TAITETSU UNNO
Nguồn: Sông Lửa Sông Nước; Việt dịch: An Cư; NXB. Doubleday, 1998; NXB. Thiện Tri Thức, 2001
Vài năm trước ở Smith College có một cuộc khủng hoảng giữa sinh viên Ân Độ và sinh viên Do Thái. Những sinh viên Nam Á treo những áp phích với chữ vạn trên đó, thông báo Lễ Ánh Sáng vào giữa tháng mười một. Đó là Divali, một lễ tiết Ấn giáo thiêng liêng nhất. Điều này làm cho những sinh viên Do Thái khó chịu, họ cũng có lễ Kristallnacht vào cùng thời gian đó. Kristallnacht là một sự tưởng nhớ triều đại khủng bố chống lại người Do Thái ở Đức và Áo vào ngày 10 tháng 11 năm 1938. Đám đông dân chúng, bị kích động bởi chính quyền Quốc Xã, đã phá hủy 7.000 cơ sở kinh doanh, 267 giáo đường Do Thái giáo, và gởi hàng ngàn người vào trại tập trung. Ngày tưởng niệm này trùng với Lễ Ánh Sáng của Ấn Độ.
Những sinh viên Do Thái xem những áp phích như là sự xúc phạm cao nhất đối với dân tộc và đức tin của họ. Họ yêu cầu những sinh viên Ấn Độ phải gỡ những tấm áp phích xuống. Sinh viên Ấn Độ cương quyết từ chối, chữ vạn là biểu tượng thiêng liêng của Ấn giáo. Họ tố cáo những người Do Thái là không khoan dung và cuồng tín. Những sinh viên có những cuộc gặp gỡ do Viện trưởng chủ tọa để tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột.
Viện trưởng mời vài thành viên của các phân khoa, có cả tôi, để tham dự những buổi gặp gỡ sau chót. Để chuẩn bị, tôi nghiên cứu qua lịch sử của chữ vạn và khám phá sự phổ biến rộng rãi của nó từ thời tiền sử trong các nền văn minh khác nhau. Biểu tượng của điềm lành này có trong Mohenjodaro, Mesopotamia, Troy cổ, Cyprus, Athens, Meso-america, trung Âu, Palestine, Ý, Scandinavia, Đức và vân vân. Nó thuộc về di sản Aryan bao hàm trong những văn hóa Ấn-Âu. Hitler đã dùng nó theo cách riêng.
Sau hai giờ tranh luận hăng say, xúc động giữa những sinh viên, chúng tôi được hỏi cho ý kiến về chủ đề. Nói với tư cách một người Phật giáo, tôi nói với những sinh viên rằng tôi cũng xem chữ vạn là một biểu tượng thiêng liêng của đức tin của tôi. Nó được tìm thấy trong nghệ thuật và điêu khắc của Phật giáo thời sơ khởi ở Ấn Độ và Đông Nam Á. Về sau nó được truyền qua Tây Tạng, Trung hoa, Hàn Quốc, Nhật Bản và các xứ Đông Á khác. Chữ vạn trang hoàng những kinh điển, mạn đà la, y phục, cột trụ, cổng và chánh điện các chùa và tu viện. Tôi không ngăn được sự bày tỏ thiện cảm với những sinh viên Ấn Độ.
Nhưng như bất kỳ ai sống trong thế kỷ hai mươi tôi cũng không thể không biết sự diệt chủng của Phát Xít Quốc Xã hàng triệu người Do Thái, Ba Lan, Cộng Sản, dân Gypsy, người đồng tính luyến ái và tù nhân chính trị trong Thế Chiến Thứ Hai. Trong lịch sử thế giới hiện đại chữ vạn trở thành biểu tượng rốt ráo của cái ác. Như thế, bắt buộc tôi phải công nhận việc làm méo mó chữ Vạn này của Quốc Xã chứa đựng một năng lực đen tối, đáng sợ.
Cuộc xung đột bế tắc không có giải pháp hợp lý thỏa mãn cả đôi bên. Là một người ngoại cuộc, tôi không bao giờ có thể thấu tận đáy nỗi đau đớn và kinh hoàng của người Do Thái dưới sự cai trị Quốc Xã, tôi cũng không thể thực sự cảm thấy sự bị tổn thương và nhục mạ của các sinh viên Ấn Độ xa quê hương, bị tố cáo là không nhạy cảm. Nhưng, tôi nói, có cái gì tất cả chúng ta có thể làm hôm nay, bất kể chúng ta đến từ đâu. Đó là tự hỏi chính chúng ta Tôi có luôn luôn thoát khỏi cuồng tín và bất công? Tôi có luôn luôn đối xử với những người khác, dù nhóm hay cá nhân, với sự tôn trọng? Tôi có luôn luôn thoát khỏi sự không nhạy cảm với những người không giống chúng ta? Tôi có không bao giờ lợi dụng những người khác cho những cái được của riêng tôi? Tôi có nói vì sự đối xử bình đẳng mọi người, bất kể màu da, tín ngưỡng, phái tính, tuổi tác, giai cấp?
Cuộc tranh luận thù hằn lắng xuống và buổi gặp gỡ chấm dứt một cách im lặng. Không có giải pháp nào đạt được cho đêm nay. Kỳ nghỉ tạ ơn sớm tiếp theo, và mọi sinh viên rời khu đại học. Nhưng đúng một năm sau một đồng nghiệp Do Thái nói với tôi rằng sự yêu cầu tự phản tỉnh của tôi đã đánh trúng nhiều người, tháo bớt căng thẳng và mở ra khả năng đối thoại thực sự.
Sự tự hỏi mà tôi đề nghị đến từ kinh nghiệm viếng thăm những di tích của trại tập trung Dachau một mùa hè vài năm trước đó. Tác động do sự tiêu diệt người Do Thái không thực sự làm chấn động tôi cho đến cuộc viếng thăm không định trước ấy. Lần dừng chân đầu tiên của ba tuần ngoạn cảnh châu Âu của tôi và vợ tôi là Munich, Đức. Lý do hàng đầu khiến tôi đi thăm Dachau, gần Munich, là một đề mục tin tôi đọc trên báo. Nó kể lại một cuộc họp mặt ở San Francisco giữa những nạn nhân sống sót ở Dachau và những lính Mỹ-Nhật của Trung Đoàn 442. Những người lính này là những người đầu tiên giải thoát cho một trại của Dachau ngày 14 tháng 4 năm 1944, nhưng những tin tức bị chính phủ Mỹ dìm đi gần nửa thế kỷ, bởi vì những gia đình của nhiều lính Mỹ dòng dõi Nhật Bản này còn bị giữ trong những hàng rào kẽm gai ở Mỹ.
Thấy những ảnh của sự tàn sát đối với dân Do Thái, mục tiêu của chuyến du lịch của tội đổi từ ngắm cảnh thành ra nhìn xem lại sự ngược đãi Do Thái bất cứ nơi nào tôi đến : Salzburg, Vienna, Budapest, Warsau, Gdansk, Cracow, Auschwitz, Prague và Amsterdam. Ở mỗi chỗ dừng chân tôi tự hỏi : Nếu tôi là một thanh niên ở Thế Chiến Thứ Hai ở những nơi này, tôi có là nạn nhân hay người gây ác ?
Trong lịch sử hiện thời Hitler được nhìn như một hiện thân xấu ác, và Mẹ Teresa như hiện thân của tình thương. Sự khác biệt của họ thì không thể nhầm lẫn, nhưng cả hai đều là con người. Là con người, chúng ta có thể hoặc là Hitler hay Mẹ Teresa. Vấn đề then chốt cho mỗi chúng ta thành là ai, một Hitler hay một Mẹ Teresa ? ra, Tôi
Một lần khi Mẹ Teresa được hỏi tại sao bà hiến đời mình cho người nghèo và thiếu thốn ở Calcutta, nghe rằng bà trả lời, “Bởi vì tôi nhận ra rằng tôi có một Hitler bên trong tôi.”
Điều này có vẻ nghịch lý, nhưng sự thừa nhận của bà đi vào cốt lõi của sự thức tỉnh tôn giáo. Không có tỉnh giác về tiềm năng làm sự xấu ác của mình, ma quỷ trong ta vẫn không được nhận biết và thử thách. Tiềm năng gây ra tàn phá, dù trong đời sống cá nhân hay xã hội, chờ đợi bùng nổ từ bên trong chúng ta vào bất cứ lúc nào. Nhưng khi chúng ta trở nên tỉnh thức hoàn toàn với bóng tối của chúng ta, cái xấu sẽ mất quyền lực của nó đối với chúng ta, và năng lượng thúc đẩy nó được chuyển hóa thành một năng lực cho cái tốt đẹp.