THỰC TẬP: THA THỨ ĐỂ ĐỐI TRỊ SÂN GIẬN

SHARON SALZBERG

Trích: Sống Với Tâm Từ; Nguyên tác: Loving Kindness; Việt dịch: Nguyễn Duy Nhiên; Hiệu đính: Nguyễn Minh Tiến; NXB. Tôn Giáo, 2016

Muốn giải thoát khỏi những sân hận nằm sâu kín trong ta, trước tiên ta phải thực tập sự tha thứ. Sự tha thứ có công năng nuôi dưỡng tình thương và làm tăng trưởng lòng kiên nhẫn. Nó mang lại cho ta một cuộc sống mới, không còn bị trói buộc vào quá khứ.

Khi nào ta vẫn còn gắn bó với những hành động trong quá khứ, của mình hoặc người khác, ta sẽ không thể sống cuộc sống này trọn vẹn. Những bất mãn, đau buồn, rác rưởi ta mang theo từ quá khứ sẽ bít kín con tim ta và thu hẹp cuộc đời ta lại.

Tha thứ không có nghĩa là ta phải bó buộc hoặc giả vờ làm một điều gì mình không muốn, hoặc hạ mình hy sinh cho những nhu cầu của người khác. Ngược lại, ta làm vì một tình thương rộng lớn với chính mình. Ta muốn phát triển một tâm từ không ngăn ngại. Ta muốn hòa giải hết những sự chia rẽ và ngăn cách với cuộc sống. Ta không còn muốn mang vác gánh nặng của mặc cảm tội lỗi và những nỗi phiền giận trong tâm ta nữa.

Tha thứ không phải là chuyện dễ. Không tha thứ hóa ra lại dễ hơn gấp bội phần. Các nhà chính trị hiểu điều này rất rõ. Họ biết rằng dùng sự căm hờn đoàn kết người ta lại với nhau dễ hơn nhiều so với dùng tình thương. Tiếp xúc được với một nơi trong ta biết thương yêu và tha thứ không phải là chuyện dễ. Bạn nên nhớ, khả năng tha thứ là một hành động buông bỏ rất thâm sâu, có thể so với cái chết. Chúng ta phải nói được rằng: “Tôi không còn là con người ấy nữa. Và chị cũng không còn là con người ấy nữa.”

Tha thứ không có nghĩa là ta chấp nhận những hành động bất thiện, hoặc làm ngơ trước những bất công và khổ đau của cuộc đời. Ta không nên lẫn lộn nó với thái độ thờ ơ và thụ động. Tha thứ chỉ có nghĩa là biết từ bỏ hết mọi mặc cảm tự ti và bất mãn trong ta. Và khi sự tha thứ trong ta được lớn mạnh, nó sẽ biểu lộ ra bên ngoài: ta có thể hòa giải, ta có thể đòi hỏi công bằng, bình đẳng, và ta cũng có thể chọn không làm gì cả.

Tha thứ là một tiến trình thực tập. Có nghĩa là khi ta quán chiếu, sẽ có những cảm xúc nghịch nhau khởi lên: hổ thẹn, tức giận, cảm thấy bị phản bội, nghi ngờ hoặc lẫn lộn. Hãy để cho chúng khởi lên mà đừng phê phán. Ghi nhận chúng như là những hiện tượng tự nhiên, và rồi từ tốn trở lại tập quán chiếu về sự tha thứ.

Sự thực tập quán chiếu về tha thứ có ba phần: cầu xin những ai ta đã gây khổ đau trong quá khứ hãy tha thứ cho ta; tha thứ cho những ai đã từng làm ta khổ đau trong quá khứ; và tha thứ cho chính mình.

Bạn hãy ngồi cho thật thoải mái, nhắm mắt lại, để cho hơi thở được tự nhiên, đừng điều khiển gì hết. Bắt đầu bằng lời niệm thầm: “Nếu trong quá khứ tôi có làm cho ai đau đớn hay khổ đau, vì vô tình hoặc cố ý, tôi xin được họ tha thứ.” Nếu có những hình ảnh, mặt người hoặc hoàn cảnh chi tiết nào khởi lên trong tâm, hãy buông bỏ mặc cảm tội lỗi ấy và xin được tha thứ: “Tôi cầu xin được sự tha thứ ở tất cả.

Sau một thời gian, bạn có thể ban sự tha thứ đến cho những ai đã từng làm khổ bạn. Bạn cũng đừng lo nếu cảm thấy sự ban cho của mình có vẻ máy móc, giả tạo, vì tác ý tự nó vẫn có một năng lượng ảnh hưởng rất lớn. Chúng ta tôn trọng khả năng buông bỏ và bắt đầu lại của mình. Ta tin vào khả năng biết thay đổi, biết mở rộng và thương yêu của con tim ta. “Nếu trong quá khứ có ai đã làm cho tôi khổ đau, vì vô tình hay cố ý, tôi xin tha thứ cho những người ấy.” Và nếu như có những tư tưởng hay hình ảnh nào khởi lên trong tâm, ta tiếp tục niệm thầm: “Tôi tha thứ cho chị/anh.

Và cuối cùng, ta thực tập tha thứ cho chính ta. Nếu vì lý do gì đó, mà ta đã làm cho mình khổ đau, không biết thương mình, hoặc không sống đúng với kỳ vọng của mình, đây là cơ hội để ta giải tỏa những nội kết ấy. Bạn cũng có thể kể thêm vào nếu bạn đã không thể tha thứ được người khác khi thực hành bài tập trên – vì đó cũng không phải là một lý do để ta tự làm khổ thêm. “Vì vô tình hay cố ý, tôi đã tự gây nên khổ đau cho mình, tôi tha thứ cho tôi.

Bạn hãy thực hành bài tập này trước mỗi buổi ngồi thiền, và cho phép năng lực của tác ý được phát triển. Vào đúng thời điểm, nó sẽ sinh hoa kết trái.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. HỌC CÁCH THA THỨ VÀ KHOAN DUNG
  2. LÀM THẾ NÀO ĐỂ THA THỨ VÀ SỐNG HẠNH PHÚC HƠN XƯA?
  3. NHỮNG NGƯỜI VĨ ĐẠI LUÔN BIẾT CÁCH THA THỨ

Bài viết khác của tác giả

  1. AN NHIÊN GIỮA BỘN BỀ
  2. CHUYỂN HÓA KHỔ ĐAU
  3. THỜI GIAN VÀ ƯU TIÊN

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP