CẢM XÚC DÙNG ĐỂ LÀM GÌ ?

DANIEL GOLEMAN

Nguồn: Trí Tuệ Xúc Cảm; Dịch giả: Phương Linh – Minh Phương – Phương Thúy; NXB. Trí Thức; 2007

Hãy suy ngẫm về kết cục bi thảm của Gary và Mary Jane Chauncey, bố mẹ của Andrea, đứa trẻ 11 tuổi bị gắn chặt với chiếc xe lăn do chứng bệnh bại liệt. Trên một nhánh sông thuộc bang Louisiana, chuyến tàu hoả có cả gia đình Chauncey đã bị trượt bánh và rơi xuống sông, sau khi vụ một chiếc xà lan đâm vào cây cầu và làm đoạn đường sắt qua cầu bị hư hại nặng. Nghĩ tới con gái mình trước hết, cả hai bố mẹ cố cứu cho được cô bé Andrea khi nước đã ngập đầy toa tàu. Tuy đã trao được đứa con cho những nhân viên cứu hộ qua ô cửa sổ, nhưng họ đều bị chết đuối. Sự hy sinh của bố mẹ Andrea là một hành động anh hùng và những trường hợp như vậy có rất nhiều trong lịch sử loài người. Xét theo quan điểm tiến hoá, sự hy sinh này là nhằm bảo đảm cho “thành công sinh sản”, bảo đảm sự truyền thụ gen cho thế hệ tiếp theo. Nhưng đối với những bậc cha mẹ khi đưa ra quyết định tuyệt vọng như vậy chỉ là một cử chỉ yêu thương mà thôi.

Những hành vi anh hùng ấy minh hoạ cho chức năng và sức mạnh của các xúc cảm, chứng minh cho vai trò của tình yêu vị tha – và của tất cả những xúc cảm khác – trong đời sống con ngườI. Chúng cho thấy những đam mê, ham muốn chỉ dẫn hành động của chúng ta đến mức nào, và chúng ta phải nhờ tới quyền năng của những xúc cảm ấy để sống còn đến mức nào. Quyền năng ấy thật kỳ lạ, chỉ có một tình yêu thương sâu sắc – cũng như duy nhất mong muốn cứu bằng được đứa con – mới có thể đưa con người tới chỗ vượt qua bản năng tồn tại của mình. Xét về mặt trí tuệ, sự quên mình của bố mẹ dường như phi lý, nhưng xét về lí lẽ trái tim, thì đó là thái độ duy nhất có thể có.

Khi các nhà sinh học xã hội tìm cách giải thích tại sao sự tiến hoá dành ưu tiên các xúc cảm có vai trò hàng đầu trong đời sống tinh thần, họ đã nhấn mạnh tới ưu thế của trái tim đối với tinh thần. Họ nói: những xúc cảm giúp chúng ta đương đầu với những cảnh ngộ và nhiệm vụ quan trọng mà đôi khi chỉ mình trí tuệ không thể quyết định nổi như: những mối nguy hiểm, những mất mát đau đớn, sự kiên nhẫn bất chấp thất vọng, việc tác thành một lứa đôi, việc tạo lập một gia đình. Mỗi xúc cảm chuẩn bị cho chúng ta hành động theo cách nào đó. Nó chỉ cho chúng ta chúng ta cách chấp nhận thách thức để sinh tồn. Những cảnh tượng này lặp đi lặp lại không mệt mỏi trong sự tiến hoá, và việc những xúc cảm đọng lại trong trái tim ta dưới hình thức những khuynh hướng bẩm sinh, tự động đã chứng tỏ giá trị sống còn của nó.

Khi những đam mê chi phối lý trí

Để trêu đùa bố mẹ, Matilda Crabtree, 14 tuổi, đã quyết định làm cho bố mẹ sợ khi trở về nhà muộn sau buổi tối chơi ở nhà bạn.Nhưng, thật bi thảm, Bobby Crabtree và vợ mình cứ tưởng rằng Matilda ngủ lại ở nhà bạn. Nghe thấy những tiếng động khi vừa bước vào nhà, Crabtree liền cầm khẩu súng lục và đi lên buồng của Matilda. Khi Matilda nhảy phóc ra từ nơi ẩn nấp và kêu to lên, ông bố liền bắn một phát trúng cổ nó. Matilda chết 12 giờ sau đó.

Di sản tâm lý do sự tiến hoá để lại có sự sợ hãi, yếu tố bảo vệ cho chúng ta khi gặp nguy hiểm. Chính nó đã đẩy Boby Crabtree tới chỗ bắn vào con gái mình trước khi nhận ra nó. Theo các chuyên gia, những phản ứng tự động thuộc loại này đã được ghi vào hệ thần kinh chúng ta. Trong thời gian dài, những phản ứng này đã giúp chúng ta sống sót. Điều quan trọng hơn là chúng đáp ứng với nhiệm vụ cơ bản của sự tiến hoá: truyền cho con cháu thiên hướng gìn giữ sự sống còn – một điều mỉa mai đáng buồn khi nghĩ tới thảm kịch gia đình Crabtree.

Nhưng nếu những xúc cảm từng là kẻ hướng đạo tốt trong quá trình tiến hoá lâu dài của con người, thì những hiện thực mới mẻ của văn minh lại xuất hiện nhanh chóng đến mức sự tiến hoá chậm chạp không theo được nhịp độ ấy. Trên thực tế, có thể coi những luật lệ đầu tiên và những bộ luật đạo đức đầu tiên của Hammurabi, mười giới luật và các sắc chỉ của hoàng đế Asoka – như những ý đồ nhằm hướng dẫn, chế ngự và thuần dưỡng những đam mê của con người. Như Freud nói trong Sự bất ổn của văn minh, xã hội đã buộc phải áp đặt cho cá nhân những quy tắc nhằm kiềm chế sự buông thả xúc cảm một cách quá dễ dàng. Mặc dầu có những ràng buộc xã hội ấy, đam mê thường chi phối lý trí. Đặc trưng của bản chất loài người này bắt nguồn từ sự tổ chức của đời sống tinh thần. Nói theo lối sinh học, chúng ta đã thừa hưởng những vòng mạch nơ-ron cho các xúc cảm hoạt động hoàn hảo trong 50.000 thế hệ – chứ không phải chỉ trong 500 thế hệ. Phải mất sức mạnh của sự tiến hoá một triệu năm để nhào nặn đời sống xúc cảm của chúng ta. Mười nghìn năm vừa qua, khi bước vào thời kỳ văn minh và dân số tăng từ năm triệu lên năm tỉ người vẫn không hề để lại những dấu vết nào của yếu tố sinh học điều khiển đời sống xúc cảm của chúng ta.

Dù tốt lành hay tệ hại, thì cách chúng ta đánh giá những cuộc gặp gỡ và phản ứng với chúng cũng không phải chỉ bị quy định bởi sự xét đoán lý trí hay bởi quá khứ cá nhân mà còn bởi quá khứ của tổ tiên chúng ta. Chúng ta đã thừa hưởng cả những khuynh hướng đôi khi bi thảm như câu chuyện đáng buồn của gia đình Crabtreec. Tóm lại, chúng ta thường đứng trước những lựa chọn do xã hội hậu hiện đại đặt ra với một bộ sưu tập tâm lý có từ thời Pleistocentre. Trên thực tế, trạng thái đáng buồn ấy là trung tâm của chủ đề này.

Tại sao chúng ta hành động

Vào những ngày đầu xuân, khi tôi vượt qua đèo ở vùng Rocheuses trên chiếc xe của mình, một cơn bão tuyết làm cho tôi không nhìn thấy gì cả. Bị những cơn lốc che mắt, tôi liền đạp phanh: nỗi kinh hoàng chiếm lấy tôi và tim tôi đập liên hồi.

Nỗi kinh hoàng nhường chỗ ngay cho sự sợ hãi. Tôi dừng xe ở một bên đường và chờ đợi cơn bão đi qua. Nửa giờ sau, tuyết ngừng rơi, tôi nhìn thấy được và lại lên đường, nhưng rồi tôi lại phải dừng sau đó chừng 100 mét: những nhân viên cứu thương đang cấp cứu một người khách trên một chiếc xe vừa đâm vào một chiếc xe khác. Nếu trước đó tôi tiếp tục cho xe chạy trong cơn bão, có lẽ tôi cũng đã đụng phải hai chiếc xe kia rồi.

Hôm đó, nỗi sợ hãi có lẽ đã cứu sống tôi. Như một con thỏ bất động vì sợ con cáo đang đến gần – hay một con vật nguyên thuỷ khiếp hãi trước con khủng long đang chậm rãi bước tới – tôi bị chìm vào trạng thái nội tâm buộc tôi phải dừng xe lại và phải chú tâm tới mối nguy hiểm trước mắt.

Về căn bản, tất cả những xúc cảm đều xuất phát từ sự kích thích hành động đó là phản ứng tức thì để đối phó với vấn đề sinh tồn mà sự tiến hoá đã truyền cho chúng ta. Phải chăng, từ “emotion” (xúc cảm) được tạo ra từ động từ tiếng Latin “motere”, nghĩa là “cử động” và tiền tố ‘’e-‘’ chỉ một sự vận động ra bên ngoài. Cái từ gốc ấy gợi rõ ràng lên một khuynh hướng hành động. Sẽ rất dễ nhận thấy việc các xúc cảm thúc đẩy tới hành động là đặc biệt rõ ràng khi người ta quan sát các con vật hay trẻ em. Chỉ ở người quá nhiều“văn minh”, người ta mới gặp sự dị thường nhất của giới động vật: các xúc cảm không hề có ảnh hưởng tới những phản ứng mà lẽ ra chúng phải tác động.

Trong bảng danh mục những xúc cảm của chúng ta, mỗi xúc cảm đóng một vai trò riêng biệt, như
những dấu ấn sinh học đặc trưng cho thấy. Bằng việc quan sát những gì đang diễn ra bên trong thân thể và bộ não dựa trên những phương pháp mới, các nhà nghiên cứu ngày càng hiểu rõ hơn mỗi kiểu xúc cảm chuẩn bị cho thân thể một kiểu phản ứng khác nhau như thế nào:

– Sự giận dữ làm máu dồn tới bàn tay, khiến cho người ta đoạt lấy nhanh hơn một thứ vũ khí hay đánh kẻ thù, và những hoócmôn như adrenaline tiết ra rất mạnh để giải thoát năng lượng cần thiết cho một hành động quyết liệt.

– Sự sợ hãi đưa máu tới các cơ chỉ huy sự vận động của thân thể, như cơ bắp chân, chuẩn bị để bỏ chạy và làm cho mặt tái đi do máu đã bị dồn đến nơi khác, do đó mà có cảm giác máu “bị đông”. Đồng thời, thân thể bị tê liệt trong một khoảnh khắc. Điều đó có lẽ để cho cá nhân có thời gian quyết định xem có nên ẩn lánh đi không. Những trung tâm xúc cảm của bộ não tiết ra ồ ạt những hoóc-môn đặt thân thể vào trạng thái báo động, và cơ thể thì sẵn sàng hành động, chú ý tập trung vào mối đe doạ trước mắt. Đó là thái độ lý tưởng để quyết định xem phản ứng nào là thích hợp nhất.

– Sự vui sướng được đặc trưng bằng hoạt động tăng lên của trung tâm não nhằm ức chế những tình cảm tiêu cực và làm năng lượng hiện có tăng lên, cũng như làm cho hoạt động của trung tâm gây lo lắng bị chậm lại. Tuy nhiên, không xảy ra một sự biến đổi sinh lý đặc biệt nào cả, nếu đó chỉ là một sự lắng dịu, nhờ đó mà thân thể trở lại bình thường nhanh hơn sau hiệu ứng sinh học. Trạng thái này đem lại cho cơ thể một sự thư giãn. Cá nhân thực hiện vội vàng và phấn khởi hơn những nhiệm vụ đặt ra cho mình, đồng thời đặt ra nhiều nhiệm vụ khác nhau hơn.

– Tình yêu, sự âu yếm và sự thoả mãn tình dục gây ra kích thích đối giao cảm (parasympathique) – là cái ngược lại, về mặt sinh lý, của phản ứng “bỏ trốn hay đánh nhau” của giận dữ hay sợ hãi. Phản xạ đối giao cảm, gọi là “sự đáp ứng thư giãn” là ở một tập hợp phản ứng thân thể tạo ra một trạng thái chung yên tĩnh, đồng cảm, và hợp tác.

– Sự ngạc nhiên làm lông mày nhướn lên, khiến cho tầm nhìn mở rộng ra và lượng ánh sáng lọt tới võng mạc tăng lên. Do đó mà cá nhân nắm bắt được nhiều thông tin hơn về một sự kiện bất ngờ. Điều này cho phép đánh giá hoàn cảnh đúng hơn và nghĩ được kế hoạch hành động tốt hơn có thể.

– Sự căm ghét, khắp nơi trên thế giới, có biểu hiện giống nhau và có ý nghĩa giống nhau: gây bực mình. Như Darwin đã quan sát thấy biểu hiện trên mặt của sự căm ghét: môi trên chùm xuống ở hai cạnh còn mũi thì hơi nhăn lại – dường như phản ánh ý định ban đầu muốn bịt hai lỗ mũi lại trước một mùi khó chịu hay nhè ra thứ thức ăn độc hại.

– Sự buồn rầu – chức năng chính giúp người ta chịu đựng tổn thất đau đớn như mất đi một người thân hay gặp phải tuyệt vọng lớn. Sự buồn rầu gây ra sự suy sút năng lượng và thiếu hứng khởi đối với mọi hoạt động của cuộc sống, đặc biệt là giải trí và khoái lạc. Ở mức độ sâu sắc, nó gần với sự suy sụp, và làm cho quá trình trao đổi chất chậm lại. Việc thu mình lại là để chịu tang một người thân hay để làm tiêu tan một niềm hy vọng đã sụp đổ, phục hồi những hậu quả đối với cuộc sống, và khi năng lượng trở lại là để phát ra một sự khởi đầu mới. Khi con người tỏ ra buồn rầu họ dễ bị tổn thương, việc mất năng lượng có lẽ đã buộc họ ở gần nơi cư trú của mình để được an toàn.

Những nguyên nhân sinh học của hành động cũng chịu sự chi phối của văn hoá và sự sinh tồn. Chẳng hạn, đối với mọi người, cái chết của một người thân gây ra sự buồn rầu. Ngược lại, cách thể hiện nỗi buồn của mình ở giữa đám đông hay ở nơi riêng tư cũng như việc người thân thích phải chịu tang phụ thuộc vào ứng xử của nền văn hoá mà người ta đang sống.

Những phản ứng xúc cảm ấy đã hình thành vào thời xa xưa, khi điều kiện sống có lẽ khắc nghiệt hơn những điều kiện mà loài người biết tới từ khi có lịch sử. Tỉ lệ tử vong của trẻ em hồi đó rất cao và ít có người lớn nào vượt được ngưỡng 30 tuổi. Người ta dễ bị làm mồi cho ác thú và nghèo đói do những biến đổi thất thường của khí hậu – hạn hán và lụt lội. Với sự xuất hiện của kinh tế nông nghiệp và các hình thái xã hội đầu tiên, tình hình đã thay đổi một cách tốt đẹp. Trong 10.000 năm qua, xu hướng này ngày một lan rộng và những ràng buộc khủng khiếp từng ngăn cản sự gia tăng dân số đã dần dần bị gạt bỏ.

Những ràng buộc ấy đã đem lại cho phản ứng xúc cảm của chúng ta toàn bộ giá trị sống còn của chúng cùng với sự biến mất của những ràng buộc ấy, danh mục những xúc cảm của chúng ta cũng trở nên không thích hợp nữa. Trong quá khứ xa xưa, một cơn giận dữ có thể là lợi thế quyết định sống còn, nay mọi việc đã khác, chẳng hạn như trẻ em 13 tuổi giữ các khẩu súng sẽ chỉ mang lại những hậu quả tai hại khi chúng nổi giận.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CẢM XÚC, BẠN ĐỒNG HÀNH CỦA TÂM TRÍ
  2. CHUYỂN HÓA CẢM XÚC TIÊU CỰC – BÀI TẬP NGẮM NHÌN

Bài viết khác của tác giả

  1. NGƯỜI LÃNH ĐẠO THỰC SỰ
  2. TRÍ TUỆ XÚC CẢM LÀ GÌ
  3. NÂNG ĐỠ NGƯỜI KHÁC – TRÍ TUỆ XÚC CẢM ỨNG DỤNG TRONG CÔNG VIỆC

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP