PHẨM TÍNH RÕ BIẾT CỦA TÂM

KHENCHEN THRANGU RINPOCHE

Trích: Tính Giác Sống Động; Hoàng Lan dịch; NXB Thiện Tri Thức.

Như thầy đã nói trước đây, có một sự khác biệt giữa thiền định và thiền quán. Trong thiền định, có nhiều sự ổn định nhưng không có nhiều trí tuệ, trong thiền quán, chúng ta có trí tuệ. Nói chung, có ba loại trí tuệ: trí tuệ từ việc lắng nghe, từ việc tư duy và từ thiền định. Trí tuệ sinh ra từ lắng nghe, và suy nghĩ được hướng ra ngoài. Nó tùy thuộc vào suy luận, do đó nó là hiểu biết khái niệm hoặc ý nghĩa khái quát. Nó nghĩa là tính sáng của tâm biết: “Đó là đúng. – Là cái nó là.” Nhưng điều này có phải là trí tuệ hiện diện trong thiền quán không? Không. Trí tuệ trong thiền quán là trí huệ sinh ra từ thiền định. Điều khác biệt giữa điều này và trí tuệ sinh ra từ lắng nghe và tư duy là loại sau đi đến kết quả nhờ vào suy luận. Trong loại trí huệ sinh ra từ thiền định, không có nhiều tư tưởng của loại kia, nó là thật sự nhìn thấy và kinh nghiệm. Nó là kinh nghiệm trực tiếp tinh túy của tâm.

Khi kinh nghiệm tinh túy của mình, chúng ta có kinh nghiệm nó như là một loại đồ vật nào đó hay không? Chúng ta có kinh nghiệm nó như là tính Không hay không? Chúng ta không kinh nghiệm nó như là tính Không. Nó là trống không – một cái gì đó mà con không thể tạo lập, hoàn toàn không có gì cả – nhưng đồng thời, có tính sáng tỏ. Con có thể gọi đây là đặc tính của trí huệ. Nó không chỉ là không có gì trống rỗng, nó là sự hợp nhất của tính sáng và tính không. Đây là tính sáng, nhưng tinh túy của tính sáng này là trống không. Đây là điều mà chúng ta thật sự kinh nghiệm. Nếu nghĩ về nó, chúng ta sẽ nói: “Ồ! Đây là cái tâm là.” Đương nhiên, đó sẽ chỉ là một tư tưởng do tâm ta tạo ra, khi chúng ta thật sự kinh nghiệm nó, chúng không có tư tưởng này. Thay vào đó, chúng ta cảm nhận. Đây là trí huệ sinh ra từ thiền định, đến từ thấy biết trực tiếp bản tính của tâm như chúng ta trực tiếp nhìn thấy bản tính của tâm như nó là. Khi chúng ta trực tiếp nhìn thấy bản tánh của tâm, nó không chỉ là sự không là gì cả, sự trống rỗng hay tối tăm. Thay vào đó, chúng ta kinh nghiệm đồng thời trí tuệ này và cả an nghỉ trong kinh nghiệm ấy.

Chúng ta cảm thấy gì trong loại thiền định này? Những chỉ dẫn của Khenpo Gangshar nói:
Cùng lúc, không có tư tưởng: “Những dấu hiệu và âm thanh ở ngoài đó” Tất cả mọi thứ xuất hiện không ngừng dứt. Cũng không có tư tưởng “Người kinh nghiệm, sáu thức, là bên trong” Tính giác phi khái niệm và sáng tỏ là không ngừng dứt.

Trong khi đang an nghỉ trong thiền định, chúng ta không nghĩ về những đối tượng bên ngoài như là các hình tướng, âm thanh, mùi, vị hay xúc chạm ở ngoài đó. Có những tư tưởng thô không? Không. Nhưng điều này có nghĩa là mọi thứ đều hoạt diệt hết không? Khi nhận định, điều này có nghĩa là mắt chúng ta sẽ ngừng nhìn các vật, tai chúng ta sẽ ngừng nghe âm thanh, và mũi chúng ta sẽ ngừng ngửi mùi ư? Tại điểm này, mắt chúng ta vẫn thấy các hình dáng, tai chúng ta vẫn có thể nghe các âm thanh, và mũi chúng ta vẫn có thể ngửi các mùi, nhưng chúng ta không suy nghĩ xem chúng là cái gì. Tâm không dừng lại, có tính sáng. Những đối tượng được nhận thức bên ngoài không hoạt diệt, chúng tiếp tục xuất hiện.

Đối với chủ thể nhận thức bên trong, không có bất cứ tư tưởng nào rằng có một thức bên trong biết các đối tượng. Chúng ta không tưởng tượng ra sáu thức. Nhưng có phải sáu thức cùng dừng lại trong khi thiền định không? Liệu nhãn thức có ngừng nhìn hình dạng không? Liệu nhĩ thức có ngừng nghe âm thanh không? Liệu tâm có dừng hoàn toàn không? Chúng không. Có một thức nhìn thấy các hình dạng trực quan. Có một thức nghe thấy các âm thanh, có một thức ngửi các mùi, vv… Các thức ấy hiện diện. Thậm chí ngay như các thức ấy ngừng lại, vẫn có tính giác sáng tỏ và trần trụi. Có thể không có bất cứ tư tưởng nào, nhưng vẫn có người biết, hiểu và nhìn.

Cả sáu thức tiếp nhận bên trong và sáu đối tượng được nhận thức bên ngoài đều không ngừng dứt. Bất kể chúng ta xem xét cụ thể như thế nào, tâm không ngừng. Khi đang thấy bản tính của tâm, mọi thứ vẫn biểu hiện với chúng ta. Tính giác trần trụi, phi khái niệm này không ngừng dứt, và nó cũng đồng thời sáng tỏ. Đây là một tính sáng có hiểu biết: sáu thức biết các vật một cách sáng tỏ. Chúng không ngừng nghỉ: mắt không ngừng nhìn hình dạng, tai không ngừng nghe âm thanh, mũi không ngừng ngửi mùi hương, lưỡi không ngừng nếm và thân không ngừng xúc chạm, và ý thức không ngừng biết. Sự biết không ngừng nghỉ, và do đó, nó sáng tỏ. Nó sáng tỏ, nhưng không có những tư tưởng thô. Chúng ta không đang tự suy nghĩ: “Đó là cái nó là. Tôi thấy nó. Tôi nghe âm thanh ấy.” Đây là tính giác – tính giác trần trụi. Nó giống như là không có bức màn hay sự che phủ, chúng ta tiếp nhận trực tiếp mọi thứ như nó là, không ngừng nghỉ. Nó không trở thành không có gì. Để cho dễ hiểu, tôi thường nói rằng chúng ta hoàn toàn không trở thành những hòn đá không có tư tưởng hoặc tính giác. Theo cách này, sáu loại đối tượng bên ngoài và sáu thức biểu lộ không dừng dứt.

An trụ trong đây là tương đồng với chỉ dẫn trong “Lời Cầu nguyện Ngắn Dòng Truyền Thừa Đức Kim Cương Trì”. Trong đó nói rằng: “thực hành chính là không xao lãng, như đã được chỉ dạy.” Khi thiền định, điểm chính là không bị xao lãng. Như lời cầu nguyện nói:

Như những người, bất kể điều gì sinh khởi, chỉ an nghỉ một cách giản dị,
Không chỉnh sửa, chỉ trong tinh túy tươi mát của tư tưởng ấy,
Xin hãy ban phước cho chúng con với sự thực hành thoát khỏi khái niệm (vô niệm).

Vẫn có những thứ xuất hiện – mắt, tai và những thức khác tiếp tục diễn ra – nhưng bất cứ điều gì xuất hiện, chúng ta chỉ an nghỉ một cách giản dị trong nó, không thay đổi nó. Chúng ta không cần làm bất cứ điều gì cho tinh túy tươi mới của tư tưởng. Điểm quan trọng ở đây là không có sự đóng cứng hay bám nắm, đó là lý do tại sao chúng ta đòi hỏi rằng thực hành thiền định là thoát khỏi khái niệm (vô niệm). Nói chung, đoạn kệ này được giảng giải để dạy về thiền định (chỉ), nhưng thiền định mà nó dạy là hội nhập với trí huệ, do đó nó là giống như chỉ dẫn của Khenpo Gangshar.

Trong những chỉ dẫn ngắn hơn của Ngài, Khenpo Gangshar đã nói:
Một cách trực tiếp, bất cứ điều gì sinh khởi, đừng thay đổi nó – hãy an nghỉ một cách tự nhiên.

Cụm từ “một cách trực tiếp” đến từ kinh nghiệm phi thường của chính Khenpo Gangshar và có một lý do cho việc nói về nó. Những chỉ dẫn không nói rằng chúng ta phải cố gắng làm một cái gì đó cho bản tính của tâm sau khi chúng ta nhìn thấy nó – chúng ta không nên phân tích nó, và sau đó, chạy theo nó. Con có thể tự nghĩ: “Một tư tưởng đã xuất hiện.” Sau đó điều này dẫn tới một tư tưởng khác xuất hiện, sau đó, có thể một tư tưởng sân giận và sau đó, nhiều và nhiều tư tưởng khác. Đây chỉ là chạy theo chúng, và không có điểm kết thúc cho điều đó.
Điều chúng ta thật sự cần làm là nhìn thẳng vào những tư tưởng của chúng ta. Chúng ta nhìn thẳng vào tâm hiện diện và nuôi dưỡng nó một cách trực tiếp. Đây là trong mối liên hệ với cái cách nó thật sự là – trần trụi. Đây là lý do tại sao Ngài nói: “một cách trực tiếp.”

Bất cứ điều gì xuất hiện, hãy nhìn trực tiếp. Nếu một tư tưởng tốt sinh khởi, hãy nhìn trực tiếp vào nó, và nếu một tư tưởng xấu sinh khởi, hãy nhìn trực tiếp vào nó. Đừng chỉnh sửa nó. Con không cần nhìn vào nó và khởi lên tư tưởng này: “Đây là tính Không” và sau đó, dán nó vào kinh nghiệm của con. Con cũng không cần nói: “Đây là tính sáng tỏ, và sau đó cố gắng nhìn nó theo cách ấy. Thay vào đó, hãy nhìn vào tinh túy và thấy nó như nó là, đừng chỉnh sửa nó theo bất cứ cách nào. Hãy an nghỉ một cách tự nhiên bình an trong bản thân tinh túy không chỉnh sửa.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. HỒI HƯỚNG ĐỂ TRAU DỒI THÁI ĐỘ VỊ THA
  2. TƯ TƯỞNG ĐỒNG KHỞI
  3. KHUYẾT ĐIỂM TRONG THAM THIỀN KHÔNG ĐÚNG

Bài viết mới

  1. VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH
  2. THỰC HÀNH TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NHẬT
  3. CHINH PHỤC MỤC TIÊU