KHỔNG TỬ NÓI THẾ NÀO VỀ SỰ HÒA NHÃ?

YU DAN

Trích “Khổng Tử Tinh Hoa”
NXB Trẻ, 2010, Yu Dan

Nên lấy lòng kính trọng mà sửa mình

Trong lời nói, chúng ta phải suy nghĩ thật cẩn trọng; trong hành động, chúng ta phải suy xét đến các hậu quả. Đây là điều quan trọng nhất cần phải nhớ trong mọi sự tương tác của chúng ta.

Nếu bạn muốn có khả năng xử lý mọi kiểu quan hệ khác nhau trong xã hội phức hợp và đa dạng ngày nay, thì điều quan trọng hơn hết là phải biết hòa nhã.

Vậy Khổng Tử nói thế nào về sự hòa nhã?

Khổng Tử rất xem trọng Lễ trong đời sống hàng ngày. Ngài tôn trọng sự hòa nhã và quan sát chăm chú các buổi lễ, nhưng không bao giờ chỉ để xem mà như là một cách tự-tu dưỡng. Khi những người có quan chức, những người mặc tang phục và những người mù đi ngang qua, Ngài luôn đứng dậy, cho dù người ấy trẻ hơn mình và cúi chào họ theo tôn ti trật tự xã hội. Nếu phải đi qua mặt những người ấy, Ngài sẽ bước nhanh, từng bước nhỏ, để tỏ lòng tôn kính.

Đó là sự hòa nhã.

Trong mọi tình huống, Khổng Tử đều có cách cư xử hết sức chuẩn mực. Người ta nói về Khổng Tử như sau: “Khi dự tiệc rượu với người trong làng, ngài chờ cho mấy người già chống gậy ra trước, rồi Ngài mới ra sau. Khi người trong làng làm lễ Na, tức lễ cúng tế chống ôn dịch, thì Khổng Tử vận triều phục đứng ở bậc thềm phía đông mà tiếp lễ.” (Luận Ngữ, X, 10).

Có rất nhiều tiểu tiết trong các buổi lễ. Thậm chí có lẽ chúng ta ngạc nhiên tự hỏi tại sao các nhà văn viết các sách cổ và các bản ghi chép lại bận tâm ghi chép việc một người rất thông thái như thế thực hiện những điều lặt vặt ấy. Không phải mọi người đều biết làm loại việc đó sao? Không phải điều ấy chỉ tô điểm thêm cho người hiền triết ấy sao?

Thực tế, cái được gọi là ngôn ngữ và hành động của bậc hiền nhân thực sự chỉ đơn giản như vậy, quá đơn giản đến độ thậm chí nó làm cho người ngày nay có chút hoài nghi. Những câu chuyện ấy gần gũi đến mức nó có thể thường xuất hiện trong xóm làng, hoặc trong nhà của bạn.

Nhưng chúng ấm áp làm sao! Nó khiến ta có cảm giác rất gần gũi với Khổng Tử, dù Ngài vĩ đại nhưng vẫn rất thực và giống với chúng ta. Một lần nữa, Khổng Tử chỉ ra cho ta những chân lý mà Ngài đã khám phá và những sự việc mà Ngài đã trải nghiệm, để chúng ta cùng chia sẻ.

Vì thế, chúng ta có thể thấy rằng các hành động nhìn bề ngoài có vẻ như vô nghĩa lại thực sự quan trọng khi chúng xuất phát từ tâm và hồn.

Học trò của Khổng Tử là Tử Lộ có lần hỏi Khổng Tử làm thế nào để một người có thể trở thành bậc quân tử. Khổng Tử nói với Tử Lộ rằng: “Nên lấy lòng kính trọng mà sửa mình”. Tức là tự sửa mình bằng một thái độ tôn trọng, nghiêm túc. Tử Lộ hỏi lại: “Bằng cách tự sửa mình thì có thể trở thành một người quân tử, chỉ có thế thôi sao?”.

Khổng Tử thêm rằng: “Người quân tử tự sửa mình, nhờ đó mọi người được an trị”. Trước hết hãy rèn luyện mình tốt hơn, rồi sau đó có thể nghĩ đến những cách thức làm người khác hạnh phúc.

Tử Lộ không thỏa mãn với câu trả lời này, nên hỏi tiếp: “Chỉ có vậy thôi sao?”.

Khổng Tử trả lời: “Người quân tử tự sửa mình, nhờ đó mà trăm họ được yên trị. Sửa mình để yên trị trăm họ, việc ấy chẳng dễ đâu, dẫu cho bậc Thánh Vương như vua Nghiêu, vua Thuấn còn làm chẳng hết được!” (Luận Ngữ, XIV, 45). Thậm chí người quân tử và các bậc hiền nhân như vua Nghiêu, vua Thuấn còn thấy khó thực hiện và không thể làm hết được. Nếu bạn có thể làm được điều ấy, bạn chắc chắn sẽ trở thành một người quân tử!

“Luận Ngữ” viết rất nhiều về những câu chuyện nhỏ, tuy đơn giản nhưng đầy ý nghĩa có thể xảy đến cho bất kỳ ai trong chúng ta. Hầu như hiếm khi chúng ta bắt gặp những đoạn viết dài dòng nào về việc thực hành lễ một cách viển vông. Trước đây, chúng ta thường nghĩ những tư tưởng của Khổng Tử rất khó nắm bắt và thực hiện, nhưng kỳ thực chúng rất gần gũi trong cuộc sống của mỗi người.

Điều mà Khổng Tử khuyên ta phải tập trung trước hết không phải là làm thế nào mang đến cho thế giới sự ổn định, mà là làm thế nào trở thành phiên bản tốt nhất có thể có của chính bản thân chúng ta. “Tu thân” – sự tự tu dưỡng tính cách đạo đức của một người – là bước đầu tiên đi đến việc chịu trách nhiệm cho đất nước và cho xã hội, tức trách nhiệm “trị quốc, bình thiên hạ”. Khổng Tử và các học trò của ông đã luôn đấu tranh gian khổ để trở thành “phiên bản tốt nhất” của chính họ, nhưng mục tiêu mà họ hướng đến khi thực hiện điều này là để làm tốt hơn trách nhiệm của mỗi người đối với xã hội mà họ đang sống.

Khổng Tử nói rằng: “Người đời xưa vì mình mà học đạo, người đời nay vì người mà học đạo.” (Luận Ngữ, XIV, 25). Người xưa học để hoàn thiện bản thân, biến mình thành những con người tốt đẹp hơn; còn ngày nay, chúng ta học để chứng tỏ mình, và để lấy lòng người khác.

Người nào thật sự tôn trọng tri thức thì mới học để hoàn thiện tinh thần của mình. Học từ sách vở, học từ xã hội, học từ khi sinh ra cho đến khi già. Từ tất cả những điều ấy, bạn sẽ học được khả năng nắm giữ hạnh phúc.

Trước tiên, hãy trở thành một công dân trung nghĩa, có giáo dục và có hiểu biết, rồi sau khi đã trang bị tất cả những điều ấy, hãy đi tìm vị trí của mình trong xã hội và vai trò của mình trong cuộc sống. Mục tiêu của việc học là hoàn tất tiến trình tìm kiếm vị trí của mình và hoàn thiện chính mình.

Vậy, thế nào là “vì người mà học đạo”?

Đó là việc xem kiến thức nhận được như một công cụ, một kỹ năng đơn thuần để làm hài lòng người khác, giúp mình kiếm được một công việc, hoặc lợi ích thuần túy cá nhân nào đó.

Khổng Tử không nói rằng bạn phải trở nên giống như bất kỳ ai để là một bậc quân tử. Theo Ngài, là một bậc quân tử có nghĩa là trở thành phiên bản tốt nhất có thể của chính bạn, dựa trên vị trí bạn đang có lúc này, bắt đầu với những sự việc quanh bạn và bắt đầu ngay ngày hôm nay, sao cho tinh thần của bạn có thể đạt được một trạng thái cân bằng hoàn hảo nhất. Vì chỉ khi nào bạn có được một tinh thần và một tâm hồn thật sự điềm tĩnh, kiên định và gắn kết với cuộc sống thì bạn mới có thể không bị chao đảo trước những thăng trầm, thành công hay thất bại trong đời.

Điều này nhắc tôi nhớ đến một câu chuyện nhỏ:

Có ba người thợ may, mỗi người mở một cửa hiệu trên cùng một con đường. Mỗi người đều muốn thu hút nhiều khách hàng cho mình.

Người thợ may thứ nhất treo lên một tấm bảng hiệu lớn, trên đó viết: “Tôi là người thợ may giỏi nhất tỉnh”.

Khi người thợ may thứ hai nhìn thấy tấm biển, ông muốn chơi trội hơn nên làm một bảng hiệu lớn hơn, với dòng chữ “Tôi là người thợ may giỏi nhất nước”.

Người thợ may thứ ba nghĩ: Mình có nên nói rằng mình là thợ may giỏi nhất thế giới không nhỉ? Ông suy xét vấn đề này trong một thời gian rất dài, sau đó ông chỉ đưa ra một bảng hiệu rất nhỏ. Nhưng tấm biển nhỏ ấy đã thu hút tất cả khách hàng trên con đường ấy đến cửa hiệu của ông, làm cho hai cửa hiệu kia vắng teo.

Tấm bảng hiệu của người thợ may thứ ba đã viết gì? Trên đó chỉ viết: “Tôi là người thợ may giỏi nhất trên con đường này”.

Ông đã nhìn lại những điều đang ở trước mặt ông, bắt đầu từ cái thực tế và gần gũi nhất. Và đó là lý do tại sao ông được khách hàng chấp nhận.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. HÃY BIẾT CHÍNH MÌNH
  2. HÃY NHÌN VÀO TÂM

Bài viết khác của tác giả

  1. LÒNG DŨNG CẢM CHÂN CHÍNH LÀ GÌ?
  2. PHÁT TRIỂN MỘT NỘI TÂM MẠNH MẼ
  3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ TẦM NHÌN TRỞ NÊN RỘNG MỞ HƠN? 

Bài viết mới

  1. VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH
  2. THỰC HÀNH TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NHẬT
  3. CHINH PHỤC MỤC TIÊU