THA THỨ MỘT CÁCH TÍCH CỰC

AJAHN BRAHM

Trích: Mở Cửa Trái Tim; Nguyên tác: Opening The Door of Your Heart; Việt dịch: Hồ Thị Việt Hà; NXB. Tổng hợp Tp.HCM; Công ty TNHH VH-ST Trí Việt - First News, 2021

Có thể bạn sẽ nói với tôi rằng, tha thứ có thể có tác dụng trong tu viện nhưng nếu áp dụng ngoài đời, chúng ta sẽ bị lợi dụng mất. Mọi người sẽ giẫm đạp lên chúng ta vì nghĩ rằng chúng ta là những kẻ yếu đuối. Tôi đồng ý với bạn. Tha thứ kiểu đó thì hiếm khi có tác dụng.

Khoảng mười năm trước, vào cuối một buổi tối nói chuyện vào ngày thứ Sáu của chúng tôi tại Perth, một phụ nữ tiến đến gặp tôi. Theo như tôi nhớ thì chị này thường xuyên tham dự những buổi nói chuyện hàng tuần của tôi nhưng đây là lần đầu tiên chị đến nói chuyện với tôi. Chị nói muốn cảm ơn rất nhiều, không chỉ cho riêng tôi mà cho tất cả những nhà sư đã dạy tại trung tâm của chúng tôi. Rồi chị ấy giải thích lý do vì sao lại thế. Chị đã đến đền của chúng tôi từ bảy năm trước. Lúc đó, chị thú nhận là mình chưa quan tâm lắm đến Phật giáo cũng như việc thiền định. Lý do chính để chị tham dự những buổi nói chuyện đó là có cớ để ra khỏi nhà.

Chồng của chị là một người rất thô bạo và chị là nạn nhân của nạn bạo hành gia đình khủng khiếp. Thời đó các tổ chức hỗ trợ không thể giúp một nạn nhân như chị. Giữa lúc dầu sôi lửa bỏng như thế, chị chỉ muốn bỏ nhà ra đi. Thế là chị đến với trung tâm Phật giáo của chúng tôi, lòng nghĩ rằng hai giờ ở chùa sẽ giúp chị tránh được hai giờ bị đánh đập tại nhà.

Những gì nghe được tại chùa đã làm thay đổi cuộc đời chị mãi mãi. Chị nghe các thầy giảng về sự tha thứ tích cực và quyết định áp dụng thử với chồng mình. Chị nói cứ mỗi lần anh ta đánh chị, chị lại tha thứ và bỏ qua. Làm thế nào chị làm được như vậy thì chỉ có mình chị biết. Sau đó cứ mỗi lần anh ta làm hay nói bất cứ một điều gì tử tế, cho dù là nhỏ bé, chị cũng ôm lấy anh, hôn anh và dùng mọi cử chỉ để thể hiện cho anh ta thấy điều đó có ý nghĩa với chị như thế nào. Tóm lại là chị không coi đó là những điều hiển nhiên mà anh ta phải làm cho mình.

Chị thở dài và bảo tôi rằng cứ như thế phải đến bảy năm trời. Nói đến đây thì chị rưng rưng nước mắt và tôi cũng vậy. Bảy năm trời, chị nói tiếp, và giờ đây thầy không thể nào nhận ra anh ta được nữa. Anh ta đã thay đổi hoàn toàn. Giờ đây chúng tôi có một mối quan hệ đầy tình cảm, quý báu cùng hai đứa trẻ tuyệt vời”. Gương mặt chị ngời sáng như thần thánh. Tôi chỉ muốn quỳ xuống trước mặt chị. “Thầy có thấy cái ghế đẩu đó không?”, chị hỏi tôi. “Anh ấy đã làm nó cho tôi ngồi thiền khiến tôi hết sức ngạc nhiên. Nếu là bảy năm trước thì anh ấy chỉ dùng nó để đánh tôi mà thôi!“. Cái cục nghẹn trong cổ tôi bỗng biến mất khi tôi cười cùng với chị.

Tôi gọi kiểu tha thứ đó là “tha thứ một cách tích cực”. “Tích cực nghĩa là củng cố một cách tích cực những phẩm chất tốt đẹp mà chúng ta muốn nhìn thấy ở đối tượng đó, con người đó. “Tha thứ nghĩa là buông bỏ những thói hư tật xấu chứ không day đi day lại vào chỗ xấu đó. Ví dụ, trong một khu vườn nếu bạn chỉ biết tưới cỏ thì chẳng khác nào vun trồng rắc rối, không tưới cây nào cả thì cũng giống như chỉ biết thực hành sự tha thứ mà thôi, còn chỉ tưới hoa chứ không tưới cỏ chính là biểu tượng của việc “tha thứ một cách tích cực”.

Tôi ngưỡng mộ người phụ nữ đó. Có thể nói chị ấy đã tự tạo ra hạnh phúc cho chính mình, vốn thật đáng kể và lớn lao đối với tương lai tươi sáng của mình. Và chị đã biến đổi được một con quái vật thành người đàn ông biết quan tâm. Chị đã giúp được người khác một cách kỳ diệu.

Đó là một ví dụ rõ nét về sự tha thứ tích cực vốn chỉ dành cho những ai muốn hướng đến sự thánh thiện. Nó cho thấy những gì bạn có thể đạt được khi sự tha thứ được kết hợp với việc động viên cái tốt.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THỰC TẬP: THA THỨ ĐỂ ĐỐI TRỊ SÂN GIẬN
  2. HỌC CÁCH THA THỨ VÀ KHOAN DUNG

Bài viết khác của tác giả

  1. TÂM TRÍ CỦA LOÀI KHỈ
  2. NHÀ SƯ VÀ QUAN ÂM BỒ TÁT
  3. CHO ĐI ĐỂ VUI SỐNG

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH