TƯ TƯỞNG ĐỒNG KHỞI

KHENCHEN THRANGU RINPOCHE

Trích: Những Điểm Thiết Yếu Của Đại Ấn Nhìn Thẳng Tâm; NXB Thiện Tri Thức

Những tư tưởng cũng đồng khởi. Có lúc tâm và những tư tưởng của nó có vẻ là những cái khác nhau và có lúc chúng có vẻ giống nhau. Chẳng hạn, trong bài ca Milarepa cho Bardarbum, ngài nói rằng tâm như một đại dương và những tư tưởng như những làn sóng trên đại dương này. Dù những làn sóng xuất hiện trong đại dương, và chúng ta thấy chúng, chúng không khác với bản thân đại dương.

Tương tự, những tư tưởng xuất hiện và được tri giác nhưng thật sự không khác với tâm.

Tuy nhiên trong một số trường hợp, những tư tưởng có vẻ là cái gì khác với tâm. Nói tâm, chúng ta muốn nói phương diện quang minh, và những tư tưởng là những sự thể khác nhau đến từ tâm, như vui, khổ, tham muốn, và sùng mộ. Những xuất hiện này được gọi là những tư tưởng lan man. Bản tánh của những tư tưởng này là tâm. Tuy nhiên, chúng được kinh nghiệm và thấy là cái gì thô.

Trong khẩn cầu dòng Kagyu, Jampal Zangpo nói, “Bản tánh của tư tưởng là pháp thân.” Có một số học giả nói nhận xét này không có ý nghĩa. Họ hỏi, làm sao những tư tưởng mê lầm và pháp thân thanh tịnh có thể là cùng một sự thể? Chúng có một điểm, vì nếu bạn nhìn vào tất cả những phương diện khác nhau bạn sẽ nói rằng trong một số phương diện, những tư tưởng không phải là pháp thân. Trên cấp độ quy ước, tâm và những tư tưởng có vẻ khác nhau. Nhưng trong bối cảnh kinh nghiệm tham thiền, bản tánh của tư tưởng là pháp giới, và pháp giới là pháp thân. Bởi thế, bản tánh của những tư tưởng là pháp thân. Từ quan điểm này, những tư tưởng là đồng khởi – không có khác biệt giữa những tư tưởng và tâm.

Một số người hiểu lầm lời dạy “tư tưởng là pháp thân” nghĩa là khi một tư tưởng sanh khởi, nó bình lặng hay tiêu tan, và rồi chúng ta ở lại với pháp thân. Những người khác hiểu lầm nó có nghĩa là nếu chúng ta chứng nghiệm tư tưởng là pháp thân, nó là pháp thân. Tuy nhiên, từ pháp thân tạo bằng dharma (pháp) nghĩa là “chân lý” và kaya (thân) có nghĩa là thân. Như vậy pháp thân ám chỉ tâm tối hậu của Phật. Hai cách hiểu lầm này phát sanh từ sự không hiểu rằng, từ sơ thủy, tư tưởng không gì khác hơn thực tại tối hậu của tâm toàn giác của Phật. Tư tưởng không trở thành pháp thân vào thời gian về sau, và nó không tùy thuộc vào việc chúng ta có biết hay không nó là pháp thân.

Pháp thứ nhất trong Bốn Pháp của Jampopa là, “Nguyện tâm là một với pháp”; thứ hai là, “Nguyện Pháp tiếp diễn con đường”; thứ ba là, “Nguyện con đường phá hủy mê lầm”; và thứ tư là, “Nguyện mê lầm mọc lên như trí huệ”. Pháp thứ tư ám chỉ những tư tưởng. Khi chúng ta nhìn vào bản tánh của những tư tưởng, chúng ta thấy sự hợp nhất của quang minh và tánh Không; theo cách ấy, những tư tưởng được thấy chính là bản tánh của trí huệ.

Để kinh nghiệm tư tưởng đồng khởi, chúng ta bắt đầu với cân bằng của tham thiền về tâm đồng khởi. Trong trạng thái ấy, chúng ta chú ý làm cho một tư tưởng đặc biệt sanh khởi – có thể một tư tưởng thích thú hay khó chịu. Chúng ta làm nó sanh ra rất sống động và sắc sảo và rồi nhìn thẳng vào một cách trần trụi. Quan trọng là nó không phải là một tư tưởng bình thường mà là một tư tưởng xuất hiện sống động và rõ ràng. Trong bối cảnh này, chúng ta nhìn tư tưởng là không hiện hữu thật đến độ khi nó sanh khởi, chúng ta không bám vào nó như là nó thật.

Cái gì là bản tánh của tư tưởng này sanh khởi trong tâm đồng khởi? Nó là một cái trống không, không thể nhận diện như cái này hay cái kia. Bản tánh của nó không thể xác định như cái này hay cái kia. Tư tưởng là sống động và rõ ràng, và sự trong sáng của nó không thể tách lìa với tánh Không của nó. Phương diện quang minh của tư tưởng và tánh Không là bản tánh của nó là không thể tách lìa. Khi tư tưởng này sanh khởi không bị ngăn ngại và thiền giả không bám luyến vào nó, đó là thiền chỉ. Khi thiền giả thấy rằng tư tưởng ấy không có tự tánh, đó là thiền quán. Để hoàn thành đầy đủ tham thiền, thiền chỉ và thiền quán phải hoàn toàn hòa nhập.

Khi những tư tưởng xuất hiện chúng vô tự tánh. Điều này được gọi là “sự hợp nhất của hiện tướng và tánh Không”. Chúng ta có thể nghiệm sự hợp nhất của hiện tướng và tánh Không hay không thì chẳng hề hấn gì đến bản tánh của tư tưởng. Tuy nhiên trong kinh nghiệm của một cá nhân, chắc chắn có một khác biệt giữa chứng nghiệm sự hợp nhất của hiện tướng và tánh Không và không chứng nghiệm nó. Nhưng tánh Không là bản tánh của sự vật dù chúng ta có chứng nghiệm nó hay không. Khi chúng ta hiểu cái này trong tham thiền, chúng ta chứng nghiệm tư tưởng đồng khởi.

Tại sao chúng ta cần chỉ ra tính đồng khởi của tư tưởng? Chúng ta thường nghĩ phải tham thiền với một trạng thái thư giản, bình an của tâm, và thật vậy, rất ích lợi khi làm như vậy. Nhưng đó không phải là cách độc nhất để tham thiền. Thật ra, cái nghịch lại cũng là tốt: cũng ích lợi khi tham thiền với nhiều tư tưởng. Như vậy có lời dạy về chỉ ra tính đồng khởi của tư tưởng.

Lại một lần nữa, chúng ta tham thiền trong Samadhi, hay chánh định, trong đó sự nhận biết bản tánh của tâm và tâm an định trong thiền chỉ được hợp nhất. Trong ấy, chúng ta tạo ra một tư tưởng như vui vẻ, đam mê hay gây hấn, những tư tưởng như vậy được diễn tả là thô bởi vì chúng có vẻ rất mạnh và sống động. Dù tư tưởng nào, chúng ta nhìn thẳng vào nó. Từ đâu tư tưởng này sanh khởi? Nó trụ ở đâu? Nó đi về đâu? Nó là cái gì? Khi chúng ta nhìn rõ ràng và chính xác, nghĩa của tâm đồng khởi và nghĩa của tư tưởng đồng khởi là như nhau. Chúng ta có khuynh hướng nhìn thấy tâm thô động và tâm bình an là khác nhau, nhưng thật ra, bản tánh của tâm thô động và bản tánh của tâm bình an là như nhau. Bản tánh của tâm không thay đổi khi trạng thái của nó thay đổi. Những trạng thái sống động này của tâm có vẻ là cái gì đó, nhưng thật ra chúng không bao giờ sanh. Ở điểm này sự chứng nghiệm không chỉ là một lý thuyết để suy diễn; đúng ra, nó được thấy một cách trực tiếp. Đây là tại sao chúng ta nói trong Cầu Nguyện Dòng Kagyu, “Bất cứ tư tưởng nào sanh khởi, bản tánh của chúng là pháp thân”, có nghĩa rằng bản tánh của tư tưởng là bản thân tâm, pháp thân.

Cũng có một ứng dụng rất thực tiễn cho sự chứng nghiệm tư tưởng đồng khởi này. Khi chúng ta kinh nghiệm vui sướng lớn lao và trở nên bị hấp dẫn bởi nó hay khi kinh nghiệm đau đớn mạnh mẽ và khốn khổ, chúng ta sanh ra những phiền não, tâm chúng ta trở nên rất nhiễu loạn. Vào những lúc như vậy lời dạy về tư tưởng đồng khởi có giá trị đặc biệt. Nếu chúng ta nhìn thẳng vào sự đau đớn và những phiền não, chúng sẽ bình lặng. Và nếu chúng ta nhìn thẳng vào những bám luyến mạnh mẽ, chúng sẽ giảm. Đây là mục tiêu đích thực của việc hiểu và có thể thực hành sự đồng khởi này của tư tưởng.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THIỀN QUÁN ĐẠI ẤN
  2. TÂM ĐỒNG KHỞI

Bài viết khác của tác giả

  1. HỒI HƯỚNG ĐỂ TRAU DỒI THÁI ĐỘ VỊ THA
  2. KHUYẾT ĐIỂM TRONG THAM THIỀN KHÔNG ĐÚNG
  3. NHỮNG PHẨM TÍNH CẦN CHO GIẢI THOÁT

Bài viết mới

  1. HÒA HỢP TỪ NHỮNG ĐỐI KHÁNG
  2. LỢI ÍCH CỦA TINH THẦN TU TẬP
  3. BẠN