐỊNH VỀ CHÂN TÁNH CỦA TÂM

KHENPO KONCHOG GYALTSEN

Trích: Vòng Hoa Thực Hành Đại Ấn; Dịch giả: Thanh Liên; NXB: Phương Đông


Nhận Diện Về Cách Thức Hiện Hữu Của Các Hiện Tượng.
Sự nhận diện về cách thức hiện hữu của các hiện tượng có hai phần, nhận diện về quân bình thiền định như sự an định và nhận diện về sự tự tỉnh giác như Mahamudra.

a/ Nhận diện về quân bình thiền định như sự an định.

Trước tiên, hãy thiền định không có các khái niệm về quá khứ, hiện tại, và tương lai. Khi đã hoàn toàn điều phục mọi khái niệm về sự vật và danh xưng, hãy ở trong trạng thái này: nhất tâm, vô niệm, không bị vấy bẩn bởi bất kỳ cách thức nào trong ba cách – xao lãng(uể oải), trạo cử, và hôn trầm. Trạng thái này được gọi là ‘sự an định’ hay ‘quân bình thiền định’.

Đức Vinh Quang Shawari nói về trạng thái này:

Vị đại lạc bẩm sinh bất nhị
Giống như vị của nước hòa trộn với nước.
An trụ trong chân tánh như nó là –
Điều này được gọi là hoàn toàn điều phục tâm
Bám chấp vào các đối tượng.

An định là căn bản cho sự phát sinh mọi phẩm tính tốt đẹp. Như Đức Phật đã nói:

Nếu không thể giữ tâm nhất – tâm và quân bình,
Ta không có trí tuệ thuần tịnh cao quý,
Và không thể loại trừ các ô nhiễm.

Không thể chứng ngộ Giáo Pháp của Đức Phật bằng con đường khác. Nếu ta đạt được trí tuệ vĩ đại của sự an định, thì ta chắc chắn sẽ được giải thoát. Hơn nữa, ngài Tịch Thiên nói trong Hành Bồ Tát Hạnh:

Nội quán đặc biệt được hợp nhất với sự an định mạnh mẽ sẽ hoàn toàn tiêu hủy các phiền não. Hãy tự mình thấu suốt điều này. Trước tiên, hãy trở nên thiện xảo trong sự an định; bạn có thể làm điều này nếu bạn không bị trói buộc vào các công việc thế tục và có một tâm thức hoan hỷ.

b/ Nhận diện về sự tự tỉnh giác như Mahamudra.

Mahamudra cũng được gọi là ‘nội quán thuần tịnh vô niệm’. Đức Phật nói:

Này Nam tử của Dòng tộc Cao quý, một Bồ tát đã đạt được sự kiên cố thiền định không hài lòng với sự an định đơn thuần này và với mùi vị đơn thuần của sự kiên cố thiền định. Khi an trụ trong sự kiên cố thiền định đó, Ngài tính đếm các hiện tượng của Đại thừa, phân tích các đối tượng của nhận thức, và tự truy cứu các giáo lý Đại thừa. Niệm tưởng tính đếm, phân tích, và truy cứu các hiện tượng, đối tượng, và giáo lý như thế sẽ hoàn toàn phát sinh nội quán đặc biệt.

CÁC GIÁO HUẤN TINH TÚY.

Khi đã phát sinh sự quân bình thiền định trong sáng của sự an định, và trong khi an trụ trong trạng thái đó, hãy truy tầm chân tánh của tâm an định đó, sử dụng ngay tâm thức an định. Hãy truy tầm sâu xa, nghĩ tưởng: “Nó hiện hữu hay không hiện hữu? Nó có màu sắc hay không?”

Nếu bạn nghĩ rằng nó hiện hữu, thì hãy truy cứu sâu xa, nghĩ tưởng: “Trước hết nó được phát sinh ra sao? Nó từ đâu đến? An trụ ở đâu? Nó sẽ chấm dứt ở đâu?” Nếu bạn nghĩ rằng nó không hiện hữu thì hãy truy cứu và nghĩ: “Ai nghĩ nó không hiện hữu? Ai gán cho ‘không hiện hữu’?” Nếu bạn nghĩ chân tánh vượt lên sự hiện hữu và không hiện hữu, thì hãy truy cứu cách thức nó vượt lên chúng. Nhờ thực hành theo cách này, bạn có thể đi tới nền tảng của tâm – Mahamudra.

Đức Jigten Sumgon nói: “Khi ta thấy là tâm di chuyển từ vật này sang vật khác, cái – không thấy bất kỳ điều gì – đó là cái thấy”. Từ vô thủy, tâm ta thoát khỏi mọi thái cực của sự hiện hữu và không hiện hữu, là và không là, tốt và xấu, sự thường hằng và hủy diệt, và v.v… Chân tánh của tâm hành giả không thể được mô tả trong bất kỳ phương cách nào. Sự chứng ngộ chân tánh đó của tâm được gọi là Mahamudra hay ‘trí tuệ của sự tỉnh giác’. Trong Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa, Đức Phật nói:

Ví dụ như, chúng sinh sẽ nói: ‘Tôi thấy bầu trời’; tuy nhiên, nếu ta truy cứu thì sẽ khó giải thích nhìn thấy bầu trời có ý nghĩa là gì. Các Đức Như Lai giảng rằng điều này tương tự với sự tri giác về các hiện tượng; thấy như vậy không thể minh họa bằng cái gì khác.

Ngài Tilopa nói:

Ví dụ như, ta thường nghe nói rằng bầu trời thì trống không, nhưng nói: “nó giống thế này” hoặc “nó giống thế kia” thì không phải là cách để mô tả bầu trời. Tương tự như thế, mặc dù tâm ta được nói là chói ngời, nhưng không có cơ sở để mô tả nó – không có cơ sở để nói “tâm được kiến lập trong một cách thức như vậy như vậy”. Từ vô thủy, bản tánh của tâm thì giống như không gian. Không có hiện tượng nào là không được bao gồm trong bản tánh như – không gian đó, bản tánh đó là Mahamudra. Mọi hiện tượng không loại trừ điều gì đều bao gồm trong tâm.

Một sự chứng ngộ như thế – sự chứng ngộ rằng từ vô thủy, tâm bạn không có sự sinh, trụ và diệt – được gọi là “tâm bình thường”, “Thân Tự Tánh”, và “trí tuệ tự- phát sinh sẳn đủ cao quý”. Đức Gampopa nói: “Tôi hộ trì tâm bình thường này”. Thực thể này (tâm bình thường) là sự kiên cố thiền định của con đường Thấy của Đại Thừa.

Từ quan điểm này, tất cả các thức của bạn, chúng phân tán tới vô số đối tượng, thì không khác biệt với tâm căn bản của bạn; đúng hơn, những tâm thức khác nhau và tâm căn bản của bạn được coi là một. Điều này phải được thấu suốt.

Đức Gampopa cũng nói:

Tâm là Pháp Thân bẩm sinh;
Sắc tướng là ánh sáng của Pháp Thân bẩm sinh.
Vì thế, sắc tướng và tâm được hợp nhất bất khả phân.

Đạo sư Toktsepa nói:

Tâm bình thường được đánh thức trong trung tâm tim.
Nếu sáu thức thanh tịnh, thì đại lạc sẽ không ngừng dứt.
Mọi hoạt động của thân, ngữ và tâm thì không có mục đích;
Chúng không có ý nghĩa gì ngoại trừ là nguyên nhân của đau khổ.
Hãy an trú trong trạng thái tự nhiên không nỗ lực thiền định.

Đức Jigten Sumgon nhận diện cái thấy, sự thiền định, và hành động (kiến, thiền, hành) trong cách thức này:

Cái thấy là sự chứng ngộ không sai lầm ý nghĩa của tâm. Thiền định là sự gìn giữ cái thấy trên đó – cái thấy đúng đắn có sự thấu suốt đi kèm theo – không có sự phóng tâm.
Thiện hạnh là hành động phù hợp với thiền định này.
Đối với mọi hiện tượng – trong luân hồi sinh tử và Niết bàn – điều chắc chắn là trừ phi các nguyên nhân và điều kiện thích đáng hiện hữu, các hiện tượng sẽ không xuất hiện.
Các hiện tượng chỉ đơn thuần là những duyên – sinh.
Các duyên – sinh chỉ tồn tại nhất thời. Những chốc lát trong sự tồn tại của chúng cũng là những duyên – sinh; chúng trróng không. Trống không, chúng là Pháp Thân, là quả.

Sáu đối tượng của tâm thức xuất hiện một cách nhị nguyên như luân hồi sinh tử và Niết bàn. Chủ thể và đối tượng không hiện hữu tách biệt, như là hai. Giả sử bạn đang chăm chú nhìn một vật gì đó, một cây cột hay một cái bình ở trước mắt bạn; tâm không thực sự đi theo đối tượng. Đối tượng chỉ xuất hiện nhờ một sự kết hợp của những duyên – sinh; tất cả chỉ là thế. Cuối cùng, đối với bất kỳ hiện tượng nào, không có sự kiến lập như chủ thể và đối tượng. Từ vô thủy, sắc tướng và tâm (đối tượng và chủ thể) tồn tại như một sự hợp nhất tự – giải thoát. Như có nói trong Kinh Định Vương:

Hãy nhìn mặt trăng mọc trong bầu trời trong trẻo:
Ánh phản chiếu của nó hiện ra trong một hồ nước trong,
Nhưng tự mặt trăng thì không ở trong nước.
Hãy hiểu rõ mọi hiện tượng theo cách này.

Ngài Naropa nói:

Bản tánh của sắc tướng thì không có sự tạo tác;
Và bản tánh của luân hồi sinh tử không có nền tảng.
Bản tánh của tâm là sự hợp nhất của sắc tướng và tánh Không.

Bạn phải hiểu rõ rằng sắc tướng và tâm chỉ là một sự hợp nhất; và bạn phải hiểu rằng niệm tưởng tự nó là tâm căn bản. Ngài Saraha nói:

Bất kỳ những tạo tác nào xuất hiện từ tâm,
Chúng là bản tánh của Pháp Thân.
Nước và sóng có khác biệt nhau?
Không, chúng đồng nhất như bầu trời.

Đức Jigten Sumgon nói:

Pháp Thân, là quả tối hậu,
Không là gì khác hơn các phiền não.
Trí tuệ và vô minh không là hai, mà là một.
Vô minh là đại trí tuệ.

Ngài cũng nói:

Các tạo vật không có sự tạo tác, như không gian.
Những phi – tạo vật không có sự tạo tác, như không gian.
Pháp Thân không có sự tạo tác, giống như không gian.

Sự thực hành được duy trì nhờ chính sắc tướng (sự xuất hiện), bằng cách không chấp nhận cũng không phủ nhận những gì xuất hiện, bất kỳ điều gì bạn nhìn thấy, tự thân nó thì trống không; tánh Không không là cái gì ngoài các hiện tượng thông thường xuất hiện trước bạn. Đây là những giáo huấn tinh túy.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. GIẢI THÍCH
  2. TRUNG THỰC VÀ NHÂN HẬU

Bài viết khác của tác giả

  1. THIỀN ĐỊNH VỀ CÁI THẤY

Bài viết mới

  1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ ĐƯỢC “NĂNG LỰC LÀM NGƯỜI”
  2. MỘT CÁI NHÌN RÕ RÀNG VỀ CHÍNH MÌNH: NHỮNG ĐỐI TRỊ VỚI SỰ KIÊU MẠN
  3. NGƯỜI NÀO PHÔ TRƯƠNG, KẺ ĐÓ TỰ TI