LỜI KHUYÊN QUÝ BÁU VỀ NGHIỆP QUẢ

KHENCHEN KONCHOG GYALTSHEN

Trích: Một Hướng Dẫn Đầy Đủ Về Con Đường Phật Pháp; Việt dịch: Thanh Liên; NXB. Tôn Giáo, 2018

?☘️?

Bạn có thể nghĩ rằng những thiện hạnh và ác hạnh nhỏ bé không thể giúp ích hay có hại.

Nhưng nghiệp nhỏ bé làm sinh khởi những quả to lớn.

Vì thế hãy cẩn trọng ngay cả trong những sự việc không đáng kể.

?☘️?

CÓ NHIỀU CÂU CHUYỆN về những nghiệp nhỏ bé mang lại những kết quả to lớn. Một số được đề cập trong những quyển sách tên là Tìm kiếm chất cam lồ bất nhiễm và chuyển hóa đau khổ. Trong đó có một câu chuyện về một người có lần nói với một tu sĩ: “Ông giống như một con chó,” và chính người ấy tái sinh năm trăm đời làm con chó. Trong câu chuyện khác, một gia đình đưa xác của một người thân tới một nghĩa địa và chợt gặp một tu sĩ. Đứa trẻ nói: “Nhìn kìa nhà sư kia trông giống một con quạ!” Một vị Thầy vĩ đại nghe nói về điều này và thấy đứa trẻ bị tái sinh làm một con quạ trong năm trăm đời. Gia đình phản đối và nói rằng đứa trẻ vô tội; nó thực sự không có ý gì về điều nó nói; trong lời bình luận của nó không có sự giận dữ hay thù ghét. Đạo sư trả lời rằng nếu như thế thì đứa trẻ sẽ bị tái sinh trong một cõi địa ngục. Những hành động mà ta làm trong đời này, dù tốt hay xấu, cũng có thể thuần thục trong đời này, như được biểu thị trong câu chuyện sau:

Thuở xưa, khi Đức Phật đang ở Kapalivastu, một cặp vợ chồng Bà la môn sinh một con trai và một con gái. Cô con gái tên là Da Wö, Ánh Trăng. Sau khi những đứa trẻ lớn lên thì người cha qua đời, người mẹ và cậu con trai lang thang khắp nơi. Cô con gái Ánh Trăng trở thành người hầu của vua Shakya Mingiin. Cô có thói quen dùng bữa trong vườn, nơi cô thường thâu thập hoa và làm những vòng hoa. Một hôm, cô nhìn thấy Đức Phật khi Ngài đi khất thực và lập tức phát triển lòng kính ngưỡng đối với Ngài. Cô than van: “Con là một kẻ bất hạnh. Một đối tượng quy y cao quý ở ngay đây mà con không có cơ hội để cúng dường. Giá như con có thể, chắc chắn là con sẽ cúng dường.” Đức Phật đọc được tâm cô và với lòng đại bi, Ngài đến gần cô và nói: “Nếu con có bất kỳ món cúng dường nào, hãy đặt chúng trong bình bát này.” Ánh Trăng run lên, làm đầy bình bát, và lễ lạy dưới chân Phật một cách sùng mộ. Sau đó cô nói lời cầu nguyện hồi hướng này: “Nhờ bất kỳ công đức nào con đã tạo nên từ hành động này, cầu mong con không bao giờ làm một người hầu một lần nữa.”

Một thời gian sau đó, một người bạn của cha cô, một người Bà la môn có thể tiên tri, chú ý đến cô gái đeo vòng hoa và hỏi cô từ đâu tới. Cô nói cô đến từ miền quê và giải thích: “Con là người giúp việc của ngôi nhà này.” “Cha con đâu?” Cô đáp: “Cha con đã mất một thời gian rồi.” “Mẹ và anh của con đâu?” Cô nói: “Con không biết. Họ lang thang ở nơi nào đó.” Nhà tiên tri nói: “Đưa tay cho ta xem.” Ông ta thấy những dấu hiệu quan trọng trên bàn tay cô; thực ra, khuôn mặt và toàn thân cô có những dấu hiệu tuyệt đẹp. Ông bảo cô: “Đừng lo, con sẽ không làm người giúp việc lâu nữa đâu, con sẽ trở thành một hoàng hậu.”

Một thời gian sau, khi nhà vua xứ Kosala đi săn, con ngựa của vua ngừng lại gần ngôi vườn, và nhà vua nhìn thấy cô gái từ xa. Vua chú ý đến mọi biểu hiện đáng chú ý và sự dịu dàng của cô. Vua gọi lớn: “Cô là ai?” cô trả lời: “Tôi là một người hầu của vua Shakya Mingjin.” Vua nói: “Cô không thể là một người hầu, cô phải là con gái của nhà vua!” Vua Shakya MingJin nhìn thấy vua xứ Kosala, mời vua đến cung điện của mình, và tổ chức một bữa tiệc thịnh soạn. Vua Kosala hỏi Vua Shakya Mingjin: “Thiếu nữ đeo vòng hoa này từ đâu tới?” Khi lại nghe nói rằng cô là một người hầu, vua phản đối: “Đây không phải là người hầu, mà là con gái của ngài. Xin cho tôi cô gái này. ” Vua Shakya Mingjn quả quyết: “Trong vương quốc của ngài có nhiều thiếu nữ xinh đẹp. Ngài có thể có bất kỳ cô nào trong số đó. Vì sao ngài muốn cô này?” Nhà vua nài nỉ: “Tôi muốn cô ta.” Vì thế họ sắp xếp, và Ánh Trăng trở thành hoàng hậu và sống an bình và hạnh phúc.

Sự thuần thục của nghiệp cũng có thể được hiểu bằng phép loại suy. Khi bạn trồng một hạt giống lúa, bạn có thể thấy rằng kết quả là hai hay ba bông lúa, mỗi bông lúa có rất nhiều hạt. Nếu bạn gieo trồng một hạt giống nho duy nhất, nó tạo ra hàng trăm trái nho. Các hành vi tốt lành và bất thiện thì cũng thế.

Một quyển Kinh nói: “Chớ làm điều ác. Hãy làm mọi điều lành. Hoàn toàn điều phục tâm bạn. Đây là lời Phật dạy.”

Khi ta thực hành, ta có thể thoáng thấy nhân và quả, nhưng một sự hiểu biết chi tiết thì rất vi tế và khó có được. Tuy nhiên, ta có thể nhận thức phần nào về nghiệp qua một vài thí dụ:

* Nếu bạn dùng lời lẽ tử tế, đây là một nguyên nhân. Khi người nào đó trả lời một cách tử tế, đây là kết quả.

* Nếu bạn trồng hạt giống của một loại cây độc, chất độc sẽ phát triển.

* Nếu bạn gieo trồng một hạt giống của một cây thuốc, thuốc men sẽ phát triển.

Ngay cả những đại A La Hán cũng không thể luôn luôn nhận ra toàn thể phạm vi của nghiệp.

Vào thời của Đức Phật, một nông dân tới gặp ngài Xá Lợi Phất và xin xuất gia làm một tu sĩ. Ngài Xá Lợi Phất khảo sát ông ta nhưng không tìm ra chủng tử, không tìm ra nguyên nhân, để đạt được quả vị A La Hán trong đời đó, vì thế ngài nói: “Không, ta không nhận ông làm tu sĩ.” Người nông dân vô cùng thất vọng và kêu khóc: “Những người tạo ác nghiệp khủng khiếp còn được cho phép làm tu sĩ. Tại sao tôi không được? Suốt cả đời tôi chẳng làm điều gì xấu xa.” Một thời gian sau, Đức Phật đi đến và hỏi: “Điều gì đã xảy ra ở đây? Điều gì khiến ông đau khổ?” Người nông dân thuật lại tình cảnh của mình. Với lòng bi mẫn lớn lao, Đức Phật cầm tay ông và nói: “Ta sẽ cho ông xuất gia. Ông có chủng tử để đạt được quả vị A La Hán.” Sau đó ngài Xá Lợi Phất hỏi: “Ngài thấy loại tiềm năng nào mà con không thấy?” Đức Phật giải thích: “Hàng triệu kiếp trước, người này là một con ruồi. Nó đang đậu trên một đống phân bò thì thình lình một luồng nước chộp lấy đống phân bò cùng với con ruồi và ném chúng xuống sông. Theo dòng nước chảy, người nào đó đã đặt một bánh xe cầu nguyện (kinh luân) trong nước, và phân bò cùng con ruồi liên tục xoay quanh kinh luân đó. Nhờ sự đi nhiễu đó, giờ đây người này có một chủng tử để đạt được quả A La Hán trong đời này.”

Nhân và quả vi tế tới nỗi chỉ có trí tuệ toàn trí mới có thể nhận thức được mọi chi tiết. Đó là lý do vì sao ta phải hết sức cẩn trọng để các hành vi của ta thực sự có lợi lạc.

Trì tụng một thần chú, bảo vệ mạng sống của ngay cả một con rệp nhỏ bé, bố thí một vật nhỏ bé ta không nên phớt lờ những hành động như thế bằng cách nói: “Điều này chẳng là gì hết; tôi có làm hay không làm nó thì chẳng có gì khác biệt.” Nhiều hành vi nhỏ bé sẽ tích tập và phát triển lớn như một đại dương. Đây không đơn thuần là những niềm tin của Phật tử; đây là những nguyên nhân tạo nên thế giới của ta cho dù ta là ai. Việc nghiên cứu và thực hành của ta mang lại cho ta cơ hội để hiểu biết về điều này và thành thật với chính mình ngay cả trong những sự việc nhỏ bé.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. QUY LUẬT NGHIỆP QUẢ HAY NGUYÊN NHÂN VÀ HỆ QUẢ
  2. NGHIỆP, NHÂN VÀ QUẢ
  3. NGHIỆP – CÙNG NHÂN SẼ CÓ CÙNG QUẢ

Bài viết khác của tác giả

  1. BỒ ĐỀ TÂM – NGƯỜI BẠN VĨ ĐẠI VÀ ĐÁNG TIN CẬY

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP