HÃY NHÌN VÀO TÂM

PADMASAMBHAVA

“Những khai thị từ Đức Liên Hoa Sanh về con đường Đại Toàn Thiện”.

N.X.B Thiện Tri Thức

⭐ GURU PADMASAMBHAVA ⭐

Sanh tử không biến mất khi con chết; con lại sẽ đi lang thang qua ba cõi; con không bao giờ vượt qua khổ đau dầu con có sanh ra chỗ nào trong sáu loại chúng sanh. Con có nghe rằng ông bà và tổ tiên con đã chết? Con có thấy rằng những người cỡ tuổi con và những người chung quanh đã chết? Làm sao con không nhớ được rằng cái chết sẽ đến với con?

Con có thể có quyền lực và giàu có trong đời này, nhưng chẳng có giá trị gì bởi vì con phải ra đi. Sung túc, xa hoa, con cháu, người hầu hạ, quyến thuộc có thể nhiều, nhưng tất cả không thể theo con qua cuộc đời tới. Con có thể được bao bọc bởi các đội quân của thế giới, nhưng chúng không thể đánh lui sanh, già, bệnh, chết.

Đủ rồi sự tranh đấu trong quá khứ với những hoạt động vô ích: bây giờ hãy hoàn thành công việc quan trọng! Đủ rồi sự nô lệ mệt mỏi và vô vọng dành cho người khác: giờ đây hãy hoàn thành lợi lạc cần thiết cho chính con! Đủ rồi với sự bị bắt giam trong sáu đối tượng giác quan: giờ đây hãy nhìn vào trạng thái tự nhiên của tâm!

Cuộc đời này tất cả chỉ là hình tướng vẻ ngoài: chớ đắm mình trong hy vọng và sợ hãi, mà tu hành theo ‘mọi sự là như huyễn!’. Để làm lợi lạc cho chúng sanh trong tương lai, con phải trau dồi quyết định của Bồ tát. Hai che ám phiền não chướng và sở tri chướng làm cho các phẩm tính tốt đẹp không hiển lộ, thế nên hãy nhanh chóng tịnh trừ chúng!

 

Nghe đây, hỡi Tsogyal họ Kharchen sùng tín!
Vì tâm con không có thực bản chất nào để chỉ bày,
Trong một trạng thái tự nhiên, không giả tạo, hiện diện xưa nay,
Hãy ở không phóng tưởng trong cõi giới của không – thiền định!
Hãy an trụ như thế, giải thoát bèn xảy ra tự nhiên!
Đây chính là trạng thái giác ngộ!

 

Hãy nghe đây, Vairochana, con người xứng đáng!
Mọi thứ xuất hiện và tồn tại, sanh tử và niết bàn, đều khởi từ tâm của chính con
Cái tâm không thể nắm bắt, thoát khỏi mọi trung tâm và biên bờ.
Trong trạng thái tự nhiên của sự bình thản bao la, vốn sẵn và không cần tạo ra,
Hãy an trụ không xao lãng vào sự Không cố gắng vĩ đại!
Tư tưởng nào con nghĩ ra, nó sanh khởi như là khoảng không của tánh Giác.
Bậc Giác ngộ là không gì khác hơn điều ấy.
Khi tỉnh giác tự thông tỏ được thành tựu trọn vẹn
Đó là cái được gán cho danh từ “Phật”!

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TÁM TỈNH GIÁC CỦA BẬC ĐẠI NHÂN
  2. TƯ TƯỞNG GIÁC NGỘ

Bài viết khác của tác giả

  1. CHỈ DẠY VỀ ĐẠT GIÁC NGỘ VÀO GIÂY PHÚT CHẾT
  2. NGƯỜI TA CẦN GIỮ TÂM TRONG SUỐT THIỀN ĐỊNH NHƯ THẾ NÀO
  3. GIÁO HUẤN CHỈ THẲNG CHO BÀ LÃO

Bài viết mới

  1. GIẢM THIỂU SỰ TÁC ĐỘNG CỦA BẢN NGÃ VÀ NHỮNG TỔN THƯƠNG
  2. LỢI ÍCH CỦA THIỀN ĐỊNH CHỮA LÀNH – PHẦN 1
  3. LỢI ÍCH CỦA THIỀN ĐỊNH CHỮA LÀNH – P2: NHỮNG LỢI ÍCH THỂ CHẤT