LUẬT NGHIỆP QUẢ

HE. GARCHEN RINPOCHE VIII

Trích: Những Giáo Lý Phowa Và Bardo; Người dịch: Ngộ Châu; NXB Thiện Tri Thức.

Hai chân lý – tương đối và tối hậu – giải thích bản tánh của tất cả mọi hiện tượng trong sanh tử và Niết bàn. Theo quan điểm của chân lý tương đối, mọi sự vật hiện tượng đều bị ràng buộc vào quy luật của nhân và quả. Ví dụ, trong thế giới này, có rất nhiều niềm vui và cũng có rất nhiều đau khổ. Ngày nay chúng ta có thể thấy điều này rõ ràng như nhìn thấy lòng bàn tay của chính mình. Ở một số nơi trên thế giới, nhiều người phải chịu đựng rất nhiều, và ở những nơi khác, mọi người thưởng thức đời sống của họ. Tất cả là do nghiệp.

Cho dù bạn thực hành thiện hạnh hay bất thiện hạnh, quả của những hành động đó biểu hiện trong bốn cách khác nhau. Quả đầu tiên được gọi là quả của sự chín thành. Ví dụ, nếu bạn có thù hận, quả của sự chín thành là sanh vào cõi địa ngục. Quả thứ hai là quả tương ứng với nhân. Do đã có thói quen với những hành động thù hận, nên ngay cả người ta khi sanh vào cõi người, người ta sẽ lại thích thú với những hành động thù hận. Người ta có một khuynh hướng tự nhiên với những hành động thù nghịch. Quả thứ ba là quả vượt trội. Vì lòng thù hận, người ta sanh ra ở một nơi mà có nhiều xung đột và chiến tranh. Bị dẫn dắt bởi sức mạnh của nghiệp, người ta không có chọn lựa nào khác ngoài việc sanh ra ở một nơi như vậy. Cuối cùng có quả sanh sôi nảy nở – khi người ta tạo một nhân, thì quả sẽ tăng lên nhiều lần. Bốn loại quả này có thể được áp dụng cho những hành động thiện hạnh.

Bất cứ khi nào bạn gặp đau khổ, bạn nên nhớ rằng đó là quả của các hành động của chính bạn. Nếu bạn biết điều này, thì bớt đi một nửa của nỗi khổ và niềm đau. Nếu bạn xem xét tình huống một cách cẩn thận, bạn sẽ phát hiện ra rằng những nghiệp quả này là do những cảm xúc phiền não gây ra và những cảm xúc phiền não nằm trong tâm của chính bạn. Rồi bạn sẽ nhận biết rằng tất cả những đau khổ trong quá khứ đều do bởi những cảm xúc phiền não gây ra. Sự xem xét nội tâm như vậy là rất có lợi trong việc thoát khỏi những cảm xúc phiền não.

Tôi muốn nói với bạn điều gì đó từ tận đáy lòng mình. Tôi không phải là một người có học; Tôi không phải là một người rất uyên bác để dạy bạn. Nhưng tôi có nhiều kinh nghiệm về đau khổ và hạnh phúc, và điều này chứng tỏ sự chắc chắn của định luật nghiệp. Trong tôi không có nghi ngờ gì về sự tốt đẹp của tình yêu thương và sự tàn phá của sự chấp ngã. Nếu bạn tạo nghiệp, quả chắc chắn sẽ chín thành với bạn, và tôi đã kinh nghiệm điều đó trong chính cuộc đời mình.

Trong cuộc cách mạng văn hóa ở Tây Tạng, tôi là một tu sĩ với một tràng hạt trên tay, cố gắng thực hành Pháp. Nhưng đột nhiên những kẻ thù ập đến, và tôi đã buộc tham gia chiến đấu. Nó đã xảy ra hoàn toàn bất ngờ, nhưng nó đã xảy ra do những kết nối nghiệp xấu với những người này. Sau đó, tôi đã phải ngồi tù khoảng 20 năm. Đây là một minh chứng rõ ràng về quả của nghiệp xấu.

Sau đó, tôi đã thực hành tình yêu thương và lòng bi mẫn. Như một kết quả của điều đó, tôi đã có thể đi xa Tây Tạng, đến nhiều nước để giảng dạy Phật pháp. Nhiều học trò nghe tôi nói và cảm thấy sùng mộ. Họ đến với tôi với nước mắt ngấn lệ. Những kết nối của tình yêu thương và lòng bi mẫn này là kết quả tích cực của những hành động thiện hạnh. Vì vậy, với sự hiểu biết luật nghiệp quả không thể sai lầm, tất cả các bạn nên không ngừng cảm mến và yêu thương nhau.

Trong phần này, Tôi đã nói về nghiệp, nhân và quả, vì vậy bây giờ bạn nên hiểu rằng những hành động thiện hạnh là đáng giá và bổ ích. Những hành động bất thiện là không đáng mong muốn, vì chúng là nguyên nhân của đau khổ. Và gốc rễ của những hành động tiêu cực này đều ở trong tâm phiền não – ba cảm xúc tiêu cực là tham, sân, và si, tất cả mọi tham lam, những tư tưởng độc hại, và những tà kiến của chúng ta – kẻ thù không ở bên ngoài, nó ở bên trong.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. GÌN GIỮ BỒ ĐỀ TÂM
  2. NHÂN QUẢ – QUI Y TAM BẢO

Bài viết khác của tác giả

  1. CÔNG HẠNH – NGỌN ĐÈN TRÍ HUỆ TỎA KHẮP
  2. BUÔNG BỎ BÁM CHẶT VÀO CUỘC ĐỜI NÀY
  3. KHAI THỊ SỐ 13: CHUẨN BỊ CHO CÁI CHẾT

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH