KINH A DI ĐÀ SỚ SAO
CHU HOẰNG ĐẠI SƯ – Tổ Thứ Tám Tịnh Độ Tông (*)
SỚ: Số là, với cái niệm mà không là chơn niệm; với việc sanh mà hiểu vào vô sanh. Bởi niệm danh hiệu Phật tức là niệm tâm ta, còn sanh nước kia không lìa sanh cõi đây. Vì rằng tâm, Phật và chúng sanh tuy ba mà vẫn đồng một thể; giữa dòng và hai bên đầu không nhứt định ở một chỗ nào nên gọi: tự tánh giác là Phật Di Đà, duy tâm tịnh là cõi tịnh độ.
SAO: Tiếp văn trên nói: Cái lẽ mà được nhơn tốt quả mầu như thế là phần chính do tu pháp trì danh hiệu Phật đến chỗ nhứt tâm, niệm tột thành không niệm, niệm mà không niệm mới là chơn niệm. Lại cái thể niệm vốn không, niệm thật không niệm, gọi là chơn niệm vậy.
Câu “sanh vô sanh” là: Vì rõ thể sanh không có thì sanh mà không sanh, không sanh mà sanh, thế gọi là dùng tâm niệm Phật chứng nhập bực nhẫn vô sanh, nhưng trong bài “Giáo Khởi” văn sau có nói rành. Nên biết trọn ngày niệm Phật chính là trọn ngày niệm tâm, rõ ràng vãng sanh, nhưng lặng trang không có gì lai vãng.
Câu “Tâm, Phật và chúng sanh” đó, kinh nói: “Tâm và Phật cùng chúng sanh, cả ba không sai khác”. Bởi vì tâm niệm Phật tức là Phật A Di Đà, Phật A Di Đà tức là tánh Phật của chúng sanh, vì đồng một bản thể Biến Chánh Giác nên chi chúng sanh trong tâm của chư Phật trở lại niệm lấy chư Phật trong tâm của chúng sanh. Nếu “mê” phải cầu “Giác” mà giác thì vẫn đồng nhau, nên nói đồng một thể.
Câu: “Giữa dòng và hai bên” là cõi Ta bà dụ ở bên này, cõi Cực Lạc dụ ở bên kia. Ban đầu nhàm khổ ưa vui; rồi đến cái chấp phân biệt khổ vui đều mất, sau rốt cũng không trụ nơi phi khổ, phi vui, thế là hai bên đã không chấp trước, chặng giữa lại cũng không để lòng. Tự tánh sẵn có đức Phật A Di Đà, duy tâm sẵn có cõi Tịnh độ, ý cũng như đây. Thế thời pháp Thiền về pháp Tịnh Độ, cả hai tuy khác lối tu, nhưng đồng về một chỗ là “tánh” vì không lìa tự tâm, mà tự tâm tức là Phật, tức là Thiền.
Vậy ai kia chấp Thiền chê Tịnh Độ, chính là tự chê bổn tâm của mình, cũng là chê Phật và chê pháp Thiền của mình đương tu nữa là họ cũng chẳng biết, tự nghĩ xét đó thôi!
—
CHU HOẰNG ĐẠI SƯ – Tổ Thứ Tám Tịnh Độ Tông (*)
Hòa Thượng Thích Khánh Anh dịch
(*): Chu Hoằng Đại Sư (hay Châu Hoằng Đại Sư), người Hàng Châu, họ Trầm, tự Phật Huệ, hiệu Liên Trì (nên cũng được gọi là Liên Trì Đại Sư). Năm 17 tuổi đã được bổ làm Giáo thọ, có tiếng là người học hạnh gồm đủ. Bên nhà ngụ có mụ già, mỗi tối niệm Phật vài nghìn câu làm thường khóa, Đại Sư hỏi. Mụ đáp: “Chồng tôi lúc sanh tiền chuyên trì niệm Phật. Đến ngày lâm chung không bịnh, vui vẻ vòng tay cáo từ mọi người mà đi. Do đó, nên tôi biết công đức niệm Phật không thể nghĩ bàn”. Từ khi nghe lời mụ già láng giềng nói, Đại Sư để tâm nơi pháp môn Tịnh độ. Ngài viết bốn chữ lớn “Sanh tử sự đại” treo trước bàn để tự răn nhắc. Năm 32 tuổi xuất gia, ngài đến học với Biện Dung Thiền Sư, Tiếu Nham Thiền Sư, tham cứu câu “Niệm Phật đó là ai?” được tỉnh ngộ. (Trích ở bộ: “Vân Thê Pháp Vị”)