BUÔNG BỎ HÀNH LÝ

HT. THÍCH NHẤT HẠNH

Trích: Không Diệt Không Sinh Đừng Sợ Hãi; Người dịch: Chân Huyền; Saigonbooks; NXB Hội Nhà Văn.

Buông bỏ hành lý

Ý muốn luôn luôn được đi trên miền Đất Tịnh sẽ giúp ta buông bỏ được những chuyện ngăn cản không cho ta sống với hiện tại. Nó cũng sẽ giúp ta học được tánh xả bỏ những gì làm ta âu lo, để trở thành con số không. Khi nghĩ tới số không, ta thường nghĩ tới hư vô, không có gì cả. Ta nhìn thấy phía tiêu cực của nó. Nhưng số không cũng có thể rất tích cực. Nếu bạn mang một món nợ phải trả, đó là số âm. Khi trả hết rồi thì tổng kết là zero. Thật là kỳ diệu vì nay bạn được tự do rồi.

Trong thời Bụt tại thế, có một vị tăng tên là Baddhiya. Trước khi đi tu ông đã là một vị đứng đầu một tỉnh lỵ trong vương quốc Sakka, nơi Bụt ra đời. Sau khi giác ngộ, Bụt đã trở về quê hương để thăm gia đình. Nhiều người trẻ nhìn thấy hạnh phúc và thảnh thơi của Bụt, nên xin đi theo Ngài. Họ cũng muốn được tự do.

Trong nhóm người đó có Baddhiya. Trong ba tháng đầu tại tu viện, ông tu tập rất tiến bộ, nên nhìn sâu được nhiều điều. Một đêm khi thực tập trong rừng, ông mở miệng la lên: “Ôi hạnh phúc! Hạnh phúc của tôi!”.

Khi làm tỉnh trưởng, Baddhiya đã ngủ trong những căn phòng đẹp đẽ, có nhiều lính canh gác. Ông ăn nhiều thứ mắc tiền và có nhiều người hầu hạ. Ngày nay ông ngồi dưới gốc cây, không có gì ngoài cái bát để khất thực và bộ áo nhà sư.

Một tăng sĩ khác ngồi gần Baddhiya nghe tiếng ông, lại tưởng ông này đang tiếc địa vị quyền thế và cuộc sống làm tỉnh trưởng ngày trước. Sớm hôm sau, vị tăng đó tới nói với Bụt những gì đã nghe. Bụt cho mời Baddhiya tới và trước tất cả tăng đoàn Bụt nói: “Này sư em Baddhiya, có phải đêm qua khi ngồi thiền Thầy đã nói câu “Ôi hạnh phúc! Hạnh phúc của tôi! phải thế không?”. Baddhiya trả lời: “Dạ thưa Thế Tôn, đúng vậy”. Bụt hỏi: “Vì sao vậy? Thầy tiếc nuối điều gì chăng?”. Baddhiya trả lời: “Trong khi ngồi thiền, con nhớ lại thời còn làm tỉnh trưởng, có bao nhiêu người hầu và người bảo vệ. Con luôn luôn thao thức vì sợ hãi. Con sợ người ta lấy cắp mất của cải, con sợ bị ám sát. Ngày nay ngồi thiền dưới gốc cây, con cảm thấy tự do quá. Bây giờ con không có gì để mất nữa, con hưởng được an lạc từng giây phút và cảm thấy chưa bao giờ sung sướng như bây giờ. Vì vậy mà con thốt lên: “Ôi hạnh phúc! Hạnh phúc của tôi!. Thưa Thế Tôn, nếu chuyện đó làm phiền tăng thân thì con xin sám hối”. Tới khi đó mọi người trong tăng đoàn mới biết những lời nói của Baddhiya là để diễn tả hạnh phúc thật sự của ông.

Xin hãy lấy tờ giấy và cái bút. Tới một gốc cây ngồi xuống, hay ngồi ở bàn giấy của bạn, viết một danh sách tất cả những thứ làm cho bạn hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây: đám mây trên trời, hoa trong vườn, trẻ nhỏ đang chơi đùa, sự việc bạn được gặp pháp môn thực tập tỉnh thức, người thương của bạn đang ngồi ở phòng kế bên, và cặp mắt còn tốt của bạn,… danh sách dài vô tận. Bạn có đủ để có hạnh phúc ngay bây giờ. Bạn có đủ để buông bỏ được các ý niệm tới-lui, trên-dưới, sống-chết. Hãy nuôi dưỡng bạn bằng những điều mầu nhiệm mà đời sống cống hiến cho bạn. Hãy nuôi dưỡng bạn ngay lúc này. Hãy đi vào vương quốc của Thượng đế.

Chúng ta chạy theo cái gì?

Nếu chúng ta không có mặt thật sự và không sống cho chính ta hay cho người thân của ta thì chúng ta đang ở đâu? Chúng ta chạy, chạy đuổi, chạy theo, ngay cả khi ta ngủ nghỉ. Chúng ta chạy chỉ vì sợ mất những gì mà chúng ta đuổi theo kia. Thực tập phục sinh có thể giúp bạn.

Khi bạn trở về với chánh niệm hay tỉnh thức, khi năng lượng chánh niệm có mặt trong bạn, thì năng lượng Thánh linh có mặt. Thánh linh làm nên đời sống. Chúng ta thực tập để có mặt Thánh linh. Sống từng giây phút hiện tại với Thánh linh không phải là điều gì trừu tượng. Khi ăn cơm, ăn loại ngũ cốc trộn trái cây và hạt dẻ hay ăn đậu hũ, hãy ăn sao cho Thánh linh có mặt trong bạn. Khi đi, hãy làm sao cho Thánh linh đi với bạn.

Xin đừng chỉ thực tập theo hình thức. Mỗi lần đi thiền hành là một lần mới. Đi làm sao để bạn được mỗi bước chân nuôi dưỡng bạn. Mỗi bữa ăn là một bữa ăn mới, để bạn được nuôi dưỡng bằng năng lượng Thánh linh hay năng lượng chánh niệm. Mỗi buổi thiền tọa cũng là một thời ngồi thiền mới mẻ.

Hãy ngồi cách nào để con người mới trong bạn biểu hiện ra được. Hãy thực tập với các bạn. Tăng thân đủ thông minh và bén nhạy để không bị mắc vào thói quen thiếu sự sáng tạo. Nhiều người trong chúng ta rất thông minh và có óc sáng tạo. Chúng ta nên dùng các khả năng đó để giữ cho sự thực tập sống động và đổi mới thường xuyên. Chúng ta có thể thực tập phép thiền quán này của đạo Bụt dù bạn là người Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo hay Do Thái giáo. Theo tôn giáo nào hay không có tôn giáo đều không phải là vấn đề.

Thực tập không phải là chỉ bắt chước về hình thức. Thực tập là phải dùng trí thông minh và tài khéo léo để nuôi dưỡng và chuyển hóa những con người chung quanh ta.

Bắt đầu lại

 Khi bạn ăn bánh mì hay bánh bơ nướng vào buổi sáng, hãy ăn cách nào để cái bánh trở thành đời sống. Hãy ăn như ăn bánh Thánh. Cảm thấy mình đang sống và đang tiếp xúc với tất cả vũ trụ. Nếu cái bánh là cơ thể chúa Jesus thì nó cũng là cơ thể của vũ trụ. Ta có thể nói: “Chiếc bánh này gồm tất cả vũ trụ”. Ăn với chánh niệm cho phép ta nhận diện được chiếc bánh như một phần của vũ trụ. Ăn như thế, bạn trở thành một con người mới. Hãy cho phép con người mới đó của bạn biểu hiện ra. Bạn có thể thực tập một mình hay với các anh chị em để giúp họ làm mới con người họ trong mỗi giây phút thực tập.

Khi chúng ta mới bắt đầu thực tập, ta có cái sơ tâm. Sơ tâm là một cái tâm rất đẹp. Bạn có hứng khởi muốn thực tập, muốn chuyển hóa tự thân, muốn có hòa bình an lạc. Niềm an vui đó sẽ lây sang người khác. Hãy làm bó đuốc và đem ngọn lửa của bạn châm cho các bó đuốc khác. Thực tập như thế, bạn sẽ giúp cho hòa bình và an lạc trên thế giới lớn lên.

Mỗi người chúng ta nên thực tập phục sinh. Khi thành công ta sẽ giúp được người chung quanh. Đây là sự tu tập thực sự của một con người sinh động. Những gì chúng ta làm hàng ngày như đi, ngồi, ăn, hay quét nhà, đều có mục tiêu làm cho chúng ta thực sự sống lại. Sống thực sự từng giờ từng phút, bạn tự đánh thức mình và sẽ đánh thức cả thế giới.

Tỉnh thức là bản chất của giáo pháp và thực tập. Bụt (Budh) có nghĩa là tỉnh thức. Người tỉnh thức là Buddha. Buddha (Bụt) là bất kỳ ai dạy chúng ta giáo pháp và phép thực tập tỉnh thức. Mỗi chúng ta có thể chuyển hóa, biến mình thành một ngọn đèn, để giúp cho toàn thế giới thức tỉnh.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. HẠNH PHÚC CHÂN THẬT
  2. ĐỊA CHỈ CỦA HẠNH PHÚC

Bài viết khác của tác giả

  1. QUÁN CHIẾU VỀ SỰ SI MÊ
  2. ÁP DỤNG GIÁO LÝ TƯƠNG TỨC TRONG CÔNG VIỆC KINH DOANH
  3. TRỊ LIỆU CÁC MỐI QUAN HỆ TRONG GIA ĐÌNH

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH