BỐN TƯ TƯỞNG CHUYỂN TÂM

KHENPO SAMDUP

Trích: Tu Học Phật Pháp - Suối nguồn của hạnh phúc nhất thời và vĩnh cửu; Virginia Blum dịch sang Anh ngữ - Thanh Liên dịch sang Việt ngữ

Bốn tư tưởng chuyển tâm là những nền tảng chung cho bước đầu thực hành để xoay chuyển tâm ta hướng về Pháp. Đây là sự phản tỉnh, phản tư trên chính cuộc đời mình để xoay hướng nó đến mục tiêu đích thật của cuộc đời mỗi người, đồng thời là động lực để thúc đẩy con người đi đến đó. Mục tiêu này là sự giải quyết cho những câu hỏi muôn đời của nhân loại : Chúng ta từ đâu đến, chúng ta sống để làm gì, và chết chúng ta đi về đâu?

Khenpo Samdup và Ngài Garchen Rinpoche

Khenpo Konchog Samdup sinh tại tỉnh Kham, vùng Nangchen miền Đông Tây Tạng. Khi lên bảy tuổi, ngài nhận những lời thề nương náu từ Đức Garchen Rinpoche, và năm mười hai tuổi ngài thọ giới xuất gia.

Bài viết dưới đây được trích từ chương 3 của tác phẩm “Tu Học Phật Pháp – Suối nguồn của hạnh phúc nhất thời và vĩnh cửu”. Và đây là lời giới thiệu của Đức Kyabje Triptrul Garchen Rinpoche về tác phẩm này: “Bao gồm một tuyển tập giáo lý đạo Phật, quyển sách này thật cần thiết và vô cùng quan trọng. Ngày nay, chúng ta nối kết với nhau nhờ khoa học và kỹ thuật tiến bộ nhanh chóng, và vì thế mọi người bận tâm với việc cố gắng tìm kiếm thêm những tiện nghithuận lợi. Vào một thời đại như thế, ý nghĩa của Phật pháp phải được trình bày bằng một phương pháp cô đọng, mạch lạc và rõ ràngĐặc biệt quan tâm đến những học viên mới bắt đầu, là những người say mê nghiên cứu Phật giáo, Khenpo Samdup đã hiến tặng tuyển tập này, nó bao gồm nhiều phương diện chính yếu nhất của cái thấy, sự thực hành, và cách hành xử theo Phật giáo bằng một phương pháp thật dễ hiểu và trong sáng. Trong khi được diễn đạt súc tích, quyển sách này vẫn giữ được tính chất rộng rãiphóng khoáng của những vấn đề cốt yếu của giáo lý. Tôi tin rằng nó sẽ trở thành nguyên nhân cho sự lợi lạc và hạnh phúc của nhiều chúng sinh và chân thành cầu mong ước nguyện này được thành tựu tuyệt hảo.” – Garchen Konchog Gyaltsen (Garchen Rinpoche), 03/12/2012.

???

 

Có những lúc nhiều người trong chúng ta không cảm thấy một thôi thúc mạnh mẽ để thực hành Phật pháp, và do bởi lười biếng và dửng dưng nên ta trì hoãn việc tu tập này. Sự bám luyến của ta vào những hoạt động sinh tử và cuộc đời này thật mãnh liệt, và ta thấy khó có thể chuyên chú miên mật vào việc thực hành Pháp. Trong những hoàn cảnh đó, điều cần thiết phải làm là thường xuyên suy niệm về Bốn Tư Tưởng Chuyển Tâm.

? Tư tưởng thứ nhất, ta phát triển một nhận thức đúng đắn về sự quý báu của việc sinh ra làm người với những tự do và thuận lợi. Cơ hội đạt được sự giải thoát khỏi sinh tử thật hy hữu, và thực ra, trong tất cả chúng sinh trong sáu cõi, con người là chúng sinh duy nhất có khả năng làm điều đó. Vì thế, được sinh ra làm người, và đặc biệt là người có đủ những tự do và thuận lợi cần thiết để đi vào việc thực hành Pháp thì vô cùng hiếm có và quý báu. Ta có thể hiểu được sự hiếm có của việc sinh ra làm người cao quý nhờ phương pháp thống kê. Trước hết, hãy so sánh số lượng con người với số lượng thú vật trong thế giới này. Khi bạn nghĩ về việc có đủ loại thú vật khác nhau, dã thú, hay gia súc, chim, cá và sinh vật biển khác nhau, bạn dễ dàng nhận ra là số thú vật vượt xa số lượng con người. Mặc dù một vài loài to lớn đang trở nên hiếm có, vẫn còn rất nhiều loài cá nhỏ, loài bò sát,lưỡng cư ( vừa sống trên cạn vừa sống dưới nước), những côn trùng nhỏ xíu, và những con rệp cực nhỏ sống khắp mọi nơi.

Tư tưởng thứ hai trong Bốn Tư Tưởng là suy niệm về cái chết và sự vô thường. Ta phải tỉnh giác và chánh niệm về sự thực là chắc chắn ta sẽ chết. Chưa từng có ai sinh ra mà không chết. Khi ta sinh ra, cái chết là điều không thể tránh được; đó là điều chắc chắn 100%. Một người cho dù vĩ đại, một tổng thống uy quyền, một bậc thánh thiện tôn quý – mọi người được sinh ra cuối cùng đều phải chết. Chúng ta biết điều này, nhưng ta cũng phải thường xuyên tỉnh giác về sự thực là từng giây phút ta sinh ra, mỗi ngày qua đi sẽ chỉ đưa ta đến gần cái chết hơn nữa. Không có cách nào đẩy lùi cái chết hay thậm chí không thể giữ không cho nó đến gần. Ta cần nghĩ tưởng điều này để không cảm thấy lười biếng. Ta phải thực sự hiểu rõ là ta còn rất ít thời gian. Một số người có thể ngã lòng khi nghĩ về điều này, nhưng vấn đề không phải là như thế. Ý nghĩa thiết yếu của sự suy niệm này là để thực sự quan tâm và quyết tâm thành tựu giải thoát. Không có cách nào đẩy lùi cái chết, vì thế cách hay nhất để tự chuẩn bị cho giây phút đó là thực hành để ta không có bất kỳ sợ hãi nào vào lúc chết.

Tư tưởng thứ ba trong Bốn Tư Tưởng là suy niệm về nhân và quả. Để tóm tắt, mọi điều ta làm được đặt nền trên một ý hướng đức hạnh vị tha thì tốt lành và tạo ra thiện nghiệp, và những gì ta làm với một ý hướng có hại cho người khác thì bất thiện và tạo ra ác nghiệp. Đây là một sự thực dù bạn có tin hay không; những ai dấn mình vào các ác hạnh sẽ tạo ác nghiệp, và kết quả của ác nghiệp đó là sau này họ sẽ trải nghiệm đau khổ. Tương tự như thế, những ai dấn mình vào những các thiện hạnh về sau sẽ kinh nghiệm nghiệp quả là hạnh phúc. Không có cách nào tránh khỏi nghiệp. Đó là một sự thực. người hiểu rõ nghiệp có thể sử dụng đức hạnh như một phương thuốc. Người dùng phương thuốc đức hạnh trải nghiệm hạnh phúc như kết quả, vì thế ta nên phát triển sự xác tín nơi tính chất không sai lạc của nghiệp và học cách sử dụng nó để chữa lành các phiền não của ta.

Tư tưởng cuối cùng trong Bốn Tư Tưởng là suy niệm về những khiếm khuyết của sinh tử. Hầu hết mọi người nghĩ rằng sinh tử luân hồi không quá tệ, cho rằng thực ra nó khá thú vị. Hầu hết mọi người nghĩ rằng có nhiều lạc thú để tận hưởng trong cuộc đời này. Có lẽ ta có thể tìm thấy một vài lạc thú thoáng qua, nhưng chừng nào mà ta còn tồn tại trong hiện hữu luân hồi, ta sẽ không tìm được hạnh phúc nhất thời nào đó, cuối cùng nó sẽ trở thành đau khổ, bởi mọi sự là kết quả của những nguyên nhân và điều kiện( duyên) có bản chất là đau khổ. Nó có bản tánh của sự vô thường và biến hoại. Cuối cùng mọi hoàn cảnh vừa ý sẽ chấm dứt hay mất đi vẻ thú vị của nó, và đau khổ sẽ xảy ra. Chẳng hạn như khi chúng ta mua một món đồ điện tử mới nhất hay một bộ quần áo đẹp, trước hết ta cảm thấy phấn khích và sung sướng vì có món đồ đặc biệt đó, nhưng chẳng bao lâu vẻ lộng lẫy của nó suy giảm và nó không còn quá hấp dẫn như trước nữa. một kiểu cập nhật hay một thời trang mới hơn ra đời, hay có thể nó không làm việc thật hiệu quả nữa, hoặc nó đổi màu và trông cũ kỹ. Đó là lý do vì sao ta nói những lạc thú của sinh tử thì nhất thời. Chúng không bền chắc hay đáng tin cậy.

Lợi lạc của việc suy niệm Bốn tư Tưởng Chuyển Tâm là nó mang lại cho ta cảm hứng để hoàn toàn dấn mình vào việc thực hành Pháp. Khi ta suy niệm về việc thật khó có được cơ hội khác để thực hành trong một tái sinh làm người với đầy đủ tự do và thuận lợi, về việc cái chết có thể chấm dứt cơ hội này bất kỳ lúc nào, về nghiệp là chìa khóa cho mọi kinh nghiệm trong tương lai của ta và về việc ở trong luân hồi sinh tử sẽ chỉ mang lại đau khổ không ngừng dứt, ta sẽ cảm thấy hứng khởi để thực hiện.

???

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. QUY LUẬT NGHIỆP QUẢ HAY NGUYÊN NHÂN VÀ HỆ QUẢ
  2. BỐN TƯ TƯỞNG CHUYỂN TÂM
  3. ÁI DỤC LÀ GỐC RỄ CỦA SANH TỬ 

Bài viết khác của tác giả

  1. BỐN TƯ TƯỞNG CHUYỂN TÂM
  2. NGHIỆP, NHÂN VÀ QUẢ

Bài viết mới

  1. KIÊN TRÌ ĐẾN LÚC THÀNH CÔNG
  2. BẢN TÁNH TỐI HẬU CỦA TÂM
  3. BA CON ĐƯỜNG