ƯỚC MƠ VÀ MỤC TIÊU

DAISAKU IKEDA

Trích chương 6 Đức Phật trong ba lô; ThaiHabooks - NXB Phương Đông

1 ƯỚC MƠ LỚN

Đôi khi, những ước mơ của cháu dường như không thể trở thành hiện thực.

Điều này hoàn toàn có thể hiểu được. Thầy Toda từng nói với tôi: “Hoàn toàn chính đáng khi giới trẻ ấp ủ những ước mơ có vẻ như quá lớn. Những điều chúng ta có thể đạt được trong một kiếp người luôn chỉ là một phần nhỏ những gì mà chúng ta mong muốn có được. Bởi vậy, nếu bạn bắt đầu với kỳ vọng quá thấp, rất có thể cuối cùng bạn sẽ không đạt được bất cứ điều gì”.

Tất nhiên, nếu bạn không nỗ lực, ước mơ của bạn sẽ chẳng là gì cả mà chỉ đơn thuần là những điều ảo tưởng. Nỗ lực, làm việc chăm chỉ, đó chính là chiếc cầu nối ước mơ của chúng ta với hiện thực. Những người luôn luôn nỗ lực là những người luôn tràn đầy hy vọng. Và hy vọng, ngược lại, phát sinh từ những nỗ lực không ngừng. Ấp ủ những ước mơ và vươn xa hết mức mà những ước mơ có thể chắp cánh cho bạn. Hãy bắt đầu ngay từ bây giờ, khi bạn còn trẻ.

2 TẬP TRUNG

Cháu không chắc cháu muốn làm gì trong tương lai. Làm thế nào để cháu tập trung tốt hơn?

Mặc dù việc không chắc chắn về tương lai là điều rất tự nhiên, nhưng quan trọng là bạn phải hoàn thành được việc gì đó – bất cứ việc gì. Ý nghĩ đó có vẻ hơi nặng nề. Nhưng như một câu nói cổ xưa: “Hành trình ngàn dặm bắt đầu bằng một bước chân.” Việc khám phá ra mục đích và mơ ước của chúng ta bắt đầu với bước đầu tiên là quyết định đi tìm chúng. Từ đó, chúng ta bước từng bước một – lớn dần qua nỗ lực hàng ngày.

Ngôi sao trên đường đua Emil Zatopek của Tiệp Khắc, người đã giành chiến thắng trong cuộc đua marathon nam trong kỳ Olympic năm 1952, có những lúc thấy việc luyện tập cực khổ đến nỗi ông tự nhủ với mình: “Mình sẽ chỉ cố tới bốt điện thoại tiếp theo thôi.” Rồi, khi ông tới đó, ông lại nhủ thầm: “Được rồi, mình sẽ chỉ chạy đến cái tiếp theo thôi,” và thúc bản thân thêm chút nữa. Những nỗ lực bền bỉ, quyết duy trì việc thử thách bản thân cuối cùng đã đưa ông đến vinh quang.

Tu tập Đạo Phật sẽ mang lại cho bạn sự tiến bộ đều đặn hàng ngày. Mỗi sáng và tối, những thực tập sinh của Đạo Phật Nichiren làm mới lại ý chí của mình bằng việc tụng Nam mô Diệu pháp Liên hoa. Giữa rất nhiều lợi ích, câu niệm mang lại một sức sống dồi dào, giúp chúng tôi có thể khắc phục được tất cả những gì cuộc đời đặt ra cho mình, ngay cả khi chúng tôi thấy như đã phải buông xuông rồi.

Thế nên, hãy làm gì đó! Bắt đầu một việc gì đó! Khi bạn nỗ lực thật bền bỉ, bạn sẽ bắt đầu thấy các mục tiêu của mình trở nên rõ nét. Bạn sẽ khám phá ra sứ mệnh của mình – sứ mệnh chỉ bạn mới có thể hoàn thành.

Ví dụ, việc phát triển các kỹ năng trong những lĩnh vực bạn yêu thích là rất quan trọng. Điều then chốt là có được điều gì đó mà bạn có thể thấy tự hào, điều gì mà bạn sẵn sàng thách thức. Điều đó có thể là xuất sắc trong môn toán, ngoại ngữ, môn thể thao, một hoạt động ngoại khóa, kết bạn hay tham gia các hoạt động tình nguyện. Ở một số khía cạnh, những người quanh bạn có thể hiểu bạn rõ hơn chính bạn, vì thế nếu bạn đủ can đảm để xin lời khuyên từ họ, bạn có thể sẽ thấy những cánh cửa dẫn đến những cơ hội mới bất ngờ mở ra.

Một người có mục tiêu rõ ràng sẽ vượt trội hơn hẳn những người không có mục tiêu nào. Đặt ra các mục tiêu là điểm xuất phát mà từ đó, bạn bắt đầu gây dựng cuộc sống. Ngay cả nếu các mục tiêu của bạn có thay đổi trong quá trình bạn theo đuổi, chúng vẫn không hề kém quan trọng. Tuổi trẻ là lúc đấu tranh để phát triển và định hình bản thân, là một thử thách không ngừng để rèn luyện cả về tinh thần, trí tuệ và thể xác.

Một nền tảng vững chắc là điều tối cần thiết trong tất cả mọi việc. Không một tòa nhà nào đứng vững được mà không có nền móng. Điều tương tự cũng đúng với cuộc đời. Và thời gian để xây dựng nền móng đó là lúc này, khi bạn đang còn trẻ. Như nhà văn người Pháp Romain Rolland viết: “Một kim tự tháp không thể được xây từ trên đỉnh xuống.”

3 ĐỦ THÔNG MINH

Nếu cháu không đủ thông minh để thực hiện ước mơ của mình thì sao?

Người ta nói rằng hầu hết chúng ta chỉ sử dụng một nửa những tế bào thần kinh của mình trong suốt cuộc đời. Thậm chí một số học giả còn cho rằng chúng ta sử dụng ít hơn 10%. Nói cách khác, hầu như không có ai sử dụng toàn bộ tiềm năng trí não của mình.

Tôi cũng đã được biết rằng não tiếp tục phát triển tới tận những năm đầu của tuổi 20. Nếu vậy, việc chúng ta phát triển trí thông minh của mình được bao nhiêu trước tầm tuổi 20 sẽ có tác động rất lớn đến phần còn lại của cuộc đời chúng ta – điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của những năm tháng niên thiếu.

Tất nhiên, toàn bộ tương lai không xoay quanh điểm số của bạn ở trường, cũng không có chuyện một bảng điểm tốt đương nhiên đảm bảo hạnh phúc hay bảng điểm kém tương đương với bất hạnh.

Bạn không nên đổ lỗi cho bản thân hay đánh giá mình quá thấp. Tiềm năng của con người là một điều rất thú vị. Nếu bạn nói với mình rằng bạn không thông minh, bộ não của bạn sẽ thật sự phát triển chậm chạp. Thay vào đó, hãy thuyết phục bản thân rằng: “Trí não mình đang ngủ bởi mình hầu như không sử dụng nó. Vì vậy, chỉ cần cố gắng, mình có thể làm được mọi thứ”. Trong thực tế, điều đó hoàn toàn là sự thật. Bạn sử dụng trí óc càng nhiều, bạn càng có tương lai tươi sáng hơn.

4 BƯỚC THEO CON TIM

Đôi lúc cháu bị nhầm lẫn giữa việc người khác muốn điều gì ở cháu và điều cháu thực sự muốn có cho mình.

Nhiều lúc, bố mẹ và những người bạn tốt cố gắng thuyết phục bạn đặt ra một mục tiêu mà bạn không thấy phù hợp. Mặc dù, họ có thể nghĩ đến lợi ích tốt nhất cho bạn – phải biết cảm ơn họ và cân nhắc những điều họ nói – bạn còn cần phải lắng nghe trái tim của chính mình nữa.

Điều quan trọng nhất là bạn có nhận ra giới hạn khả năng của mình và bạn có thể đóng góp bao nhiêu cho hạnh phúc của người khác. Để làm được điều này, bạn phải trau dồi được khả năng nhận diện bản thân thật vững vàng. Bạn cần phải xây dựng được nền tảng của mình và trở nên mạnh mẽ.

Bạn có thể nói rằng bạn muốn có một gia đình hạnh phúc, nhưng hạnh phúc không đặt sẵn trước mặt bạn. Bạn phát triển được nội tâm mạnh đến đâu, bạn sẽ được hạnh phúc tới đó. Bạn có thể nói rằng bạn muốn trở thành một người tốt, nhưng để thể hiện lòng tốt thực sự bạn cần phải mạnh mẽ.

Điều quan trọng là tận hưởng niềm vui của cuộc sống với khát vọng tươi mới và không ngừng lớn mạnh khi bạn cố gắng nhận ra mơ ước và mục tiêu mà bạn quyết tâm theo đuổi. Nói cách khác, chúng ta trở thành bản thể tốt nhất của mình khi theo đuổi một mục tiêu cho phép chúng ta phát triển toàn diện và tận dụng được sự độc nhất vô nhị của bản thân.

Chúng ta có thể sống cuộc sống toàn vẹn khi hành động vì một mục tiêu lớn. Nhà lãnh đạo chính trị và tinh thần Ấn Độ, Mahatma Gandhi là một ví dụ điển hình. Khi còn là một đứa trẻ, Gandhi là một người vô cùng nhút nhát. Ông không thể ngủ mà không bật đèn, ám ảnh bởi những tên trộm, ma quỷ và rắn. Nhút nhát, lúc nào cũng sợ mọi người sẽ trêu cợt mình, ông sống khổ sở như thế trong nhiều năm và đã nếm nhiều thất bại. Nhưng cuối cùng, như tất cả chúng ta đều biết, Gandhi trở thành nhà lãnh đạo lớn của Ấn Độ và là biểu tượng của thế giới về đấu tranh cho hòa bình bằng các biện pháp phi bạo lực.

5 KHÔNG BAO GIỜ BỎ CUỘC

Cháu có thể khuyên điều gì với bạn của cháu, những người đã đầu hàng khi đối mặt với khó khăn?

Trước hết, bạn có thể khích lệ họ rằng, nếu họ biết vấn đề là gì thì họ đã đi được nửa đường đến chỗ giải quyết nó rồi!

Mọi người thường có xu hướng thiếu quyết tâm. Lựa chọn con đường ít trở ngại nhất là bản chất tự nhiên của con người. Cách tốt nhất bạn có thể gợi ý cho những người thiếu sự quyết tâm hay thiếu động lực là tập trung vào một nhiệm vụ tại một thời điểm – có thể là bất cứ điều gì – và duy trì nó tới lúc họ cảm thấy hoàn toàn hài lòng rằng họ đã cố gắng hết sức. Bước qua bước đầu tiên sẽ dẫn dắt bạn đến bước tiếp theo.

Cuộc đời là sự đấu tranh không ngừng với bản thân. Nó là sự đấu tranh giữa tiến lên phía trước hay thoái lui, giữa hạnh phúc và không hạnh phúc. Những người xuất chúng không trở nên vĩ đại sau một đêm.điểm yếu của mình, để chiến thắng sự thiếu quan tâm và thiếu động lực tới tận khi họ trở thành những người chiến thắng thực sự trong cuộc đời. Một nguyên nhân mà các Phật tử niệm Nam mô Diệu pháp Liên hoa mỗi ngày là để tăng cường ý chí mạnh mẽ và kỷ luật, cùng với những điều ấy là khả năng giải quyết nghiêm túc bất cứ vấn đề nào và với quyết tâm vượt qua nó.

Họ nghiêm khắc với bản thân để khắc phục những

6 CỦNG CỐ LÒNG QUYẾT TÂM

Cháu cảm thấy sự quyết tâm và ý chí của mình để làm việc chăm chỉ cứ giảm dần đi.

Bất cứ người nào đã từng quyết tâm đều khám phá ra rằng sức mạnh của sự quyết tâm đó sẽ giảm dần theo thời gian. Khi bạn cảm thấy quyết tâm của mình giảm sút, bạn hãy nói với bản thân rằng: “OK, tôi sẽ bắt đầu lại ngay từ lúc này!” Nếu bạn vấp ngã 7 lần, hãy đứng dậy lần thứ 8 và bắt đầu từ đó. Đừng từ bỏ khi bạn cảm thấy chán nản – hãy đứng dậy và làm mới quyết tâm của mình mỗi lần như vậy.

Quyết tâm của bạn đôi khi có thể bị dao động, nhưng điều quan trọng là chúng ta không trở nên chán nản và vội phất cờ trắng khi điều đó xảy ra. Nhận ra rằng mình đã trở nên lười nhác là bằng chứng của việc chúng ta đang tiến bộ.

7 TẦM QUAN TRỌNG CỦA LÒNG DŨNG CẢM

Đôi lúc cháu thấy sợ khi theo đuổi điều mình muốn.

Lòng dũng cảm rất là quan trọng. Chúng ta có dũng cảm hay không có vai trò tối quan trọng trong việc định hướng cuộc đời chúng ta. Người có lòng dũng cảm là những người có hạnh phúc.

Nói ra với một người bạn là mình cảm thấy vừa phạm phải một sai lầm, giúp đỡ ai đó khi cần, thậm chí là đưa ra những câu hỏi trong giờ học – đó có thể được cho là những vấn đề nhỏ bé, nhưng chúng rất quan trọng. Những việc nhỏ có ý nghĩa quan trọng. Một hành động dũng cảm dù nhỏ thế nào đi nữa cũng vẫn là lòng dũng cảm. Điều quan trọng là sẵn sàng bước bước tiếp theo.

Các bạn trẻ gặp rắc rối, cũng giống như người lớn vậy. Chừng nào còn sống, chúng ta sẽ còn phải đối mặt với đủ loại rắc rối. Nhưng dù bất cứ điều gì xảy ra, chúng ta đơn giản phải sống với lòng dũng cảm và dấn bước, luôn luôn hướng tới tương lai. Không ai có thể trốn thoát khỏi thực tế đời thường. Cuộc sống và thế giới chúng ta đang sống giống như một vùng biển đầy giông bão, chúng ta phải tìm ra con đường của mình để vượt qua, dựa trên tất cả các kinh nghiệm của bản thân. Đó là một phần số phận của mỗi con người mà chúng ta không thể tránh khỏi.

Tất cả chúng ta đều có những hy vọng và ước mơ của riêng mình, con đường sống của riêng mình, lý tưởng và sở thích của riêng mình, nỗi đau khổ, nỗi buồn và những điều bất hạnh của riêng mình. Dù giấc mơ của chúng ta có tuyệt vời như thế nào, lý tưởng của chúng ta có cao quý ra sao, hay hy vọng của chúng ta có lớn đến mức nào, thì cuối cùng chúng ta cần có lòng dũng cảm để biến chúng thành hiện thực khi đối mặt với sự đau khổ và những nỗi buồn. Dù bất kỳ điều gì xảy ra, chúng ta phải vững bước trong cuộc sống và luôn luôn hướng đến lý tưởng và mơ ước của mình. Lý tưởng hay kế hoạch lớn nhất của chúng ta, lòng thương vô hạn của chúng ta đối với mọi người – tất cả những điều này sẽ trở nên vô nghĩa khi chúng ta thiếu lòng dũng cảm để biến chúng thành hành động. Không hành động, thì những điều đó sẽ không tồn tại.

Những người can đảm có sức mạnh để tiến bước, bình tĩnh xem xét kỹ lưỡng những thăng trầm trong cuộc đời và tiến lên vững vàng tới tận cùng những mục tiêu và mơ ước mà họ đã chọn. Lòng dũng cảm là một tài sản đầy sức mạnh. Những người thiếu lòng dũng cảm sẽ đi lạc khỏi con đường đúng đắn và sa vào những con đường lãnh đạm, tiêu cực và vô vọng. Họ chạy trốn những thử thách cam go, chỉ tìm kiếm một cuộc sống dễ dàng và thoải mái. Kết quả là, những người thiếu lòng dũng cảm không thể cống hiến bản thân cho hạnh phúc của người khác, và cũng không thể phát triển bản thân hay đạt được bất cứ điều gì quan trọng hay bền vững. Điều này giống như thể là bộ máy hoạt động của họ đang bị trục trặc.

Thi hào Đức Goethe nói rằng mất tài sản và sự nổi tiếng không quan trọng bởi bạn luôn có thể tìm lại chúng, trong khi đó mất đi lòng dũng cảm là mất đi mọi thứ. Trong một bài thời có nhan đề: Zahme Xenien [VIII], ông viết:

Mất đi tài sản – mất ít!
Hãy ngẫm lại bản thân
Và đạt được những tài sản mới.
Mất đi danh dự – mất nhiều!
Hãy tạo nên tiếng thơm
Và mọi người sẽ thay đổi suy nghĩ.
Mất đi lòng dũng cảm – mất tất cả!
Nếu thế thì thà chẳng được sinh ra.

Nếu bạn dồn hết lòng dũng cảm của bạn để thử thách một cái gì đó, bạn sẽ không bao giờ phải hối tiếc về việc đó. Thật đáng buồn khi phải sống cả đời mà ao ước: “Giá mình có thêm một chút lòng dũng cảm”. Kết quả có thế nào đi nữa, điều quan trọng là bước bước tiếp theo trên con đường mà bạn tin tưởng là đúng. Không cần thiết phải lo lắng về việc mọi người khác có thể nghĩ gì. Xét cho cùng, đó là cuộc đời của bạn. Hãy thành thật với bản thân mình.

Triết gia và nhà thơ thế kỷ 18 người Đức, Friedrich Schiller, đã nói: “Những người mạnh mẽ khi họ đứng một mình sở hữu lòng dũng cảm đích thực”. Tôi đã trân trọng những dòng này từ khi tôi còn trẻ.

Thật sai lầm khi đi theo số đông mà không suy nghĩ thấu đáo. Và điều đó là cực kỳ nguy hiểm.

Chúng ta không nên bị dao động. Chúng ta không bao giờ được từ bỏ sự cống hiến cho hòa bình, khát khao học tập và tình yêu cho nhân loại. Biến những lý tưởng của mình thành hiện thực và phổ biến chúng cho mọi người là một hành động dũng cảm. Lòng dũng cảm nằm sâu bên trong chúng ta. Chúng ta phải khơi gợi lòng dũng cảm từ sâu thẳm cuộc đời của chính mình.

8 LÒNG DŨNG CẢM VÀ LÒNG THƯƠNG

Lòng dũng cảm là gì?

Chúng ta có thể tìm thấy lòng dũng cảm trong sự cố gắng của con người, như dũng cảm tham gia vào một chuyến phiêu lưu mạo hiểm hay dũng cảm để xuất sắc trong các môn thể thao, nhưng đó chỉ là một khía cạnh của lòng dũng cảm. Liều lĩnh chơi các trò chơi mạo hiểm hay trở thành một tên côn đồ là một dạng hoàn toàn khác của lòng dũng cảm mà chúng ta đang nói tới. Một buổi biểu diễn làm ra vẻ can đảm có vẻ giống với sự dũng cảm, nhưng nó hoàn toàn không phải như vậy. Bạo lực thường thiếu đi trí tuệ, sự quan tâm đến người khác và tinh thần hợp tác, những điều trọng yếu đối với loài người chúng ta. Nó hoàn toàn trái ngược với những gì con người cố gắng vươn tới.

Lòng dũng cảm là sức mạnh để chúng ta sống cuộc đời của mình một cách đúng đắn, để đi đúng con đường của mình. Nó có thể tồn tại ở nhiều dạng – ví dụ, nghĩ về hướng đi tốt nhất để đất nước và thế giới của mình đạt được hòa bình, sau đó hành động để biến điều đó thành hiện thực. Đó chính là lòng dũng cảm bắt nguồn từ niềm tin sắt đá. Hay nghĩ về điều mà bạn có thể làm để đóng góp cho hạnh phúc của mọi người sau đó hành động một cách thiết thực hướng tới mục đích đó. Đó là lòng dũng cảm của tình yêu đối với nhân loại. Khi là bố mẹ hay giáo viên, bạn nhận ra điều mà bạn có thể làm cho những đứa trẻ mà bạn đang chăm sóc và sau đó thực hiện nó, hay nghĩ về việc làm thế nào bạn có thể giúp đỡ và động viên, giúp đỡ những người bạn của mình – đó là dũng cảm khiêm nhường trong cuộc sống hàng ngày.

Hình thái quan trọng nhất của lòng dũng cảm là lòng dũng cảm để sống tốt mỗi ngày. Ví dụ, dũng cảm học tập chăm chỉ hay tạo dựng và duy trì tình bạn tốt, bền vững – hình thái này chúng ta có thể gọi là sự kiên trì, một đức tính hướng cuộc sống của chúng ta theo hướng tích cực. Lòng dũng cảm theo cách này có thể không hào nhoáng và nó thật sự là quan trọng nhất.

Những người nổi tiếng, những người làm những việc lớn, việc quan trọng, không phải lúc nào cũng là người dũng cảm. Và ta có thể nói rằng chiến tranh và sự áp bức không phải là những hành động dũng cảm mà chính là sự hèn nhát.

Những người không có lòng dũng cảm là những người đi ăn cắp, những kẻ đàn áp, những kẻ giết người và gây thương tật, những kẻ đe dọa người khác bằng vũ khí, những kẻ tiến hành chiến tranh. Người ta làm những việc xấu xa như vậy bởi họ là những kẻ hèn nhát. Hèn nhát rất nguy hiểm. Dũng cảm thực sự nghĩa là thực hiện những hành động đúng đắn và có ích, dũng cảm nghĩa là sống ngay thẳng. Đó là điều quan trọng nhất của lòng dũng cảm.

Về cơ bản, lòng dũng cảm chính là sự kiên trì. Một ước muốn của người mẹ để nuôi lớn đứa con của mình trở thành một người tốt, dù người mẹ đó phải cố gắng đến đâu để làm được điều này, thì đó cũng là một hình thức cao quý của lòng dũng cảm. Khía cạnh khác của lòng dũng cảm là lòng thương. Chúng là hai mặt của cùng một vấn đề. Lòng dũng cảm thực sự luôn luôn có lòng thương, không có điều xấu xa hay độc ác nào phía sau nó. Nếu có bất kỳ ý định xấu nào, bạn có thể chắc chắn đó không phải là lòng dũng cảm thực sự. Tình cảm của một người mẹ đối với con của mình là một ví dụ hoàn hảo về lòng dũng cảm và lòng thương.

Thực tế, nếu chúng ta hành động một cách dũng cảm, chúng ta có thể thấy rằng tình thương của chúng ta dành cho người khác thậm chí còn lớn hơn nữa. Lòng dũng cảm là đức tính cần thiết mà mỗi người chúng ta cần cố gắng đạt được.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. ĐỜI BẠN CÓ ĐANG TRƯỢT MỤC TIÊU HAY KHÔNG?
  2. NĂNG LƯỢNG YÊU THƯƠNG
  3. LÒNG DŨNG CẢM CHÂN CHÍNH LÀ GÌ?

Bài viết khác của tác giả

  1. THỂ HIỆN CÁ TÍNH
  2. HÃY CỨ SỐNG THỰC VỚI CHÍNH MÌNH
  3. LÀM VIỆC VÌ MỘT LÝ TƯỞNG

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ