LÒNG DŨNG CẢM CHÂN CHÍNH LÀ GÌ?

YU DAN

Trích: Khổng Tử Tinh Hoa; Việt dịch: Hoàng Phú Phương - Mai Sơn; NXB Trẻ; 2010

 

Lòng dũng cảm chân chính là gì? Nó khác với sự liều lĩnh khinh suất như thế nào? Khổng Tử đã nói thế nào về lòng dũng cảm?

Một người bị ám ảnh vì lợi lộc và những thiệt hại cá nhân không bao giờ có thể có một tâm hồn rộng mở, hay một tinh thần thanh thản, không lo sợ và cũng không thể có lòng dũng cảm thật sự.

Khổng Tử có một học trò tên Tử Lộ, một người rất bốc đồng và quan tâm nhiều đến lòng dũng cảm.

Có lần, Khổng Tử than rằng: “Đạo ta, người chẳng chịu thi hành. Hay là ta bỏ hết mà đi, thả bè lênh đênh trên mặt biển còn hơn? Đi theo ta, chắc chỉ có mình trò Do [Tử Lộ] mà thôi?” (Luận Ngữ, V, 6).

Tử Lộ nghe được điều ấy, lấy làm khoái chí lắm. Nhưng Khổng Tử nói thêm rằng: Ta nói điều này vì ngoài lòng dũng cảm ra, Tử Lộ chẳng có gì hết. Yêu mến lòng dũng cảm là một đặc trưng của con người Tử Lộ, nhưng sự dũng cảm của Tử Lộ lại là loại nông cạn, thiếu suy nghĩ.

Nhưng vào ngày khác, Tử Lộ lại hỏi thầy rằng: “Quân tử có chuộng lòng dũng cảm chăng?”. Khổng Tử đáp: “Quân tử nên chuộng nghĩa hơn hết. Quân tử có dũng mà không có nghĩa thì làm loạn. Tiểu nhân có dũng mà không có nghĩa thì làm đứa trộm cắp.” (Luận Ngữ, XVII, 22).

Khổng Tử nói: “Ăn cơm thô, uống nước lã, có cánh tay mà gối đầu, ở trong cảnh đạm bạc như vậy, người có đạo đức cũng lấy làm vui. Chứ do nơi những hành vi bất nghĩa mà trở nên giàu có và sang trọng, thì ta coi cảnh ấy như mây nổi.” (Luận Ngữ, VII, 15).

Điều này có nghĩa là việc một người quân tử đánh giá cao lòng dũng cảm là không sai, nhưng đó là loại lòng dũng cảm có điều tiết và được kiềm chế; nó có một điều kiện đứng trên nó, đó là “Nghĩa”. Chỉ có sự dũng cảm nào đặt Nghĩa lên hàng đầu mới là lòng dũng cảm chân chính. Còn ngược lại, một người quân tử có thể sử dụng sự dũng cảm của họ để làm loạn, và một kẻ tiểu nhân thì có thể trở thành một kẻ trộm cướp.

Bạn hãy thử nghĩ về điều này xem, nếu những kẻ trộm cướp đột nhập vào nhà để cướp bóc, thậm chí giết người, bạn có thể nói đó là những người dũng cảm hay không? Do đó, sự dũng cảm mà không có Nghĩa là một thứ nguy hại nhất trên đời.

Nhưng “Nghĩa” là gì và làm sao ta biết cái gì là đúng, cái gì là sai?

Khổng Tử nói rằng: “Người nào biết ước thúc lấy mình, biết nương theo quy củ mà làm, thì ít lầm lạc, thất bại” (Luận ngữ IV, 22). Nói khác đi, nếu một người có sự tự chủ trong nội tâm thì họ sẽ ít phạm sai lầm trong suốt cuộc đời

Nếu một người có thể thực sự làm được việc: “Tự xét mình mỗi ngày 3 lần” (Luận Ngữ I, 4), nếu bạn có thể đạt đến trạng thái mà “Thấy ai hiền đức, mình nên tự xét mình để cố gắng cho bằng người. Thấy ai chẳng hiền, mình nên tự xét, đừng bắt chước theo họ” (Luận Ngữ IV, 17), thì bạn sẽ đạt được sự tự chủ. Có khả năng suy ngẫm về những thất bại của mình và dám dũng cảm sửa chữa sai lầm, đó là lòng dũng cảm chân chính mà Khổng Tử và các học trò của Ngài theo đuổi.

Có nhiều sự việc trong cuộc đời xảy ra không như những gì ta mong muốn. Đôi khi, chúng vô lý và không công bằng. Có thể, chúng ta không thể thay đổi chúng, nhưng ta có thể thay đổi tình cảm và thái độ của riêng mình đối với chúng. Nếu nhìn nhận sự việc theo cách này, ta có thể nói rằng người ta có thể nhìn thấy mọi điều trong chính tâm hồn của họ. Câu chuyện sau đây của Tô Thức và hòa thượng Phật Ấn sẽ cho thấy điều ấy.

Một ngày nọ, Tô Thức và lão hòa thượng ngồi đàm đạo.

Tô Thức hỏi: “Này, nhìn xem tôi giống ai?

Lão hòa thượng đáp: “Trông anh giống như một ông Phật”.

Tô Thức nghe thấy thế, cười lăn cười bò và nói với lão hòa thượng rằng: “Còn ông biết tôi nghĩ ông giống cái gì không? Giống như một đống phân bò”.

Lão hòa thượng không những không giận gì cả mà còn cười.

Tô Thức về nhà huênh hoang điều này với Tô tiểu muội.

Cô em gái chỉ cười nhạt và nói với anh rằng: “Làm sao mà anh có thể nói chuyện với sự hiểu biết thấp như thế? Anh biết những vị chân tu thường quan tâm gì nhất không? Đó là về việc nhìn thấy tâm hồn và bản chất của một việc.” Lão hòa thượng nói anh giống như Đức Phật, điều đó cho thấy rằng Phật luôn hiện diện trong tâm ông ấy, vì thế bất cứ điều gì ông ta thấy cũng giống như Phật cả. Còn anh lại nói ông ta giống như một đống phân bò, vậy hãy thử hình dung trong tâm anh là gì nào?”.

Điều này có ý nghĩa với mỗi một người chúng ta. Hãy nghĩ xem: chúng ta đều cùng sống chung trên một hành tinh, nhưng một số người sống một cuộc sống ấm áp, hạnh phúc, trong khi những người khác thì rên rỉ, than vãn suốt ngày. Cuộc sống của chúng ta có thực sự khác nhau đến vậy không?

Thực sự, cuộc đời trong mắt chúng ta cũng giống như một nửa chai rượu. Một người bi quan hẳn sẽ nói rằng: “Tệ quá! Chai rượu ngon gì mà chỉ còn có nửa chai!”, trong khi một người lạc quan sẽ nói rằng: “Tuyệt làm sao! Một chai rượu ngon đến thế này mà còn cả nửa chai!”. Sự khác nhau duy nhất là ở thái độ của chúng ta.

Khổng Tử nói rằng: “Người có nhân, chẳng bao giờ lo rầu; có trí, chẳng bao giờ lầm lạc; có dũng, chẳng bao giờ sợ sệt.” (Luận Ngữ, XIV, 30)

Trong xã hội cạnh tranh khốc liệt như ngày nay, đây là thời điểm quan trọng hơn lúc nào hết trong lịch sử để duy trì một trạng thái tinh thần tích cực.

Chúng ta hãy nghe lời Khổng Tử: “Bậc quân tử bao giờ trong bụng cũng thản nhiên lồng lộng, tiểu nhân bao giờ trong bụng cũng lo âu ngay ngáy.” (Luận Ngữ, VII, 36). Điều này có nghĩa: tinh thần của người quân tử luôn bình thản, vững vàng và dũng cảm, sự thanh thản và hạnh phúc của họ đến một cách tự nhiên từ bên trong; trái lại, điều bạn thấy nơi kẻ tiểu nhân là một bộ mã bên ngoài của thái độ ngạo mạn và tự cho mình là quan trọng; bởi vì tinh thần của họ bao giờ cũng âu lo trước mọi việc, chẳng lúc nào yên.

Khổng Từ từng nói rằng: “Người có nhân, chẳng bao giờ lo rầu; có trí, chẳng bao giờ lầm lạc; có dũng, chẳng bao giờ sợ sệt.” (Luận Ngữ, XIV, 30). Nhưng Khổng Tử rất khiêm nhường. Ông nói rằng ba việc đó – không bao giờ lo rầu, không bao giờ lầm lạc, không bao giờ sợ sệt – là những điều mà chính ông cũng chưa bao giờ thấy mình đạt đến được.

✨ Khi chúng ta nói: “Người có Nhân thì chẳng bao giờ lo rầu”, nghĩa là gì?

Có nghĩa là, người nào đó có một trái tim vĩ đại, tràn đầy lòng Nhân và có đức hạnh, tức có tấm lòng khoan dung và độ lượng, người ấy sẽ không bao giờ để tâm đến những chuyện nhỏ và không nổi xung lên vì chúng. Vì thế, người ấy có thể tránh được việc tranh giành những món lợi và những thất bại nhỏ nhoi. Chỉ duy có loại người này mới có thể thực sự đạt đến sự yên bình nội tâm và thoát khỏi những nghi ngờ, sợ hãi.

✨ Khi chúng ta nói: “Người có Trí thì không bao giờ lầm lạc”, nghĩa là gì?

Năm mươi năm trước, có lẽ hầu hết người Trung Quốc cả đời chỉ làm duy nhất một loại công việc, hầu như không ai nghe đến chuyện ly dị và họ có thể vui vẻ sống trong cùng một mảnh sân nhỏ từ thời trẻ đến khi già. Điều khiến người ta phiền lòng là cuộc đời họ dễ đoán trước và họ biết là họ có it lựa chọn đến như thế nào.

Nhưng ngày nay, chúng ta đều phiền lòng không phải vì không có lựa chọn mà là có quá nhiều lựa chọn. Những trở ngại và rối loạn, bất an xuất hiện vì xã hội của chúng ta phát triển quá nhanh và cuộc sống của chúng ta quá sung túc đủ đầy.

Chúng ta không thể tác động gì lên thế giới bên ngoài; tất cả những gì chúng ta có thể làm là cải thiện năng lực lựa chọn của chính mình. Khi chúng ta biết cách đưa ra các lựa chọn như thế nào, biết cách chấp thuận hoặc bác bỏ các vấn đề, những lo âu và bực bội cũng sẽ không còn nữa. Đây là điều mà Khổng Tử có ý nói qua câu “Người có Trí thì không bao giờ lầm lạc”.

✨ Còn khi ta nói: “Người có Dũng thì không bao giờ sợ sệt”, nghĩa là gì?

Chúng ta có thể nói một cách dễ hiểu rằng: “Khi hai người khỏe mạnh đấm đá nhau, thì người dũng cảm nhất sẽ luôn thắng”. Hay nói khác đi, khi bạn có đủ lòng dũng cảm và kiên trì, bạn sẽ có đủ sức mạnh để vươn mình lên phía trước, khi đó bạn sẽ không còn sợ sệt nữa.

Khi một người quân tử chân chính đạt được đức Nhân – Trí – Dũng trong nội tâm, hẳn nhiên tất cả những lo âu, do dự và sợ sệt của họ sẽ tan biến đi.

Có lần tôi đọc được một câu chuyện trong cuốn sách của tác giả người Nhật Daisetsu Suzuki. Chuyện kể về một người pha trà nổi tiếng sống ở thời Edo, làm việc cho một chủ nhân quyền quý. Như ta đã biết, Nhật Bản xem việc thưởng trà như một phần của Thiền học, trong đó nghi lễ uống trà và sự thiền định là hai bộ phận của một toàn thể.

Một ngày nọ, người chủ lên kinh đô để buôn bán. Ông không nỡ để người pha trà ở lại, vì thế ông nói với anh: “Đi với ta, để ta có thể uống trà nhà ngươi pha mỗi ngày”.

Nhưng Nhật Bản thời ấy rất nguy hiểm. Bọn cướp và các rônin1 lang thang khắp vùng, thường là mối đe dọa với người dân.

Người pha trà rất sợ. Ông nói với người chủ rằng: “Tôi không biết dùng vũ khí, nếu tôi gặp nguy hiểm giữa đường, tôi phải làm sao đây?”.

Người chủ nói: “Hãy mang gươm vào và ăn mặc giống một samurai”.

Người pha trà không có lựa chọn nào khác. Ông thay quần áo của một samurai và đi cùng chủ lên kinh đô.

Một ngày, người chủ ra ngoài làm ăn, nên người pha trà đi dạo một mình. Đúng lúc đó, một tên rônin tiến đến gần và thách thức ông, hắn nói: “Ta thấy ngươi là một chiến binh, vậy hãy sử dụng kỹ năng của ngươi để đấu với ta xem”.

Người pha trà nói: “Tôi không biết đánh đấm gì cả, tôi chỉ là một kẻ pha trà”.

Tên rônin nói: “Mày không phải là một samurai, nhưng mày lại ăn mặc như vậy. Nếu mày còn chút xấu hổ hoặc lòng tự trọng nào, thì hãy nên chết dưới lưỡi gươm của ta!”.

Người pha trà nghe thấy ong hết cả đầu, nhưng rõ ràng là không thể thoát được, cuối cùng ông nói: “Thư thả cho tôi một vài giờ, để tôi có thể hoàn thành nhiệm vụ mà chủ tôi giao phó. Chiều nay, chúng ta sẽ gặp lại tại bờ ao”.

Tên rônin suy nghĩ và đồng ý, rồi nói thêm: “Nhớ đến đó, không thì biết tay tao”.

Người pha trà hối hả chạy thẳng đến trường dạy võ thuật nổi tiếng nhất ở kinh đô. Ông tìm gặp người samurai lãnh đạo và nói với ông ta: “Tôi van ngài, hãy dạy tôi cách chết danh dự như một samurai!”.

Người samurai lãnh đạo vô cùng ngạc nhiên. Ông nói: “Người ta đến đây tìm cách để sống, còn anh là người đầu tiên đến để tìm cách chết. Tại sao anh lại làm vậy?”.

Người pha trà kể lại cuộc đụng độ với tên rônin, rồi nói: “Tôi chỉ biết mỗi việc pha trà, nhưng hôm nay tôi phải dính vào cuộc chiến sống còn này. Tôi xin ngài, hãy dạy tôi phải làm sao. Tất cả những gì tôi muốn là được chết với một chút danh dự mà thôi”.

Người samurai lãnh đạo nói: “Rất tốt, hãy pha cho ta một cốc trà, rồi ta sẽ dạy anh phải làm gì”.

Người pha trà rầu rĩ: “Đây có lẽ là lần pha trà cuối cùng của tôi trong cuộc đời này”.

Ông pha trà với sự tập trung cao độ, chậm rãi theo dõi nước suối lấy từ núi sôi lên trong ấm, rồi đặt các lá trà vào, rửa sạch trà, lọc trà và rót trà, mỗi lần một ít. Rồi ông cầm ly trà bằng cả hai tay trao nó cho người samurai lãnh đạo.

Người samurai lãnh đạo đã xem toàn bộ tiến trình pha trà ấy. Ông nhấp thử một ngụm và nói: “Đây là ly trà ngon nhất mà ta được uống trong cả cuộc đời mình. Ta có thể nói ngay với anh rằng anh không cần phải chết”.

Người pha trà vội hỏi: “Ngài sẽ dạy tôi điều gì chăng?”.

Người samurai lãnh đạo nói: “Tôi không cần dạy anh điều gì cả. Khi anh đối mặt với tên rônin đó, tất cả những gì anh phải làm là hãy nhớ đến trạng thái tinh thần khi anh pha trà. Anh không cần thêm bất kỳ điều gì khác nữa”.

Sau khi người pha trà nghe điều này, ông đi đến chỗ hẹn. Tên rônin đã đợi ông ở đó và ngay khi người pha trà đến, hắn liền rút gươm ra: “Giờ thì mày đến rồi, bắt đầu đấu nào”.

Người pha trà đã suy nghĩ đến những điều mà vị samurai vĩ đại kia nói trên suốt đường đi, nên ông đối mặt với tên rônin bằng đúng trạng thái tinh thần mà ông có khi pha trà.

Ông tập trung ánh mắt lên đối thủ, rồi chậm rãi cởi nón và đặt nó ngay ngắn bên cạnh mình. Rồi ông cởi áo choàng ngoài ra, từ tốn gấp lại, xếp nó gọn gàng dưới chiếc nón; rồi ông cởi dây áo, cột ống tay áo trong của ông với cổ tay của mình một cách chắc chắn; ông cũng làm như vậy với gấu quần dài. Ông chỉnh trang phục cho trận chiến từ đầu đến chân, trong suốt thời gian đó vẫn giữ thái độ hết sức bình thản.

Trong lúc ấy tên rônin bắt đầu lo lắng. Càng nhìn, hắn càng mất bình tĩnh vì không thể đoán được kỹ năng sử dụng vũ khí của đối thủ cao thâm đến mức độ nào. Cái nhìn từ cặp mắt và nụ cười của đối thủ càng lúc càng khiến hắn cảm thấy mất tự tin.

Khi người pha trà chỉnh xong y phục, động tác cuối cùng của ông là rút thanh gươm từ vỏ ra kêu rin rít và khua lên trong không khí. Rồi ông dừng lại ở đó, vì ông không biết phải làm gì nữa.

Ngay lúc ấy, tên rônin quỳ phục xuống và van xin: “Xin hãy tha mạng cho tôi, tôi lạy ngài! Trong suốt cuộc đời mình, tôi chưa bao giờ thấy một tay kiếm nào có phong thái đĩnh đạc như ngài!”.

Phải chăng chiến thắng của người pha trà thực sự là nhờ vào kỹ năng chiến đấu? Không, đó chính là lòng dũng cảm trong trái tim ông, là sự tự tin, điềm tĩnh, thanh thản trong chính nội tâm ông. Đó là thái độ mà ông có được khi làm việc.

Kỹ thuật và kỹ năng không phải là vấn đề quan trọng nhất. Để hiểu trọn vẹn những sự việc vượt khỏi kỹ năng đơn thuần, chúng ta cần sử dụng đến trái tim [tâm] và phần tinh nhạy của thế giới bên trong [hồn] của ta.

Chúng ta có thể thấy rằng các tiêu chuẩn cư xử mà Khổng Tử đưa ra không chỉ là sự phê phán nghiêm khắc về thế giới quanh ta; mà còn chỉ ra cách sử dụng hiệu quả thời gian và sức lực có giới hạn của chúng ta, chuyển sự phê phán của ta vào bên trong, hướng đến trái tim và tâm hồn của riêng ta.

Tất cả chúng ta đều nên nghiêm khắc hơn một chút đối với bản thân và chân thật hơn, khoan dung hơn một chút đối với người khác. Ngày nay, chúng ta cũng cho rằng một người tử tế phải chân thật và ngay thẳng, nhưng không theo nghĩa là ngây thơ và quá dễ bị thao túng; thay vào đó vấn đề quan trọng là phải khoan dung tha thứ cho những sai trái của người khác, đối xử với họ bằng sự cảm thông và xem xét các sự việc từ điểm nhìn của người khác.

Vì lý do này, chỉ duy người quân tử chân chính mới có thể xoay sở sao cho “không oán trời, không trách người”, cũng không than van số phận đã không mang lại cho họ dịp may mà họ cần, cũng không than phiền rằng chẳng có ai trên đời này hiểu được họ.

Một trái tim và một tâm hồn mạnh mẽ có thể bù đắp cho cả những hối tiếc không thể tránh khỏi và những lỗi lầm lẽ ra bạn có thể tránh được trong đời; đồng thời, nó có thể mang lại cho bạn sự tập trung vào mục tiêu, giúp bạn nâng cao tình thần và để bạn sống một cuộc sống trọn vẹn nhất, hiệu quả nhất hết mức có thể. Mỗi ngày bạn sẽ trải nghiệm một sự tái sinh mới, và bạn sẽ chỉ cho những người khác biết cách trải nghiệm tất cả những điều đẹp đẽ ấy.

Nếu óc bạn trong sáng, tinh thần phóng khoáng, ngay thẳng và dũng cảm, thì bạn có thể nhận thấy rằng bạn thu hoạch được nhiều lợi ích không ngờ và mọi người sẽ sẵn lòng mang đến cho bạn nhiều điều tuyệt vời. Nhưng nếu ngược lại, bạn sẽ không nhận được bất kỳ lời khuyên tốt đẹp nào.

Như Khổng Tử nói, nếu bạn đi ngang qua một người mà không gắng nói những điều có thể mang lại lợi ích cho người ấy, thì bạn đang “bỏ phí một con người”. Bạn đã bỏ mất cơ hội với người ấy, đó là điều không tốt. Ngược lại, nếu người ấy từ chối nghe bạn, lời nói của bạn bị phí phạm đi, cũng là điều không tốt.

Nếu bạn muốn là một người mà người khác có thể nói chuyện được, thì chìa khóa là phải giữ được một tinh thần trong sáng và phóng khoáng. Trong thế giới hiện đại bận rộn của chúng ta, nơi xã hội càng lúc càng phức tạp hơn, thì điều sống còn là ta phải nuôi dưỡng một cái nhìn tích cực, rộng mở của một bậc quân tử. Khổng Tử đã chỉ cho chúng ta biết nên làm thế nào.

Nếu nội tâm của một người thoát khỏi những lo âu, do dự và sợ sệt, tự nhiên họ sẽ ít than phiền hơn về thế giới xung quanh và năng lực gìn giữ hạnh phúc trong họ cũng sẽ tăng lên.

Gia tăng năng lực gìn giữ hạnh phúc của bản thân là điều tốt nhất mà chúng ta có thể học được.

—– ??? —–

Chú thích:

  1. Rônin là những samurai không còn chủ tướng trong thời kỳ phong kiến ở Nhật Bản. Một samurai mất chủ tướng do chủ của ông ta bị chết, bị mất quyền lực, hoặc chỉ do mất đi sự tin tưởng của chủ tướng. Từ rônin nghĩa là “con người trôi dạt”. Thuật ngữ này bắt đầu có từ thời kỳ Nara va Heian.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. KHỔNG TỬ NÓI THẾ NÀO VỀ SỰ HÒA NHÃ?
  2. PHÁT TRIỂN MỘT NỘI TÂM MẠNH MẼ
  3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ TẦM NHÌN TRỞ NÊN RỘNG MỞ HƠN? 

Bài viết mới

  1. HÀO PHÓNG – VẼ LẠI NHỮNG LẰN RANH
  2. NHỮNG KẺ ĐỊCH THÂN CẬN
  3. KHẢ NĂNG TRUYỀN CẢM HỨNG