HỒI HƯỚNG ĐỂ TRAU DỒI THÁI ĐỘ VỊ THA

KHENCHEN THRANGU RINPOCHE

Trích: Thrangu Rinpoche Bình Luận Về Kinh Vua Của Định;

HỌC TRÒ: một số học trò của tôi không nhất thiết phải là Phật tử, và họ nghĩ rằng ý tưởng tích tập công đức là rất lạ lùng. Họ hỏi tôi: “Tại sao những hành động cúng dường, đi nhiễu, và vân vân có thể tạo nên một cái gì đó?” Tôi không cảm thấy rằng mình đã giải đáp cho họ một cách ổn thoả. Họ cũng hỏi: “Thậm chí còn lạ lùng hơn nữa khi nghĩ rằng: sau khi đã làm những việc này, bạn có thể trao tặng công đức.” Mặc dù bản thân tôi cảm thấy đây là một câu hỏi buồn cười, nhưng tôi mong Ngài có thể giải thích chi tiết nó vận hành như thế nào và theo một cách mà tôi có thể giải thích cho các học trò của mình.

RINPOCHE: Đầu tiên, chúng ta không thể đổ lỗi cho những người khác vì đã không hiểu. Họ đã không học hoặc cố gắng để hiểu Nhân Quả hoặc những hành động tạo nghiệp, và do đó, không hiểu nguyên lý của việc tích tập và tạo lập công đức. Chúng ta cần bắt đầu với giải thích về sự chín muồi của các hành động tạo nghiệp, các loại Nhân Quả hay Nghiệp khác nhau. Hệ quả của những hành động tạo nghiệp chín muồi trong một đời, trong khi những hành động khác chỉ biểu lộ ở một đời sống tương lai.

Lấy ví dụ về Hoàng thử Charles, con trai của Nữ Hoàng Elizabeth. Tại sao ông ấy lại sinh ra làm con của bà ấy? Nó chỉ có thể khả thi thông qua nghiệp tốt của chính ông ấy. Không có ai ban chứng chỉ “Ông được phép là hoàng tử của nước Anh và ông không được phép sinh ra trong vị trí đó.” Không ai ra quyết định ấy. Nó là kết quả tự nhiên của sự tích tập nghiệp cá nhân của con người từ quá khứ. Ông ấy đã tích tập công đức một cách nào đó để trở thành hoàng tử của nước Anh trong khi những người khác thì không. Tương tự, khi chúng ta nhìn thấy trẻ em chết vì đói khát ở châu Phi, một câu hỏi nổi lên: “Tại sao chúng lại sinh ra ở châu Phi? Tại sao họ lại phải đau khổ theo cách này?” Đó là bởi vì họ đã tái sinh như là con người tại một thời điểm cụ thể và một nơi chốn cụ thể ở châu Phi. Có ai ép buộc họ phải sinh ra ở đấy không? Có ai nói rằng “Bây giờ, bạn phải tái sinh ở một nơi ở châu Phi nơi mà bạn sẽ đói khát cho tới chết?” Không, không ai ép buộc những chúng sinh đang sống tái sinh theo cách này. Sự thật rằng những người đã sinh trong những hoàn cảnh như vậy là bởi vì thiếu công đức. Từ quan điểm này, việc tích tập công đức là vô cùng quan trọng. Có công đức, một người có thể tái sinh làm hoàng tử nước Anh; thiếu công đức, người ta có thể tái sinh làm một đứa trẻ chết đói ở châu Phi. Hãy suy nghĩ về điều này và thấy rằng có một nhu cầu dứt khoát phải tạo ra công đức.

Hồi hướng hoặc chia sẻ công đức là một điều chúng ta cần phải tu tập vào phần hoàn tất của bất kỳ thực hành tâm linh nào. Chúng ta cần phải quán tưởng rằng bất kể điều tốt nào có thể sinh khởi từ thực hành của chúng ta, chúng ta chia sẻ hoặc phân phát tới tất cả chúng sinh khác vì hạnh phúc chung của tất cả mọi người. Điều này có tác dụng gì? Một số người có thể thêm nỗi sợ hãi hoặc hy vọng vào trong đó, có thể trông đợi rằng bằng cách hồi hướng công đức cho một người bạn bị bệnh, anh ấy hay cô cấy sẽ được chữa lành và hạnh phúc. Điều này không nhất thiết phải xảy ra bây giờ và kết quả sẽ ngay lập tức được chuyển sang cho người ấy để anh ấy hay cô ấy thoát khỏi nghiệp xấu của họ. Nhân Quả không trực tiếp và tức thời kết nối theo cách như vậy.

Chúng ta cần phải không bị mắc bẫy trong quá nhiều hy vọng và mong đợi. Mặt khác, một số người có thể lo sợ, “nếu tôi ước nguyện rằng công đức mà “tôi” đã tạo ra thông qua thực hành “của tôi” chín mùi trên những chúng sinh khác, nó sẽ bị lãng phí và bản thân tôi chẳng còn gì.” Chúng ta cần phải không trở nên dính mắc vào quá nhiều mong đợi hoặc quá nhiều sợ hãi. Thật không có gì để hy vọng hay sợ hãi, bởi vì mỗi người sẽ gặt hái chính xác những gì mà người ấy đã gieo.

Công đức được hồi hướng để trau dồi thái độ vị tha của chúng ta, để phát triển ý định thanh tịnh. Thay vì bám chặt một cách ích kỷ vào cái khung của tâm đang suy nghĩ “đây là công đức của tôi; tôi cần nó cho bản thân mình,” hãy ước nguyện “Mong cho bất cứ điều gì tốt mà tôi đã tạo ra đều vì hạnh phúc của tất cả mọi người,” không có bất kỳ điểm chú tâm nào (vô trụ). Đây là tu tập với một thái độ thanh tịnh. Phát triển thói quen và tu tập với động lực hồi hướng thanh tịnh như vậy sẽ đảm bảo rằng tới một lúc nào đó, chúng ta thật sự có thể làm lợi ích cho người khác, chúng ta sẽ làm vậy theo một cách rộng mở và bao la. Lợi ích dành cho người khác không nhất thiết phải biểu hiện ngay lúc hồi hướng những công đức này. Nhưng tác động của việc hồi hướng cuối cùng sẽ biểu lộ vì hạnh phúc của người khác. Do đó, vào lúc này, không có gì để sợ hãi hay hy vọng.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TƯ TƯỞNG ĐỒNG KHỞI
  2. KHUYẾT ĐIỂM TRONG THAM THIỀN KHÔNG ĐÚNG
  3. NHỮNG PHẨM TÍNH CẦN CHO GIẢI THOÁT

Bài viết mới

  1. SỬ DỤNG HIỆU QUẢ SIÊU NĂNG LỰC QUYỀN LỰC & TÁC ĐỘNG
  2. CÂU TRẢ LỜI ĐÃ CÓ SẮN TRONG CÂU HỎI – PHẬT GIÁO TRONG THẾ GIỚI TÂN TIẾN NGÀY NAY
  3. THẦY VÀ ĐỆ TỬ