NGHIỆP, NHÂN VÀ QUẢ

KHENPO SAMDUP

Trích: Tu Học Phật Pháp; Tác giả: Khenpo Samdup; Tủ sách Liên Hoa Sanh

 

Không giống như các tôn giáo khác, Phật Pháp không giải thích sự hiện hữu của thế giới như do một Tạo hóa toàn năng tạo nên. Thay vào đó, Đức Phật giải thích về cách xuất hiện của các hiện tượng qua sự vận hành của nghiệp, nhân và quả. Mọi kinh nghiệm mà chúng sinh chúng ta có được là kết quả của các nguyên nhân mà ta đã tạo ra. Mọi sự là kết quả của sự vận hành của nghiệp, hay sự tương thuộc có tính chất nghiệp quả. Mỗi hành động tạo nên một hậu quả, một kết quả của hành động đó, và tùy thuộc vào hành động là thiện lành hay bất thiện, kết quả của nó sẽ mang lại hạnh phúc hay đau khổ. Theo triết học Phật giáo, có sáu cõi chúng sinh do nghiệp hình thành. Sáu cõi khác nhau này xuất hiện từ những loại nghiệp khác nhau của sáu cõi chúng sinh cư trú ở đó, và trong mỗi một trong sáu loài, chúng sinh và những kinh nghiệm của họ cũng rất đa dạng. Các chúng sinh có đủ loại thân tướng và khuynh hướng khác nhau, kinh nghiệm mọi loại hoàn cảnh khác nhau, và mọi sự là kết quả của nghiệp. Là Phật tử, chúng ta không tin rằng một Tạo Hóa toàn năng chịu trách nhiệm về hoàn cảnh của ta mà tin rằng hoàn cảnh của ta do ta tạo ra và đến từ những hành động đức hạnh hay bất thiện của riêng ta. Những gì ta kinh nghiệm trong hiện tại là kết quả của những hành vi của ta trong quá khứ. Thay vì có cảm tưởng rằng người nào đó chịu trách nhiệm về hạnh phúc và đau khổ của ta, ta biết rằng những kinh nghiệm đó là kết quả của nghiệp của ta và những hành động thiện lành và bất thiện thuộc về thân, ngữ và tâm của ta tạo nên hạnh phúc hay đau khổ của ta.

Điều tối quan trọng là phải hoàn toàn hiểu biết và không nghi ngờ gì về những vận hành của nghiệp, bởi thế ta sẽ hết sức thận trọng khi dấn mình vào những thiện hạnh sẽ mang lại hạnh phúc. Garchen Rinpoche đã nói rằng điều tối quan trọng mà con người có thể học từ Giáo pháp là một sự hiểu biết thực sự về sự vận hành của nghiệp, nhân và quả. Bởi ngài biết rõ sự hiểu biết đó vô cùng ích lợi, sự hiểu biết về cách tạo ra những nguyên nhân để đạt được hạnh phúc thì vô cùng cần thiết, ngài đã làm việc không mệt mỏi và dấn mình vào nhiều gian khổ và khó khăn để dạy cho chúng ta điều gì phải theo và điều gì nên tránh. Ngài đã đến đất nước này, thiết lập các trung tâm Giáo Pháp và du hành khắp nơi không chút mỏi mệt, mang lại lợi ích cho chúng sinh bằng cách chỉ cho họ các phương tiện để tạo lập hạnh phúc.

Đức Phật đã nói: “Đừng phạm ác hạnh, hãy hoàn thiện đức hạnh, và hoàn toàn điều phục tâm các con. Đây là ý nghĩa Phật pháp.” Điều này có nghĩa là ta nên từ bỏ mọi hành động bất thiện, thực hành những thiện hạnh bất kỳ khi nào ta có thể, và làm an dịu mọi cảm xúc tiêu cực trong tâm ta. Nếu ta làm việc để hoàn thành những điều này, kết quả sẽ là hạnh phúc và hỉ lạc. Cảm thấy vô cùng thương yêu chúng sinh, Đức Phật đã giảng dạy con đường đức hạnh, chỉ ra những gì ta nên từ bỏ và những gì nên Nghiệp, Nhân và Quả làm để được hạnh phúc và an bình. Định luật nền tảng về nghiệp, nhân và quả chỉ rõ kết quả của một hành vi đức hạnh luôn luôn là hạnh phúc, và kết quả của một hành vi bất thiện luôn luôn là đau khổ.

Có ba loại nghiệp chính yếu: thiện lành, bất thiện, và trung tính. Kết quả của thiện nghiệp là hạnh phúc; kết quả của ác nghiệp là đau khổ; và không có kết quả của nghiệp trung tính. Nghiệp trung tính đến từ việc dấn mình vào các hành động không thiện mà cũng không ác với một tâm thức không thiện mà cũng không ác. Vì thế chính thiện nghiệp và ác nghiệp sẽ tạo ra các kết quả tích cực và tiêu cực. Có nhiều loại nghiệp khác nhau, nhưng tất cả các nghiệp đều được tạo ra qua những “cánh cửa” thân, ngữ và tâm. Trong ba cửa, tâm là cửa chính yếu, bởi trạng thái tâm thiện lành hay bất thiện sẽ quyết định các hành động của thân và ngữ là thiện lành hay bất thiện. Khi ta dấn mình vào các thiện hạnh bằng thân, ngữ, và tâm ta, kết quả sẽ là hạnh phúc; và khi ta dấn mình vào các ác hạnh với thân, ngữ, và tâm ta, kết quả là đau khổ. Chúng ta có thể nhận ra điều này thật rõ ràng trong nhiều hoàn cảnh ngay trong đời này, chẳng hạn như một kẻ sát nhân trải nghiệm rất nhiều sự khó chịu và đau khổ trong đời này – chẳng hạn như bị săn đuổi, tù tội, ghét bỏ, và đôi khi bị tử hình – là một kết quả của việc giết người, đó là chưa nói tới những gì sẽ xảy ra trong đời sau.

Người hoàn toàn thấu hiểu sự vận hành của nghiệp sẽ xem việc dấn mình vào một ác hạnh giống như nuốt thuốc độc: người nuốt thuốc độc bị bệnh và chết; trái lại, việc tham dự vào một thiện hạnh giống như dùng thuốc. Việc dùng thuốc có thể chữa lành bệnh tật của bạn, khiến cho nỗi khổ vì bệnh tật của bạn được xua tan và bạn được hồi phục. Có một mối liên hệ vô cùng trực tiếp giữa các hành động và kết quả của hành động đó.

Một số người có thể nghi ngờ, nghĩ rằng Tôi không tin ở nghiệp bởi bạn không thể thực sự tận mắt nhìn thấy nó. Tuy nhiên, bạn không nên hy vọng nhìn thấy nó bằng mắt của bạn. Hành động của nghiệp là một năng lực, giống như có một năng lực trong thuốc độc có thể làm bạn bị bệnh và có thể bị chết, mặc dù bạn không thể nhìn thấy tính chất tai hại của chất độc. Nó giống như một chất vô hại, và bằng cách nhìn nó, bạn không thể nói rằng nó có khả năng giết bạn. Nhưng dĩ nhiên là nếu bạn dùng nó, bạn sẽ nhận biết kết quả của nó. Cũng thế, có một năng lực kéo dài tạo nên nghiệp để vận hành theo cách của nó, và ta không nên trông chờ sẽ nhìn thấy năng lực đó. Nó vô hình, nhưng hoàn toàn chắc chắn là sẽ vận hành, giống như cách thuốc men và chất độc vận hành. Chúng có thể làm lợi lạc hay làm hại ta, nhưng ta không thực sự nhìn thấy năng lực trong chất thể chữa lành cho ta hay khiến ta bị bệnh. Ta chỉ nhìn thấy kết quả là ta trở nên khỏe mạnh hay đau yếu. Nghiệp cũng vận hành như thế.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. BỐN TƯ TƯỞNG CHUYỂN TÂM
  2. BỐN TƯ TƯỞNG CHUYỂN TÂM

Bài viết mới

  1. THẦY VÀ ĐỆ TỬ
  2. QUAN SÁT TÂM, ĐIỀU PHỤC TÂM
  3. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU