Ý NGHĨ

JIDDU KRISHNAMURTI

Trích: Về Tâm Và Ý; Vũ Toàn dịch; NXB Phương Đông

Muốn chấm dứt ý nghĩ thì điều trước tiên là phải đi vào bộ máy tư duy. Ta phải hiểu ý nghĩ một cách trọn vẹn, tận chỗ sâu kín nhất trong ta. Ta phải giám sát từng ý nghĩ, không để bất cứ một ý nghĩ nào trôi qua mà không hiểu nó một cách thấu đáo. Như thế bộ óc, tâm, và toàn thể con người phải hết sức chăm chú. Ngay khi bị truy lùng đến tận gốc rễ, đến chỗ nguyên khởi của nó thì ý nghĩ tự chấm dứt. Ta không cần làm bất cứ một gì về ý nghĩ bởi ý nghĩ là ký ức. Ký ức là vết tích của kinh nghiệm, và chừng nào kinh nghiệm không được hiểu một cách đầy đủ và rốt ráo thì nó còn lưu lại vết tích. Cái khoảnh khắc mà ta đã trải qua một cách trọn vẹn thì kinh nghiệm chẳng lưu lại dấu vết nào. Khi đi vào từng ý nghĩ và nếu bắt gặp một vết tích nào đó thì cứ để nguyên nó như một sự kiện – rồi thì sự kiện tự nó sẽ khai mở và tự nó sẽ kết thúc tiến trình tư duy cá biệt của nó, có như vậy từng ý nghĩ, từng cảm thọ đều được hiểu rõ. Lúc đó bộ óc và tâm sẽ thoát khỏi khối ký ức nặng nề. Điều này đòi hỏi một sự chú ý tối đa, không những đối với hàng cây và bầy chim, mà còn cả trong nội tâm để thấy rằng từng ý nghĩ được hiểu rõ.

Liệu tâm có thể trút bỏ tất cả quá khứ và đạt đến một cõi miền của chính nó chưa hề bị nhiễm ô bởi ý nghĩ? Các bạn biết đấy, cho đến nay con người vẫn chỉ hành hoạt trong phạm trù của ý nghĩ, nghĩa là kiến thức. Liệu có phần nào đó, cõi miền nào đó của tâm, bao gồm cả bộ não chưa từng bị ảnh hưởng bởi xung đột của con người, đau đớn, lo âu, sợ hãi và đủ thứ bạo lực, nghĩa là tất cả những gì mà con người đã tạo ra bằng ý nghĩ? Phát hiện ra cõi miền đó gọi là thiền. Điều này hàm ý phát hiện xem ý nghĩ có thể chấm dứt mặc dù nó vẫn hoạt động trong phạm trù kiến thức khi cần thiết? Con người rất cần kiến thức, không có kiến thức người ta không thể sinh hoạt, nói, viết, vân vân. Kiến thức cần thiết để hoạt động, và chức năng của kiến thức trở nên rối loạn khi địa vị của nó trở nên quan trọng hơn cả, nghĩa là có sự can thiệp của ý nghĩ tức là cái “tôi,” là địa vị. Như vậy kiến thức là cần thiết, còn thiền là khám phá, là phát hiện, là quan sát một cõi miền trong đó không có sự hành hoạt của ý nghĩ. Liệu cả hai có thể chung sống hàng ngày một cách hài hòa? Đây mới là vấn đề chứ không phải hít thở, không phải ngồi ngay ngắn, không phải tụng kinh, hay bỏ ra vài trăm đô la để học một câu chú nào đó rồi lải nhải cho đến khi đinh ninh rằng mình đang ở thiên đường thì không gì vô nghĩa cho bằng!

Lý do tạo ra cơ cấu gọi là cái “tôi” là gì? Tại sao ý nghĩ lại làm chuyện này? Đây là một vấn đề vô cùng quan trọng bởi nó là cuộc sống của chúng ta. Chúng ta cần phải tìm hiểu hết sức nghiêm túc. Tại sao ý nghĩ lại tạo ra cái “tôi”? Nếu các bạn thấy được sự thật là chính ý nghĩ đã tạo ra cái “tôi,” hoặc nếu các bạn cho rằng “tôi” là một cái gì thiêng liêng, một cái gì đó tồn tại trước mọi thời gian – như nhiều người vẫn nói như thế – thì chúng ta cũng cần tìm hiểu.

Tại sao ý nghĩ đã tạo ra cái “tôi”? Tại sao? Tôi không biết và tôi đang tìm hiểu. Theo các bạn tại sao ý nghĩ lại tạo ra cái “tôi”?

Có hai nguyên do. Một là ý nghĩ đòi hỏi sự an ổn, vì bộ óc chỉ thỏa mãn khi nó cảm thấy an toàn. Nghĩa là khi nào an toàn thì bộ óc mới hoạt động một cách tuyệt diệu, về chức năng thần kinh hay khả năng lý luận. Như thế một trong những lý do là ý nghĩ, vì tự thân không an ổn, manh múm và rời rạc, nên đã tạo ra cái “tôi” như một cái gì đó thường hằng; cái “tôi” sau khi trở nên tách biệt với ý nghĩ, được ý nghĩ công nhận như một cái gì đó thường hằng. Và sự thường hằng này được nhận dạng qua những ràng buộc với nó như: ngôi nhà của tôi, cá tính của tôi, niềm mong ước của tôi, khát vọng của tôi, tất cả những thứ này tạo ra một cảm giác hoàn toàn an ổn và sự liên tục cho cái “tôi.” Có phải thế không? Có quan niệm cho rằng cái “tôi” có trước ý nghĩ – liệu có thể được chăng? Ai là người có thể nói rằng cái “tôi”có trước ý nghĩ? Nếu các bạn cho rằng cái tôi có trước ý nghĩ – như nhiều người nghĩ như thế – thì dựa trên lý lẽ nào, cơ sở nào các bạn xác quyết điều này? Có phải đó là một xác định của truyền thống, của đức tin, không muốn nhìn nhận cái “tôi” chỉ là sản phẩm của ý nghĩ, mà cho rằng nó là một cái gì thiêng liêng kỳ diệu – cái nhìn này cũng chỉ là một phóng ảnh của ý nghĩ về cái “tôi” thường hằng?

Sau khi quan sát, bây giờ ta có thể dẹp bỏ quan niệm cho rằng cái “tôi” là thiêng liêng trường cửu, là miên viễn phi thời, vì quá vớ vẩn. Ta có thể thấy một cách rõ ràng chính ý nghĩ đã tạo ra cái “tôi” – cái “tôi” trở thành độc lập, cái “tôi” thu thập kiến thức, cái “tôi” là người quan sát, cái “tôi” có nghĩa là quá khứ. Cái “tôi” quá khứ di chuyển qua hiện tại và cải sửa tự thân thành tương lai, nhưng nó vẫn là cái “tôi” được tạo ra bởi ý nghĩ, và trở thành độc lập với ý nghĩ. Có phải thế không? Chúng ta có thể tiếp tục từ đây? Xin đừng chấp nhận sự miêu tả và ngôn từ mà phải thấy được sự thật của vấn đề. Cũng như khi thấy cái microphone thì cứ thấy cái microphone. Cái “tôi” đó có một cái tên, một hình tướng. Cái “tôi” có một danh xưng, gọi là K hay John, và hình tướng, cái “tôi” đồng hóa với thân xác, với bộ mặt, cùng với tất cả những thứ liên quan. Như thế là có sự đồng hóa cái “tôi” với danh xưng và hình tướng, tức là cơ cấu vật thể của nó, cùng với lý tưởng mà nó theo đuổi, hoặc ước vọng muốn biến nó thành một hình tướng khác của cái “tôi” với một danh xưng khác. Vậy, đó là “tôi.” Cái “tôi” là sản phẩm của thời gian và do đó là của ý nghĩ. Cái “tôi” đó chỉ là một từ ngữ. Quẳng đi từ ngữ, cái gì là “tôi”?

Thế là “tôi” đau khổ. Cái “tôi”, tức là “anh,” đau khổ. Như thế cái “tôi”, đau khổ, tức là “anh. Cái “tôi” chồng chất lo âu lại là nỗi lo âu chồng chất của “anh” – như thế anh và tôi giống nhau. Đó là điều căn bản thiết yếu. Dù anh có thể cao hơn, thấp hơn, khôn ngoan hơn, khác tính tình, khác cá tính – tất cả chỉ là những tướng mạo bề ngoài do văn hóa tạo nên, nhưng tận cùng bên trong, chúng ta căn bản đều như nhau.

Cái “tôi” trôi nổi trên giòng tham ái, vị kỷ, lo âu, sợ hãi, vân vân, và anh cũng lặn ngụp trong giòng chảy đó. Có nghĩa là anh vị kỷ, một người khác vị kỷ, anh sợ hãi và một người khác sợ hãi – căn bản là anh đau đớn, đau khổ, than khóc, tham lam, ghen ghét – đó là thân phận chung của nhân loại. Đó là cái giòng chảy mà trong đó chúng ta đang sống. Đó là cái giòng chảy mà trong đó tất cả chúng ta đang sống trong hiện tại. Đó là cái giòng chảy mà chúng ta đắm đuối trong đó – tất cả chúng ta. Nói một cách khác – giòng chảy mà chúng ta đang sống là giòng chảy vị kỷ. Từ ngữ này bao gồm tất cả những gì miêu tả cái “tôi.” Khi chúng ta chết đi thân xác này không còn nữa, nhưng cái giòng vị kỷ vẫn tiếp tục trôi chảy.

Hãy thử suy gẫm mà xem. Tôi sống một cuộc đời rất vị kỷ, trong hành vi hướng ngã: những ham muốn, sự quan trọng của những ham muốn, những tham vọng, sự tham lam, lòng ghen ghét, thói tích lũy của cải, thu thập kiến thức, sự huân tập của tất cả những thứ mà tôi đã thu thập – tất cả những thứ này tôi gọi là vị kỷ. Đó là cái mà trong đó tôi sống, đó là “tôi” và đó cũng là anh. Trong quan hệ giữa chúng ta sự vị kỷ như nhau. Như thế trong khi sống, tất cả chúng ta đều nổi trôi trên giòng vị kỷ. Đây là sự thật, không phải quan niệm và cũng không phải là kết luận của tôi. Nếu quan sát, các bạn sẽ thấy. Khi sang Mỹ các bạn cũng thấy những hiện tượng này, ở Ấn Độ hay khắp Âu châu, có khác đi đôi chút vì những tác động của môi trường, nhưng căn bản thì sự vận hành vẫn là như thế. Và khi thân xác này chết đi, sự vận hành vẫn tiếp tục.

Như thế cái giòng vị kỷ mênh mông này – nếu tôi có thế dùng từ ngữ này để bao gồm tất cả những gì về nó – là sự vận hành của thời gian, khi thân xác chết đi thì nó vẫn tiếp tục. Chúng ta sống trong giòng chảy đó hàng ngày cho đến khi chết, và khi chúng ta chết thì giòng chảy vẫn tiếp tục. Giòng chảy đó là thời gian. Đó là sự vận hành của ý nghĩ và sự vận hành đó đã tạo ra đau khổ, đã tạo ra cái “tôi”; từ đó cái “tôi” minh định tự thân là một thực thế độc lập và phân chia nó với anh, nhưng khi đau khổ thì “tôi” cũng như anh. Như thế “tôi” chỉ là từ ngữ, “tôi” chỉ là cái cơ cấu được ý nghĩ tưởng tượng ra. Tự thân cái “tôi” không có thực thể. Nó chỉ là những gì được ý nghĩ tạo ra; vì cần sự an ổn và chắc chắn nên ý nghĩ đã đầu tư tất cả sự chắc chắn vào cái “tôi.” Và trong đó có đau khổ. Trong khi sống, chúng ta bị cuốn trôi theo sự vận hành đó, trong giòng chảy vị kỷ đó. Khi chúng ta chết đi giòng chảy đó tiếp tục tồn tại.

Có thể nào giòng chảy đó chấm dứt? Tôi chết đi một cách vật lý, đó là điều hiển nhiên. Vợ tôi than khóc, nhưng thực tế là tôi chết, thân xác này chết. Nhưng sự vận hành của thời gian – mà tất cả chúng ta là một thành phần – vẫn tiếp tục. Điều này giải thích vì sao thế giới là ta và ta cũng là thế giới này. Liệu giòng chảy này có sự kết thúc không, và nếu có thì liệu sự kết thúc có phải là sự thể hiện của một cái gì đó hoàn toàn khác biệt với giòng chảy? Có nghĩa là, liệu sự vị kỷ, với tất cả những quỷ quyệt tinh ma của nó, có thể chấm dứt hoàn toàn? Sự chấm dứt này cũng là sự kết thúc của thời gian, và do đó có một sự thể hiện hoàn toàn khác xảy ra – hoàn toàn không còn sự vị kỷ.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THỰC HÀNH CHUYỂN HÓA Ý NGHĨ
  2. LUẬT BIỂU HIỆN: VẠN SỰ BẮT ĐẦU TỪ MỘT Ý NGHĨ

Bài viết khác của tác giả

  1. GIÁO DỤC ĐÚNG ĐẮN – KRISHNAMURTI BÀN VỀ GIÁO DỤC
  2. TÂM THỨC HOÀN TOÀN TỰ DO, KHÔNG PHÂN MẢNH LÀ MỘT TRẠNG THÁI CÓ TRẬT TỰ
  3. CỐNG HIẾN ĐỜI MÌNH CHO CÔNG CUỘC GIÁO DỤC CHÂN CHÍNH

Bài viết mới

  1. SỰ KHIÊM TỐN THUYẾT PHỤC
  2. TU TẬP THIỀN BẰNG CÁCH QUÁN TÂM TRONG TĨNH LẶNG
  3. TRAO MỘT LỜI KHEN