QUAN HỆ GIỮA CHÚ Ý VÀ Ý NGHĨ

JIDDU KRISHNAMURTI

Trích: Về Tâm Và Ý; Vũ Toàn dịch; NXB Đông Phương.

Hỏi: Quan hệ giữa chú ý và ý nghĩ như thế nào? Có khoảng cách nào giữa chú ý và ý nghĩ không?

Krishnamurti: Đây là một câu hỏi hữu ích vì nó ảnh hưởng đến chúng ta. Nghĩa là: Chú ý là gì, quan hệ giữa chú ý và ý nghĩ như thế nào, trong chú ý có tự do không? Chúng ta đã biết tập trung là gì, hầu hết chúng ta ngay từ nhỏ đã được huấn luyện để tập trung, và điều mà tập trung hàm ý là: Dồn hết nỗ lực vào một điểm nào đó rồi bám chặt lấy điểm đó. Một cậu bé ngồi trong lớp nhìn qua cửa sổ theo dõi một con sóc đang leo lên một thân cây ngoài vườn thì thầy giáo bảo: “Này, em không chú ý gì cả, hãy tập trung vào quyển sách. Lắng nghe những gì tôi nói,” điều này có nghĩa là tập trung còn quan trọng hơn cả chú ý. Nếu là ông thầy đó tôi sẽ giúp cậu bé quan sát con sóc một cách trọn vẹn, quan sát cử động của cái đuôi và những cái móng của con vật, tất cả mọi thứ. Nếu học được cách quan sát chăm chú như thế thì cậu bé sẽ chú ý vào quyển sách! Như vậy không có mâu thuẫn nào cả.

Chú ý là trạng thái của tâm trong đó hoàn toàn không có mâu thuẫn. Không hề có một thực thể, một tâm điểm hay một điểm nào lên tiếng: “Ta phải chú ý.” Chú ý là một trạng thái không hề có sự phung phí năng lực, còn trong tập trung tiến trình kiềm chế luôn luôn hoạt động: Tôi muốn tập trung vào một trang sách nhưng ý nghĩ cứ lang thang đây đó, thế là tôi lại phải lôi nó về, bằng một cuộc giằng co liên tục. Trong chú ý thì rất đơn giản, khi một ai đó bảo: “Tôi yêu em,” người đó thực tâm nói như thế, và bạn chú ý nghe. Bạn không hỏi lại: “Có phải anh yêu tôi vì thấy tôi đẹp, hay vì tôi có tiền, hay vì những lý do tình dục?” hoặc thế này thế khác. Vậy chú ý là một cái gì đó hoàn toàn khác với tập trung.

Người lúc nãy hỏi chú ý quan hệ như thế nào với ý nghĩ. Chẳng có quan hệ nào, rõ ràng là như thế. Tập trung thì có quan hệ với ý nghĩ vì ý nghĩ ra lệnh: “Ta phải học, ta phải tập trung để tự kiềm chế.” Ý nghĩ vạch ra hướng đi từ điểm này đến điểm khác, nhưng trong chú ý thì không chỗ cho ý nghĩ. Ta chỉ chú ý, thế thôi!

Có khoảng cách nào giữa chú ý và ý nghĩ không? Nếu thực sự biết rõ tất cả sự vận hành của ý nghĩ, thì bạn không hỏi câu này. Hiểu được ý nghĩ không phải là nghe người khác giải thích ý nghĩ là gì, mà thấy được ý nghĩ là gì, và biết nó hình thành như thế nào?

Ý nghĩ không thể hình thành trong tình trạng hoàn toàn mất trí. Chúng ta không ở trong trạng thái mất trí; chúng ta muốn biết ý nghĩ là gì, cũng như vai trò của ý nghĩ trong cuộc sống. Suy nghĩ phát sinh như một phản ứng đối với ký ức. Ký ức đối đáp lại một thách thức, một câu hỏi, một hành động hoặc liên tưởng đến một sự vật, một ý tưởng, một con người. Các bạn biết tất cả những chuyện đó trong đời. Thế thì có người hỏi: Ký ức là gì? Bạn vô ý dẫm lên một con côn trùng và bị nó cắn. Sự đau nhức từ vết cắn được ghi lại và lưu giữ trong bộ óc, đó là ký ức. Khi trở thành ký ức thì sự đau đớn không còn là sự đau đớn thực tế. Sự đau đớn qua đi những ký ức thì còn đó, như vậy lần sau bạn cẩn thận hơn. Khi bạn trải qua sự đau đớn, sự đau đớn trở thành kiến thức, kiến thức đó, kinh nghiệm đó, được lưu giữ thành ký ức, và ký ức đó phản ứng thành ý nghĩ. Vậy ký ức là ý nghĩ. Còn kiến thức, dù rộng lớn đến đâu, thâm sâu đến đâu, bao la đến đâu thì vẫn luôn luôn hữu hạn. Không bao giờ có kiến thức trọn vẹn.

Vậy ý nghĩ luôn luôn phiến diện, hữu hạn và phân chia, vì không tự đầy đủ trong chính nó nên ý nghĩ không bao giờ có thể trọn vẹn; nó có thể suy nghĩ về sự trọn vẹn, về cái toàn thể, về sự nguyên vẹn nhưng tự thân ý nghĩ không nguyên vẹn. Vì thế bất cứ cái gì được ý nghĩ tạo ra, dù là triết lý, hay tôn giáo đều phiến diện, hạn hẹp, manh múm vì kiến thức là một phần của vô minh. Kiến thức không bao giờ trọn vẹn, nên nó luôn luôn đi cùng với vô minh. Nếu ai hiểu rõ bản chất của ý nghĩ, và tập trung là gì thì biết ý nghĩ không thể nào chú ý, vì chú ý là dùng tất cả năng lực mà không có sự kiềm chế nào. Nếu bây giờ bạn đang chú ý thì chuyện gì xảy ra? Sẽ không có “bạn” chú ý. Không có cái tâm điểm nói rằng: “Ta phải chú ý.” Bạn chú ý vì đó là cuộc sống của bạn, sự quan tâm của bạn. Nếu bạn không quan tâm thì lại là một vấn đề khác. Nhưng nếu bạn nghiêm túc và chú ý, bạn sẽ nhận ra rằng tất cả mọi vấn đề của bạn đều biến mất – ít ra là trong chốc lát.

Vậy giải quyết vấn đề là chú ý. Đây không phải một mẹo vặt!

Có trên hai trăm năm mươi câu hỏi gửi cho tôi, nhưng hầu như không có câu nào liên quan đến những sự kiện về bản thân. Chẳng có ai hỏi: Tại sao tâm tôi lải nhải, lăng xăng như thế? Có bao giờ các bạn tự hỏi câu ấy không, vì sao các bạn lăng xăng, buông cái này bắt cái kia, không ngừng tìm kiếm trò giải trí. Tại sao tâm các bạn lải nhải? Các bạn sẽ làm gì với nó? Câu trả lời tức khắc sẽ là kiềm chế, và các bạn bảo: “Ta không được lải nhải nữa.” Điều này có nghĩa gì? Chính người kiềm chế đang lải nhải. Có một người kiềm chế bảo: “Ta không được lải nhải,” trong khi chính anh ta lại là một phần của sự lải nhải đó. Các bạn thấy được cái đẹp của điều này chứ? Các bạn sẽ làm gì đây?

Không biết các bạn có để ý rằng tâm, toàn thể cơ cấu của bộ óc, phải bận rộn với một cái gì đó – chuyện tình dục, vấn đề phải giải quyết, xem truyền hình, xem đá bóng, đi nhà thờ. Tại sao tâm phải bận rộn như thế? Nếu tâm không bận rộn, có phải bạn cảm thấy bất an, và sợ không có gì để suy nghĩ? Bạn cảm thấy trống trải, có phải thế không? Bạn cảm thấy lạc lõng, bạn bắt đầu nhận ra mình là gì, và có một nỗi cô đơn thăm thẳm bên trong. Để tránh nỗi cô đơn thăm thẳm với tất cả ray rứt của nó, tâm bắt đầu lải nhải và bận rộn với bất cứ gì ngoại trừ sự không bận rộn. Thế là sự bận rộn được tạo ra. Nếu ta không bận rộn với những chuyện bên ngoài như nấu ăn, rửa chén, lau nhà, vân vân, thì tâm bắt đầu lên tiếng: “Ta cô đơn quá, làm sao ta vượt qua nỗi cô đơn đây; hãy để ta nói về nỗi cô đơn, ta thật khốn khổ làm sao!” – thế là tâm lại bắt đầu lải nhải. Nhưng tại sao tâm lải nhải? Thử đặt câu hỏi. Tại sao tâm bạn luôn luôn lải nhải, không một lúc nào im lặng, không một lúc nào được hoàn toàn tự do, không bận rộn một chuyện gì?

Có phải sự bận rộn đó là kết quả của giáo dục, bản chất xã hội của cuộc sống? Đó chỉ là những cách bào chữa, rõ ràng là như thế. Hãy nhận ra tâm bạn đang lải nhải, nhìn thẳng vào nó, làm việc với nó và ở với nó. Nếu tâm tôi lải nhải, tôi sẽ quan sát nó. Tôi sẽ bảo, “Biết rồi, gã lải nhải” và tôi sẽ chú ý đến nó, có nghĩa là tôi không tìm cách không lải nhải nữa. Tôi không nói là tôi không được trấn áp sự lải nhải, mà tôi chỉ chú ý đến sự lải nhải. Nếu bạn làm như thế thì chuyện gì sẽ xảy ra? Lúc đó tâm bạn sẽ trong sáng, không còn tất cả những thứ này. Và có thể đây là trạng thái của một người lành mạnh bình thường.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CHỈ LẮNG NGHE, THẤY BIẾT
  2. PHẨM TÍNH RÕ BIẾT CỦA TÂM

Bài viết khác của tác giả

  1. GIÁO DỤC ĐÚNG ĐẮN – KRISHNAMURTI BÀN VỀ GIÁO DỤC
  2. TÂM THỨC HOÀN TOÀN TỰ DO, KHÔNG PHÂN MẢNH LÀ MỘT TRẠNG THÁI CÓ TRẬT TỰ
  3. CỐNG HIẾN ĐỜI MÌNH CHO CÔNG CUỘC GIÁO DỤC CHÂN CHÍNH

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ