NGƯỜI TA CẦN GIỮ TÂM TRONG SUỐT THIỀN ĐỊNH NHƯ THẾ NÀO

PADMASAMBHAVA

Trích: Những Kho Tàng Từ Đỉnh Cây Tùng Xù; Dịch: Erik Pema Kunsang và Marcia Binder Schmidt; NXB Thiện Tri Thức

NAMO GURU,

Thân tướng của đại đạo sư danh hiệu Liên Hoa Sanh thì bất biến giống như mặt trời. Ngữ của ngài không dứt như một dòng suối, và tâm của ngài không ngăn ngại giống như bầu trời. Những phẩm tính của ngài vượt khỏi tăng và giảm như một dòng sông, và hoạt động của ngài không bị ngăn ngại như gió. Sự chứng ngộ của ngài bình đẳng với của chư Phật, và ngài dạy Pháp hợp với sáu loại chúng sanh.

Đức Bà Tsogyal, Công chúa của Kharchen, phục vụ hóa thân này, nổi tiếng như mặt trời trên lục địa Diêm phù đề. Khi ngài ngụ ở Đỉnh Cây Tùng Xù của Ngọc trai Pha lê, bà làm vui lòng ngài trong tư tưởng, lời nói và hành vi. Rồi bà thưa hỏi như sau: Đại sư, cái gì là sự mở đầu cho thực hành thiền định đối với một người sùng tín muốn thiền định?

Đạo sư trả lời: Sự mở đầu cho thực hành thiền định là gom góp những tích tập, nhận những giáo huấn truyền miệng, cắt những dây bám luyến, và dự trữ những cái cần thiết. Dọn dẹp chỗ ở, cần cao và kích cỡ thích hợp. Làm xong như vậy, hãy hình thành thái độ bi mẫn của bồ đề tâm và quyết tâm đặt tất cả chúng sanh trong giác ngộ. Trong chỗ con, hãy sắp xếp một đệm nhồi bông, vải, hay cái tương tự. Rút lui khỏi việc đại, tiểu tiện của thân. Hãy đẩy đờm từ yết hầu, mũi ra ngoài. Rồi ngồi khoanh chân. Hãy đặt hai bàn tay ngang, thân thẳng đứng, đầu không cong không ngẩng, mắt nhìn xuống hướng mũi, răng và lưỡi để bình thường. Tóm lại, tu hành thiền định khi con để cho ba cửa trong trạng thái tự nhiên của chúng.

Đức Bà hỏi đạo sư: Người ta cần giữ tâm suốt thiền định như thế nào?

Đạo sư trả lời: Khi thiền định, hãy để cho thân và tâm thư giãn. Bởi vì không có cái gì cả để được phân tích, dòng tâm nhị nguyên và những trạng thái sanh khởi từ nó được dừng dứt. Con không phải cố ý dừng chúng. Khi không giữ cũng không bỏ bất cứ cái gì, hãy buông thả mọi hoạt động tâm thức. Chớ nghĩ đến cái gì, chớ tưởng tượng cái gì. Bản tánh của con là tỉnh biết, y như nó là. Không tiến đến cái gì, hãy ở trong trạng thái tự nhiên của con.

Khi an trụ như vậy, người biết và cái được biết không được thấy là tách lìa, thế nên chớ nghĩ đối vật là ở kia hay người biết là ở đây. Chớ quan niệm có cái gì khác ngoài hai cái vốn không tách lìa này. Bởi vì con không đuổi theo một đối tượng ở kia cũng không cố gắng dừng đứng một tư tưởng ở đây, con có thể cho phép tự tâm thanh tịnh, sáng ngời và tỉnh thức, không cần trụ vào bất cứ cái gì.

Những khuyết điểm ngăn chặn cái này là kích động, buồn ngủ và những niềm tin cắm rễ sâu. Kích động nghĩa là hành vi của tâm chạy đến những đối tượng. Cách để chỉnh điều này là thư giãn thân tâm khi giữ sự chú ý tập trung. An định nó lập đi lập lại. Nếu con còn chạy theo những tư tưởng khác nhau, hãy hướng chú ý trở đi trở lại đến cái tâm nhảy nhót này.

Nếu con không thể làm điều đó và những tư tưởng – tiếp tục chạy đi, hãy thẩm xét chuyển động ra ngoài này, nó giống như một đám mây trong bầu trời – từ nơi nào nó đến, nơi nào nó đi, và nơi nào nó ở? Bằng cách khám phá như vậy, hãy cho phép những chuyển động tư tưởng khởi từ tâm tự lắng xuống lại. Vì những chuyển động tư tưởng này là trống không, không cần siết chặt hay cố ý ngăn ngừa chúng. Đó là giáo huấn làm tan biến kích động và chuyển động của những tư tưởng.

Buồn ngủ thì giống như ở trong một phòng tối hay đôi mắt nhắm lại. Để sửa điều này, hãy tự làm mới lại với những hoạt động như thực hành tâm linh, suy nghĩ … Làm mới lại nhờ samadhi, hãy quán tưởng mình là không gian, quán tưởng xương sống là một chồng các bánh xe, và tưởng tượng tâm con như bầu trời. Làm tươi mới lại nhờ giáo huấn, thiền định khi quan sát một đối tượng giác quan hay khi chỉ giữ những giác quan mở rộng. Đây là những giáo huấn trừ sạch buồn ngủ.

Nặng đục là khi tâm con trở nên mù mờ hay vắng mặt, như thể bị một hồn ma ảnh hưởng. Nếu điều này xảy ra, hãy để thực hành qua một bên và sau một lúc, trở lại thiền định. Đó là giáo huấn thoát khỏi mất chánh niệm.

Những niềm tin cắm rễ sâu có ba lỗi. Bởi vì tu hành pháp tánh được cho là tự làm quen bằng cách không tập chú và không trụ vào bất cứ cái gì, đây là một lỗi nếu con giữ một niềm tin cứng ngắc – hãy để mặc mọi khái niệm mâu thuẫn nhau, như nó thế này và không phải thế này, thường và đoạn, có và không, những đối trị để chấp nhận hay bác bỏ … Cũng là một lỗi khi chứa chấp, nuôi dưỡng một đốm nhỏ ý niệm hay niềm tin rằng “mọi sự là những hình tướng không thật!” hay “mọi sự là không thể quan niệm, thế nên tôi cần thiền định về không giữ chúng trong tâm!” Đó là giáo huấn trừ sạch những niềm tin khô cứng.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. CHỈ DẠY VỀ ĐẠT GIÁC NGỘ VÀO GIÂY PHÚT CHẾT
  2. GIÁO HUẤN CHỈ THẲNG CHO BÀ LÃO
  3. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM

Bài viết mới

  1. CHÚNG TA TRỞ NÊN NHƯ THẾ NÀO TÙY THUỘC VÀO SUY NGHĨ CỦA CHÍNH MÌNH
  2. HÃY RŨ BỎ QUÁ KHỨ CHÚ TÂM VÀO HIỆN TẠI
  3. TÂM BÌNH AN TRƯỚC NHỮNG KHÓ KHĂN KHÔNG THỂ TRÁNH